Việc phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại ở nước ta vẫn còn chưa đáp ứng được yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mặc dù quy định của pháp luật đã ra đời từ rất sớm để điều chỉnh về nội dung này.
Ô nhiễm môi trường là thách thức lớn không chỉ đối với Việt Nam mà của toàn thế giới. Nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng này là do chất gây ô nhiễm từ các loại chất thải, đặc biệt là chất thải nguy hại phát sinh trong quá trình tiến hành các hoạt động phát triển của con người.
Mục lục bài viết
1. Khái quát về phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại:
Theo Chương trình môi trường Liên Hợp quốc (UNEP), chất thải nguy hại là những chất thải (không kể chất thải phóng xạ) có hoạt tính hóa học, có tính độc hại, cháy nổ, ăn mòn gây nguy hiểm hoặc có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe con người hay môi trường khi tồn tại riêng lẻ hoặc tiếp xúc với các chất thải khác.
Theo Luật Bảo vệ môi trường Việt Nam, chất thải nguy hại là chất thải chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, lây nhiễm, dễ cháy, dễ nổ, gây ăn mòn, gây ngộ độc hoặc có đặc tính nguy hại khác.(Khoản 13, Điều 3). Định nghĩa này được xây dựng theo hướng liệt kê những đặc tính gây nguy hại của chất thải nguy hại mà không đề cập đến đối tượng chịu tác động của những đặc tính đó.
Khái niệm về phân loại, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại không được quy định trong các văn bản pháp luật, cách định nghĩa sau đây mà tác giả cung cấp dựa trên cách giải thích về phân loại chất thải, vận chuyển chất thải, xử lý chất thải được quy định tại Nghị định 38/2015/NĐ-CP, cụ thể:
– Phân loại chất thải nguy hại là hoạt động phân tách chất thải nguy hại (đã được phân định) trên thực tế nhằm chia thành các loại hoặc nhóm chất thải nguy hại để có các quy trình quản lý khác nhau. (Khoản 10 Điều 3)
– Vận chuyển chất thải nguy hại là quá trình chuyên chở chất thải nguy hại từ nơi phát sinh đến nơi xử lý, có thể kèm theo hoạt động thu gom, lưu giữ (hay tập kết) tạm thời, trung chuyển chất thải nguy hại và sơ chế chất thải nguy hại tại điểm tập kết hoặc trạm trung chuyển. (Khoản 11 Điều 3)
– Xử lý chất thải nguy hại là quá trình sử dụng các giải pháp công nghệ, kỹ thuật (khác với sơ chế) để làm giảm, loại bỏ, cô lập, cách ly, thiêu đốt, tiêu hủy, chôn lấp chất thải nguy hại và các yếu tố có hại trong chất thải nguy hại. (Khoản 16 Điều 3).
2. Quy định về phân loại chất thải nguy hại:
Tìm hiểu quy đinh của pháp luật về phân loại chất thải nguy hại, tác giả tập trung vào các khía cạnh sau:
Thứ nhất, trách nhiệm phân loại chất thải nguy hại.
Chủ nguồn thải chất thải nguy hại phải tổ chức phân loại, thu gom, lưu giữ và xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường. (Khoản 1, Điều 91, Luật Bảo vệ môi trường). Việc trao trách nhiệm cho chủ nguồn chất thải là hoàn toàn hợp lý, họ là người trực tiếp làm phát sinh chất thải nguy hại, biết rõ các loại chất thải nguy hại để tiến hành nhanh chóng và hiệu quả.
Việc phân loại phải được chủ nguồn tiến hành bắt đầu vào thời điểm: (Khoản 2, Điều 6,
– Khi đưa vào khu vực lưu giữ chất thải nguy hại tại cơ sở phát sinh chất thải nguy hại;
– Khi chuyển giao chất thải nguy hại đi xử lý bên ngoài cơ sở mà không đưa vào khu vực lưu giữ chất thải nguy hại tại cơ sở phát sinh chất thải nguy hại.
Thời điểm phân loại chất nguy hại có ý nghĩa quan trọng, tránh gây ảnh hưởng trong việc trộn lẫn hoặc đề quá lâu mới tiến hành phân loại sẽ khó khăn hơn trong việc phân loại và xử lý.
Thứ hai, nguyên tắc phân loại chất thải nguy hại.
Các chất thải nguy hại phải được phân loại theo mã chất thải nguy hại để lưu giữ trong các bao bì hoặc thiết bị lưu chứa phù hợp. Được sử dụng chung bao bì hoặc thiết bị lưu chứa đối với các mã chất thải nguy hại có cùng tính chất, không có khả năng gây phản ứng, tương tác lẫn nhau và có khả năng xử lý bằng cùng một phương pháp. (Khoản 2, Điều 5 Nghị định 38/2015).
Việc phân loại theo mã chất thải nguy hại là cách thức quản lý cực kỳ hiệu quả, nhanh chóng, giúp cơ sở vận chuyển và xử lý cũng dễ dàng hơn trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ vận chuyển và xử lý. Việc phân loại còn phải đảm bảo được bao bì, thiết bị lưu chứa, đây là yếu tố quan trọng, tránh gây ra việc thất thoát hay phản ứng của chất thải với bao bì, ảnh hưởng tới môi trường, người phân loại, vận chuyển.
3. Quy định về vận chuyển chất thải nguy hại:
Vận chuyển chất thải nguy hại được quy định tại Điều 92 Luật Bảo vệ môi trường và được hướng dẫn chi tiết tại Điều 8 Nghị định 38/2015/NĐ-CP. Nội dung các quy định này được phản ánh dưới các vấn đề sau:
Thứ nhất, trách nhiệm vận chuyển chất thải nguy hại.
Việc thu gom, vận chuyển chất thải nguy hại chỉ được phép thực hiện bởi các tổ chức, cá nhân có Giấy phép xử lý chất thải nguy hại. (Khoản 1, Điều 8 Nghị định 38/2015/NĐ-CP). Như vậy, việc vận chuyển chất thải nguy hại được giới hạn và hạn chế về chủ thể, theo đó chỉ có tổ chức, cá nhân có Giấy phép xử lý chất thải nguy hại mới được thực hiện vận chuyển, đây cũng là các cá nhân, tổ chức đáp ứng các điều kiện luật định, nghiêm ngặt thì mới được vận chuyển, nhằm bảo đảm an toàn và tránh tình trạng vận chuyển bừa bải gây ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe con người.
Thứ hai, nguyên tắc vận chuyển chất thải nguy hại.
Chất thải nguy hại phải được vận chuyển bằng phương tiện, thiết bị chuyên dụng phù hợp và được ghi trong giấy phép xử lý chất thải nguy hại. (Khoản 1, Điều 92, Luật bảo vệ môi trường). Nguyên tắc này được hướng dẫn tại Thông tư 26/2015/TT-BTNMT, đây là quy định tương tự như quy định về phân loại phải có bao bì, thiết bị chứa phù hợp, hơn nữa, vận chuyển là quá trình đưa chất thải nguy hại từ địa điểm này đến địa điểm khác, đo đó, phương tiện vận chuyển là yêu cầu cực kỳ quan trọng. Một yếu cầu đặc biệt đối với phương tiện đó là phương tiện vận chuyển chất thải nguy hại phải có hệ thống định vị vệ tinh (GPS) được kết nối mạng thông tin trực tuyến để xác định vị trí và ghi lại hành trình vận chuyển chất thải nguy hại.
Vận chuyển chất thải nguy hại phải theo lộ trình tối ưu về tuyến đường, quãng đường, thời gian, bảo đảm an toàn giao thông và phòng ngừa, ứng phó sự cố, phù hợp với quy định của cơ quan có thẩm quyền về phân luồng giao thông. (Khoản 4, Điều 8 Nghị định 38/2015/NĐ-CP). Quy định này nhằm đảm bảo được tính ổn định và nắm bắt được thông tin nhằm có những ứng phó kịp thời, khắc phục những khó khăn và những tai nạn bất ngờ có thể xảy ra và đặt ra yêu cầu đối với các phương tiện giao thông khác trên cùng tuyến đường vận chuyển chất thải nguy hại.
4. Quy định về xử lý chất thải nguy hại:
Quy định về xử lý chất thải nguy hại được quy định trong cả Luật, Nghị định, Thông tư, bởi đây là hoạt động quan trọng nhất, nguy hiểm nhất, phức tạp nhất, khó khăn nhất, có khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng nhất tới môi trường và sức khỏe con người, do đó các quy định về xử lý chất thải nguy hại phải thực sự thực tế, chặt chẽ, nghiêm ngặt và hiệu quả.
Trong quy định về xử lý chất nguy hại, tác giả sẽ không phân tích rằng chất thải nguy hại được xử lý như thế nào? bởi đó là hoạt động chuyên môn và có kỹ thuật của cơ sở xử lý chất thải, vì vậy, nội dung chính của Mục 2.3. là quy định liên quan đến cơ sở xử lý chất thải nguy hại, đây là các cơ sở được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại khi đáp ứng các điều kiện luật định. Đó là các điều kiện về địa điểm xử lý, điều kiện về hệ thống, thiết bị xử lý ; các công trình bảo vệ môi trường; đội ngũ nhân sự;….Việc đặt ra các điều kiện này là hoàn toàn hợp lý, điều kiện càng chặt chẽ, thì cơ sở xử lý chất thải nguy hại càng an toàn và hoạt động hiệu quả. Nội dung về cơ sở xử lý chất thải nguy hại được quy định tại Điều 93 Luật Bảo vệ môi trường; Điều 9, Nghị định 38/2015/NĐ-CP; Điều 17 Thông tư 36/2015/TT-BTNMT.
Như vậy, nhìn chung, quy định về phân loại, vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại đã được ra đời sớm và ngày càng được sửa đổi, bổ sung để phù hợp hơn với thực tế, đến nay các quy định vẫn là cơ sở pháp lý quan trọng để điều chỉnh hành vi của các chủ thể trong xã hội liên quan đến chất thải nguy hại. Điều quan trọng là việc kiểm soát và quản lý trên thực tế sẽ là thách thức mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ phải đối mặt trước những hành vi vi phạm pháp luật đối với chất thải nguy hại.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
–
– Nghị định 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu.
– Thông tư 36/2015/TT-BTNMT về quản lý chất thải nguy hại do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.