Cảnh sát biển là lực lượng duy trì và bảo vệ an ninh biển. Hiện nay phạm vi hoạt động của cảnh sát biển cũng được mở rộng so với quy định cũ. Để biết thêm về các quy định về phạm vi hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam hãy theo dõi ngay dưới đây nhé.
Mục lục bài viết
1. Quy định về phạm vi hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam:
Căn cứ theo quy định tại Điều 11. Phạm vi hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam Luật cảnh sát biển Việt Nam 2018 quy định cụ thể như sau:
1. Cảnh sát biển Việt Nam hoạt động trong vùng biển Việt Nam để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này.
2. Trong trường hợp vì mục đích nhân đạo, hòa bình, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, Cảnh sát biển Việt Nam được hoạt động ngoài vùng biển Việt Nam; khi hoạt động phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thoả thuận quốc tế có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam.
Như vậy căn cứ theo quy định này ta cũng thấy rằng tại Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018 là văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất về Lực lượng Cảnh sát biển và có vị trí, ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển, trưởng thành của Lực lượng. Cùng với các quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn,… Luật Cảnh sát biển Việt Nam đã quy định rõ phạm vi hoạt động của Cảnh sát biển. Qua đó tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho tổ chức và hoạt động của Lực lượng, trực tiếp góp phần nâng cao vị thế, sức mạnh của Cảnh sát biển Việt Nam và tăng cường hiệu quả quản lý, bảo vệ biển trong tình hình mới.
Trước đó, ngay từ khi thành lập Lực lượng Cảnh sát biển, Pháp lệnh Cảnh sát biển Việt Nam năm 1998 đã quy định: Cảnh sát biển hoạt động từ lãnh hải trở ra. Tuy nhiên, qua một thời gian thực hiện, quy định này có nhiều bất cập và không phù hợp thực tiễn. Vì vậy, đến năm 2008, Pháp lệnh Cảnh sát biển Việt Nam năm 1998 được sửa đổi bổ sung, đã quy định về phạm vi hoạt động của Cảnh sát biển tại Điều 3, như sau: “Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam hoạt động trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Như vậy, so với Pháp lệnh năm 2008 thì phạm vi hoạt động của Lực lượng Cảnh sát biển quy định tại Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018 có một điểm mới là: tại khoản 2 Điều 11 quy định về trường hợp hoạt động “ngoài vùng biển Việt Nam”. Việc bổ sung quy định về phạm vi hoạt động: “Cảnh sát biển Việt Nam được hoạt động ngoài vùng biển Việt Nam” được hiểu là Cảnh sát biển Việt Nam được hoạt động ở cả các địa bàn liên quan và vùng biển ngoài vùng biển Việt Nam (đất liền, vùng biển quốc tế, vùng biển nước ngoài) trong trường hợp vì mục đích nhân đạo, hòa bình, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật. Đây là một tư duy mới, thể hiện sự chủ động của Việt Nam trong ứng phó với các vấn đề toàn cầu, thể hiện trách nhiệm của quốc gia có biển trong bảo đảm an ninh hàng hải; góp phần xây dựng vùng biển an toàn, hòa bình, hữu nghị.
Việc quy định mở rộng phạm vi hoạt động của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam ra “ngoài vùng biển Việt Nam” đến cả các địa bàn liên quan và vùng biển ngoài vùng biển Việt Nam (đất liền, vùng biển quốc tế, vùng biển nước ngoài) xuất phát từ tình hình thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ của Lực lượng Cảnh sát biển, cụ thể là:
Thực tế hiện nay, vùng nội thủy nước ta có nhiều lực lượng cùng tuần tra, kiểm soát, bảo đảm an ninh, trật tự, song ngoài vùng nội thủy như vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa là địa bàn rộng, rất quan trọng, cần phải có lực lượng đủ mạnh được trang bị hiện đại thì mới đáp ứng được yêu cầu tuần tra, kiểm soát, giữ gìn an ninh trật tự, bảo đảm an toàn; phối hợp bảo vệ chủ quyền biển đảo và thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, vì mục đích nhân đạo, hòa bình, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật có yếu tố xuyên quốc gia. Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, Cảnh sát biển là lực lượng được trang bị nhiều tàu thuyền hiện đại, có lượng giãn nước lớn, có khả năng hoạt động dài ngày trên những vùng biển xa và đang tiếp tục được đầu tư xây dựng tiến thẳng lên hiện đại. Chính vì vậy Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam có đủ điều kiện để thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ ở những khu vực ngoài vùng biển Việt Nam.
2. Biện pháp công tác của Cảnh sát biển Việt Nam:
Căn cứ theo quy định tại Điều 12. Biện pháp công tác của Cảnh sát biển Việt Nam Luật cảnh sát biển Việt Nam 2018 quy định cụ thể như sau:
1. Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện các biện pháp vận động quần chúng, pháp luật, ngoại giao, kinh tế, khoa học – kỹ thuật, nghiệp vụ, vũ trang để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn trên biển theo quy định của pháp luật.
2. Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam quyết định việc sử dụng các biện pháp công tác theo quy định tại khoản 1 Điều này, chịu trách nhiệm trước pháp luật và cấp trên về quyết định của mình.
Biện pháp công tác Cảnh sát biển là cách thức tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Lực lượng. Thực tiễn nhu cầu tăng cường sử dụng Lực lượng Cảnh sát biển trong quản lý bảo vệ vùng biển cũng như yêu cầu nội tại xây dựng, phát triển Lực lượng đã đặt ra yêu cầu cấp thiết phải xây dựng, áp dụng biện pháp công tác trong tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Cảnh sát biển.
Biện pháp công tác Cảnh sát biển được xác định, áp dụng trên cơ sở nhiệm vụ chính trị; chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được pháp luật quy định và yêu cầu công tác quản lý bảo vệ vùng biển của Lực lượng Cảnh sát biển. Qua hơn 20 năm hoạt động, thực tiễn đã chứng minh biện pháp công tác Cảnh sát biển có tính riêng, đặc thù và được Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện có hiệu quả trong bảo vệ chủ quyền, giữ vững an ninh, trật tự, an toàn trên biển.
Tuy nhiên, trước khi có Luật Cảnh sát biển Việt Nam, biện pháp công tác Cảnh sát biển nói riêng, những vấn đề lý luận về Lực lượng Cảnh sat biển nói chung chưa được đầu tư nghiên cứu, xây dựng đúng mức; chưa được pháp luật ghi nhận, quy định hoặc quy định chưa đầy đủ.
Việc quy định cụ thể, rõ ràng biện pháp công tác Cảnh sát biển trong Luật Cảnh sát biển Việt Nam là một điểm mới so với Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Điểm mới này không chỉ góp phần khắc phục được bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành trước đó mà còn là cơ sở pháp lý vững chắc để Cảnh sát biển Việt Nam tiến hành thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; thể hiện đúng vị trí, vai trò là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật trên biển.
Tính chất đặc thù của nhiệm vụ Cảnh sát biển là thường xuyên và trực tiếp phải đối mặt với những diễn biến phức tạp trên mặt trận đấu tranh chống các hoạt động xâm phạm chủ quyền, tội phạm, vi phạm trên biển, trước những đối tượng khôn ngoan, liều lĩnh, trong điều kiện môi trường
Để đáp ứng yêu cầu xây dựng Lực lượng Cảnh sát biển hiện đại, có tính chuyên nghiệp cao, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đang tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực công tác. Trước yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn, các cơ quan, đơn vị coi trọng huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật, rèn luyện cho bộ đội năng lực tư duy sáng tạo, quyết đoán, khả năng thích ứng nhanh, xử trí linh hoạt các tình huống trên biển. Tập trung huấn luyện khai thác, làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, hiện đại; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào huấn luyện, diễn tập, đào tạo và hội thao, hội thi. Tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ, xây dựng tác phong công tác khoa học cho đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ tàu, cán bộ chuyên ngành quan hệ quốc tế, nghiệp vụ pháp luật. Để đáp ứng yêu cầu lâu dài, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển chủ động chuẩn bị về nguồn lực, cơ sở vật chất, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng nâng cấp Trung tâm Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ Cảnh sát biển thành trường đào tạo các chuyên ngành Cảnh sát biển, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, sự phát triển của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.