Xét xử trực tiếp, bằng lời nói và liên tục trong tố tụng hình sự là gì? Những vấn đề liên quan đến xét xử trực tiếp, bằng lời nói và liên tục trong tố tụng hình sự? Đảm bảo nguyên tắc xét xử trực tiếp, bằng lời nói và liên tục trong tố tụng hình sự?
Theo quy định của
1. Xét xử trực tiếp, bằng lời nói và liên tục trong tố tụng hình sự là gì?
Xét xử trực tiếp, bằng lời nói và xét xử liên tục là các nguyên tắc quan trọng của việc tiến hành phiên toà. Các nguyên tắc này bảo đảm cho việc xét xử chính xác, khách quan; bảo đảm cho Hội đồng xét xử ra bản án, quyết định trên cơ sở điều tra chính thức và tranh luận công khai tại phiên toà.
Xét xử trực tiếp, bằng lời nói và liên tục được quy định tại Điều 250 Bộ Luật tố tụng hình sự 2015
“1. Việc xét xử được tiến hành bằng lời nói.
Hội đồng xét xử phải trực tiếp xác định những tình tiết của vụ án bằng cách hỏi, nghe ý kiến của bị cáo, bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ, người làm chứng, người giám định, người khác tham gia phiên tòa được Tòa án triệu tập; xem xét, kiểm tra tài liệu, chứng cứ đã thu thập; công bố biên bản, tài liệu và tiến hành hoạt động tố tụng khác để kiểm tra chứng cứ; nghe ý kiến của Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự.
2. Việc xét xử được tiến hành liên tục, trừ thời gian nghỉ và thời gian tạm ngừng phiên tòa.”
2. Những vấn đề liên quan đến xét xử trực tiếp, bằng lời nói và liên tục trong tố tụng hình sự?
– Việc xét xử trực tiếp:
Khi xét xử, Tòa án phải trực tiếp xác định những tình tiết của vụ án, kiểm tra, xem xét một cách đầy đủ, khách quan mọi chứng cứ, cả chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án và chứng cứ, tài liệu mới được trình ra trước phiên tòa. Bản án của Tòa án chỉ căn cứ vào những chứng cứ đã được thẩm tra tại phiên tòa. Chứng cứ chưa được xem xét tại phiên tòa thì không được dùng làm căn cứ để ra bản án.
Xét xử trực tiếp là việc trực tiếp xem xét những chứng cứ của vụ án, chứ không chỉ là căn cứ vào hồ sơ. Điều này nhằm kiểm tra tính chân thực của những tài liệu do cơ quan điều tra, Viện kiểm sát thu thập trong quá trình điều tra truy tố, góp phần phát hiện những vi phạm trong hoạt động điều tra truy tố của các cơ quan tiến hành tố tụng, đảm bảo tình chân thực và khách quan trong quá trình giải quyết vụ án.
– Xét xử bằng cách hỏi trực tiếp:
Việc xét xử phải được tiến hành bằng cách hỏi và nghe ý kiến của bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp của họ, người làm chứng, người giám định, xem xét vật chứng tài liệu, xem xét tại chỗ nếu cần thiết và nghe ý kiến của Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự khi tranh luận.
– Xét xử phải được tiến hành liên tục:
Việc xét xử phải được tiến hành liên tục từ khi bắt đầu phiên tòa đến khi tuyên án, trừ thời gian nghỉ (nghỉ qua đêm, ngày chủ nhật, ngày lễ, nghỉ vì lý do khách quan khác…). Thời gian nghị án cũng là thời gian Tòa án làm việc. Khi chưa kết thúc phiên tòa đã được bắt đầu thì Thẩm phán, Hội thẩm, Kiểm sát viên không được tiến hành tố tụng đối với vụ án khác.
3. Đảm bảo nguyên tắc xét xử trực tiếp, bằng lời nói và liên tục trong tố tụng hình sự?
3.1. Xét xử vắng mặt
– Xét xử vắng mặt bị cáo:
Sự có mặt của bị cáo tại phiên tòa là bắt buộc trong các phiên xét xử, Điều 290 Bộ Luật tố tụng hình sự 2015 quy định như sau:
“1. Bị cáo phải có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án trong suốt thời gian xét xử vụ án; nếu vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì bị áp giải; nếu bị cáo vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì phải hoãn phiên tòa.
Nếu bị cáo bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh hiểm nghèo thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án cho đến khi bị cáo khỏi bệnh.
Nếu bị cáo trốn thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án và yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị cáo.”
Như vậy, việc xét xử chỉ được đảm bảo khi có mặt của bị cáo, nếu vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì bị áp giải; nếu bị cáo vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì phải hoãn phiên tòa.
Phiên tòa vẫn phải tiếp tục tiến hành xét xử để đảm bảo tiến trình xét xử, Tòa án chỉ có thể xét xử vắng mặt bị cáo trong các trường hợp:
+ Bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả;
+ Bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa;
+ Bị cáo đề nghị xét xử vắng mặt và được Hội đồng xét xử chấp nhận;
+ Nếu sự vắng mặt của bị cáo không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và sự vắng mặt của bị cáo không gây trở ngại cho việc xét xử.
– Xét xử vắng mặt người bào chữa
Người bào chữa phải có mặt tại phiên tòa để bào chữa cho người mà mình đã nhận bào chữa theo Khoản 1 Điều 350 Bộ Luật Tố tụng hình sự 2015.
Trường hợp người bào chữa vắng mặt lần thứ nhất vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì Tòa án phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp bị cáo đồng ý xét xử vắng mặt người bào chữa.
Nếu người bào chữa vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan hoặc được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì Tòa án vẫn mở phiên tòa xét xử.
Theo đó, nếu người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng cáo, kháng nghị được triệu tập đến phiên tòa thì phải có mặt tại phiên tòa. Nếu có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử giải quyết:
+ Trường hợp người bào chữa vắng mặt lần thứ nhất vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp bị cáo đồng ý xét xử vắng mặt người bào chữa. Trường hợp người bào chữa vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan hoặc được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử.
Trường hợp phải chỉ định người bào chữa theo quy định tại khoản 1 Điều 76 của Bộ luật này mà người bào chữa vắng mặt thì phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo đồng ý xét xử vắng mặt người bào chữa;
Vì vậy, để xét xử chính xác, khách quan vụ án, Bộ luật tố tụng hình sự quy định sự có mặt của những người tham gia tố tụng tại phiên toà. Toà án chỉ có thể xét xử vắng mặt ng-ời tham gia tố tụng trong những trường hợp pháp luật quy định và việc vắng mặt đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án, không trở ngại cho việc xét xử.
3.2. Đảm bảo việc xét xử liên tục
-Sự có mặt của thành viên Hội đồng xét xử và Thư ký Tòa án
Phiên tòa chỉ được tiến hành khi có đủ thành viên Hội đồng xét xử và Thư ký Tòa án. Các thành viên Hội đồng xét xử phải xét xử vụ án từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc.
Khoản 2 Điều 288 Bộ Luật tố tụng hình sự quy định: “Trường hợp có Thẩm phán, Hội thẩm không tiếp tục tham gia xét xử vụ án nhưng có Thẩm phán, Hội thẩm dự khuyết tham gia phiên tòa từ đầu thì những người này được thay thế làm thành viên Hội đồng xét xử. Trường hợp Hội đồng xét xử có hai Thẩm phán mà Thẩm phán chủ tọa phiên tòa không tiếp tục tham gia xét xử được thì Thẩm phán là thành viên Hội đồng xét xử làm chủ toạ phiên tòa và Thẩm phán dự khuyết được bổ sung làm thành viên Hội đồng xét xử.
3. Trường hợp không có Thẩm phán, Hội thẩm dự khuyết để thay thế hoặc phải thay đổi chủ tọa phiên tòa mà không có Thẩm phán để thay thế theo quy định tại khoản 2 Điều này thì phải hoãn phiên tòa.”
Theo quy định trên, phiên tòa chỉ được tiến hành khi có đủ thành viên Hội đồng xét xử và Thư ký Tòa án, nêu có Thẩm phán, Hội thẩm không tiếp tục tham gia xét xử vụ án nhưng có Thẩm phán, Hội thẩm dự khuyết tham gia phiên tòa từ đầu thì những người này được thay thế làm thành viên Hội đồng xét xử.Trường hợp Thư ký Tòa án bị thay đổi hoặc không thể tiếp tục tham gia phiên tòa thì Tòa án vẫn có thể xét xử vụ án nếu có Thư ký Tòa án dự khuyết; nếu không có người thay thế thì tạm ngừng phiên tòa. Điều này nhằm đảm bảo quá trình xét xử có sự có mặt của thành viên Hội đồng xét xử và Thư ký Tòa án.
– Sự có mặt của Kiểm sát viên
Theo Khoản 1 Điều 289: “Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp phải có mặt để thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa; nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì phải hoãn phiên tòa. Đối với vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp thì có thể có nhiều Kiểm sát viên. Trường hợp Kiểm sát viên không thể có mặt tại phiên tòa thì Kiểm sát viên dự khuyết có mặt tại phiên tòa từ đầu được thay thế để thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa.”
Theo đó Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp phải có mặt để thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa; nếu Kiểm sát viên vắng mặt thì phải hoãn phiên tòa. Sự có mặt của kiểm sát viên đảm bảo phiên tòa được thực hiện một cách liên tục.
Như vậy, để bảo đảm việc xét xử liên tục, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân phải có mặt tại phiên toà suốt thời gian xét xử. Vì vậy, đối với những vụ án phải xét xử nhiều ngày Toà án thường cử Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân dự khuyết để có thể thay thế Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân không thể tham gia xét xử được, tránh việc hoãn phiên toà, bảo đảm xét xử liên tục.