Cá nhân, tổ chưc để có thể trở thành đại lý bảo hiểm phải đảm bảo những điều kiện mà pháp luật đã quy định, đồng thời trong quá trình hoạt động cũng tuân thủ nguyên tắc nhất định. Vậy, pháp luật quy định thế nào về nguyên tắc hoạt động đại lý bảo hiểm?
Mục lục bài viết
1. Quy định về nguyên tắc hoạt động đại lý bảo hiểm:
Tại Điều 127 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 nguyên tắc hoạt động của đại lý bảo hiểm được quy định như sau:
– Cá nhân có thể trở thành đại lý trong doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm nhưng phải đảm bảo yếu tố là không được đồng thời làm đại lý bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài khác hoạt động trong cùng loại hình bảo hiểm với doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài mà cá nhân đó đang làm đại lý;
Cá nhân đang làm đại lý bảo hiểm cho một tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô không được đồng thời làm đại lý bảo hiểm cho tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô khác.
– Tổ chức có thể được làm đại lý bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô khác nếu có văn bản chấp thuận của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô mà tổ chức đó đang làm đại lý;
– Cá nhân, tổ cức sau khi trở thành đại lý bảo hiểm thì trong suốt quá trình hoạt động chỉ được thực hiện một số công việc nhất định liên quan đến những sản phẩm bảo hiểm đã được đào tạo
– Để quản lý các thông tin của cá nhân hoạt động đại lý bảo hiểm và nhân viên trong tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm thì phải tiến hành việc đăng ký và cập nhật tại cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm quy định tại Điều 11 của Luật này.
2. Điều kiện hoạt động của đại lý bảo hiểm:
Theo Điều 124 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 thì đại lý bảo hiểm là tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm trên thực tế. Cá nhân, tổ chức này để có được tư cách là đại lý bảo hiểm thì phải được doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô ủy quyền. Hoạt động ủy quyền được thực hiện thông qua hợp đồng đại lý bảo hiểm được kết giữa các bên. Theo đó, không phải bất kỳ cá nhân nào cũng có thể trở thành đại lý bảo hiểm. Cá nhân hay tổ chức cần đảm bảo những điều kiện nhất định dưới đây thì mới phát sinh quyền và nghĩa vụ của bên đại lý bảo hiểm.
2.1. Điều kiện hoạt động đại lý bảo hiểm đối với cá nhân:
Theo Điều 125 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 cá nhân hoạt động đại lý bảo hiểm phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
+ Người này phải là công dân có quốc tịch Việt Nam, đang thường trú tại Việt Nam;
+ Đảm bảo điều kiện về năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
+ Ngoài ra, phải trải qua kỳ thi do doanh nghiệp hay chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm tổ chức và được cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm phù hợp theo quy định tại Điều 130 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022.
2.2. Đối với tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm:
Về điều kiện đối với tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm được Nghị định số 46/2023/NĐ-CP quy định tại Điều 62. Theo đó, tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm phải đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 125 Luật Kinh doanh bảo hiểm và các điều kiện sau:
– Đối với tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm là tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài thì phải đảm bảo yếu tố:
+ Bắt buộc thành lập bộ phận chuyên trách để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm;
+ Cá nhân giữ vị trí là người đứng đầu bộ phận chuyên trách khi thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm phải có tối thiểu 03 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và có bằng tốt nghiệp từ đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm.
Trong trường hợp không có đạt điều kiện là tốt nghiệp từ đại học trở lên về chuyên ngành bảo hiểm thì bắt buộc có bằng tốt nghiệp từ đại học trở lên về chuyên ngành khác và chứng chỉ bảo hiểm theo quy định của Bộ Tài chính;
+ Tại mỗi chi nhánh của tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm thì nhân viên bảo hiểm phải có tối thiểu 3 nhân viên được đào tạo và có chứng chỉ đại lý bảo hiểm phù hợp với loại hình bảo hiểm mà tổ chức tín dụng làm đại lý;
+ Những thông tin liên quan đến đến hợp đồng bảo hiểm khai thác qua tổ chức đại lý phải được cập nhật thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời thông qua hệ thống công nghệ thông tin phù hợp;
+ Để quản lý tốt được hoạt động đại lý bảo hiểm của các nhân viên trong tổ chức đại lý thì cần xây dựng quy trình giám sát và kiểm soát chất lượng. Quy trình giám sát và kiểm soát chất lượng phải đảm bảo các nhân viên trong tổ chức đại lý trực tiếp thực hiện hoạt động đại lý tuân thủ đúng các nguyên tắc hoạt động đại lý, các nội dung được ủy quyền tại hợp đồng đại lý và quy định của pháp luật có liên quan; việc xử lý vi phạm đối với các nhân viên trong tổ chức hoạt động đại lý khi trực tiếp thực hiện hoạt động đại lý;
+ Trong quá trình hoạt động thì tại mỗi chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thiết lập một quầy giao dịch riêng (hoặc bàn giao dịch riêng) để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm, tách biệt với khu vực giao dịch, hoạt động nghiệp vụ khác của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
– Đối với các tổ chức khác hoạt động đại lý bảo hiểm:
+ Yêu cầu đầu tiên cần đảm bảo là tổ chức phải có tối thiểu 3 nhân viên trực tiếp thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm;
+ Có quy trình giám sát việc tuân thủ nguyên tắc hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm đối với các nhân viên trong tổ chức thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm.
– Trong suốt quá trình hoạt động thì tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm phải nghiêm túc duy trì và tuân thủ các điều kiện hoạt động đại lý bảo hiểm trong suốt quá trình hoạt động.
Trường hợp không đáp ứng một trong các điều kiện thì tổ chức đó không được tự ý thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm cho đến khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định và phải thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô. Các hoạt động này được thực hiện trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày không đáp ứng đủ điều kiện hoạt động đại lý bảo hiểm. Nếu trong 6 tháng sau kể từ ngày thông báo mà tổ chức đó vẫn không đáp ứng đủ điều kiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định thì doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô phải chấm dứt hợp đồng đại lý bảo hiểm.
3. Vai trò của đại lý bảo hiểm:
Sự tồn tại của đại lý bảo hiểm có một vai trò quan trọng trong mô hình kinh doanh bảo hiểm. Đây được coi là cầu nối quan trọng và trực tiếp tìm kiếm được khách hàng, tạo mối liên hệ giữa một doanh nghiệp bảo hiểm với khách hàng tiềm năng. Cụ thể:
– Thứ nhất, Đối với doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm:
Cá nhân, tổ chức sau khi đã trở thành đại lý bảo hiểm đều giữ vai trò là một lực lượng bán hàng trọng yếu của doanh nghiệp bảo hiểm, trực tiếp đem về doanh thu nhất định cho doanh nghiệp hay chi nhánh bảo hiểm;
+ Cá nhân này là người trực tiếp tiếp xúc khách hàng và tiếp nhận các thông tin phản hồi về sản phẩm bảo hiểm từ phía khách hàng;
+ Nguồn khách hàng được đại lý tìm kiếm khách hàng có nhu cầu sử dụng gói bảo hiểm. Và có nhiệm vụ giới thiệu hoặc chào bán gói sản phẩm của doanh nghiệp bảo hiểm với khách hàng;
+ Đại lý bảo hiểm trong thời gian hoạt động được trao quyền phát triển hệ thống đại lý tạo ra nhiều nguồn thu hơn;
– Thứ hai, Đối với khách hàng tham gia bảo hiểm:
+ Vì sự gần gũi thân thiết cảu đại lý bảo hiểm nên khách hàng cảm thấy tin tưởng, dễ dàng trong việc ký kết hợp đồng bảo hiểm với công ty bảo hiểm;
+ Đại lý bảo hiểm có thể tận tình đến từng nhà, từng doanh nghiệp để hỗ trợ khách hàng nếu khách có nhu cầu
+ Chi phí, thời gian đi lại để thực hiệ tham gia bảo hiểm cũng sẽ được tiết kiệm bởi hoạt động đại lý vô cùng nhiệt tình;
+ Hỗ trợ, đồng hành cùng với người tham gia trong việc đảm bảo quyền lợi bảo hiểm khi rủi ro xảy ra.
– Thứ ba, Vai trò của Đại lý bảo hiểm với xã hội:
Đại lý bảo hiểm giữ vị trí là người cung cấp dịch vụ cho xã hội, mang đến sự đảm bảo cho mỗi cá nhân, tổ chức và gia đình và sự yên tâm cho những người có trách nhiệm trong gia đình. Điều này cũng gián tiếp góp phần đảm bảo an toàn cho xã hội.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022;
– Nghị định số 46/2023/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm.