Quy định về người yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm. Trong hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất gồm có giấy tờ gì?
Quy định về người yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm. Trong hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất gồm có giấy tờ gì?
Tóm tắt câu hỏi:
Kính gửi Luật sư: Theo Nghị định 83/2010/NĐ-CP ngày 23/7/2010 Về việc đăng ký giao dịch bảo đảm. Có nội dung: “Người yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm là bên bảo đảm hoặc bên nhận bảo đảm.
Tại chương II Điều 28 phần Hồ sơ đăng ký GDBĐ gồm các giấy tờ, trong đó có Bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý của người yêu cầu đăng ký.
Tại chương II Điều 19 có nội dung: Kết quả đăng ký GDBĐ được trả cho người yêu cầu đăng ký.
Như vậy cho tôi hỏi: Trong hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm là Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, gồm những giấy tờ: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất có công chứng, Đơn yêu cầu đăng ký thế chấp, chứng minh thư phô tô của người đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.Trường hợp này người yêu cầu đăng ký thế chấp là ai? Cán bộ ngân hàng đứng ra là người yêu cầu đăng ký thế chấp và ký giao nhận hồ sơ với văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất là đúng hay sai?? Mong sớm nhận được tư vấn từ quý luật sư. Tôi xin cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
2. Giải quyết vấn đề:
Bộ luật Dân sự 2005 quy định về đăng kí giao dịch bảo đảm
“Điều 318. Biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự
1. Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự bao gồm:
a) Cầm cố tài sản;
b) Thế chấp tài sản;
c) Đặt cọc;
d) Ký cược;
đ) Ký quỹ;
e) Bảo lãnh;
g) Tín chấp.
2. Trong trường hợp các bên có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định về biện pháp bảo đảm thì người có nghĩa vụ phải thực hiện biện pháp bảo đảm đó.”
“Điều 323. Đăng ký giao dịch bảo đảm
1. Giao dịch bảo đảm là giao dịch dân sự do các bên thoả thuận hoặc pháp luật quy định về việc thực hiện biện pháp bảo đảm được quy định tại khoản 1 Điều 318 của Bộ luật này.
2. Việc đăng ký giao dịch bảo đảm được thực hiện theo quy định của pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm. Việc đăng ký là điều kiện để giao dịch bảo đảm có hiệu lực chỉ trong trường hợp pháp luật có quy định.
3. Trường hợp giao dịch bảo đảm được đăng ký theo quy định của pháp luật thì giao dịch bảo đảm đó có giá trị pháp lý đối với người thứ ba, kể từ thời điểm đăng ký.”
Nghị định 83/2010/NĐ-CP về đăng ký giao dịch bảo đảm quy định trình tự, thủ tục đăng ký và cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng tài sản.
“Điều 5. Người yêu cầu đăng ký, nghĩa vụ và trách nhiệm của người yêu cầu đăng ký
1. Người yêu cầu đăng ký là bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm hoặc Tổ trưởng tổ quản lý, thanh lý tài sản của bên nhận bảo đảm là doanh nghiệp, hợp tác xã bị lâm vào tình trạng phá sản hoặc người được một trong các chủ thể này ủy quyền. Trong trường hợp thay đổi bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm, thì bên bảo đảm mới, bên nhận bảo đảm mới cũng có thể là người yêu cầu đăng ký thay đổi đó.”
Như bạn trình bày, hồ sơ thủ tục đăng kí giao dịch bảo đảm bao gồm “Bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý của người yêu cầu đăng ký” và trong hồ sơ đăng kí giao dịch bảo đảm có chứng minh thư phô tô của người đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên bạn thắc mắc ai là người có quyền yêu cầu đăng kí trong trương hợp này, và việc cán bộ ngân hàng đứng ra yêu cầu đăng ký thế chấp và ký giao nhận hồ sơ với văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất là đúng hay sai? Tuy nhiên Điều 28 về hồ sơ thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của Nghị định 83/2010/NĐ–CP đã được sửa đổi bởi Nghị định 05/2012/NĐ-CP đó là bỏ cụm từ: “bản sao có chứng thực giấy chứng minh tư cách pháp lý của người yêu cầu đăng ký” . Do vậy trong hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm không cần loại giấy tờ này. Và trường hợp của bạn,người yêu cầu đăng ký có thể là bên bảo đảm tức là người có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hoặc là bên nhận bảo đảm tức là ngân hàng. Viêc cán bộ ngân hàng đứng ra yêu cầu đăng kí giao dịch bảo đảm và ký giao nhận hồ sơ với văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất là hoàn toàn được.
“Điều 28. Hồ sơ, thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất
1. Hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất gồm có:
a) Đơn yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm;
b) Hợp đồng bảo đảm hoặc hợp đồng bảo đảm có công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật;
c) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc các Giấy chứng nhận đã cấp qua các thời kỳ;
d) Trường hợp người yêu cầu đăng ký là người được ủy quyền thì phải có Văn bản ủy quyền.
2. Trong thời hạn giải quyết hồ sơ, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thực hiện các việc sau:
a) Ghi nội dung đăng ký giao dịch bảo đảm vào Giấy chứng nhận quy định tại điểm c khoản 1 Điều này; vào Sổ Địa chính, Sổ theo dõi biến động đất đai theo quy định của pháp luật;
b) Chứng nhận việc đăng ký vào Đơn yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm;
c) Trả kết quả cho người yêu cầu đăng ký theo quy định tại Điều 19 của Nghị định này.”
Nghị định 05/2012/NĐ-CP sửa đổi Nghị định về đăng ký giao dịch bảo đảm, trợ giúp pháp lý, luật sư, tư vấn pháp luật
3. Sửa đổi, bổ sung một số cụm từ sau đây:
c) Bỏ cụm từ “bản sao có chứng thực giấy chứng minh tư cách pháp lý của người yêu cầu đăng ký” tại điểm c khoản 1 Điều 20, điểm c khoản 1 Điều 21, điểm c khoản 1 Điều 22, điểm d khoản 1 Điều 23, điểm c khoản 1 Điều 24, điểm d khoản 1 Điều 25, điểm c khoản 1 Điều 26, điểm d khoản 1 Điều 27, điểm d khoản 1 Điều 28, điểm d khoản 1 Điều 29, điểm c khoản 1 Điều 30 và điểm d khoản 1 Điều 31”.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật đăng ký giao dịch bảo đảm: 1900.6568
“Điều 19. Trả kết quả đăng ký giao dịch bảo đảm
Kết quả đăng ký giao dịch bảo đảm được cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm trả cho người yêu cầu đăng ký theo một trong các phương thức sau:
1. Trực tiếp tại cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm;
2. Gửi qua đường bưu điện;
3. Phương thức khác do cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm và người yêu cầu đăng ký thỏa thuận.”