Học phí là gì? Quy định về trường đại học, cao đẳng? Mức thu học phí của các trường đại học, cao đẳng?
Trước khi một cá nhân đưa ra quyết định nên theo học ngành gì và theo học ngành đó ở trường nào thì chắc hẳn họ cũng phải suy xét xem những trường học mà mình có ý định theo học có mức thu học phí như thế nào để suy xét xem mức học phí đó có phù hợp với hoàn cảnh gia đình mình hay không. Vậy quy định của pháp luật về mức thu học phí tại các trường đại học, cao đẳng như thế nào?
Căn cứ pháp lý:
– Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý và chính sách giảm học phí
Luật sư
Mục lục bài viết
1. Học phí là gì?
Tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý và chính sách giảm học phí quy định:
“Giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo là số tiền người sử dụng dịch vụ phải trả cho từng dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp, bao gồm: học phí (theo các cấp học và trình độ đào tạo) và giá các dịch vụ khác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo (giá dịch vụ tuyển sinh; giá dịch vụ kiểm định chất lượng giáo dục; giá cấp phát các loại phôi văn bằng, chứng chỉ; giá dịch vụ hỗ trợ đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực thông qua việc nghiên cứu xây dựng chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch về đào tạo nhân lực theo nhu cầu xã hội; giá dịch vụ điều tra, phân tích và dự báo nhu cầu nhân lực thông qua việc kết nối cơ sở đào tạo với đơn vị sử dụng lao động nhằm khai thác các nguồn lực cho hoạt động đào tạo phát triển nguồn nhân lực; giá dịch vụ bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; giá dịch vụ tư vấn cho các tổ chức, cá nhân xây dựng kế hoạch, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, tham gia bồi dưỡng phát triển các kỹ năng cần thiết cho người học; giá các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo)”.
Theo quy định trên, học phí là một khoản tiền mà người tham gia học phải trả cho những cơ sở giáo dục, cơ sở đào tạo mà mình tham gia.
Khoản 2 Điều 3 Nghị định này quy định rõ:
“Học phí là khoản tiền mà người học phải nộp để chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo. Mức học phí được xác định theo lộ trình bảo đảm chi phí dịch vụ giáo dục, đào tạo quy định tại Nghị định này”.
Mức học phí sẽ được xác định theo lộ trình theo pháp luật quy định.
2. Quy định về trường đại học, cao đẳng:
Hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm có giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Giáo dục mầm non gồm có giáo dục nhà trẻ và giáo dục mẫu giáo. Giáo dục phổ thông gồm có giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở và giáo dục trung học phổ thông. Giáo dục nghề nghiệp gồm có đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo trình độ trung cấp, đào tạo trình độ cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác. Giáo dục đại học gồm có đào tạo trình độ đại học, đào trình độ thạc sĩ và đào tạo trình độ tiến sĩ.
Khoản 12 Điều 5 Luật Giáo dục 2019 quy định:
“Cơ sở giáo dục là tổ chức thực hiện hoạt động giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân gồm nhà trường và cơ sở giáo dục khác”.
Như vậy, trường cao đẳng và trường đại học là một loại hình cơ sở giáo dục của Việt Nam thuộc giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.
Trường cao đẳng thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp bao gồm có cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập và cơ sở giáo dục nghề nghiệp dân lập, tư thục. Trong đó, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập bao gồm có:
– Cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên
– Cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập do nhà nước bảo đảm chi thường xuyên
– Cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên
– Cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư.
Cơ sở giáo dục nghề nghiệp dân lập chính là các trường do những tổ chức xã hội – nghề nghiệp tự đầu tư và thành lập ngoài ngân sách của nhà nước, còn đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục là do một nhóm người hay một cá nhân nào đó tự thành lập ra.
Trường đại học thuộc cơ sở giáo dục đại học Việt Nam. Cơ sở giáo dục đại học bao gồm có cơ sở giáo dục đại học công lập và cơ sở giáo dục đại học dân lập, tư thục. Cơ sở giáo dục đại học công lập bao gồm có:
– Cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên
– Cơ sở giáo dục đại học công lập do nhà nước bảo đảm chi thường xuyên
– Cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư
– Cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên
Cơ sở giáo dục đại học dân lập chính là các trường đại học do những tổ chức xã hội – nghề nghiệp tự đầu tư và thành lập ngoài ngân sách của nhà nước, còn đối với cở sở giáo dục đại học tư thục là do một nhóm người hay một cá nhân nào đó tự thành lập ra.
3. Mức thu học phí của các trường đại học, cao đẳng:
3.1. Mức thu học phí của các trường đại học:
Theo nguyên tắc xác định học phí đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập thì:
– Đối với cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và cơ sở giáo dục đại học công lập do nhà nước bảo đảm chi thường xuyên thì mức học phí không được vượt mức trần mà pháp luật quy định. Mức trần học phí trong trường hợp này được pháp luật quy định trong năm 2022-2023 như sau:
+ Đối với khối ngành I: Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên: mức trần là 1.250.000 đồng/sinh viên/tháng
+ Đối với Khối ngành II: Nghệ thuật: mức trần là 1.200.000 đồng/sinh viên/tháng
+ Đối với Khối ngành III: Kinh doanh và quản lý, pháp luật: mức trần là 1.250.000 đồng/sinh viên/tháng
+ Đối với Khối ngành IV: Khoa học sự sống, khoa học tự nhiên: mức trần là 1.350.000 đồng/sinh viên/tháng
+ Đối với Khối ngành V: Toán và thống kê, máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, kỹ thuật, sản xuất và chế biến, kiến trúc và xây dựng, nông lâm nghiệp và thủy sản, thú y: mức trần là 1.450.000 đồng/sinh viên/tháng
+ Đối với Khối ngành VI.1: Các khối ngành sức khỏe khác: mức trần là 1.850.000 đồng/sinh viên/tháng
+ Đối với Khối ngành VI.2: Y dược: mức trần là 2.450.000 đồng/sinh viên/tháng
+ Đối với Khối ngành VII: Nhân văn, khoa học xã hội và hành vi, báo chí và thông tin, dịch vụ xã hội, du lịch, khách sạn, thể dục thể thao, dịch vụ vận tải, môi trường và bảo vệ môi trường: mức trần là 1.200.000 đồng/sinh viên/tháng.
– Đối với những cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên thì mức học phí từng ngành sẽ được xác định dựa theo hệ số điều chỉnh so với mức trần học phí mà nhà nước quy định đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên. Cụ thể, đối với những cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư thì mức học phí sẽ được xác định tối đa bằng 2,5 lần mức trần học phí trên. Còn đối với những cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên thì mức học phí sẽ được xác định tối đa bằng 2 lần mức trần học phí trên.
– Ngoài ra, các cơ sở giáo dục đại học công lập nếu có chương trình đào tạo mà đạt mức kiểm định chất lượng theo quy định của pháp luật thì cơ sở giáo dục đại học đó được tự xác định mức thu học phí của chương trình đào tạo đó dựa trên cơ sở định mức kinh tế – kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền ban hành và các cơ sở giáo dục đại học này phải công khai giải trình với người tham gia học tại cơ sở mình và với xã hội.
– Đối với các cơ sở giáo dục đại học dân lập và tư thục thì họ được quyền chủ động tự xây dựng mức thu học phí và mức giá các dịch vụ khác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Các cơ sở giáo dục này phải có trách nhiệm công khai, giải trình với những người tham gia học tại cơ sở của mình và với xã hội về mức thu học phí, giá các dịch vụ do tự mình quyết định.
3.2. Mức thu học phí của các trường cao đẳng:
Theo nguyên tắc xác định học phí đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thì:
– Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (trường cao đẳng) công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập do nhà nước bảo đảm chi thường xuyên thì mức học phí không được phép vượt mức trần học phí mà pháp luật quy định. Mức trần học phí trong trường hợp này được pháp luật quy định trong năm 2022-2023 như sau:
+ Nhóm ngành nghề khoa học xã hội nhân văn, nghệ thuật, giáo dục và đào tao, báo chí, thông tin và kinh doanh: mức trần là 1.248.000 đồng/sinh viên/tháng
+ Nhóm ngành Khoa học, pháp luật và toán: mức trần là 1.326.000 đồng/sinh viên/tháng
+ Nhóm ngành nghề Kỹ thuật và công nghệ thông tin: mức trần là 1.870.000 đồng/sinh viên/tháng
+ Nhóm ngành nghề Sản xuất, chế biến và xây dựng: mức trần là 1.794.000 đồng/sinh viên/tháng
+ Nhóm ngành nghề Nông, lâm, ngư nghiệp và thú y: mức trần là 1.287.000 đồng/sinh viên/tháng
+ Nhóm ngành nghề Sức khỏe: mức trần là 2.184.000 đồng/sinh viên/tháng
+ Nhóm ngành nghề Dịch vụ, du lịch và môi trường: mức trần là 1.560.000 đồng/sinh viên/tháng
+ Nhóm ngành nghề An ninh, quốc phòng: mức trần là 1.716.000 đồng/sinh viên/tháng
– Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên thì mức thu học phí của từng ngành sẽ dựa theo hệ số điều chỉnh so với mức trần học phí được quy định đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa tự bảo đảm chi thường xuyên. Cụ thể, mức học phí tối đa không được vượt quá 2 lần so với mức trần học phí nêu trên.
– Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư thì mức thu học phí sẽ được các cơ sở này tự xác định.
– Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp dân lập và tư thục thì họ được quyền chủ động tự xây dựng mức thu học phí và mức giá các dịch vụ khác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Các cơ sở giáo dục này phải có trách nhiệm công khai, giải trình với những người tham gia học tại cơ sở của mình và với xã hội về mức thu học phí, giá các dịch vụ do tự mình quyết định.