Trước khi tiến hành thực hiện tái định cư thì sẽ phải lập, thẩm định, thực hiện dự án tái định cư. Vậy quy định về lập, thẩm định, thực hiện dự án tái định cư được pháp luật quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Quy định về lập, thẩm định, thực hiện dự án tái định cư:
Điều 85 Luật Đất đai 2013 quy định về lập và thực hiện dự án tái định cư, cụ thể như sau:
– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tổ chức lập và thực hiện dự án tái định cư trước khi tiến hành thu hồi đất;
– Khu tái định cư tập trung phải xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, bảo đảm được tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán của từng vùng, miền;
– Việc thu hồi đất ở chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành xây dựng nhà ở hoặc cơ sở hạ tầng của khu tái định cư.
Quy định chi tiết về vấn đề lập, thực hiện dự án tái định cư được quy định tại Điều 26
– Dự án tái định cư được lập và phê duyệt độc lập với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhưng sẽ phải bảo đảm có đất ở, nhà ở tái định cư trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi đất.
– Việc lập dự án tái định cư, lựa chọn chủ đầu tư thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về phát triển và quản lý nhà ở tái định cư và phải bảo đảm được các quy định về lập, thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và việc quyết định thu hồi đất, phê duyệt và tổ chức thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
– Khu tái định cư được lập cho một hoặc nhiều dự án; nhà ở, đất ở trong khu tái định cư được bố trí theo nhiều cấp nhà, theo nhiều mức diện tích khác nhau phù hợp với các mức bồi thường và khả năng chi trả của những người được tái định cư.
– Đối với dự án khu tái định cư tập trung có phân kỳ xây dựng theo những dự án thành phần thì tiến độ thu hồi đất và hoàn thành xây dựng nhà ở hoặc các cơ sở hạ tầng của khu tái định cư được thực hiện theo tiến độ của mỗi dự án thành phần nhưng những công trình cơ sở hạ tầng của từng dự án thành phần trong khu tái định cư sẽ phải bảo đảm được kết nối theo đúng quy hoạch chi tiết đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
– Việc bảo đảm kinh phí để thực hiện dự án tái định cư được quy định như sau:
+ Kinh phí thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được tính vào kinh phí thực hiện dự án đầu tư;
+ Bộ, ngành có trách nhiệm bảo đảm kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với những dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội; chấp thuận, quyết định đầu tư của chính Thủ tướng Chính phủ nhưng do Bộ, ngành thực hiện và các dự án do Bộ, ngành làm chủ đầu tư;
+ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm bảo đảm kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với những dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh;
+ Trường hợp chủ đầu tư tự nguyện ứng trước tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì phải có trách nhiệm bảo đảm kinh phí thực hiện các dự án không thuộc trường hợp nêu trên.
2. Những trường hợp được và không được tái định cư khi nhà nước thu hồi đất:
2.1. Những trường hợp được tái định cư:
Theo quy định tại Điều 79 Luật Đất đai 2013, Điều 6 Nghị định 47/2014/NĐ-CP, thì có 04 trường hợp sau được ở nhà ở tái định cư như sau:
– Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhưng vẫn đang sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam khi Nhà nước thu hồi đất ở mà đất đó có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đủ các điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo luật đất đai quy định thì được bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở tái định cư khi đáp ứng đủ 02 điều kiện:
+ Bị thu hồi hết đất ở hoặc phần diện tích đất ở còn lại sau thu hồi không đủ điều kiện để ở theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
+ Hộ gia đình, cá nhân không còn đất ở, nhà ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất ở thu hồi.
– Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở, người Việt Nam định cư ở nước ngoài vẫn đang sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam khi Nhà nước thu hồi đất ở mà đất có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận theo luật đất đai quy định mà trong hộ có nhiều thế hệ, nhiều cặp vợ chồng đang cùng chung sống trên một thửa đất ở thu hồi nếu như đủ điều kiện để tách thành từng hộ gia đình riêng theo những quy định của pháp luật về cư trú hoặc là có nhiều hộ gia đình có chung quyền sử dụng một thửa đất ở thu hồi thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ căn cứ vào quỹ đất ở, nhà ở tái định cư và tình thực tế tại địa phương để quyết định mức đất ở, nhà ở tái định cư cho từng hộ gia đình.
– Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ở nằm trong hành lang an toàn khi xây dựng các công trình công cộng có hành lang bảo vệ an toàn phải di chuyển chỗ ở mà không có một chỗ ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi mà có đất trong hành lang an toàn thì cũng sẽ được bố trí tái định cư; được bồi thường chi phí di chuyển, và được hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất.
– Hộ gia đình, cá nhân trong khu vực bị ô nhiễm môi trường có nguy cơ đe dọa đến tính mạng của con người; đất ở có nguy cơ sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai khác đe dọa đến tính mạng của con người bị thu hồi đất mà không còn đất ở, nhà ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi mà có đất thu hồi thì được bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở.
2.2. Những trường hợp không được tái định cư:
Những trường hợp không được tái định cư bao gồm những trường hợp sau:
– Đất bị thi hồi không phải là đất phi nông nghiệp là đất ở;
– Đất được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất;
– Đất được Nhà nước giao cho tổ chức thuộc trường hợp có thu tiền sử dụng đất nhưng được miễn tiền sử dụng đất;
– Đất được Nhà nước cho thuê trả tiền thuê đất hàng năm; đất thuê trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê nhưng theo pháp luật được miễn tiền thuê đất;
– Đất được Nhà nước giao để quản lý;
– Đất thu hồi trong trường hợp có vi phạm pháp luật về đất đai và chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất;
– Trường hợp không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
3. Bố trí tái định cư cho người có đất ở thu hồi mà phải di chuyển chỗ ở:
Bố trí tái định cư cho người có đất ở thu hồi mà phải di chuyển chỗ ở được quy định như sau:
– Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh/thành phố, Ủy ban nhân dân cấp quận/huyện giao trách nhiệm bố trí tái định cư phải thông báo cho người có đất ở thu hồi mà thuộc đối tượng phải di chuyển chỗ ở về dự kiến phương án bố trí tái định cư và phải niêm yết công khai ít nhất là 15 ngày tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của cả khu dân cư nơi có đất thu hồi và tại nơi tái định cư trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện phê duyệt phương án bố trí tái định cư. Nội dung thông báo bao gồm địa điểm, quy mô quỹ đất, quỹ nhà tái định cư, thiết kế, diện tích của từng lô đất, căn hộ, giá đất, giá nhà tái định cư; dự kiến bố trí tái định cư cho người có đất thu hồi.
– Người có đất thu hồi được bố trí tái định cư tại chỗ nếu tại khu vực thu hồi đất có dự án tái định cư hoặc là có điều kiện bố trí tái định cư. Ưu tiên vị trí thuận lợi cho những người có đất thu hồi sớm bàn giao mặt bằng, người có đất thu hồi là người có công với cách mạng.
– Giá đất cụ thể tính thu tiền sử dụng đất tại nơi tái định cư, giá bán nhà ở tái định cư do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.
– Trường hợp người có đất thu hồi được bố trí tái định cư mà tiền bồi thường, hỗ trợ không đủ để tiến hành mua một suất tái định cư tối thiểu thì sẽ được Nhà nước hỗ trợ tiền đủ để mua một suất tái định cư tối thiểu.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Đất đai 2013;
– Nghị định 47/2014/NĐ-CP về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.