Quy chuẩn kỹ thuật là quy định về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý mà sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế.
Trước hết, Theo Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật 2006 thì:
Tiêu chuẩn là quy định về đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý dùng làm chuẩn để phân loại, đánh giá sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế – xã hội nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của các đối tượng này.
Quy chuẩn kỹ thuật là quy định về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý mà sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế – xã hội phải tuân thủ để bảo đảm an toàn, vệ sinh, sức khỏe con người; bảo vệ động vật, thực vật, môi trường; bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, quyền lợi của người tiêu dùng và các yêu cầu thiết yếu khác.
Theo Điều 8 Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật 2006:
“Điều 8. Hợp tác quốc tế về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật
1. Nhà nước khuyến khích mở rộng hợp tác với các quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế, tổ chức khu vực, tổ chức, cá nhân nước ngoài về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; tranh thủ sự giúp đỡ của các quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế, tổ chức khu vực, tổ chức, cá nhân nước ngoài trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng và cùng có lợi.
2. Nhà nước tạo điều kiện và có biện pháp thúc đẩy việc ký kết các thoả thuận song phương và đa phương về thừa nhận lẫn nhau đối với kết quả đánh giá sự phù hợp nhằm tạo thuận lợi cho việc phát triển thương mại giữa Việt Nam với các quốc gia, vùng lãnh thổ.”
Ngoài ra, Theo Khoản 4 Điều 4 Nghị định 127/2007/NĐ-CP ngày 1 tháng 7 năm 2007 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật cũng quy định:
“4. Nhà nước khuyến khích mở rộng hợp tác với các quốc gia, vùng lãnh thổ; tổ chức quốc tế và khu vực; tổ chức, cá nhân nước ngoài về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; ký kết và thực hiện các hiệp định, thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau song phương và đa phương về kết quả đánh giá sự phù hợp giữa Việt Nam với các nước, vùng lãnh thổ; khuyến khích các tổ chức đánh giá sự phù hợp của Việt Nam ký kết thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp với tổ chức tương ứng của các nước, vùng lãnh thổ nhằm tạo thuận lợi cho phát triển thương mại giữa Việt Nam với các nước, vùng lãnh thổ.”
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Có thể thấy, hiện nay, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đã trở thành thước đo, chuẩn mực để so sánh, đánh giá chất lượng sản phẩm hàng hóa và dịch vụ trong hợp tác thương mại toàn cầu. Chính vì thế, Việt Nam cần tăng cường sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế làm nền tảng cho các văn bản pháp lý và tiêu chuẩn quốc gia, đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Qua đó, có thể giúp các doanh nghiệp tạo ra môi trường ổn định, có thể dự đoán để tăng cường quản lý công nghệ và sáng chế mới; có khả năng phát triển thị trường và nâng cao tính cạnh tranh; thỏa mãn các yêu cầu pháp lý, bảo vệ người tiêu dùng, qua đó tạo ra trào lưu và thị hiếu sử dụng sản phẩm, dịch vụ từ người tiêu dùng. Về lâu dài, nó sẽ bảo đảm sự tồn tại và phát triển bền vững cho doanh nghiệp trong bối cảnh mặt bằng năng lực quản trị, quản lý doanh nghiệp của nước ta còn ở mức độ thấp.