Quy định chi tiết mới nhất về hình thức đấu thầu rộng rãi. Sự khác nhau giữa quy định hình thức đấu thầu rộng rãi trong Luật đấu thầu 2013 và Luật thương mại 2005.
1. Khái quát về đấu thầu rộng rãi
Đấu thầu là một quá trình chủ đầu tư lựa chọn được một nhà thầu đáp ứng các yêu cầu của mình theo quy định của luật pháp. Trong nền kinh tế thị trường, người mua (bên mời thầu) tổ chức đấu thầu để người bán (các nhà thầu) cạnh tranh nhau. Mục tiêu của người mua là có được hàng hóa và dịch vụ thỏa mãn các yêu cầu của mình về kỹ thuật, chất lượng và chi phí thấp nhất. Mục đích của nhà thầu là giành được quyền cung cấp hàng hóa dịch vụ đó với giá đủ bù đắp các chi phí đầu vào và đảm bảo mức lợi nhuận cao nhất có thể.
Đấu thầu là một hình thức kinh doanh dựa vào tính chất cạnh tranh công khai của thị trường, không có cạnh tranh thì không có đấu thầu và cũng không cần đến đấu thầu. Có thể nói đấu thầu là phương thức giao dịch đặc biệt. Trong một vụ kinh doanh mua bán hay xây dựng các công trình dân sự có liên quan đến nhiều người, nhiều bên khác nhau thì người ta thường áp dụng hoặc bắt buộc phải áp dụng hình thức đấu thầu cạnh tranh công khai.
Các hình thức đấu thầu được quy định trong Luật đấu thầu 2013 và các quy định về đấu thầu được quy định trong Luật thương mại 2005 có sự khác nhau rõ rệt. Điều 215 Luật thương mại 2005 thì có hai hình thức đấu thầu hàng hóa, dịch vụ đó là đấu thầu rộng rãi và đấu thầu hạn chế. Trong khi đó ngoài hai hình thức trên thì Luật đấu thầu 2013 còn quy định thêm 6 hình thức đấu thầu khác bao gồm: chỉ định thầu; chào hàng cạnh tranh; mua sắm trực tiếp; tự thực hiện; lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt; tham gia thực hiện của cộng đồng (từ Điều 22 đến Điều 27 Luật đấu thầu).
Đấu thầu rộng rãi là hình thức không hạn chế số lượng nhà thầu tham gia tức là chỉ có một người mua và nhiều người bán. Bên nhà thầu phải thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng tối thiểu là 10 ngày trước khi phát hành hồ sơ mời thầu và ghi rõ các điều kiện, thời gian dự thầu.
Đối với những gói thầu lớn, phức tạp về công nghệ và kĩ thuật, bên mời thầu phải tiến hành sơ tuyển để lựa chọn nhà thầu có đủ tư cách và năng lực tham gia đấu thầu. Với hình thức này, bên mời thầu sẽ có nhiều cơ hội hơn trong lựa chọn nhà thầu do số lượng nhà thầu tham gia nhiều.
Mặt tích cực của đấu thẩu rộng rãi thể hiện ở chỗ đó là giúp công ty dễ dàng nhận biết được thông tin, vừa có thể dễ dàng tham gia vào đấu thầu, còn mặt tiêu cực đó là tính rộng rãi của loại hình đấu thầu này đã tạo ra một sự cạnh tranh rất gay gắt bởi có rất nhiều đơn vị cùng tham gia vào đấu thầu, điều này cũng có nghĩa là cơ hội trúng thầu của công ty là nhỏ, họ thực sự phải nỗ lực hết sức để tạo ra sức hấp dẫn đối với chủ đầu tư hơn hẳn các đối thủ khác về nhiều mặt.
Tuy nhiên hình thức này cũng đem lại một số khó khăn cho bên mời thầu như phải quản lý hồ sơ với số lượng lớn, chi phí cho hoạt động đấu thầu lớn, thời gian để hoàn thành công tác tổ chức đấu thầu dài và có thể xảy ra trường hợp nhà thầu liên kết để đẩy giá trúng thầu.
Mặt khác, chi phí đấu thẩu cũng rất tốn kém. Nên để khắc phục tình trạng này một số chủ thể thường tiến hành sơ tuyển nhà thầu trước khi đấu thẩu. Theo đó, những nhà thầu nào đáp ứng đủ điều kiện sơ tuyển do bên mời thầu đặt ra mới lọt vào danh sách mời thầu chính thức. Dựa vào yếu tố này, có thể chia đấu thẩu rộng rãi thành 2 loại: đấu thầu rộng rãi có sơ tuyển và đấu thẩu rộng rãi không có sơ tuyển.
Để các dự án kinh tế sử dụng vốn nhà nước đạt hiệu quả cao, tiết kiệm thì Luật đấu thầu chỉ cho phép các gói thầu, dự án thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này mà không thuộc trường hợp quy định tại các điều từ Điều 21 đến Điều 27 của luật này mới được áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi (chịu sự điều chỉnh về ý chí của nhà nước). Còn trong Luật thương mại thì do bên mời thầu tự quyết định-tức tôn trọng ý chí chủ quan của bên mời thầu.
Luật sư
Các phương thức đấu thầu được quy định trong Luật đấu thầu từ Điều 28 đến Điều 31 của Luật đấu thầu được quy định khắt khe theo độ phức tạp và quy mô sử dụng vốn của dự án. Nếu như phương thức đấu thầu 1 giai đoạn 1 túi hồ sơ, 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ được áp dụng đối với các dự án đơn giản, quy mô vốn nhỏ thì phương thức đấu thầu hai giai đoạn lại được áp dụng đối với các gói thầu có quy mô sử dụng vốn lớn và có tính phức tạp cao hơn.
Phương thức này chỉ được quy định trong luật đấu thầu mà không được quy định trong Luật thương mại bởi lẽ các phương thức đấu thầu được quy định trong Luật thương mại nghiêng về tôn trọng quyền tự quyết của cá nhân trong khi đối với các dự án quy mô lớn, phức tạp, mang tính chất công thì việc bảo đảm tiến độ công trình, chất lượng của dự án là vấn đề hết sức quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế của cả một đất nước. Vì vậy cần phải có một phương thức đấu thầu chặt chẽ để bảo đảm lựa chọn được nhà thầu tốt nhất, với giá cả hợp lý nhất.
Phương thức hai túi hồ sơ một giai đoạn được áp dụng cho đấu thầu rộng rãi đối với những gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp có kỹ thuật, công nghệ mới, phức tạp, có tính đặc thù. Quy trình đấu thầu rộng rãi một giai đoạn một túi hồ sơ:
Trường hợp hai giai đoạn một túi hồ sơ: Trong giai đoạn một, nhà thầu nộp đề xuất về kỹ thuật, phương án tài chính theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu nhưng chưa có giá dự thầu. Trên cơ sở trao đổi với từng nhà thầu tham gia giai đoạn này sẽ xác định hồ sơ mời thầu giai đoạn hai.
Trong giai đoạn hai, nhà thầu đã tham gia giai đoạn một được mời nộp hồ sơ dự thầu. Hồ sơ dự thầu bao gồm đề xuất về kỹ thuật và đề xuất về tài chính theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu giai đoạn hai, trong đó có giá dự thầu và bảo đảm dự thầu. Xuất phát từ thực tế có rất nhiều nhà thầu không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật của gói thầu nhưng do giá dự thầu thấp nên đã trúng thầu.
Tới khi thực hiện dự án thì không bảo đảm về mặt chất lượng cũng như tiến độ thi công của gói thầu. Quy định này một phần loại trừ những nhà thầu không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật trước khi xem xét tới giá của gói thầu. Bảo đảm lựa chọn được nhà thầu tốt nhất để thực hiện các công trình sử dụng vốn nhà nước một cách hiệu quả.
Mục tiêu của hoạt động đấu thầu nhằm đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng và minh bạch trong quá trình đấu thầu để có thể lựa chọn nhà thầu phù hợp, đảm bảo hiệu quả kinh tế. Hoạt động đấu thầu chỉ có thể vận hành hiệu quả trong một môi trường cạnh tranh thực sự.
Luật đấu thầu là công cụ quan trọng nhất để Nhà nước quản lý và kiểm soát hoạt động đấu thầu, lần đầu tiên được ban hành năm 2005. Tuy nhiên, do có nhiều bất cập thực thi nên được thay thế bằng Luật đấu thầu năm 2013, được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2013, gồm 13 chương, 96 điều, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2014.
2. Thành phần trong hồ sơ đề xuất kỹ thuật trong đấu thầu rộng rãi
Tóm tắt câu hỏi:
Công ty chúng tôi có tham gia đấu thầu gói tư vấn giám sát công trình giao thông. Hồ sơ gồm 2 gói. Gói 1 đề xuất kỹ thuật. Gói 2 đề xuất tài chính. Trong đề xuất kỹ thuật phần đơn dự thầu thiếu giấy ủy quyền của người đứng đại diện pháp luật. Do đó chủ đầu tư và tư vấn đấu thầu loại công ty chúng tôi với lý do thiếu giấy ủy quyền. Xin luật sư cho biết quyết định loại đó có đúng không? Theo chúng tôi thì phần này nằm trong mục làm rõ thông tin theo Nghị định 63/2014/NĐ-CP thì công ty chúng tôi chỉ cần bổ sung Giấy ủy quyền là được có đúng không?
Luật sư tư vấn:
Đối với gói thầu tư vấn giám sát công trình giao thông sẽ được áp dụng theo quy trình đấu thầu rộng rãi, hạn chế đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn theo Nghị định 63/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật đấu thầu 2013. Điều 38 Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định về đánh giá hồ sơ đề xuất về kỹ thuật như sau:
* Kiểm tra và đánh giá về tính hợp lệ của hồ sơ đề xuất về kỹ thuật:
– Việc kiểm tra và đánh giá về tính hợp lệ của hồ sơ đề xuất về kỹ thuật thực hiện theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 28 của Nghị định này, trừ nội dung kiểm tra và đánh giá tính hợp lệ của bảo đảm dự thầu;
– Nhà thầu có hồ sơ đề xuất về kỹ thuật hợp lệ sẽ được đánh giá chi tiết về kỹ thuật.
* Đánh giá chi tiết hồ sơ đề xuất về kỹ thuật:
– Việc đánh giá chi tiết hồ sơ đề xuất về kỹ thuật thực hiện theo tiêu chuẩn đánh giá quy định trong hồ sơ mời thầu;
– Nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật hoặc đạt điểm kỹ thuật cao nhất (đối với phương pháp dựa trên kỹ thuật) được xem xét, đánh giá hồ sơ đề xuất về tài chính;
– Danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật hoặc nhà thầu đạt điểm kỹ thuật cao nhất (đối với phương pháp dựa trên kỹ thuật) phải được phê duyệt bằng văn bản và căn cứ vào tờ trình phê duyệt, báo cáo thẩm định danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật. Bên mời thầu phải thông báo danh sách các nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật hoặc nhà thầu đạt điểm kỹ thuật cao nhất (đối với phương pháp dựa trên kỹ thuật) đến tất cả các nhà thầu tham dự thầu, trong đó mời các nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật hoặc nhà thầu đạt điểm kỹ thuật cao nhất (đối với phương pháp dựa trên kỹ thuật) đến mở hồ sơ đề xuất về tài chính.
Điều 28 Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định đánh giá hồ sơ về để xuất kỹ thuật như sau:
* Kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ đề xuất về kỹ thuật, bao gồm:
– Kiểm tra số lượng bản gốc, bản chụp hồ sơ đề xuất về kỹ thuật;
– Kiểm tra các thành phần của hồ sơ đề xuất về kỹ thuật, bao gồm: Đơn dự thầu thuộc hồ sơ đề xuất về kỹ thuật, thỏa thuận liên danh (nếu có), giấy ủy quyền ký đơn dự thầu (nếu có); bảo đảm dự thầu; các tài liệu chứng minh tư cách hợp lệ; tài liệu chứng minh năng lực và kinh nghiệm; đề xuất về kỹ thuật; các thành phần khác thuộc hồ sơ đề xuất về kỹ thuật;
– Kiểm tra sự thống nhất nội dung giữa bản gốc và bản chụp để phục vụ quá trình đánh giá chi tiết hồ sơ đề xuất về kỹ thuật.
* Đánh giá tính hợp lệ của hồ sơ đề xuất về kỹ thuật: Hồ sơ đề xuất về kỹ thuật của nhà thầu được đánh giá là hợp lệ khi đáp ứng đầy đủ các nội dung sau đây:
– Có bản gốc hồ sơ đề xuất về kỹ thuật;
– Có đơn dự thầu thuộc hồ sơ đề xuất về kỹ thuật được đại diện hợp pháp của nhà thầu ký tên, đóng dấu (nếu có) theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu; trong đơn dự thầu, nhà thầu phải nêu rõ tiến độ thực hiện gói thầu phù hợp với đề xuất về kỹ thuật. Đối với nhà thầu liên danh, đơn dự thầu phải do đại diện hợp pháp của từng thành viên liên danh ký tên, đóng dấu (nếu có) hoặc thành viên đứng đầu liên danh thay mặt liên danh ký đơn dự thầu theo phân công trách nhiệm trong văn bản thỏa thuận liên danh;
– Hiệu lực của hồ sơ đề xuất về kỹ thuật đáp ứng yêu cầu theo quy định trong hồ sơ mời thầu;
– Có bảo đảm dự thầu với giá trị và thời hạn hiệu lực đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Đối với trường hợp quy định bảo đảm dự thầu theo hình thức nộp thư bảo lãnh thì thư bảo lãnh phải được đại diện hợp pháp của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam ký tên với giá trị và thời hạn hiệu lực, đơn vị thụ hưởng theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu;
– Không có tên trong hai hoặc nhiều hồ sơ đề xuất kỹ thuật với tư cách là nhà thầu chính (nhà thầu độc lập hoặc thành viên trong liên danh);
– Có thỏa thuận liên danh được đại diện hợp pháp của từng thành viên liên danh ký tên, đóng dấu (nếu có);
– Nhà thầu không đang trong thời gian bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu;
– Nhà thầu bảo đảm tư cách hợp lệ theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 của Luật Đấu thầu.
Nhà thầu có hồ sơ đề xuất về kỹ thuật hợp lệ sẽ được xem xét, đánh giá về năng lực và kinh nghiệm. Đối với gói thầu đã thực hiện sơ tuyển, không tiến hành đánh giá về năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu.
Như vậy, hồ sơ đề xuất về kỹ thuật phải gồm có: Đơn dự thầu thuộc hồ sơ đề xuất về kỹ thuật, thỏa thuận liên danh (nếu có), giấy ủy quyền ký đơn dự thầu (nếu có); bảo đảm dự thầu; các tài liệu chứng minh tư cách hợp lệ; tài liệu chứng minh năng lực và kinh nghiệm; đề xuất về kỹ thuật; các thành phần khác thuộc hồ sơ đề xuất về kỹ thuật.
Luật quy định yêu cầu có giấy ủy quyền ký đơn dự thầu nếu có, tức là không bắt buộc phải có. Trường hợp hồ sơ của bạn thiếu giấy ủy quyền cần phải xem xét trong hồ sơ yêu cầu của bên mời thầu có quy định cụ thể về hình thức của hồ sơ dự thầu hay không để xét tính hợp lệ. Nếu trong trường hợp bên mời thầu không yêu cầu giấy ủy quyền để xét tính hợp lệ thì bạn chỉ cần chuẩn bị những hồ sơ như trên theo quy định Luật đấu thầu 2013, đồng thời bổ sung giấy ủy quyền vào hồ sơ để xuất kỹ thuật.
3. Tư vấn hình thức đấu thầu rộng rãi
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào Luật sư, tôi có tình huống này xin nhờ Luật sư tư vấn: Gói thầu tư vấn của tôi áp dụng theo Nghị định 85/2009/NĐ-CP. Khi áp dụng thủ tục lựa chọn danh sách ngắn để đấu thầu rộng rãi. Bên mời thầu quy định trong Hồ sơ mời quan tâm như sau: Bên mời thầu sẽ lựa chọn tối đa 5 nhà thầu vào danh sách ngắn. Xin hỏi Luật sư như vậy có tuân thủ quy định tại Điều 15 Nghị định 85/2009/NĐ-CP không? Mong nhận được sự tư vấn từ Luật sư. Trân trọng.
Luật sư tư vấn:
Đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để ký kết và thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp; lựa chọn nhà đầu tư để ký kết và thực hiện hợp đồng dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, dự án đầu tư có sử dụng đất trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.
Hiện nay theo quy định của pháp luật thì có rất nhiều hình thức lựa chọn nhà thầu bao gồm: đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu, mua sắm trực tiếp, chào hàng cạnh tranh, tự thực hiện và lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên để áp dụng hình thức nào thì sẽ phụ thuộc riêng vào từng gói thầu cụ thể như tính chất gói thầu và hạn mức gói thầu
Hiện nay, Nghị định 85/2009/NĐ-CP đã hết hiệu lực đã được thay thế bởi
Trường hợp của bạn đang áp dụng gòi thầu rộng rãi nhưng bên mời thầu quy định trong Hồ sơ mời quan tâm như sau: Bên mời thầu sẽ lựa chọn tối đa 5 nhà thầu vào danh sách ngắn, tức là đang chuyển từ đấu thầu rộng rãi sang hình thức đấu thầu hạn chế thì đối với gói thầu không áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, trong văn bản trình duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải nêu rõ lý do áp dụng hình thức lựa chọn khác. Bạn có thể căn cứ vào các yếu tố sau:
+ Đấu thầu rộng rãi và đấu thầu hạn chế không áp dụng hạn mức như chào hàng cạnh tranh (không quá 05 tỷ đồng).
+ Đấu thầu hạn chế được áp dụng trong trường hợp gói thầu có yêu cầu cao về kỹ thuật hoặc kỹ thuật có tính đặc thù mà chỉ có một số nhà thầu đáp ứng yêu cầu của gói thầu.
3. Kết luận
Như vậy, gói thầu của bạn nếu áp dụng theo đấu thầu hạn chế sẽ phải đảm bảo gói thầu có yêu cầu cao về kỹ thuật hoặc kỹ thuật có tính đặc thù. Nên đối với gói thầu bên bạn, hình thức áp dụng phù hợp nhất là đấu thầu hạn chế thì bên mời thầu phải nêu rõ lý do trong văn bản trình duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật.
4. Hợp đồng đối với gói thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi được chia thành nhiều phần
Tóm tắt câu hỏi:
Cơ quan được phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu: gói thầu mua hóa chất xét nghiệm, dụng cụ y tế, vật tư y tế với hình thức hợp đồng trọn gói với hình thức đấu thầu rộng rãi. Vậy khi đơn vị xây dựng hồ sơ mời thầu có được phép phân chia thành các nhóm ví dụ: Nhóm mua hóa chất xét nghiệm, nhóm mua dụng cụ y tế; nhóm mua vật tư y tế để có thể các đơn vị tham dự thầu tham gia một phần hoặc tất cả các phần nếu đủ năng lực. Hợp đồng trọn gói với từng phần hoặc với nhà thầu trúng thầu tất cả các phần. Vậy xin hỏi luật sư như vậy chúng tôi thực hiện có vi phạm luật đấu thầu không? Xin cám ơn!
Luật sư tư vấn:
Theo quy định của Điều 117, Nghị định số 63/2014/NĐ – CP. Trong trường hợp gói thầu có nhiều phần khác nhau, trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu cần nêu rõ điều kiện chào thầu, biện pháp và giá trị bảo đảm dự thầu cho từng phần hoặc nhiều phần và phương pháp đánh giá đối với từng phần hoặc nhiều phần để các nhà thầu tính toán phương án chào thầu theo khả năng của mình;
Trong đó việc đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất và xét duyệt trúng thầu sẽ được thực hiện trên cơ sở bảo đảm tổng giá đề nghị trúng thầu của gói thầu là thấp nhất (đối với gói thầu áp dụng phương pháp giá thấp nhất); tổng giá đánh giá của gói thầu là thấp nhất (đối với gói thầu áp dụng phương pháp giá đánh giá); tổng điểm tổng hợp cao nhất (đối với gói thầu áp dụng phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá) và giá đề nghị trúng thầu của cả gói thầu không vượt giá gói thầu được duyệt mà không so sánh với ước tính chi phí của từng phần;
Trường hợp cơ quan bạn được phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu gói thầu gồm: mua hóa chất xét nghiệm, dụng cụ y tế, vật tư y tế với hình thức hợp đồng trọn gói với hình thức đấu thầu rộng rãi có thể chia gói thầu thành nhiều phần, các nhà thầu tham gia đấu thầu có thể đấu thầu từ phần hoặc cả gói thầu.
Trường hợp có một phần hoặc nhiều phần thuộc gói thầu không có nhà thầu tham gia đấu thầu hoặc không có nhà thầu đáp ứng yêu cầu nêu trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu bên bạn giải quyết như sau:
Thứ nhất: Chủ đầu tư báo cáo người có thẩm quyền để điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu của gói thầu theo hướng tách các phần đó thành gói thầu riêng với giá gói thầu là tổng chi phí ước tính tương ứng của các phần;
Thứ hai: Trường hợp mỗi nhà thầu trúng từng phần của gói thầu thì phải được đánh giá theo đúng nguyên tắc đánh giá về kỹ thuật và tài chính tương ứng với phần đó của gói thầu.
Thứ ba: Trường hợp 01 nhà thầu trúng thầu tất cả các phần thì gói thầu có 01 hợp đồng. Trường hợp nhiều nhà thầu trúng thầu các phần khác nhau thì gói thầu có nhiều hợp đồng tương ứng.
5. Đấu thầu rộng rãi gói mua sắm hàng hóa áp dụng theo văn bản nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư! Hiện nay, bệnh viện tôi đang tổ chức đấu thầu rộng rãi gói thầu mua vật tư y tế tiêu hao, hóa chất. Vậy xin hỏi luật sư, tại thời điểm hiện nay bệnh viện tôi phải theo mẫu hồ sơ mời thầu nào? Quy định tại thông tư nào? Xin chân thành cảm ơn luật sư!
Luật sư tư vấn:
Đấu thầu rộng rãi là hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong đó không hạn chế số lượng nhà thầu, nhà đầu tư tham dự. Cơ sở y tế căn cứ quy mô, tính chất của từng gói thầu để lựa chọn một trong các hình thức lựa chọn nhà thầu phù hợp.
Theo định nghĩa tại khoản 25 Điều 4 Luật đấu thầu 2013 hàng hóa trong đấu thầu gồm máy móc, thiết bị, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật tư, phụ tùng; hàng tiêu dùng; thuốc, vật tư y tế dùng cho các cơ sở y tế.
Căn cứ theo khoản 1 Điều 1, Thông tư 05/2015/TT-BKHĐT quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa được áp dụng đối với mua vật tư y tế sử dụng vốn nhà nước; nguồn quỹ bảo hiểm y tế, nguồn thu từ dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và nguồn thu hợp pháp khác của cơ sở y tế công lập, theo đó, mẫu hồ sơ và trường hợp áp dụng mẫu hồ sơ được thực hiện như sau:
– Mẫu hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa số 01 (Mẫu số 01) áp dụng cho gói thầu đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế trong nước với phương thức lựa chọn nhà thầu một giai đoạn một túi hồ sơ;
Luật sư tư vấn pháp luật mẫu hồ sơ đấu thầu rộng rãi: 1900.6568
– Mẫu hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa số 02 (Mẫu số 02) áp dụng cho gói thầu đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế trong nước với phương thức lựa chọn nhà thầu một giai đoạn hai túi hồ sơ.
– Đối với gói thầu mua sắm hàng hóa được tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước (NCB) thuộc các dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của ADB, WB thì áp dụng mẫu hồ sơ mời thầu NCB do ADB và WB ban hành bằng tiếng Việt.
Như vậy, đối chiếu theo quy định trên vào trường hợp của bạn, bệnh viện bạn đang tổ chức đấu thầu rộng rãi gói thầu mua vật tư y tế tiêu hao, hóa chất, trong trường hợp này, đơn vị bạn đối chiếu theo quy định trên để lựa chọn mẫu đấu thầu áp dụng.