Khái niệm về giám định bổ sung, giám định lại? Giám định bổ sung Tiếng Anh là gì? Giám định lại Tiếng Anh là gì? Quy định về giám định bổ sung? Quy định về giám định lại? Thủ tục giám định bổ sung, giám định lại? Các nguyên tắc thực hiện giám định tư pháp?
Kết quả của giám định tư pháp là một trong những căn cứ pháp lý quan trọng để giải quyết vụ án hình sự. Vì vậy, hoạt động giám định phải đảm bảo diễn ra một cách khách quan, chính xác dưới sự giám sát của hội đồng giám định. Quá trình thực hiện giám định tư pháp phải được ghi lại bằng văn bản. Tuy nhiên, vì những lý do khác nhau, không ít trường hợp sau khi có kết luận giám định cơ quan, người tiến hành tố tụng vẫn ra quyết định giám định bổ sung, giám định lại. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ cung cấp cho bạn những kiến thức pháp lý về giám định bổ sung, giám định lại theo quy định mới nhất:
Tư vấn pháp luật hình sự miễn phí qua điện thoại: 1900.6568
Căn cứ pháp lý:
–
1. Khái niệm về giám định bổ sung, giám định lại?
Giám định bổ sung là hoạt động giám định lần tiếp theo sau lần giám định đầu tiên. Cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng ra quyết định giám định bổ sung hoặc đương sự yêu cầu giám định bổ sung khi xét thấy kết quả của lần giám định đầu tiên chưa đáp ứng yêu cầu về vấn đề cần giám định để phục vụ hoạt động xét xử vụ án hình sự
Khác với giám định bổ sung, giám định lại khi có nghi ngờ kết luận giám định lần đầu không chính xác, cơ quan trưng cầu giám định tự mình hoặc theo đề nghị của người tham gia tố tụng quyết định việc trưng cầu giám định lại.
2. Giám định bổ sung Tiếng Anh là gì? Giám định lại Tiếng Anh là gì?
Giám định bổ sung Tiếng Anh là :“Additional expert examinations”
Giám định lại Tiếng Anh là: “Repeated expert examinations”
3. Quy định về giám định bổ sung
3.1. Cơ sở pháp lý về giám định bổ sung
Căn cứ theo Điều 210 của Bộ luật tố tụng Hình sự 2015, nội dung của giám định bổ sung được quy định cụ thể như sau:
” Điều 210. Giám định bổ sung
1. Việc giám định bổ sung được tiến hành trong trường hợp:
a) Nội dung kết luận giám định chưa rõ, chưa đầy đủ;
b) Khi phát sinh vấn đề mới cần phải giám định liên quan đến tình tiết của vụ án đã có kết luận giám định trước đó.
2. Việc giám định bổ sung có thể do tổ chức, cá nhân đã giám định hoặc tổ chức, cá nhân khác thực hiện.
3. Việc trưng cầu, yêu cầu giám định bổ sung được thực hiện như giám định lần đầu”.
3.2. Các trường hợp tiến hành giám định bổ sung
Như vậy, việc giám định bổ sung sẽ được tiến hành trong hai trường hợp:
– Nội dung kết luận giám định chưa rõ, chưa đầy đủ
Kết luận giám định là chứng cứ quan trong phục vụ công tác xét xử vụ án hình sự đảm bảo đúng pháp luật. Vì vậy, nếu xét thấy kết luận giám định có nội dung chưa rõ, chưa đầy dủ thì cơ quan có thẩm quyền có quyền ra quyết định giám định bổ sung để đảm bảo có được kết quả giám định khách quan, chính xác nhất.
– Khi phát sinh vấn đề mới cần phải giám định liên quan đến tình tiết của vụ án đã có kết luận giám định trước đó.
Một vụ án hình sự trong quá trình xét xử sẽ liện tục được bổ sung chứng cứ hoặc bổ sung các tình tiết mới (nếu có) để phục vụ công tác điều tra, xét xử. Vì vậy, trước một tình tiết mới của vụ án hình sự mà cần thiết của việc trưng cầu giám định thì cơ quan có thẩm quyền sẽ ra quyết định giám định bổ sung để đảm bảo xét xử đúng người, đúng tuổi.
3.3. Cơ quan tiến hành giám định bổ sung
Căn cứ theo khoản 2, Điều 210
Theo đó, khoản 4, Điều 2 Luật giám định tư pháp 2012 : “Cá nhân, tổ chức giám định tư pháp bao gồm giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp công lập, tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập và tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc.
Vì tính chất của giám định bổ sung là việc nghiên cứu, giám định thêm trên cơ sở kết quả giám định lần đầu tiên chứ không phải vì lý do sai phạm phía cơ quan giám định. Vì vậy, việc thực hiện giám định bổ sung vẫn có thể được thực hiện bới cơ quan giám định lần đầu. Mặt khác, việc để cơ quan giám định lần đầu tiên tiếp tục thực hiện giám định bổ sung sẽ rút ngắn thời gian giám định hơn do cơ quan này đã có sự am hiểu về đối tượng giám định trước đó rồi.
4. Quy định về giám định lại
4.1. Cơ sở pháp lý về giám định lại
Căn cứ theo Điều 211 của Bộ luật tố tụng Hình sự 2015, nội dung của giám định lại được quy định cụ thể như sau:
” Điều 211. Giám định lại
1. Việc giám định lại được thực hiện khi có nghi ngờ kết luận giám định lần đầu không chính xác. Việc giám định lại phải do người giám định khác thực hiện.
2. Cơ quan trưng cầu giám định tự mình hoặc theo đề nghị của người tham gia tố tụng quyết định việc trưng cầu giám định lại. Trường hợp người trưng cầu giám định không chấp nhận yêu cầu giám định lại thì phải thông báo cho người đề nghị giám định bằng văn bản và nêu rõ lý do.
3. Trường hợp có sự khác nhau giữa kết luận giám định lần đầu và kết luận giám định lại về cùng một nội dung giám định thì việc giám định lại lần thứ hai do người trưng cầu giám định quyết định. Việc giám định lại lần thứ hai phải do Hội đồng giám định thực hiện theo quy định của Luật giám định tư pháp”.
4.2. Các trường hợp giám định lại
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì hiện na, chỉ duy nhất một trường hợp cơ quan, người tiến hành tố tụng ra quyết định giám định lại hoặc đương sự trong vụ án hình sự gửi yêu cầu giám định là là khi có nghi ngờ kết luận giám định lần đầu không chính xác.
Căn cứ nghi ngờ kết luận giám định không chính xác có thể trên cơ sở sai sót từ phía cơ quan giám định, quá trình giao nhận đối tượng giám định,…
4.3. Cơ quan tiến hành giám định lại
Việc giám định lại không được tiếp tục thực hiện bởi cơ quan giám định lần đầu tiên mà phải được thực hiện bởi cơ quan giám định khác.
Nếu như giám định bổ sung có thể được thực hiện bởi cơ quan giám định lần đầu thì giám định lại yêu cầu được thực hiện bởi cơ quan khác. Bản chất của giám định lại là việc cơ quan, người tiến hành tố tụng hoặc đương sự vụ án hình sự nghi ngờ về kết quả giám định không chính xác. Vì vậy, việc giám định lại phải được tiến hành bởi cơ quan khác nhằm đảm bảo tính khách quan, minh bạch của kết quả giám định
4.4. Giám định lại trong trường hợp đặc biệt
Điều 212 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về giám định lại trong một số trường hợp như sau:
“Trường hợp đặc biệt, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định việc giám định lại sau khi đã có kết luận của Hội đồng giám định. Việc giám định lại trong trường hợp đặc biệt phải do Hội đồng mới thực hiện, những người đã tham gia giám định trước đó không được giám định lại. Kết luận giám định lại trong trường hợp này được sử dụng để giải quyết vụ án”.
Như vậy, đối với những vụ án có tính chất phức tạp Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định việc giám định lại sau khi đã có kết luận của Hội đồng giám định
5. Thủ tục giám định bổ sung, giám định lại
Căn cứ pháp lý:
Điều 209 BLTTHS 2015
Điều 25, 26, 27, 31, 35 Luật Giám định tư pháp 2012
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ yêu cầu giám định bổ sung/giám định lại gồm:
– Quyết định đề trưng cầu giám định bổ sung/giám định lại
– Tài liệu, vật chứng có liên quan (nếu có)
– Bản sao giấy tờ chứng minh mình là người có quyền, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc là người đại diện hợp pháp của họ
Quyết định trưng cầu giám định phải ghi rõ là trưng cầu giám định bổ sung hoặc trưng cầu giám định lại và lý do của việc giám định bổ sung hoặc giám định lại.
Bước 2: Gửi hồ sơ
– Cá nhân, tổ chức yêu cầu giám định bổ sung/giám định lại gửi yêu cầu bằng văn bản và gửi quyết định kèm theo đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật có liên quan (nếu có) đến cá nhân, tổ chức thực hiện giám định.
– Hồ sơ, đối tượng yêu cầu giám định bổ sung/giám định lại được giao, nhận trực tiếp hoặc gửi cho cá nhân, tổ chức thực hiện giám định qua đường bưu chính.
Bước 3: Giao nhận hồ sơ giám định bổ sung, giám định lại
– Việc giao, nhận trực tiếp hồ sơ, đối tượng trưng cầu, yêu cầu giám định phải được lập thành biên bản. Việc gửi hồ sơ, đối tượng trưng cầu, yêu cầu giám định qua đường bưu chính phải được thực hiện theo hình thức gửi dịch vụ có số hiệu. Cá nhân, tổ chức nhận hồ sơ được gửi theo dịch vụ có số hiệu có trách nhiệm bảo quản, khi mở niêm phong phải lập biên bản
– Trường hợp đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật có liên quan không thể gửi kèm theo quyết định trưng cầu giám định thì người trưng cầu giám định có trách nhiệm làm thủ tục bàn giao cho cá nhân, tổ chức thực hiện giám định.
– Đối với việc giao, nhận đối tượng giám định pháp y, pháp y tâm thần là con người thì người trưng cầu, yêu cầu giám định có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cá nhân, tổ chức được trưng cầu giám định quản lý đối tượng giám định trong quá trình thực hiện giám định.
Bước 4: Tiến hành giám định bổ sung, giám định lại
Thủ tục giám định bổ sung, giám định lại được thực hiện như với giám định lần đầu tiên
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định trưng cầu giám định bổ sung/giám định lại, tổ chức được trưng cầu giám định tư pháp phải có văn bản cử người giám định gửi người trưng cầu giám định; đối với tổ chức phối hợp thực hiện giám định thì còn phải gửi văn bản cử người giám định cho tổ chức chủ trì việc thực hiện giám định.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quản lý về lĩnh vực cần giám định quyết định thành lập Hội đồng để thực hiện giám định lại lần thứ hai. Hội đồng giám định gồm có ít nhất 03 thành viên là những người có chuyên môn cao và có uy tín trong lĩnh vực cần giám định. Hội đồng giám định hoạt động theo cơ chế giám định tập thể quy định tại khoản 3 Điều 28 của Luật giám định tư pháp 2012
Bước 5: Trả kết quả giám định bổ sung
– Thời hạn giám định bổ sung, giám định lại được quy định như đối với giám định làn đầu tiên
– Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra kết luận giám định, tổ chức, cá nhân đã tiến hành giám định phải gửi kết luận giám định cho cơ quan đã trưng cầu, người yêu cầu giám định.
– Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được kết luận giám định, cơ quan đã trưng cầu, người yêu cầu giám định phải gửi kết luận giám định cho Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra.
– Trong trường hợp có sự khác nhau giữa kết luận giám định lần đầu và kết luận giám định lại về cùng một nội dung giám định thì việc giám định lại lần thứ hai do người trưng cầu giám định quyết định. Việc giám định lại lần thứ hai phải do Hội đồng giám định thực hiện.
6. Các nguyên tắc thực hiện giám định tư pháp
Để đảm bảo hoạt động giám định tư pháp được diễn ra một cách khách quan, chính xác nhất cần đảm bảo thực hiện các nguyên tắc sau đây:
– Tuân thủ pháp luật, tuân theo quy chuẩn chuyên môn và quy trình giám định.
– Trung thực, chính xác, khách quan, vô tư, kịp thời.
– Chỉ kết luận về chuyên môn những vấn đề trong phạm vi được yêu cầu.
– Chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận giám định.
Căn cứ pháp lý: Điều 3 Luật Giám định tư pháp 2012
Trên đây là bài viết của Luật Dương Gia về quy định giám định bổ sung hoặc giám định lại. Để được tư vấn rõ hơn về vấn đề pháp lý này hoặc có bất cứ vấn đề pháp luật gì cần được tư vấn, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Hotline: 1900.6568 để được tư vấn – hỗ trợ!