Phá sản công ty chứng khoán chính là công ty chứng khoán đang trong tình trạng mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân có thẩm quyền ra quyết định tuyên bố phá sản, còn giải thể là việc chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp không còn hoặc không đủ điều kiện để tồn tại như một chỉnh thể nữa. Vậy pháp luật quy định như thế nào về giải thể, phá sản công ty chứng khoán?
Mục lục bài viết
1. Quy định về giải thể công ty chứng khoán:
Căn cứ Điều 211 Nghị định 155/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán thì giải thể công ty chứng khoán được quy định như sau:
– Công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam giải thể ở trong các trường hợp sau đây:
+ Kết thúc thời hạn hoạt động ghi ở trong Điều lệ công ty mà không gia hạn;
+ Giải thể tự nguyện theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc là tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài;
+ Bị thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán theo quy định ở tại khoản 1 Điều 95 Luật Chứng khoán;
+ Các trường hợp khác theo quy định tại
– Công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán chỉ được giải thể khi mà đảm bảo thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác.
– Hồ sơ đề nghị chấp thuận giải thể bao gồm có:
+ Giấy đề nghị về việc chấp thuận giải thể;
+ Biên bản họp và nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên hoặc là quyết định của chủ sở hữu công ty hoặc là quyết định của chính tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài thông qua việc giải thể, phương án giải thể của công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài ở tại Việt Nam. Phương án giải thể phải bao gồm những nội dung xử lý các nghĩa vụ phát sinh từ những hợp đồng còn hiệu lực,
– Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ vừa nêu trên, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có văn bản chấp thuận việc giải thể công ty theo phương án mà đã được phê duyệt; trường hợp từ chối, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
– Trình tự thanh lý và phân chia tài sản cho cổ đông, thành viên góp vốn theo các quy định của pháp luật về giải thể doanh nghiệp.
– Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn tất việc thanh lý tài sản, hoàn trả đầy đủ những khoản nợ, phân chia tài sản cho những cổ đông, thành viên góp vốn, người đại diện theo pháp luật của công ty phải báo cáo về kết quả thanh lý tài sản cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Hồ sơ bao gồm:
+ Báo cáo về việc thanh lý tài sản của công ty, việc trả nợ và thực hiện những nghĩa vụ tài sản khác đối với các chủ nợ, những người có quyền lợi và nghĩa vụ khác, kể cả là các nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước, các khoản nợ thuế và nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội. Báo cáo sẽ phải đính kèm danh sách chủ nợ và số nợ đã được thanh toán; danh sách cổ đông, thành viên góp vốn, tỷ lệ vốn góp và số tiền, khối lượng tài sản đã thanh toán;
+ Báo cáo có xác nhận của các ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát và cả Ban đại diện quỹ, Hội đồng quản trị công ty đầu tư chứng khoán, khách hàng ủy thác về việc thanh lý hợp đồng, kèm theo là biên bản thanh lý hợp đồng, có xác nhận của ngân hàng giám sát, ngân hàng lưu ký; các tài liệu về việc giải thể quỹ theo quy định của pháp luật về việc thành lập và quản lý quỹ đầu tư chứng khoán.
+ Danh sách những người lao động và quyền lợi người lao động đã được giải quyết;
+ Văn bản xác nhận của cơ quan thuế về việc đã hoàn thành các nghĩa vụ về thuế; văn bản có xác nhận đã nộp con dấu của cơ quan có thẩm quyền; bản gốc của Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán và các giấy phép sửa đổi, bổ sung.
– Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ thì Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có quyết định thu hồi về Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán; trường hợp từ chối, phải trả lời bằng văn bản và phải nêu rõ lý do.
– Thành viên Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên, Ban kiểm soát (nếu như có), Tổng giám đốc (Giám đốc) chịu trách nhiệm về tính trung thực, tính chính xác của hồ sơ giải thể công ty. Trường hợp hồ sơ giải thể có các thông tin không chính xác, tài liệu giả mạo, thì những cá nhân nêu trên sẽ phải liên đới thanh toán các khoản nợ chưa thanh toán, nghĩa vụ tài sản phát sinh các quyền lợi của người lao động chưa được giải quyết và chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật về các hệ quả phát sinh trong thời hạn 03 năm kể từ ngày đã nộp hồ sơ báo cáo kết quả thanh lý tài sản cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
2. Quy định về phá sản công ty chứng khoán:
2.1. Người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản công ty chứng khoán:
Khoản 2 Điều 4 Luật Phá sản 2014 có giải thích phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mà đã mất đi khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản. Theo đó, có thể hiểu phá sản công ty chứng khoán chính là công ty chứng khoán đang trong tình trạng mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân có thẩm quyền ra quyết định tuyên bố phá sản. Người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản công ty chứng khoán, bao gồm:
– Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản công ty chứng khoán khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà công ty chứng khoán không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
– Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở có quyền tiến hành việc nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản công ty chứng khoán khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày mà phải thực hiện nghĩa vụ trả lương, các khoản nợ khác đến hạn đối với người lao động mà công ty chứng khoán không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
– Người đại diện theo pháp luật của công ty chứng khoán có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty chứng khoán mất khả năng thanh toán.
– Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty chứng khoán có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty chứng khoán mất khả năng thanh toán.
– Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng của công ty chứng khoán có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty chứng khoán mất khả năng thanh toán. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu dưới 20% số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục là ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty chứng khoán mất khả năng thanh toán trong trường hợp Điều lệ công ty quy định.
2.2. Các quy định khác về phá sản công ty chứng khoán:
– Thương lượng giữa chủ nợ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản với công ty chứng khoán mất khả năng thanh toán:
+ Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án nhân dân nhận đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản công ty chứng khoán, công ty chứng khoán mất khả năng thanh toán và chủ nợ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản công ty chứng khoán có quyền đề nghị bằng văn bản gửi Tòa án nhân dân để các bên thương lượng việc rút đơn.
+ Trường hợp các bên thỏa thuận được với nhau về việc rút đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì khi đó Tòa án nhân dân trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
+ Trường hợp thương lượng không thành hoặc hết thời hạn thương lượng mà các bên không tiến hành được việc thương lượng thì Tòa án nhân dân thông báo cho người nộp đơn nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản và thực hiện thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định.
– Hội nghị chủ nợ:
+ Thời hạn Thẩm phán triệu tập Hội nghị chủ nợ là 20 ngày kể từ ngày kết thúc việc kiểm kê tài sản của công ty chứng khoán trong trường hợp việc kiểm kê tài sản kết thúc sau việc lập danh sách chủ nợ hoặc kể từ ngày đã kết thúc về việc lập danh sách chủ nợ trong trường hợp việc kiểm kê tài sản kết thúc trước việc lập danh sách về những chủ nợ, trừ trường hợp không phải tổ chức Hội nghị chủ nợ
+ Nguyên tắc về việc tiến hành Hội nghị chủ nợ:
++ Tôn trọng thoả thuận của người tham gia thủ tục phá sản nếu thỏa thuận đó không vi phạm về những điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội.
++ Bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của những người tham gia thủ tục phá sản.
++ Công khai ở trong việc tiến hành Hội nghị chủ nợ.
+ Những điều kiện hợp lệ của Hội nghị chủ nợ:
++ Có số chủ nợ tham gia đại diện cho ít nhất là 51% tổng số nợ không có bảo đảm.
++ Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản được phân công giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản công ty chứng khoán phải tham gia Hội nghị chủ nợ.
+ Xây dựng phương án phục hồi hoạt động kinh doanh công ty chứng khoán:
++ Trong thời hạn là 30 ngày kể từ ngày Hội nghị chủ nợ thông qua nghị quyết có nội dung áp dụng thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh thì công ty chứng khoán mất khả năng thanh toán phải xây dựng phương án phục hồi hoạt động kinh doanh và gửi đến cho Thẩm phán, những chủ nợ, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản cho ý kiến.
++ Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của công ty chứng khoán thì chủ nợ, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản gửi ý kiến cho công ty chứng khoán để hoàn thiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh báo cáo đến Quản tài viên, những doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, chủ nợ, Ban đại diện chủ nợ (nếu có).
++ Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của Quản tài viên, những doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, Thẩm phán xem xét trước khi đưa phương án ra Hội nghị chủ nợ xem xét thông qua.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 155/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán.
– Luật Phá sản 2014.
THAM KHẢO THÊM: