Hoạt động đấu thầu luôn diễn ra thường xuyên, hàng ngày trong hoạt động lựa chọn các nhà thầu để cung cấp các dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, hàng hóa, xây lắp hay trong các hoạt động lựa chọn nhà đầu tư ... Cùng bài viết tìm hiểu về giá gói thầu là gì? Quy định về giá gói thầu trong đấu thầu như thế nào qua bài viết dưới đây.
Mục lục bài viết
1. Khái niệm gói thầu, giá gói thầu là gì?
– Đấu thầu: Theo quy định tại khoản 8 Điều 4 Luật Đấu thầu 2023, đấu thầu được xác định là là quá trình lựa chọn nhà thầu để ký kết, thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, lựa chọn nhà đầu tư để ký kết, thực hiện hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình.
– Gói thầu được quy định là một phần hoặc toàn bộ dự án, dự toán mua sắm, có thể gồm những nội dung mua sắm giống nhau thuộc nhiều dự án hoặc là khối lượng mua sắm một lần, khối lượng mua sắm cho một thời kỳ đối với dự toán mua sắm, mua sắm tập trung.
– Nhà thầu là tổ chức, cá nhân hoặc kết hợp giữa các tổ chức hoặc giữa các cá nhân với nhau theo hình thức liên danh trên cơ sở thỏa thuận liên danh tham dự thầu, đứng tên dự thầu và trực tiếp ký, thực hiện hợp đồng nếu được lựa chọn. Trường hợp liên danh, thỏa thuận liên danh phải quy định rõ trách nhiệm của thành viên đứng đầu liên danh và trách nhiệm chung, trách nhiệm riêng của từng thành viên trong liên danh đối với toàn bộ phạm vi của gói thầu. (Theo quy định Khoản 26 Điều 4
– Nhà thầu phụ được quy định là tổ chức, cá nhân ký hợp đồng với nhà thầu để tham gia thực hiện công việc xây lắp; tư vấn; phi tư vấn; dịch vụ liên quan của gói thầu cung cấp hàng hóa; công việc thuộc gói thầu hỗn hợp.
2. Các căn cứ xác định giá gói thầu:
Giá gói thầu được xác định dựa trên các tiêu chí chính sau đây:
– Một là, được xác định dựa trên căn cứ về tổng mức đầu tư;
– Hai là, giá gói thầu được xác định dựa trên tổng mức dự toán đối với các dự án đã được phê duyệt trước khi lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu;
– Ba là, dựa trên các dự toán mua sắm thường xuyên.
– Bốn là, dựa trên các thông tin được cung cấp về giá trung bình áp dụng theo thống kê của các dự án đã được thực hiện trong khoảng thời gian xác định nào đó; theo ước tính của tổng mức đầu tư dựa trên định mức suất đầu tư hoặc sơ bộ tổng mức đầu tư. Phương pháp xác định giá gói thầu này chỉ áp dụng đối với các gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn việc lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, khả thi và giá gói thầu.
3. Các lưu ý khi xác định, ghi giá gói thầu:
– Giá gói thầu phải được tính đúng, chính xác, đầy đủ toàn bộ các chi phí để thực hiện cho gói thầu, bao gồm cả các chi phí dự phòng, các khoản thu của thuế, phí, lệ phí.
Trong đó chi phí dự phòng bao gồm:
+ Chi phí dự phòng phát sinh khối lượng;
+ Chi phí dự phòng trượt giá;
+ Chí phí dự phòng cho các khoản tạm tính (nếu có).
Tuy nhiên chi phí dự phòng có thể bằng không nếu trong trường hợp các gói thầu có thời gian để thực hiện hợp đồng ngắn, trong quá trình không phát sinh rủi ro, trượt giá thì chi phí dự phòng được tính bằng không. Chi phí dự phòng do chủ đầu tư xác định theo tính chất từng gói thầu nhưng không được vượt mức tối đa do pháp luật chuyên ngành quy định.
– Cách ghi giá gói thầu:
Khi quy định giá gói thầu của các gói thầu có nhiều phần riêng biệt thì phải ghi rõ giá ước tính riêng cho từng phần riêng biệt này:
– Thời hạn cập nhật của giá gói thầu là 28 ngày tính đến trước ngày mở thầu nếu cần thiết;
– Thay đổi, điều chỉnh giá gói thầu:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 131 Nghị định 24/2024/NĐ-CP thì trường hợp có lý do cần điều chỉnh giá gói thầu hoặc nội dung gói thầu, phải điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật trước thời điểm đóng thầu, trừ trường hợp ói thầu có dự toán được duyệt sau khi phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mà dự toán gói thầu cao hơn hoặc thấp hơn giá gói thầu ghi trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu và trường hợp giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) của tất cả các nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật và thuộc danh sách xếp hạng đều vượt giá gói thầu đã duyệt.
4. Ý nghĩa của cách xác định giá gói thầu:
– Một là, dựa vào giá trị của gói thầu để xác định phân loại gói thầu. Đối với các gói thầu cung cấp các dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa mà giá trị gói thầu nhỏ hơn 10 tỷ đồng hoặc các gói thầu hỗn hợp, xây lắp mà giá trị gói thầu nhỏ hơn 20 tỷ đồng thì được xác định là gói thầu có quy mô nhỏ.
– Hai là, là căn cứ để xác định giá trị bảo đảm dự thầu theo quy định tại khoản 3 Luật Đấu thầu 2013. Cụ thể giá trị để bảo đảm dự thầu được quy định theo một mức xác định trong khoảng từ 1% – 3% giá gói thầu tùy thuộc vào quy mô, tính chất của từng gói thầu.
– Ba là, một trong những căn cứ để xác định các gói thầu cung cấp dịch vụ công, sản phẩm có giá gói thầu trong hạn mức thì được chỉ định thầu.
– Bốn là, căn cứ để xác định điều kiện trúng thầu khi tổ chức xét duyệt đối với các nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, hỗn hợp, xây lắp. Cụ thể nhà thầu là cá nhân, tổ chức phải đảm bảo điều kiện là có giá đề nghị trúng thầu nhỏ hơn giá gói thầu được phê duyệt.
– Năm là, ngoài ra giá gói thầu còn được làm căn cứ trong việc xử lý một số tình huống trong đấu thầu.
Như vậy ta có thể thấy xác định giá gói thầu là một trong những nội dung thiết yếu trong quá trình đấu thầu được Luật đấu thầu và các văn bản pháp luật khác có liên quan quy định khá cụ thể và chặt chẽ. Theo đó ta cũng có thể thấy việc xác định giá gói thầu đòi hỏi những tiêu chuẩn nhất định, đảm bảo phải đúng, đầy đủ, chính xác, vì tính quan trọng và ý nghĩa của giá gói thầu.
TƯ VẤN MỘT TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ:
Tóm tắt câu hỏi:
Cho em hỏi, khi giá gói thầu trong hồ sơ mời thầu bằng với giá gói thầu ghi trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu được duyệt thì có cần phải làm thêm 1 bước phê duyệt lại giá gói thầu không. Nếu có thì quy định ở đâu? Xin cảm ơn.?
Luật sư tư vấn:
Trong nội dung câu hỏi của bạn chưa xác định được nội dung chính mà bạn đang hỏi là như thế nào? Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 39 Luật Đấu thầu năm 2023 giá gói thầu được xác định:
“…2. Giá gói thầu:
a) Giá gói thầu là giá trị của gói thầu được phê duyệt trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Giá gói thầu bao gồm toàn bộ chi phí để thực hiện gói thầu, kể cả chi phí dự phòng, phí, lệ phí và thuế. Giá gói thầu được cập nhật trong thời hạn 28 ngày trước ngày mở thầu nếu cần thiết;
b) Đối với gói thầu chia phần thì ghi rõ giá gói thầu và giá ước tính cho từng phần trong giá gói thầu;
c) Đối với gói thầu áp dụng tùy chọn mua thêm quy định tại khoản 8 Điều này, giá gói thầu không bao gồm giá trị của tùy chọn mua thêm.
Chính phủ quy định chi tiết về nội dung giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu.“
Căn cứ lập hồ sơ mời thầu theo khoản 1 Điều 12
“…2. Trường hợp gói thầu có dự toán được duyệt sau khi phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu mà dự toán gói thầu cao hơn hoặc thấp hơn giá gói thầu ghi trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu thì dự toán đó sẽ thay thế giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo nguyên tắc sau đây:
a) Trường hợp dự toán gói thầu được duyệt cao hơn giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu nhưng bảo đảm giá trị cao hơn đó không làm vượt tổng mức đầu tư của dự án, dự toán mua sắm thì không phải điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Trường hợp giá trị cao hơn đó làm vượt tổng mức đầu tư của dự án, dự toán mua sắm thì phải điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu; nếu hình thức lựa chọn nhà thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã duyệt không còn phù hợp thì phải điều chỉnh hình thức lựa chọn nhà thầu;
b) Trường hợp dự toán gói thầu được duyệt thấp hơn giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu mà không làm thay đổi hình thức lựa chọn nhà thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã duyệt thì không phải điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu; trường hợp cần điều chỉnh hình thức lựa chọn nhà thầu cho phù hợp với giá trị mới của gói thầu theo dự toán được duyệt thì phải tiến hành điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Vậy, bạn cần kiểm tra lại thông tin gói thầu bên bạn và nội dung bên bạn đang gặp phải để xử lý tình huống theo Điều 131 Nghị định 24/2024/NĐ – CP.