Khu công nghiệp là khu vực dành để phát triển công nghiệp theo một quy hoạch cụ thể nào đó nhằm bảo đảm được sự hài hòa và cân bằng tương đối giữa các mục tiêu kinh tế - xã hội - môi trường. Vấn đề giao thông trong khu công nghiệp cũng hết sức được quan tâm. Vậy quy định về đường giao thông trong khu công nghiệp như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Quy định về đường giao thông trong khu công nghiệp:
Theo quy định, đường giao thông thuộc khu công nghiệp được xác định là đường bộ, tùy thuộc vào quy mô khu công nghiệp mà đường trong khu công nghiệp được quy hoạch có sự khác nhau tương ứng. Đường giao thông trong khu công nghiệp có thể hiểu là giao thông vận chuyển trong khu công nghiệp bao gồm các tuyến đường bên ngoài các ô đất xây dựng, nối với hệ thống giao thông của đô thị bên ngoài hàng rào KCN và nối với hệ thống giao thông trong nội bộ các lô đất xây dựng xí nghiệp công nghiệp.
Giao thông vận trong khu công nghiệp là đường bộ bao gồm giao thông vận chuyển hàng hóa và giao thông vận chuyển người như giao thông công cộng, giao thông đi bộ, giao thông cho xe đạp, xe mô tô, ô tô….
Cơ sở quy hoạch hệ thống giao thông trong khu công nghiệp dựa trên những yếu tố sau: hệ thống giao thông bên ngoài KCN, khả năng tiếp cận và tổ chức lối vào chính trong khu công nghiệp, nhu cầu và đặc điểm vận chuyển trong khu công nghiệp về hàng cũng như người, đặc điểm về điều kiện địa hình khu đất, liên quan đến việc tổ chức san nền và thoát nước mưa, giải pháp quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất và kiến trúc cảnh quan KCN và chi phí xây dựng đường, chi phí cho bảo dưỡng và quản lý
Về đường ô tô trong khu công nghiệp thì quy định như sau:
– Đối với đường chính khu công nghiệp, thông thường sẽ có bề rộng ít nhất là 4 làn xe với mỗi làn xe rộng 3,75m. Bề rộng lòng đường tối thiểu 15m. Tốc độ tính toán 60km/h. Còn đối với đường nhánh trong khu công nghiệp (phục vụ cho một khu vực nhất định của KCN). Thường sẽ có 2 – 4 làn xe (mỗi làn xe rộng 3,5 m) với bề rộng lòng đường 7m – 14m. Tốc độ tính toán 40km/h.
– Cấu tạo của đường ô tô trong khu công nghiệp: lớp mặt đường bằng hỗn hợp atphan nóng dày 4cm, lớp kết dính hỗn hợp atphan nóng dày 6cm, lớp bê tông nhựa hạt thô dày 20cm, lớp móng đá hộc dày 30cm, cát đầm chặt từng lớp dày 20cm, đường thường làm dốc với độ dốc tối thiểu 2% về phía cống thu nước.
Về đường xe đạp và đường đi bộ trong khu công nghiệp thì yêu cầu đối với bề rộng của một làn xe đạp được lấy bằng 1,5m, bề rộng của một làn đi bộ được lấy bằng 0,75m, luồng đường đi bộ, xe đạp được bố trí cạnh luồng đường ô tô, khoảng cách an toàn giữa luồng đường ô tô và đường đi bộ, xe đạp là 0,75m. Để đảm bảo an toàn cho người đi bộ, các tuyến đi bộ cắt ngang các đường ô tô chính trong KCN có thể bố trí lối đi bộ vượt đường bằng cầu cạn hoặc trong các tuyến.
Về đường sắt trong khu công nghiệp thì chi phí xây dựng các tuyến đường sắt từ ga vào khu công nghiệp và kèm theo đó là nhu cầu về diện tích đất xây dựng khá cao, nên việc xây dựng đường sắt trong khu công nghiệp tại Việt Nam được cân nhắc khá kỹ lưỡng.
Mặc dù các quy định liên quan đến đường trong khu công nghiệp đã được quy định. Nhưng do quy mô đa dạng của các khu công nghiệp và điều kiện địa hình cụ thể là khác nhau nên các dự án khu công nghiệp sẽ có bản đồ quy hoạch 1/500 và các giấy tờ pháp lý cụ thể.
2. Quyền xử lý vi phạm giao thông trong khu công nghiệp:
Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 8 Thông tư 32/2023/TT-BCA của Bộ Công an thì cảnh sát giao thông được dừng các phương tiện tham gia giao thông đường bộ để kiểm soát người và phương tiện giao thông, giấy tờ của người điều khiển phương tiện giao thông, giấy tờ của phương tiện giao thông và giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện giao thông đang kiểm soát theo quy định của pháp luật; kiểm soát việc thực hiện các quy định về an toàn vận tải đường bộ. Trong đó, không loại trừ trường hợp kiểm tra, xử lý vi phạm với hành vi vi phạm của người và phương tiện tham gia giao thông trong đường bên trong khu công nghiệp.
Như vậy, cảnh sát giao thông có thẩm quyền kiểm tra phương tiện trong đường giao thông thuộc khu công nghiệp. Tuy nhiên căn cứ vào khoản 1 Điều 16 Thông tư 32/2023/TT-BCA thì Cán bộ Cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trong bốn trường hợp sau:
(1) Cảnh sát giao thông trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, thu thập được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác
(2) Cảnh sát giao thông thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự xã hội; kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự xã hội đã được cấp có thẩm quyền ban hành.
(3) Cảnh sát giao thông thực hiện theo văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự;…
(4) Có tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố giác của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Như vậy, căn cứ vào quy định trên thì nếu người dân không vi phạm thì cảnh sát giao thông vẫn có thể dừng xe để kiểm tra nếu có chuyên đề đã được phê duyệt, văn bản đề nghị của Thủ tướng,… Và vì vậy, nếu có thuộc bốn trường hợp trên thì cảnh sát giao thông có quyền kiểm soát giao thông trong khu công nghiệp, thực hiện việc kiểm soát giao thông thông qua hệ thống giám sát lắp đặt cố định hoặc thông qua các phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ một cách cơ động ở bất cứ tuyến đường nào dưới sự phân công giám sát của thủ trưởng đơn vị.
3. Một số quyền của người tham gia giao thông khi Cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe:
Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định nguyên tắc khi người có thẩm quyền xử phạt thì phải có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính cá nhân, tổ chức vi phạm và cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính. Theo đó, khi cảnh sát giao thông dừng xe với lý do người tham gia giao thông vi phạm thì việc chứng minh lỗi của người tham gia giao thông thuộc về cảnh sát giao thông, Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm.
Về chuyển đề kiểm tra, kiểm soát giao thông thì người dân không được yêu cầu kiểm tra chuyên đề của cảnh sát giao thông khi bị yêu cầu dừng xe để kiểm tra, tuy nhiên được quyền biết về những chuyên đề đó thông qua các hình thức công khai chuyên đề như đăng tải trên Cổng thông tin điện tử; Trang thông tin điện tử của cơ quan Công an, đăng Công báo, niêm yết tại trụ sở cơ quan Công an, công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, thông qua việc tiếp công dân; họp báo; thông cáo báo chí; hoạt động của người phát ngôn trong lực lượng Công an nhân dân theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, khi bị dừng xe kiểm tra thì người vi phạm có quyền được quay phim, chụp ảnh nhưng hành vi này không được làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sỹ khi đang thực thi nhiệm vụ, ngoài khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và cần tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.
Những văn bản sử dụng trong bài viết:
Thông tư 32/2023/TT-BCA của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông
THAM KHẢO THÊM: