Chứng khoán là gì? Quy định về điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng?
Thị trường chứng khoán có vai trò rất lớn cho nền kinh tế đất nước. Thị trường chứng khoán đã giúp huy động vốn đầu tư cho nền kinh tế. Không những thế còn cung cấp môi trường đầu tư cho công chúng. Ngày nay, việc chào bán chứng khoán ra công chúng không những có ý nghĩa to lớn đối với tổ chức phát hành mà còn ảnh hưởng, tác động đến thị trường chứng khoán. Vì vậy pháp luật hiện hành đã đưa ra các quy định khá cụ thể về điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ giúp người đọc tìm hiểu quy định về điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
Luật sư tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.6568
1. Chứng khoán là gì?
Theo khoản 1 Điều 4 Luật chứng khoán 2019 quy định nội dung sau đây:
“Chứng khoán là tài sản, bao gồm các loại sau đây:
a) Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ;
b) Chứng quyền, chứng quyền có bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký;
c) Chứng khoán phái sinh;
d) Các loại chứng khoán khác do Chính phủ quy định.”
Thông qua quy định cụ thể được nêu trên, ta nhận thấy, chứng khoán là chứng từ có giá dài hạn hoặc bút toán ghi số để xác nhận các quyền, lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với vốn hoặc tài sản của tổ chức phát hành. Chứng khoán là hàng hóa của thị trường chứng khoán. Chứng khoán có giá là hình thức biểu hiên của tư bản giả, bản thân không có giá trị độc lập, là những bản sao bằng giấy tờ của tư bản thực. Những chứng khoán có giá sẽ mang lại thu nhập cho người sở hữu nên nó cũng là đối tượng mua bán và có giá cả cụ thể. Đa phần trên chứng khoán có giá sẽ không ghi tên người sở hữu, vì vậy, có thể chuyển nhượng tự do từ người này sang người khác mà không cần có chữ kí của người chuyển nhượng.
2. Quy định về điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng:
2.1. Điều kiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của công ty cổ phần:
Theo Khoản 1 Điều 15 Luật chứng khoán 2019 thì việc chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của công ty cổ phần cần đáp ứng các điều kiện sau:
– Vốn điều lệ:
Pháp luật quy định mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 30 tỷ đồng trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán.
– Hoạt động kinh doanh:
+ Hoạt động kinh doanh của hai năm liên tục liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi.
+ Công ty cổ phần không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán.
– Kế hoạch chào bán:
+ Có phương án phát hành.
+ Có phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán cổ phiếu được Đại hội đồng cổ đông thông qua.
– Tỉ lệ phần trăm số cổ phiếu tối thiểu:
+ Tối thiểu là 15% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của tổ chức phát hành phải được bán cho ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn.
+ Trường hợp vốn điều lệ của tổ chức phát hành từ 1.000 tỷ đồng trở lên, tỷ lệ tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của tổ chức phát hành.
– Nghĩa vụ cam kết:
+ Cổ đông lớn phải cam kết cùng nhau nắm giữ ít nhất 20% vốn điều lệ của tổ chức phát hành tối thiểu là 01 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán.
+ Có cam kết và phải thực hiện niêm yết hoặc đăng ký giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán sau khi kết thúc đợt chào bán.
– Các điều kiện khác:
+ Tổ chức phát hành không thuộc trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án về một trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế mà chưa được xóa án tích.
+ Có công ty chứng khoán tư vấn hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng, trừ trường hợp tổ chức phát hành là công ty chứng khoán.
+ Tổ chức phát hành phải mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua cổ phiếu của đợt chào bán.
2.2. Điều kiện chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng của công ty đại chúng:
Theo Khoản 2 Điều 15 Luật chứng khoán 2019 thì việc chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng của công ty đại chúng cần đáp ứng các điều kiện sau:
– Việc chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng của công ty đại chúng cần đáp ứng quy định tại các điểm a, c, e, g, h và i khoản 1 Điều 15 Luật chứng khoán 2019.
– Hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán.
– Giá trị cổ phiếu phát hành thêm theo mệnh giá không lớn hơn tổng giá trị cổ phiếu đang lưu hành tính theo mệnh giá, trừ trường hợp có bảo lãnh phát hành với cam kết nhận mua toàn bộ cổ phiếu của tổ chức phát hành để bán lại hoặc mua số cổ phiếu còn lại chưa được phân phối hết của tổ chức phát hành, phát hành tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu, phát hành để hoán đổi, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp.
– Đối với đợt chào bán ra công chúng nhằm mục đích huy động phần vốn để thực hiện dự án của tổ chức phát hành, cổ phiếu được bán cho các nhà đầu tư phải đạt tối thiểu là 70% số cổ phiếu dự kiến chào bán. Tổ chức phát hành phải có phương án bù đắp phần thiếu hụt vốn dự kiến huy động từ đợt chào bán để thực hiện dự án.
2.3. Điều kiện chào bán trái phiếu ra công chúng:
Theo khoản 3 Điều 15 Luật chứng khoán 2019 quy định việc chào bán trái phiếu ra công chúng cần đáp ứng những điều kiện sau:
– Về vốn điều lệ:
Doanh nghiệp có mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 30 tỷ đồng trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán.
– Về hoạt động kinh doanh:
+ Hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi.
+ Không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán.
+ Không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 01 năm.
– Kế hoạch chào bán:
+ Có phương án phát hành.
+ Có phương án sử dụng.
+ Trả nợ vốn thu được từ đợt chào bán.
Tất cả phải được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty thông qua theo đúng quy định của pháp luật.
– Nghĩa vụ cam kết:
+ Có cam kết thực hiện nghĩa vụ của tổ chức phát hành đối với nhà đầu tư về điều kiện phát hành, thanh toán, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và các điều kiện khác.
+ Tổ chức phát hành không thuộc trường hợp đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án về một trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế mà chưa được xóa án tích.
– Các điều kiện khác theo quy định của pháp luật:
+ Việc chào bán trái phiếu ra công chúng cần có công ty chứng khoán tư vấn hồ sơ đăng ký chào bán trái phiếu ra công chúng, trừ trường hợp tổ chức phát hành là công ty chứng khoán.
+ Có kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với tổ chức phát hành trái phiếu theo quy định của Chính phủ về các trường hợp phải xếp hạng tín nhiệm và thời điểm áp dụng.
+ Tổ chức phát hành phải mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua trái phiếu của đợt chào bán.
+ Tổ chức phát hành có cam kết và phải thực hiện niêm yết trái phiếu trên hệ thống giao dịch chứng khoán sau khi kết thúc đợt chào bán.
2.4. Điều kiện chào bán chứng chỉ quỹ lần đầu ra công chúng:
Theo khoản 5 Điều 15 Luật chứng khoán 2019 quy định việc chào bán chứng chỉ quỹ lần đầu ra công chúng cần đáp ứng các điều kiện sau:
– Để chào bán chứng chỉ quỹ lần đầu ra công chúng thì tổng giá trị chứng chỉ quỹ đăng ký chào bán tối thiểu là 50 tỷ đồng.
– Để chào bán chứng chỉ quỹ lần đầu ra công chúng thì cần có phương án phát hành và phương án đầu tư vốn thu được từ đợt chào bán chứng chỉ quỹ phù hợp với quy định của Luật chứng khoán 2019.
– Để chào bán chứng chỉ quỹ lần đầu ra công chúng thì phải được giám sát bởi ngân hàng giám sát theo quy định của Luật chứng khoán 2019.
– Để chào bán chứng chỉ quỹ lần đầu ra công chúng thì chứng chỉ quỹ chào bán ra công chúng phải được niêm yết trên hệ thống giao dịch chứng khoán sau khi kết thúc đợt chào bán, trừ trường hợp chào bán chứng chỉ quỹ mở.
2.5. Điều kiện chào bán trái phiếu chuyển đổi ra công chúng:
Theo khoản 4 Điều 15 Luật chứng khoán 2019 quy định về điều kiện chào bán trái phiếu chuyển đổi ra công chúng cần đáp ứng các điều kiện sau:
Đối với điều kiện chào bán trái phiếu chuyển đổi ra công chúng áp dụng giống hệt điều kiện chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng của công ty đại chúng. Ngoài ra việc chào bán trái phiếu chuyển đổi ra công chúng còn cần phải có cam kết thực hiện nghĩa vụ của tổ chức phát hành đối với nhà đầu tư về điều kiện phát hành, thanh toán, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và các điều kiện khác.