Một trong những lĩnh vực mà người nước ngoài (cá nhân, tổ chức) được phép đầu tư vào Việt Nam đó chính là lĩnh vực giáo dục. Vậy quy định về đầu tư nước ngoài vào giáo dục tại Việt Nam được pháp luật quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
- 1 1. Lĩnh vực giáo dục được phép đầu tư:
- 2 2. Tài chính trong đầu tư của nước ngoài vào giáo dục tại Việt Nam:
- 3 3. Loại hình cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài:
- 4 4. Quy định đặt tên cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài:
- 5 5. Thời hạn hoạt động của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài:
- 6 6. Trình tự cho phép thành lập cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài:
- 7 7. Quyền và nghĩa vụ của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài:
- 8 8. Điều kiện cho phép thành lập cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài:
1. Lĩnh vực giáo dục được phép đầu tư:
– Tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế (sau đây sẽ gọi chung là tổ chức, cá nhân nước ngoài) được phép đầu tư trong lĩnh vực giáo dục theo các quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
– Tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép đầu tư các ngành đào tạo theo quy định hiện hành trừ những ngành về an ninh, quốc phòng, chính trị và tôn giáo.
2. Tài chính trong đầu tư của nước ngoài vào giáo dục tại Việt Nam:
– Cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài phải tuân thủ những quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam về tài chính, kế toán, kiểm toán và thuế.
– Nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư trong nước và của các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư thành lập cơ sở giáo dục. Thủ tục thực hiện góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp thực hiện theo quy định của Luật đầu tư.
3. Loại hình cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài:
Điều 28 Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục quy định loại hình cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài bao gồm:
– Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn.
– Cơ sở giáo dục mầm non.
– Cơ sở giáo dục phổ thông (bao gồm có trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học).
– Cơ sở giáo dục đại học.
– Phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
4. Quy định đặt tên cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài:
Điều 29 Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định về đặt tên cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài, cụ thể như sau:
– Cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập và hoạt động dưới hình thức là trường hoặc trung tâm và được đặt tên theo quy định sau:
+ Đối với trường, tên phải bao gồm những yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: “Trường”, “Cấp học hoặc trình độ đào tạo” và tên riêng;
+ Đối với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn, tên phải bao gồm những yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: “Trung tâm giáo dục hoặc đào tạo”, “Ngành hoặc nhóm ngành đào tạo chính” và tên riêng;
+ Đối với phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thì tên phải bao gồm những yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: “Phân hiệu”, “Tên của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài” và “tại tỉnh, thành phố”.
– Tên riêng của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài không được đặt trùng hoặc là gây nhầm lẫn với tên của cơ sở giáo dục đã đăng ký, với tên của doanh nghiệp đang thực hiện dự án đầu tư; không sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm về truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam.
– Cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài có tên giao dịch bằng tiếng Việt và tên giao dịch quốc tế bằng tiếng Anh (hoặc là bằng một ngôn ngữ nước ngoài thông dụng khác) với nội dung tương đương.
– Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, quyết định việc đặt tên một số cơ sở giáo dục mang tính đặc thù.
5. Thời hạn hoạt động của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài:
Thời hạn hoạt động của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài không quá 50 năm, tính từ ngày mà được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhưng không dài hơn thời hạn thuê đất.
6. Trình tự cho phép thành lập cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài:
– Việc cho phép thành lập cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện theo trình tự sau đây:
+ Cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
+ Cấp quyết định cho phép hoạt động giáo dục và thông báo trên trang thông tin điện tử của cơ quan cấp phép.
– Việc cho phép cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, tổ chức quốc tế có liên chính phủ được phép hoạt động tại Việt Nam thành lập cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện theo đúng trình tự sau đây:
+ Cấp quyết định cho phép thành lập;
+ Cấp quyết định cho phép hoạt động giáo dục và thông báo trên trang thông tin điện tử của cơ quan cấp phép.
– Việc cho phép thành lập cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học mà có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện theo trình tự sau đây:
+ Cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
+ Cấp quyết định cho phép thành lập;
+ Cấp quyết định cho phép hoạt động giáo dục và thông báo trên trang thông tin điện tử của cơ quan cấp phép.
– Việc cho phép mở phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện theo trình tự sau đây:
+ Cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
+ Cấp quyết định cho phép thành lập phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học;
+ Cấp quyết định cho phép hoạt động và thông báo trên trang thông tin điện tử của cơ quan cấp phép.
7. Quyền và nghĩa vụ của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài:
Quyền và nghĩa vụ của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài bao gồm:
– Được bảo hộ các quyền và lợi ích hợp pháp theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
– Chịu sự quản lý hành chính theo lãnh thổ của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; hoạt động và phải chịu sự quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật Việt Nam.
– Thực hiện công khai cam kết về chất lượng giáo dục, điều kiện bảo đảm về chất lượng giáo dục và thu, chi tài chính. Chịu trách nhiệm bồi hoàn cho những người học các khoản chi phí người học đã nộp trong trường hợp cung cấp các chương trình đào tạo không bảo đảm chất lượng giáo dục như cam kết.
– Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người học, cán bộ, giảng viên, giáo viên và những người lao động trong trường hợp chấm dứt hoặc buộc phải chấm dứt hoạt động trước thời hạn.
– Tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của những tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội được thành lập và hoạt động theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam tại cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài.
– Trước ngày 30 tháng 11 hàng năm, báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp về tình hình phát triển toàn diện của cơ sở và thực hiện giải trình đầy đủ khi được cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu. Báo cáo bao gồm những nội dung chính sau và được thực hiện bằng hình thức trực tuyến và văn bản:
+ Việc thực hiện quyết định cho phép hoạt động;
+ Cơ cấu tổ chức;
+ Giáo viên;
+ Giảng viên;
+ Số lượng tuyển sinh;
+ Công tác tổ chức giảng dạy và học tập;
+ Kết quả học tập của học sinh, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh;
+ Số lượng tốt nghiệp;
+ Tỷ lệ tốt nghiệp;
+ Văn bằng được cấp;
+ Báo cáo tài chính;
+ Những khó khăn, thuận lợi trong quá trình triển khai, đề xuất, kiến nghị.
– Các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.
8. Điều kiện cho phép thành lập cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài:
Các điều kiện cho phép thành lập cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài bao gồm:
– Dự án đầu tư thành lập cơ sở giáo dục mầm non phải có suất đầu tư ít nhất là 30 triệu đồng/trẻ (không bao gồm những chi phí sử dụng đất). Tổng số vốn đầu tư ít nhất phải được tính toán căn cứ thời điểm có quy mô dự kiến cao nhất. Kế hoạch vốn đầu tư sẽ phải phù hợp với quy mô dự kiến của từng giai đoạn.
– Dự án đầu tư thành lập cơ sở giáo dục phổ thông phải có suất đầu tư ít nhất là 50 triệu đồng/học sinh (không bao gồm những chi phí sử dụng đất). Tổng số vốn đầu tư ít nhất phải được tính toán căn cứ thời điểm có quy mô dự kiến cao nhất, nhưng không thấp hơn 50 tỷ đồng.
– Dự án đầu tư thành lập cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn phải có suất đầu tư ít nhất là 20 triệu đồng/học viên (không bao gồm những chi phí sử dụng đất). Tổng số vốn đầu tư ít nhất được tính toán căn cứ vào thời điểm có quy mô dự kiến cao nhất.
– Dự án đầu tư thành lập cơ sở giáo dục đại học phải có tổng số vốn đầu tư tối thiểu là 1.000 tỷ đồng (không bao gồm những chi phí sử dụng đất). Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chính là chủ đầu tư dự án thực hiện việc chứng minh khả năng tài chính theo đúng quy định của Luật đầu tư. Đến thời điểm thẩm định cho phép thành lập trường đại học, giá trị đầu tư sẽ phải thực hiện được trên 500 tỷ đồng.
– Dự án đầu tư xin thành lập phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam sẽ phải có vốn đầu tư tối thiểu là 250 tỷ đồng (không bao gồm những chi phí sử dụng đất). Đến thời điểm thẩm định cho phép thành lập phân hiệu trường đại học thì giá trị đầu tư phải thực hiện được trên 150 tỷ đồng.
– Đối với những cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài không xây dựng cơ sở vật chất mới mà chỉ thuê lại hoặc là do bên Việt Nam góp vốn bằng cơ sở vật chất sẵn có để triển khai các hoạt động thì mức đầu tư ít nhất phải đạt 70% các mức quy định trên.
Văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.