Công bố đơn đăng ký sáng chế là một trong những giai đoạn cần phải thực hiện trong thủ tục đăng ký bảo hộ sáng chế tại Cục Sở hữu trí tuệ. Vậy pháp luật quy định như thế nào về vấn đề công bố đơn đăng ký sáng chế?
Mục lục bài viết
1. Quy định về công bố đơn đăng ký sáng chế như thế nào?
Nhìn chung, công bố đơn là một trong những giai đoạn đăng ký bảo hộ sáng chế. Bởi thủ tục đăng ký bảo hộ sáng chế hiện nay được thực hiện như sau:
Bước 1: Các tổ chức và cá nhân có nhu cầu thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ sáng chế sẽ chuẩn bị một bộ hồ sơ đầy đủ và hợp lệ để nộp tới cơ quan có thẩm quyền.
Bước 2: Sau khi chuẩn bị bộ hồ sơ đầy đủ và hợp lệ phải nộp hồ sơ tới cơ quan có thẩm quyền. Cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp này được xác định là Cục Sở hữu trí tuệ. Có thể nộp trực tiếp hoặc nộp thông qua dịch vụ bưu điện.
Bước 3: Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định đơn. Theo đó, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra việc tuân thủ các quy định về hình thức đối với đơn yêu cầu, từ đó đưa ra kết luận đơn có được coi là hợp lệ hay không. Trong trường hợp đơn hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền sẽ ra quyết định chấp nhận đơn hợp lệ. Trong trường hợp đơn không hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền sẽ ra thông báo dự định từ chối nhận đơn, trong thông báo đó cần phải nêu rõ lý do và thiếu sót khiến cho đơn có thể bị từ chối, ấn định khoảng thời gian hai tháng để người nộp đơn có ý kiến hoặc sửa đổi những thiếu sót đó. Nếu hết khoảng thời gian đó mà người nộp đơn vẫn không sửa chữa thiếu sót, hoặc có sửa chữa thiếu sót tuy nhiên vẫn không đạt yêu cầu, không có ý kiến phản đối, có ý kiến phản đối tuy nhiên ý kiến không xác đáng thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định từ chối nhận đơn.
Bước 4: Công bố đơn. Sau khi có quyết định chấp nhận đơn, đơn sẽ được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp. Sau đó tiếp tục tiến hành hoạt động thẩm định nội dung đơn. Thẩm định nội dung đơn sẽ được tiến hành theo quy định của pháp luật, tiến hành các hoạt động đánh giá khả năng được bảo hộ của đối tượng nêu trong đơn theo điều kiện bảo hộ, trong đó bao gồm: tính mới, trình độ sáng tạo, khả năng áp dụng công nghiệp. Qua đó xác định phạm vi bảo hộ tương ứng với quy định của pháp luật.
Bước 5: Ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ. Nếu đối tượng nêu trong đơn không đáp ứng đầy đủ yêu cầu về bảo hộ thì cơ quan có thẩm quyền sẽ ra quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ. Nếu đối tượng nêu trong đơn đáp ứng đầy đủ yêu cầu về bảo hộ, người nộp đơn cũng đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về lệ phí và đúng hạn, cơ quan có thẩm quyền sẽ ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, sau đó ghi vào sổ đăng ký quốc gia về sáng chế và công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp.
Theo đó, để có thể được bảo hộ sáng chế, chủ sở hữu sáng chế bắt buộc cần phải thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ sáng chế tại cơ quan có thẩm quyền. Trong quá trình thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ sáng chế, cơ quan có thẩm quyền cần phải thực hiện hoạt động công bố đơn đăng ký sáng chế trong trường hợp đơn đó đã đảm bảo tính hợp lệ. Hoạt động công bố đơn đăng ký sáng chế sẽ thuộc về Cục Sở hữu trí tuệ sau khi đã tiến hành hoạt động thẩm định đơn. Theo đó, đơn đăng ký sáng chế có hình thức hợp lệ sẽ được Cục Sở hữu trí tuệ đăng tải đơn đăng ký sáng chế này lên trang Công báo sở hữu công nghiệp. Các cá nhân và tổ chức có thể tra cứu đơn tại website Công báo sở hữu công nghiệp của Cục Sở hữu trí tuệ.
Pháp luật hiện nay đã quy định cụ thể về vấn đề công bố đơn đăng ký sáng chế. Căn cứ theo quy định tại Quyết định 3038/QĐ-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành, thủ tục hành chính bị bãi bỏ trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ, thì nội dung công bố đơn đăng ký sáng chế sẽ bao gồm các vấn đề cơ bản sau đây:
– Toàn bộ các thông tin có liên quan đến đơn đăng ký sáng chế được công bố, cụ thể bao gồm:
+ Các thông tin và tài liệu liên quan đến đơn đăng ký sáng chế hợp lệ về mặt hình thức;
+ Tên tác giả sáng chế, quốc tịch của tác giả sáng chế;
+ Các thông tin có liên quan đến chuyển nhượng, số đơn, tách đơn …;
+ Bản tóm tắt sáng chế, kèm theo bản vẽ trong đơn đăng ký sáng chế.
– Việc sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký sáng chế, thay đổi các thông tin có liên quan đến đơn đăng ký sáng chế, nếu có.
Đồng thời, bất cứ chủ thể nào cũng đều có thể tiếp cận được với những thông tin, đối tượng được nêu trong đơn đăng ký sáng chế nếu đơn đó được thẩm định là hợp lệ sau khi đã được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp, hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền đó là Cục Sở hữu trí tuệ cung cấp các thông tin đó, đồng thời cần phải có nghĩa vụ nộp phí tra cứu thông tin.
2. Thời hạn công bố đơn đăng ký sáng chế như thế nào?
Cũng căn cứ theo quy định tại Quyết định 3038/QĐ-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành, thủ tục hành chính bị bãi bỏ trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ, khi tiến hành hoạt động thẩm định hình thức đơn đăng ký sáng chế, nếu cơ quan có thẩm quyền nhận thấy thông tin được nêu trong đơn đăng ký sáng chế là hợp lệ thì đơn đó sẽ được Cục Sở hữu trí tuệ công bố trên Thông báo sở hữu công nghiệp theo quy định của pháp luật. Thời hạn công bố đơn đăng ký sáng chế sẽ được thực hiện như sau:
– Đối với đơn đăng ký sáng chế, sau khi tiến hành hoạt động thẩm định hình thức đơn, nhận thấy hình thức đơn đăng ký sáng chế là hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ công bố đơn đăng ký sáng chế trong tháng thứ 19 được tính kể từ ngày ưu tiên hoặc được tính kể từ ngày nộp đơn tại cơ quan có thẩm quyền, nếu nhận thấy không có ngày ưu tiên hoặc trong khoảng thời gian 02 tháng kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ, tùy thuộc vào ngày nào muộn hơn;
– Đối với đơn đăng ký sáng chế theo các hiệp ước hợp tác về sáng chế mà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thì sau khi tiến hành hoạt động thẩm định hình thức đơn đăng ký sáng chế, nhận thấy hình thức đơn đó là hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ công bố đơn đăng ký sáng chế trong khoảng thời hạn 02 tháng được tính kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ sau khi đơn đã vào giai đoạn quốc gia;
– Đối với đơn đăng ký sáng chế có yêu cầu công bố sớm, thì sau khi tiến hành hoạt động thẩm định hình thức đơn, nhận thấy hình thức đơn đăng ký sáng chế là hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ công bố trong khoảng thời gian 02 tháng được tính kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền nhận được yêu cầu công bố sớm, hoặc được tính kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ, tùy theo ngày nào muộn hơn.
3. Mức phí áp dụng khi công bố đơn đăng ký sáng chế:
Các tổ chức và cá nhân khi nộp đơn đăng ký sáng chế sẽ phải có trách nhiệm nộp phí công bố đơn trên trang Công báo sở hữu công nghiệp. Phí công bố đơn đăng ký sáng chế cũng được xếp vào nhóm phí công bố, đăng bạ thông tin sở hữu công nghiệp nên căn cứ Biểu mức thu phí, lệ phí sở hữu công nghiệp được ban hành kèm theo Thông tư 263/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí sở hữu công nghiệp (sửa đổi tại Thông tư 31/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 263/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí sở hữu công nghiệp), phí công bố đơn đăng ký sáng chế được xác định như sau:
Số thứ tự | Công bố đơn đăng ký sáng chế | Mức phí công bố đơn (đồng/đơn) |
1 | Đơn đăng ký sáng chế có 1 hình và bản mô tả trong đơn đăng ký sáng chế từ 06 trang trở xuống | 120.000 đồng |
2 | Đơn đăng ký sáng chế có trên 01 hình thì từ hình thứ 02 trở đi, người nộp đơn đăng ký sáng chế đó sẽ phải nộp thêm tiền cho mỗi hình | 120.000 đồng + 60.000 đồng x (Số hình – 1) |
3 | Đơn đăng ký sáng chế bản mô tả sáng chế dài trên 06 trang thì từ trang thứ 07 trở đi, người nộp đơn đăng ký sáng chế sẽ phải nộp thêm cho mỗi trang | 120.000 đồng + 10.000 đồng x (Số trang bản mô tả – 6) |
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất số 11/VBHN-VPQH Luật Sở hữu trí tuệ;
– Nghị định 17/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan;
– Quyết định 3038/QĐ-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành, thủ tục hành chính bị bãi bỏ trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ;
– Thông tư 263/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí sở hữu công nghiệp;
– Thông tư 31/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 263/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí sở hữu công nghiệp;
– Nghị định 65/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ.