Chuyển vụ án, nhập hoặc tách vụ án hình sự là gì? Quy định về chuyển vụ án hình sự? Quy định về nhập hoặc tách vụ án hình sự?
Chuyển vụ án, nhập hoặc tách vụ án hình sự là những quy định đặc biệt của Bộ luật tố tụng hình sự trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự. Thực tế có thể thấy, tùy thuộc vào các trường hợp nhất định, phù hợp với tình tiết khách quan việc chuyển, nhập hoặc tách phải thực sự mang đến kết quả giải quyết vụ án vẫn đảm bảo được sự thật vụ án. Ở mỗi giai đoạn tố tụng ( điều tra, truy tố, xét xử), cơ quan tiến hành tố tụng có quyền chuyển, nhập hoặc tách vụ án nếu đáp ứng các điều kiện do luật định. Để hiểu rõ hơn về nội dung này, Luật Dương Gia sẽ tập trung phân tích các quy định về chuyển vụ án, nhập hoặc tách vụ án hình sự theo
1. Chuyển vụ án, nhập hoặc tách vụ án hình sự là gì?
Chuyển vụ án theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự là thủ tục phát sinh ở giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử khi vụ án hình sự đáp ứng điều kiện luật định mà chủ yếu là do không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình.
Chuyển vụ án hình sự trong Tiếng anh là “Transfer of cases”
Nhập hoặc tách vụ án hình sự là thủ tục phát sinh trong giai đoạn điều tra, truy tố theo quy định của pháp luật khi đáp ứng các điều kiện. Nhập vụ án là việc tiến hành 2 hay nhiều vụ án để thành 1 vụ án, còn tách vụ án là việc tách 1 vụ án thành 2 hay nhiều vụ án để tiến hành giải quyết.
Nhập hoặc tách vụ án trong Tiếng anh là “Joinder or separation in criminal cases”
2. Quy định về chuyển vụ án hình sự?
Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, chuyển vụ án có thể được diễn ra ở cả giai đoạn điều tra, truy tố hoặc xét xử.
2.1. Chuyển vụ án để điều tra
Điều 169 quy định:
“1. Viện kiểm sát cùng cấp quyết định việc chuyển vụ án để điều tra khi thuộc một trong các trường hợp:
a) Cơ quan điều tra cùng cấp xét thấy vụ án không thuộc thẩm quyền điều tra và đề nghị chuyển vụ án;
b) Cơ quan điều tra cấp trên rút vụ án để điều tra;
c) Điều tra viên bị thay đổi là Thủ trưởng Cơ quan điều tra;
d) Viện kiểm sát đã yêu cầu chuyển vụ án mà Cơ quan điều tra không thực hiện.
2. Việc chuyển vụ án ra ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc ngoài phạm vi quân khu do Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu quyết định.
3. Thủ tục chuyển vụ án để điều tra theo thẩm quyền:
a) Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền phải ra quyết định chuyển vụ án;
b) Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định chuyển vụ án, Viện kiểm sát phải gửi quyết định đó đến Cơ quan điều tra đang điều tra vụ án, Cơ quan điều tra có thẩm quyền tiếp tục điều tra vụ án, bị can hoặc người đại diện của bị can, người bào chữa, bị hại và Viện kiểm sát có thẩm quyền.
4. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được quyết định chuyển vụ án, Cơ quan điều tra đang điều tra vụ án có trách nhiệm chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền để tiếp tục điều tra.
5. Thời hạn điều tra được tính tiếp từ ngày Cơ quan điều tra nhận được hồ sơ vụ án cho đến hết thời hạn điều tra vụ án theo quy định của Bộ luật này. Trường hợp hết thời hạn điều tra mà không thể kết thúc việc điều tra thì Viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét, quyết định gia hạn điều tra theo thủ tục chung quy định tại Bộ luật này.”
Dựa theo quy định trên, tác giả đưa ra một số phân tích sau:
– Thứ nhất, căn cứ để chuyển vụ án gồm có 4 căn cứ lớn: Cơ quan điều tra cùng cấp xét thấy vụ án không thuộc thẩm quyền điều tra và đề nghị chuyển vụ án; Cơ quan điều tra cấp trên rút vụ án để điều tra; Điều tra viên bị thay đổi là Thủ trưởng Cơ quan điều tra; Viện kiểm sát đã yêu cầu chuyển vụ án mà Cơ quan điều tra không thực hiện.
– Thứ hai, thẩm quyền chuyển vụ án để điều tra: Viện kiểm sát cùng cấp; Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu
– Thứ ba, thủ tục chuyển vụ án hình sự được quy định cụ thể hơn tại điều 29 Thông tư liên tịch 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BTP quy định về phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự:
Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày có căn cứ xác định vụ án không thuộc thẩm quyền điều tra, Cơ quan điều tra đang điều tra vụ án trao đổi, thống nhất với Viện kiểm sát cùng cấp để có văn bản gửi Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền, kèm theo các tài liệu xác định thẩm quyền điều tra để trao đổi về việc chuyển hồ sơ vụ án để điều tra theo thẩm quyền. Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản trao đổi, Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra phải trao đổi với Viện kiểm sát cùng cấp để có văn bản trả lời. Tùy từng trường hợp, việc chuyển vụ án được xử lý như sau:
+ Trường hợp Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra nhất trí tiếp nhận hồ sơ vụ án để điều tra thì Cơ quan điều tra đang điều tra có văn bản đề nghị chuyển vụ án gửi Viện kiểm sát cùng cấp để quyết định việc chuyển vụ án theo thẩm quyền;
+ Trường hợp Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra không nhất trí tiếp nhận hồ sơ vụ án để điều tra thì phải có văn bản nêu rõ lý do; nếu lý do không có căn cứ thì Cơ quan điều tra đang điều tra vụ án có văn bản đề nghị chuyển vụ án gửi Viện kiểm sát cùng cấp để quyết định việc chuyển vụ án theo thẩm quyền, Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra phải tiếp nhận hồ sơ vụ án khi có quyết định chuyển vụ án của Viện kiểm sát; nếu lý do không nhất trí do tranh chấp về thẩm quyền điều tra, thì Cơ quan điều tra đang điều tra vụ án phối hợp cùng Viện kiểm sát cùng cấp báo cáo, đề nghị Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp xem xét giải quyết về thẩm quyền điều tra theo quy định tại khoản 3 Điều 166 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Với sự hướng dẫn cụ thể tại Thông tư liên tịch 04/2018, thủ tục chuyển vụ án hình sự để điều tra được thực hiện một cách cụ thể, dễ dàng hơn, đảm bảo sự phối hợp giữa cơ quan điều tra và viện kiểm sát trong việc giải quyết các vấn đề vướng mắc.
2.2. Chuyển vụ án trong giai đoạn truy tố
Chuyển vụ án trong giai đoạn truy tố không được quy định một cách cụ thể, hay một điều luật mang tên “chuyển vụ án trong giai đoạn truy tố”. Tại điều 239- Thẩm quyền truy tố, Bộ luật tố tụng hình sự quy định:
Viện kiểm sát cấp nào thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra thì Viện kiểm sát cấp đó quyết định việc truy tố. Thẩm quyền truy tố của Viện kiểm sát được xác định theo thẩm quyền xét xử của Tòa án đối với vụ án.
Trường hợp vụ án không thuộc thẩm quyền truy tố của mình, Viện kiểm sát ra ngay quyết định chuyển vụ án cho Viện kiểm sát có thẩm quyền. Việc chuyển vụ án cho Viện kiểm sát ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc ngoài phạm vi quân khu do Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu quyết định.
Thể hiện sự phối hợp giữa cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc chuyển vụ án ở giai đoạn này, Khoản 3, điều 29, Thông tư liên tịch 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BTP quy định về phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự hướng dẫn: Trường hợp Viện kiểm sát chuyển vụ án để truy tố theo thẩm quyền thì Cơ quan điều tra kết thúc điều tra vụ án có trách nhiệm phối hợp cùng Viện kiểm sát đã thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra vụ án thực hiện yêu cầu, quyết định chuyển vật chứng (nếu có) và quyết định khác của Viện kiểm sát có thẩm quyền truy tố.
Như vậy, căn cứ duy nhất để Viện kiểm sát chuyển vụ án là vụ án hình sự không thuộc thẩm quyền truy tố của mình.
2.3. Chuyển vụ án trong giai đoạn xét xử
Vấn đề chuyển vụ án trong giai đoạn xét xử nó không mang tính chất như bình thường là chuyển từ Tòa án này sang Tòa án khác nếu vụ án không thuộc thẩm quyền xét xử mà thực tế là việc Tòa án trả hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát đã truy tố để chuyển đến Viện kiểm sát có thẩm quyền truy tố. Như vậy, mối liên hệ giữa chuyển vụ án trong giai đoạn xét xử và truy tố có sự phụ thuộc vào nhau.
Về thủ tục, trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận lại hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát đã truy tố phải ra quyết định chuyển hồ sơ vụ án đến Viện kiểm sát có thẩm quyền truy tố để giải quyết theo thẩm quyền. Việc chuyển vụ án ra ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc ngoài phạm vi quân khu thực hiện theo quy định tại Điều 239 của Bộ luật này.
Khi xét thấy vụ án vẫn thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án đã trả hồ sơ thì Viện kiểm sát chuyển lại hồ sơ vụ án đến Tòa án kèm theo văn bản nêu rõ lý do; nếu Tòa án xét thấy vụ án vẫn không thuộc thẩm quyền xét xử của mình thì việc giải quyết tranh chấp thẩm quyền xét xử thực hiện theo Điều 275 của Bộ luật này. Viện kiểm sát phải thực hiện theo quyết định của Tòa án có thẩm quyền. Nội dung này được quy định tại Điều 274 Bộ luật tố tụng hình sự.
3. Quy định về nhập hoặc tách vụ án hình sự?
Nhập hoặc tách vụ án hình sự được áp dụng trong giai đoạn điều tra hoặc truy tố, cụ thể:
3.1. Nhập hoặc tách vụ án hình sự để tiến hành điều tra
Điều 170 quy định:
“1. Cơ quan điều tra có thể nhập để tiến hành điều tra theo thẩm quyền trong cùng một vụ án khi thuộc một trong các trường hợp:
a) Bị can phạm nhiều tội;
b) Bị can phạm tội nhiều lần;
c) Nhiều bị can cùng thực hiện một tội phạm hoặc cùng với bị can còn có những người khác che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm, tiêu thụ tài sản do bị can phạm tội mà có.
2. Cơ quan điều tra chỉ được tách vụ án trong trường hợp cần thiết khi không thể hoàn thành sớm việc điều tra đối với tất cả các tội phạm và nếu việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án.
3. Quyết định nhập hoặc tách vụ án phải gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định. Trường hợp không nhất trí với quyết định nhập hoặc tách vụ án của Cơ quan điều tra thì Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ và nêu rõ lý do.”
Bản thân quy định về nhập vụ án hình sự có ý nghĩa trong việc tiết kiệm thời gian giải quyết vụ án, đảm bảo sự thống nhất, liên kết giữa người phạm tội, đối với tách vụ án phải đáp ứng được rằng việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án là không bị ảnh hưởng.
3.2. Nhập hoặc tách vụ án trong giai đoạn truy tố
Về căn cứ nhập tách vụ án trong giai đoạn truy tố và điều tra là giống nhau. Đối với tách vụ án, phải có quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can, cụ thể, nhập hoặc tách vụ án trong giai đoạn truy tố được quy định tại Điều 242 như sau:
“1. Viện kiểm sát quyết định nhập vụ án khi thuộc một trong các trường hợp:
a) Bị can phạm nhiều tội;
b) Bị can phạm tội nhiều lần;
c) Nhiều bị can cùng thực hiện một tội phạm hoặc cùng với bị can còn có những người khác che giấu tội phạm hoặc không tố giác tội phạm, tiêu thụ tài sản do bị can phạm tội mà có.
2. Viện kiểm sát quyết định tách vụ án khi thuộc một trong các trường hợp sau đây nếu xét thấy việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện và đã có quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can:
a) Bị can bỏ trốn;
b) Bị can mắc bệnh hiểm nghèo;
c) Bị can bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.”
Trường hợp có căn cứ để nhập, tách vụ án hình sự theo quy định tại Điều 170, Điều 242 Bộ luật Tố tụng hình sự thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát trao đổi, thống nhất trước khi ra quyết định. Trường hợp có đủ căn cứ, điều kiện nhập, tách vụ án hình sự nhưng Cơ quan điều tra không thực hiện thì Viện kiểm sát có văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định nhập, tách vụ án hình sự để tiến hành điều tra.