Đảng viên là các cá thể tạo nên sức mạnh vững bền của Đảng. Trở thành Đảng viên của Đảng cộng sản Việt Nam, công dân phải chấp hành thực hiện sinh hoạt Đảng. Vậy quy định về chuyển sinh hoạt Đảng của Đảng viên khi nghỉ hưu như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Quy định của pháp luật về Đảng viên:
1.1. Khái niệm Đảng viên:
– Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên trên lợi ích cá nhân; chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước; có lao động, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; có đạo đức và lối sống lành mạnh; gắn bó mật thiết với nhân dân; phục tùng tổ chức, kỷ luật của Đảng, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng.
– Đảng viên là chiến sỹ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam. Đảng viên là thành tố quan trọng trong việc xây dựng và phát triển Đảng; cùng Đảng lãnh đạo, phát triển đời sống nhân dân. Để trở thành một đảng viên là cả một quá trình nỗ lực phấn đấu không ngừng của bản thân trên các mặt công tác, sinh hoạt nơi cộng đồng, thể hiện là một công dân ưu tú thực thụ, được mọi người tín nhiệm giới thiệu cho Đảng. Khi đã được đứng trong hàng ngũ của Đảng, thì kể từ thời gian đó đảng viên phải nêu cao hơn nữa vai trò tiên phong, gương mẫu trong việc chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, là tấm gương tốt cho quần chúng noi theo.
1.2. Nhiệm vụ, vai trò của Đảng viên:
– Người đảng viên dù ở bất cứ cương vị nào, cũng đều phải thực hiện hai nhiệm vụ bao trùm: vừa là người lãnh đạo, cũng vừa là người phục vụ, đầy tớ của Nhân dân. Hai đặc tính này hoàn toàn không mâu thuẫn, mà thống nhất, gắn bó chặt chẽ cho nhau xuất phát từ bản chất của Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, của Nhân dân và của dân tộc Việt Nam, Đảng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của Nhân dân lao động, lợi ích của cả dân tộc Việt Nam, có nhiệm vụ lãnh đạo cách mạng, hết lòng hết sức phục vụ Nhân dân, thực hiện thành công công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, theo con đường xã hội chủ nghĩa. Do đó, mỗi đảng viên đều phải đặt lợi ích của dân tộc, của giai cấp lên trên hết. Đây được xem là nhiệm vụ lớn lao, cao cả nhất của người Đảng viên.
– Một khi đã trở thành người Đảng viên, các cá nhân phải không ngừng nỗ lực, cố gắng, học tập và nâng cao năng lực hoạt động Đảng. Đảng viên được xem là một trong những chủ thể đầu tiên nắm bắt được những chủ trương, chính sách mà Đảng và Nhà nước đề ra. Để quá trình nắm bắt các chủ trương này đạt hiệu quả nhất, các buổi sinh hoạt Đảng được tổ chức và diễn ra định kỳ. Theo đó, cán bộ Đảng viên phải tham gia các lớp sinh hoạt Đảng này. Đây là yêu cầu mang tính chất bắt buộc.
2. Quy định về chuyển sinh hoạt Đảng của Đảng viên khi nghỉ hưu:
2.1. Đảng viên khi nghỉ hưu:
– Đảng viên là những người hoạt động trực tiếp trong Đảng. Họ thực hiện công tác Đảng tại nơi mà mình sinh sống lâu dài. Theo đó, Đảng viên sẽ trực tiếp tham gia vào hoạt động Đảng ở địa phương mình; tham gia hỗ trợ người dân thực hiện các chủ trương, chính sách mà Đảng và Nhà nước đưa ra.
– Khi nghỉ hưu, Đảng viên không trực tiếp tham gia vào hoạt động lao động phát triển đất nước bằng những công việc như khi trong độ tuổi lao động. Tuy nhiên, họ vẫn là Đảng viên, là lực lượng nòng cốt trong đội ngũ Đảng viên. Trách nhiệm của họ vẫn là hoàn thành các chủ trương, chính sách của Đảng đề ra; phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Do đó, dù đến tuổi nghỉ hưu, cán bộ Đảng viên vẫn thực hiện sinh hoạt Đảng. Họ vẫn tham gia vào quá trình xây dựng, phát triển đất nước bằng nhiều hoạt động khác nhau. Vậy nên, có thể khẳng đinh, Đảng viên khi nghỉ hưu vẫn luôn giữ những vai trò, nhiệm vụ, trọng trách đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của Đảng. Họ là những cán bộ Đảng viên lão luyện, giúp hỗ trợ thế hệ Đảng viên trẻ cho công tác xây dựng nước nhà.
– Cán bộ Đảng viên sinh hoạt Đảng tại nơi mà họ làm việc, sinh sống ổn định lâu dài. Tuy nhiên, trong thực tế, có những Đảng viên khi trong độ tuổi lao động thì công tác tại một địa phương, những khi đến tuổi nghỉ hưu, họ sẽ chuyển về địa phương khác (thường là quê hương của mình).
Ví dụ: Bác Nguyễn Văn L, 61 tuổi, là cán bộ công chức, công tác và làm việc tại Ủy ban nhân dân huyện X. Bác làm việc tại đây được hơn 20 năm. Tuy nhiên, đây không phải quê của bác. Khi đến tuổi nghỉ hưu, bác L có mong muốn được về quê để sinh sống, nghỉ ngơi và sinh hoạt Đảng tại đấy. Vậy nên, bác Nguyễn Văn L đã làm thủ tục xin chuyển sinh hoạt Đảng từ huyện X về huyện Y.
Với những trường hợp như vậy, một câu hỏi được đặt ra là quy định mà Nhà nước đưa ra về việc chuyển sinh hoạt Đảng của Đảng viên khi nghỉ hưu như thế nào?
2.2. Quy định về chuyển sinh hoạt Đảng của Đảng viên khi nghỉ hưu:
– Quy định 24-QĐ/TW mà Nhà nước ban hành đã đưa ra những quy định cụ thể về về chuyển sinh hoạt đảng chính thức. Cụ thể như sau:
+ Thứ nhất, Đảng viên được cấp có thẩm quyền quyết định chuyển công tác sang đơn vị mới, được nghỉ hưu, nghỉ mất sức, thôi việc, phục viên hoặc thay đổi nơi cư trú lâu dài thì trong thời hạn 60 ngày làm việc kể từ ngày quyết định có hiệu lực hoặc thay đổi nơi cư trú phải làm thủ tục chuyển sinh hoạt đảng chính thức.
+ Thứ hai, Đảng viên chuyển sinh hoạt đảng chính thức ra ngoài đảng bộ huyện, tỉnh (và tương đương) thì cấp ủy huyện (và tương đương) có đảng viên chuyển đi có trách nhiệm làm thủ tục giới thiệu chuyển sinh hoạt đảng. Đảng viên của đảng bộ, chi bộ cơ sở trực thuộc tỉnh ủy (và tương đương) khi chuyển sinh hoạt đảng chính thức thì ban tổ chức tỉnh ủy (và tương đương) làm thủ tục giới thiệu chuyển sinh hoạt đảng.
+ Trong vòng 30 ngày làm việc kể từ ngày giới thiệu chuyển đi, đảng viên phải xuất trình
+ Khi chuyển sinh hoạt đảng chính thức cho đảng viên, cấp ủy nơi đảng viên đang sinh hoạt và công tác làm đầy đủ thủ tục, niêm phong hồ sơ, giao cho đảng viên trực tiếp mang theo để báo cáo với tổ chức đảng làm thủ tục giới thiệu và tiếp nhận sinh hoạt đảng theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương.
+ Trường hợp đảng viên đang bị thanh tra, kiểm tra hoặc đang xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo thì chưa chuyển sinh hoạt đảng chính thức.
Nhà nước đã đưa ra những quy định vô cùng cụ thể và rõ ràng về việc chuyển sinh hoạt Đảng cho Đảng viên. Theo đó, Đảng viên được quyền chuyển công tác sang đơn vị mới, được nghỉ hưu. Tuy nhiên, khi thực hiện chuyển công tác Đảng khi đến tuổi nghỉ hưu, Đảng viên cũng cần phải đảm bảo những quy định chung mà Nhà nước đưa ra về thủ tục và thời gian thực hiện chuyển sinh hoạt Đảng. Việc Đảng viên tuân thủ các quy định về chuyển sinh hoạt Đảng giúp cơ quan Nhà nước quản lý công tác Đảng của Đảng viên được chặt chẽ hơn. Từ đó, giúp hoạt động Đảng đạt được những hiệu quả tối ưu nhất.
Như vậy, theo quy định trên, để chuyển sinh hoạt Đảng khi nghỉ hưu, Đảng viên phải thay đổi nơi cư trú lâu dài thì trong thời hạn 60 ngày làm việc kể từ ngày quyết định có hiệu lực hoặc thay đổi nơi cư trú phải làm thủ tục chuyển sinh hoạt đảng chính thức. Cùng với đó, trong vòng 30 ngày làm việc kể từ ngày giới thiệu chuyển đi, đảng viên phải xuất trình giấy giới thiệu sinh hoạt đảng với chi ủy nơi chuyển đến để được sinh hoạt đảng. Có thể thấy, sinh hoạt Đảng là quyền lợi, nghĩa vụ của người Đảng viên. Nếu Đảng viên không tham gia sinh hoạt đảng thì sẽ không được hưởng quyền lợi của người đảng viên, và bị xem xét xóa tên ra khỏi danh sách Đảng viên.