Quy định về chuyển nhượng và sử dụng đất rừng phòng hộ. Bảo vệ rừng, trường hợp chuyển nhượng đất rừng.
Tóm tắt câu hỏi:
Xin quý luật sư tư vấn giúp em trong trường hợp sau:
Năm 2003 gia đình ông A được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 160.000 m2, mục đích sử dụng đất: Đất rừng tự nhiên phòng hộ; năm 2012 UBND tỉnh quy hoạch 3 loại rừng thì diện tích đất trên được chuyển thành mục đích là; Đất rừng tự nhiên Sản xuất. Tháng 9/2016 ông A chuyển nhượng toàn bộ diện tích đất trên cho ông B (bộ đội biên phòng thường trú và làm việc ở một xã khác) UBND xã đã xác nhận Hợp đồng chuyển nhượng QSD đất giữa ông A và ông B, Văn phòng ĐKQSD đất của huyện cũng đã đính chính sổ đỏ sang tên ông B (Sổ đỏ vẫn có mục đích là đất rừng tự nhiên phòng hộ chưa được cấp đổi sang Rừng tự nhiên sản xuất) và ông B đã nộp thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ đầy đủ.
Hiện nay ông B thuê người đã phá 29.000m2 đất rừng phòng hộ đầu nguồn nói trên thì bị lực lương Kiểm lâm lập biên bản đình chỉ về hành vi hủy hoại rừng và nêu ý kiến là: UBND xã và Văn phòng ĐKQSD đất của huyện đã xác nhận hợp đồng cho chuyển nhượng đất là sai với quy định, vì hiện nay chưa có văn bản nào cho phép chuyển nhượng đất Rừng tự nhiên Phòng hộ (đầu nguồn) và Rừng tự nhiên Sản xuất!
Lập luận của Kiểm lâm là vì hộ gia đình được nhà nước giao đất để bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn và đã được chi trả dịch vụ bảo vệ rừng hàng năm trên diện tích đất ấy. Theo quy định tại Điều 191, 192
Điều 32
Qua trên mong quý luật sư tư vấn hộ em các vấn đề như: Đất rừng tự nhiên phòng hộ, đất rừng tự nhiên sản xuất có được chuyển nhượng không? UBND xã và Văn phòng ĐKQSD đất của huyện cho phép ông A chuyển nhượng cho ông B vậy có đúng không, nếu sai thì điều chỉnh như thế nào? Xử lý trách nhiệm ra sao? Lập luận của lực lượng Kiểm lâm có đúng không ?
Em xin chân thành cảm ơn quý luật sư!
Luật sư tư vấn:
Khoản 2, 4 Điều 191 và Khoản 2 Điều 192 Luật đất đai 2013 không cấm hộ gia đình, cá nhân sở hữu quyền sử dụng đất rừng phòng hộ chuyển nhượng tặng cho chuyển nhượng cho hộ gia đình, cá nhân khác; tuy nhiên, phải đảm bảo hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển nhượng phải sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ đó. Luật đất đai 2013 cũng không cấm chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng sản xuất. Do đó, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ ông A sang ông B là không sai.
“Điều 191. Trường hợp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất
(…)
2. Tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của hộ gia đình, cá nhân, trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
(…)
4. Hộ gia đình, cá nhân không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng, nếu không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đó.
Điều 192. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất có điều kiện
(…)
2. Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất ở, đất sản xuất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ thì chỉ được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất sản xuất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ đó.”
Việc lập luận của lực lượng Kiểm lâm là sai. Cá nhân được làm những gì mà pháp luật không cấm, không có văn bản nào cấm chuyển nhượng 2 loại đất rừng này, chỉ cần đảm bảo điều kiện quy định nêu trên và tại Điều 188 Luật đất đai 2013:
“Điều 188. Điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất
1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:
a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;
b) Đất không có tranh chấp;
c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
d) Trong thời hạn sử dụng đất.
2. Ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này, người sử dụng đất khi thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; quyền thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất còn phải có đủ điều kiện theo quy định tại các điều 189, 190, 191, 192, 193 và 194 của Luật này.
3. Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.”
Hành vi phá 29.000m2 đất rừng phòng hộ đầu nguồn của ông B cũng không được coi là hành vi hủy hoại rừng do thực chất đất rừng của ông B đã được chuyển thành Đất rừng sản xuất do đã được UBND tỉnh quy hoạch từ 2012. Tuy nhiên, ông B cần đính chính lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của mình do chưa đính chính lại “loại đất” căn cứ điểm b khoản 1 Điều 106 Luật đất đai 2013:
“Điều 106. Đính chính, thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp
1. Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận có trách nhiệm đính chính Giấy chứng nhận đã cấp có sai sót trong các trường hợp sau đây:
(…)
b) Có sai sót thông tin về thửa đất, tài sản gắn liền với đất so với hồ sơ kê khai đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất đã được cơ quan đăng ký đất đai kiểm tra xác nhận.”
Khoản 1 Điều 86
“Điều 86. Thủ tục đính chính Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp
1. Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất nộp Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp có sai sót cho Văn phòng đăng ký đất đai để đính chính. Trường hợp sai sót do lỗi của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thì người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất phải có đơn đề nghị để được đính chính.
Trường hợp Văn phòng đăng ký đất đai phát hiện Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp có sai sót thì thông báo cho người sử dụng đất biết và yêu cầu người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất nộp Giấy chứng nhận đã cấp để thực hiện đính chính.”