Quy định về chế độ phụ cấp nặng nhọc cho người lao động. Mức hưởng, cách tính mức hưởng chế độ phụ cấp nặng nhọc cho người lao động theo quy định mới nhất.
Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm là chế độ phụ cấp thâm niên cho người lao động khi làm việc trong môi trường có điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được tính trả cùng kỳ trả lương hàng tháng theo thời gian thực tế làm công việc có điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Hiện nay, chưa có văn bản nào đưa ra quy định chi tiết phụ cấp độc hại là gì, mà thực tế thường được hiểu và áp dụng đối với những người lao động làm công việc hoặc làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại, đặc biệt nguy hiểm, độc hại. Đây là khoản phụ cấp mà người sử dụng lao động dành cho người lao động nhằm bù đắp một phần tổn hại về sức khỏe, tinh thần, thậm chí là suy giảm khả năng lao động. Mỗi ngành nghề, lĩnh vực đều có những tính chất đặc thù riêng. Chính vì vậy, mức phụ cấp sẽ phụ thuộc vào từng đối tượng lao động với những công việc khác nhau.
Theo quy định của pháp luật thì chỉ có những người lao động làm công việc thường xuyên trong các ngành nghề thuộc danh mục ngành nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì mới được áp dụng chế độ phụ cấp độc hại, nặng nhọc, nguy hiểm.
Do vậy, căn cứ vào hợp đồng lao động từng vị trí làm việc để áp dụng chế độ phụ cấp cho đúng từng vị trí người lao động. Nếu người không thuộc trường hợp được phụ cấp mà công ty vẫn phụ cấp thì số tiền này sẽ không được khấu trừ. nếu Công ty không áp dụng đúng quy định với người lao đông, người được hưởng phụ cấp mà không cho hưởng thì vi phạm pháp luật về lao động.
Tùy từng điều kiện làm việc, đơn vị sử dụng lao động sẽ tiến hành rà soát, phân loại điều kiện lao động để xác định mức phụ cấp cho người lao động.
Về cách xác định công việc nào là công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, căn cứ vào quy định tại các thông tư, nghị định ban hành của cơ quan nhà nước. Ví dụ như:
+ Thông tư 11/2020/TT-BLĐTBXH Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành;
+ Nghị định 113/2015/NĐ-CP quy định phụ cấp đặc thù, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm công việc và phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập;
+ Thông tư 36/2017/TT-BLĐTBXH ngành nghề học nặng nhọc độc hại nguy hiểm trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng;
…
Đối với những lao động còn lại:
Điều 103
Điều 103. Chế độ nâng lương, nâng bậc, phụ cấp, trợ cấp
Chế độ nâng lương, nâng bậc, phụ cấp, trợ cấp và các chế độ khuyến khích đối với người lao động được thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc quy định của người sử dụng lao động.
Như vậy, nếu người lao động làm việc thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì mức phụ cấp độc hại sẽ tùy theo sự thỏa thuận khi giao kết hợp đồng lao động.
Về phụ cấp lương thì công ty được quyền quy định các khoản phụ cấp lương hoặc áp dụng các chế độ phụ cấp lương do Chính phủ quy định đối với các công ty nhà nước để thu hút hoặc khuyến khích người lao động làm nghề, công việc đòi hỏi trách nhiệm cao hơn hoặc trong điều kiện, môi trường lao động độc hại, nguy hiểm hơn nhưng chưa được xác định trong các mức lương của thang lương, bảng lương do doanh nghiệp xây dựng. Doanh nghiệp đăng ký các khoản phụ cấp lương cùng hệ thống thang lương, bảng lương của doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước về lao động tại địa phương.
TƯ VẤN MỘT TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ:
Tóm tắt câu hỏi:
Công ty em là công ty đột dập kim loại, ngành nghề lao động nặng loại 4 theo quyết định của nhà nước. Nhưng công nhân không được hưởng phụ cấp nặng nhọc. Công ty trả lời ngành nghề thì đúng, nhưng kiểm tra quan chắc thì chưa được hưởng chế độ phụ cấp. Vậy nhà nước quy định ngành nghề nặng nhọc là gì?
Luật sư tư vấn:
Căn cứ Thông tư 11/2020/TT-BLĐTBXH quy định ngành nghề vận hành máy đột dập kim loại là ngành nghề nặng nhọc, thuộc điều kiện lao động loại IV.
Như vậy, bạn đang làm việc trong môi trường nặng nhọc, yếu tố điều kiện lao động này sẽ được sử dụng để thiết kế các mức lương trong thang lương, bảng lương hoặc quy định thành chế độ phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cho người lao động. Nếu công ty bạn không có bất kỳ chế độ cho người lao động khi người lao động làm việc trong môi trường nặng nhọc như trên là không đúng quy định pháp luật. Để đảm bảo quyền lợi cho bạn và những người lao động khác thì bạn có quyền làm đơn khiếu nại để giải quyết.