Khái quát về chế độ báo cáo hoạt động đầu tư tại Việt Nam? Quy định về chế độ báo cáo hoạt động đầu tư tại Việt Nam?
Chế độ
Dịch vụ Luật sư
Cơ sở pháp lý:
Luật Đầu tư năm 2020.
Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư.
Mục lục bài viết
1. Khái quát về chế độ báo cáo hoạt động đầu tư tại Việt Nam?
Dưới góc độ khoa học, nhiều học giả đưa ra khái niệm đầu tư thừa nhận rằng: Đầu tư là việc sử dụng một lượng tài sản nhất định như vốn, công nghệ, đất đai,…vào một hoạt động kinh tế cụ thể bằng nhiều cách thức khác nhau nhằm tạo ra một hoặc nhiều sản phẩm cho xã hội để thu lợi nhuận.
Dưới góc độ pháp lý, Luật Đầu tư đưa ra khái niệm về “đầu tư kinh doanh” đó là “việc nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh.” Đây là khái niệm mang đúng bản chất của hoạt động đầu tư.
Chế độ báo cáo hoạt động đầu tư tại Việt Nam là quy định của pháp luật về việc thực hiện cung cấp các tài liệu liên quan đến hoạt động đầu tư tới chủ thể có thẩm quyền nhằm đảm bảo việc quản lý, điều hành, giám sát trong lĩnh vực đầu tư được hiệu quả.
2. Quy định về chế độ báo cáo hoạt động đầu tư tại Việt Nam?
Chế độ báo cáo hoạt động đầu tư tại Việt Nam được quy định tại Điều 72 Luật Đầu tư và Mục 2 Chương VIII Nghị định 31/2021/NĐ-CP. Nội dung các quy định này được thể hiện ở các khía cạnh sau:
Thứ nhất, đối tượng thực hiện chế độ báo cáo.
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 72: “1. Đối tượng thực hiện chế độ báo cáo bao gồm:
a) Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
b) Cơ quan đăng ký đầu tư;
c) Nhà đầu tư, tổ chức kinh tế thực hiện dự án đầu tư theo quy định của Luật này.“
Trong các đối tượng kể trên:
– Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư, được nhà nước trao quyền hạn và nhiệm vụ cụ thể.
– Cơ quan đăng ký đầu tư là cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, điều chỉnh và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. (Khoản 2, Điều 3, Luật Đầu tư), ví dụ: Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế; Sở Kế hoạch và Đầu tư.
– Nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, gồm nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. (Khoản 18 Điều 3, Luật Đầu tư).
– Tổ chức kinh tế là tổ chức được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và tổ chức khác thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh . (Khoản 21 Điều 3 Luật Đầu tư).
Cần chú ý, chủ đầu tư và tổ chức kinh tế phải đang thực hiện dự án đầu tư theo quy định. Mỗi đối tượng sẽ phải có chủ thể tiếp nhận báo cáo riêng và nội dung báo cáo khác nhau được phân tích trong phần chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất.
Thứ hai, chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất.
Chế độ báo cáo định kỳ diễn ra hàng quý, hàng năm, được thực hiện theo thứ tự: (1) nhà đầu tư, tổ chức kinh tế thực hiện dự án đầu tư báo cáo cơ quan đăng ký đầu tư và cơ quan thống kê trên địa bàn; (2) cơ quan đăng ký đầu tư báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; (3) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổng hợp, báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư; (4) Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Nội dung báo cáo giữa các chủ thể cũng có sự khác biệt:
– Một là, nhà đầu tư, tổ chức kinh tế thực hiện dự án đầu tư báo cáo cơ quan đăng ký đầu tư và cơ quan thống kê trên địa bàn về tình hình thực hiện dự án đầu tư, gồm các nội dung sau: vốn đầu tư thực hiện, kết quả hoạt động đầu tư kinh doanh, thông tin về lao động, nộp ngân sách nhà nước, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, xử lý và bảo vệ môi trường, các chỉ tiêu chuyên ngành theo lĩnh vực hoạt động (Điểm a, Khoản 2, Điều 72). Đây là các thông tin cơ bản được thể hiện trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đây là cấp báo cáo nhỏ nhất trong chế độ báo cáo thể hiện tính quản lý nhà nước ngay từ phạm vi nhỏ đến phạm vi lớn hơn.
– Hai là, cơ quan đăng ký đầu tư báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về tình hình tiếp nhận, cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tình hình hoạt động của các dự án đầu tư thuộc phạm vi quản lý. (Điểm b, Khoản 2, Điều 72). Vì là cơ quan có thẩm quyền liên quan đến Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, do đó đây là trách nhiệm hoàn toàn hợp lý đối với cơ quan này, hơn nữa, cũng là cách để để cấp trên nắm bắt được số lượng nhà đầu tư trong địa bàn và đưa ra các chiến lược, chính sách tác động hiệu quả.
– Ba là, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổng hợp, báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình đầu tư trên địa bàn (Điểm c, Khoản 2, Điều 72). Tình hình đầu tư này có thể tiếp nhận từ cơ quan đăng ký đầu tư, việc báo cáo này có thể từ việc tổng kết, tổng hợp và thực hiện theo đúng tinh thần rõ ràng, kỹ lưỡng và thống nhất.
– Bốn là, các Bộ, cơ quan ngang Bộ báo cáo về tình hình cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương khác thuộc phạm vi quản lý (nếu có); báo cáo về hoạt động đầu tư liên quan đến phạm vi quản lý của ngành và gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. (Điểm d, Khoản 2, Điều 72). Nội dung báo cáo của Bộ, cơ quan ngang Bộ vừa có nội dung bắt buộc, vừa có nội dung không bắt buộc, các Bộ và cơ quan ngang Bộ trong nhiệm vụ này mang tính phối hợp nhiều hơn là trách nhiệm giữa cấp trên và cấp dưới.
– Đặc biệt, hằng năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình đầu tư trên phạm vi cả nước và báo cáo đánh giá về tình hình thực hiện chế độ báo cáo đầu tư của các cơ quan nêu tại phần thứ nhất. (Điểm đ, Khoản 2, Điều 72). Chính phủ là cơ quan thống nhất quản lý nhà nước về đầu tư tại Việt Nam, vì vậy, việc Bộ kế hoạch đầu tư báo cáo với Thủ tưởng chính phủ là cách thức để chủ thể này thực hiện được chức năng, vị trí, vai trò của mình, từ đó đưa ra các chính sách, chiến lược và những thay đổi phù hợp trong sự phát triển của lĩnh vực đầu tư.
Bên cạnh báo cáo định kỳ, các cơ quan, nhà đầu tư, tổ chức kinh tế nêu trên có thể phải thực hiện báo cáo đột xuất khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nội dung báo cáo không có sự thay đổi.
Thứ ba, hình thức báo cáo.
Khoản 3, Điều 72 quy định: “Cơ quan, nhà đầu tư và tổ chức kinh tế thực hiện báo cáo bằng văn bản và thông qua Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư.” Như vậy, việc thực hiện báo cáo phải được thể hiện dưới hình thức văn bản thông qua hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư. Đây là hệ thống thông tin nghiệp vụ chuyên môn để theo dõi, đánh giá, phân tích tình hình đầu tư trên phạm vi toàn quốc nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước và hỗ trợ nhà đầu tư trong việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh. (Khoản 12 Điều 3).
Hướng dẫn về hình thức báo cáo, Điều 104 Nghị định 31/2021/NĐ-CP đã có quy định chi tiết đối với từng loại dự án, trong đó:
Đối với báo cáo về dự án đầu tư: Tổ chức kinh tế thực hiện dự án đầu tư gửi các báo cáo trực tuyến thông qua Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư; Cơ quan đăng ký đầu tư gửi báo cáo bằng văn bản và trực tuyến trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư. (Khoản 1)
Đối với báo cáo về xúc tiến đầu tư: Các bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi báo cáo bằng văn bản về Bộ Kế hoạch và Đầu tư và báo cáo trực tuyến trên Hệ thống thông tin quốc gia về xúc tiến đầu tư; Các cơ quan chủ trì hoạt động xúc tiến đầu tư gửi báo cáo trực tuyến thông qua Hệ thống thông tin quốc gia về xúc tiến đầu tư. (Khoản 2).
Như vậy, có thể thấy rằng, quy định về báo cáo hoạt động đầu tư khá đầy đủ và ngày càng được áp dụng trong thực tế hiệu quả, đây là trách nhiệm của nhiều đối tượng, do đó để hiệu quả tốt nhất, các đối tượng phải thực sự chú trọng và phát huy hết nhiệm vụ, quyền hạn mà pháp luật trao cho.