Khí hóa lỏng là một trong những loại hàng hóa nguy hiểm thuộc nhóm 01, trong quá trình vận chuyển cần phải đáp ứng đầy đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Dưới đây là quy định về vấn đề cấp giấy phép vận chuyển đối với khí hóa lỏng.
Mục lục bài viết
1. Quy định về cấp giấy phép vận chuyển khí hóa lỏng:
Cứ theo Danh mục hàng hóa nguy hiểm ban hành kèm theo Nghị định 42/2020/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định Danh mục hàng hóa nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường thủy nội địa, khí hóa lỏng thuộc nhóm hàng hóa nguy hiểm số 01. Do đó, có thể áp dụng cách thức thực hiện việc cấp lại Giấy phép vận chuyển theo Quyết định 2974/QĐ-BCA-C07 của Bộ Công an về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành, được sửa đổi, bổ sung và bị bãi bỏ trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Công an.
Căn cứ theo tiết 3.2 tiểu mục 3 Mục B Phần II ban hành kèm theo Quyết định 2974/QĐ-BCA-C07 của Bộ Công an về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành, được sửa đổi, bổ sung và bị bãi bỏ trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Công an, thủ tục cấp giấy phép vận chuyển khí hóa lỏng được thực hiện cụ thể như sau:
Bước 1: Cơ quan, tổ chức, cá nhân chuẩn bị hồ sơ theo quy định của pháp luật.
Bước 2: Nộp hồ sơ. Theo các cách thức sau:
– Nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận Một cửa thuộc Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an cấp tỉnh hoặc có thể nộp hồ sơ tại Bộ phận Một cửa của Công an tỉnh hoặc Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh (trường hợp đã đưa thủ tục ra tiếp nhận tại Trung tâm phục vụ hành chính công);
– Trực tuyến tại cổng dịch vụ công (nếu có);
– Thông qua dịch vụ bưu chính, qua dịch vụ của doanh nghiệp, cá nhân hoặc có thể nộp hồ sơ thông qua ủy quyền theo quy định của pháp luật.
Bước 3: Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tổ chức kiểm tra điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy của phương tiện vận chuyển, theo nội dung quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy (căn cứ khoản 7 Điều 9 của Nghị định 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy). Đồng thời, kiểm tra điều kiện của người điều khiển phương tiện, người làm việc trên phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ.
Bước 4: Cấp giấy phép vận chuyển khí hóa lỏng. Căn cứ kết quả kiểm tra hồ sơ và kiểm tra các điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy nêu trên mà cơ quan công an ra quyết định như sau: Trường hợp kết quả hợp lệ, cơ quan công an ra dự thảo Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ theo Mẫu số PC05 và biểu trưng hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ theo Mẫu số PC01 Phụ lục IX ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy, sau đó báo cáo lãnh đạo, chỉ huy trực tiếp trình người có thẩm quyền trực tiếp quản lý duyệt, ký. Trong trường hợp từ chối cấp giấy phép thì cần trả lời bằng văn bản, trong đó nêu rõ lí do.
2. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép vận chuyển khí hóa lỏng:
Căn cứ theo khoản 2 Điều 17 của Nghị định 42/2020/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định Danh mục hàng hóa nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường thủy nội địa, thành phần hồ sơ đề nghị cấp giấy phép vận chuyển khí hóa lỏng bao gồm:
– Giấy đề nghị xin cấp giấy phép vận chuyển khí hóa lỏng theo mẫu do pháp luật quy định, hiện nay đang được thực hiện theo mẫu quy định tại phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 42/2020/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định Danh mục hàng hóa nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường thủy nội địa;
– Bản sao của giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó có loại hình kinh doanh vận tải hàng hóa, vận chuyển khí hóa lỏng;
– Bản sao hoặc bản chính bản kê danh sách phương tiện tham gia quá trình vận chuyển khí hóa lỏng, kèm theo bản sao của giấy chứng nhận kiểm định đáp ứng đầy đủ điều kiện về an toàn kĩ thuật và bảo vệ môi trường của các phương tiện đó, còn thời hạn hiệu lực do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp;
– Bản kê danh sách người điều khiển phương tiện vận chuyển khí hóa lỏng;
– Phương án tổ chức vận chuyển khí hóa lỏng, trong đó nêu rõ tuyến đường và lịch trình vận chuyển, biện pháp ứng cứu khi có sự cố cháy/nổ xảy ra;
– Biên bản kiểm tra của cơ quan cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ có thẩm quyền về điều kiện vận chuyển khí hóa lỏng;
– Các loại giấy tờ khác khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
3. Thẩm quyền cấp giấy phép vận chuyển khí hóa lỏng:
Căn cứ theo quy định tại Điều 16 của Nghị định 42/2020/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định Danh mục hàng hóa nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường thủy nội địa, có quy định về thẩm quyền cấp giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm. Cụ thể như sau:
– Bộ công an là cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm loại 1, loại 2, loại 3 và loại 4, loại 9 theo quy định cụ thể tại Điều 4 của Nghị định 42/2020/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định Danh mục hàng hóa nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường thủy nội địa, ngoại trừ hóa chất bảo vệ thực vật;
– Bộ khoa học là cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép vận chuyển hàng hóa đối với các loại hóa chất nguy hiểm loại 5 và loại 8 căn cứ theo quy định tại Điều 4 của Nghị định 42/2020/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định Danh mục hàng hóa nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường thủy nội địa;
– Bộ nông nghiệp phát triển và nông thôn là cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm được xác định là hóa chất bảo vệ thực vật;
– Cơ quan cấp giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm sẽ căn cứ vào loại, nhóm hóa chất nguy hiểm khác nhau để quyết định tuyến đường vận chuyển và thời gian vận chuyển sao cho phù hợp;
– Các chủ thể khi vận chuyển hàng hoá nguy hiểm thuộc một trong các trường hợp sau đây thì sẽ không cần phải thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép vận chuyển hàng hoá nguy hiểm theo quy định tại Nghị định 42/2020/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định Danh mục hàng hóa nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường thủy nội địa:
+ Vận chuyển hàng hoá nguy hiểm được xác định là các loại khí thiên nhiên hoá lỏng và khí thiên nhiên nén có tổng khối lượng nhỏ hơn mức khối lượng luật định, cụ thể là 1.080 kg;
+ Vận chuyển hàng hoá nguy hiểm được xác định là các loại khí dầu mỏ hoá lỏng có tổng khối lượng nhỏ hơn mức khối lượng luật định, cụ thể là 2.250 kg;
+ Vận chuyển hàng hoá nguy hiểm được xác định là các loại khí nhiên liệu lỏng có tổng dung tích nhỏ hơn mức khối lượng luật định, cụ thể là 1.500 lít;
+ Vận chuyển hàng hoá nguy hiểm được xác định là các loại khí hoá chất bảo vệ thực vật có tổng khối lượng nhỏ hơn mức khối lượng luật định, cụ thể là 1.000 kg;
+ Vận chuyển hàng hoá nguy hiểm đối với các hóa chất độc nguy hiểm còn lại trong các loại, nhóm hàng hoá nguy hiểm.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 42/2020/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định Danh mục hàng hóa nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường thủy nội địa;
– Quyết định 2974/QĐ-BCA-C07 của Bộ Công an về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành, được sửa đổi, bổ sung và bị bãi bỏ trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Công an;
– Thông tư 06/2022/TT-BCA của Bộ Công an về việc quy định quy trình thực hiện nhiệm vụ công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong Công an nhân dân.