Nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập? Các phương thức kê khai tài sản, thu nhập? Quy định về xử lý hành vi vi phạm đối với người kê khai tài sản, thu nhập?
Chúng ta có thể thấy rằng, thu nhập của một cá nhân, đặc biệt là thu nhập của chủ thể là người có chức vụ, quyền hạn trong điều kiện kinh tế thị trường như ở giai đoạn hiện nay là một vấn đề cần được quan tâm. Nhà nước ta cần phải kiểm soát các nguồn thu nhập đó để nhằm mục đích có thể thực hiện quản lý, góp phần phòng ngừa tham nhũng. Cũng cần lưu ý rằng việc kiểm soát thu nhập của các đối tượng này cũng đặt ra nhiều vấn đề cần được quan tâm. Bài viết dưới đây chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu quy định về các nghĩa vụ của người kê khai tài sản, thu nhập?
Căn cứ pháp lý:
– Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.
– Nghị định số 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Mục lục bài viết
1. Nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập:
Những người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập:
Căn cứ theo Điều 34 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định cụ thể những người sau đây có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập bao gồm các đối tượng là:
– Các cán bộ, công chức có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập.
– Sĩ quan Công an nhân dân; sĩ quan quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập.
– Chủ thể là người giữ chức vụ từ Phó Trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập.
– Chủ thể là người ứng cử Đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập.
Bên cạnh đó thì tại khoản 2 Điều 10 Nghị định số 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ cũng đưa ra quy định: “Những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ Phó Trưởng phòng và tương đương trở lên công tác trong một số lĩnh vực được xác định trong danh mục tại Phụ lục III phải kê khai tài sản thu nhập hàng năm”.
Như vậy, ta nhận thấy, căn cứ theo quy định pháp luật thì những người phải kê khai hàng năm theo Phụ lục III, Nghị định 130/2020/NĐ-CP của Chính Phủ bắt buộc phải là những chủ thể giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ Phó Trưởng phòng và tương đương trở lên.
Theo Điều 33 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định về nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập có nội dung cụ thể như sau:
– Các đối tượng là người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập sẽ có trách nhiệm phải thực hiện kê khai tài sản, thu nhập và biến động về tài sản, thu nhập của mình, của vợ hoặc chồng mình, con chưa thành niên theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng được ban hành năm 2018.
– Các đối tượng là người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập sẽ có trách nhiệm phải thực hiện kê khai trung thực về tài sản, thu nhập, giải trình trung thực về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm theo đúng như trình tự, thủ tục quy định tại Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 và các chủ thể này sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện kê khai tài sản, thu nhập.
Mục đích của việc kê khai tài sản, thu nhập về cơ bản đó chính là để các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền có thể thông qua đó nắm bắt được thông tin về tài sản, thu nhập của các chủ thể là người có nghĩa vụ kê khai nhằm mục đích minh bạch tài sản, thu nhập của người đó; thông qua đó cũng sẽ phục vụ cho công tác quản lý đối với các cán bộ, công chức, viên chức từ đó sẽ góp phần phòng ngừa và ngăn chặn hành vi tham nhũng.
2. Các phương thức kê khai tài sản, thu nhập:
Theo quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã đưa ra các phương thức kê khai, cụ thể như sau:
– Việc kê khai lần đầu sẽ được thực hiện với những người có nghĩa vụ kê khai tại khoản 1,2,3 Điều 34 tại Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và việc kê khai lần đầu sẽ cần phải hoàn thành việc kê khai trước ngày 31/12/2019 (Thanh tra Chính phủ đã ban hành
– Đối với việc kê khai bổ sung cũng được thực hiện với những người có nghĩa vụ kê khai nêu trên nếu có biến động tài sản trong năm từ 300 triệu đồng trở lên.
– Đối với việc kê khai hàng năm được thực hiện với hai nhóm đối tượng cụ thể như sau: Chủ thể là người giữ chức vụ từ Giám đốc Sở và tương đương trở lên và việc kê khai hàng năm được thực hiện với những người công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác theo quy định của Chính phủ. Việc việc kê khai hàng năm sẽ được thực hiện theo đúng quy định và phải hoàn thành trước ngày 31 tháng 12.
Những tài sản, thu nhập phải kê khai bao gồm các loại sau đây: Quyền sử dụng đất, nhà ở, công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng; Kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và động sản khác mà mỗi tài sản có giá trị từ 50.000.000 đồng trở lên; Các tài sản, tài khoản ở nước ngoài; Và, đưa ra được tổng thu nhập giữa 02 lần kê khai. Việc kê khai tài sản và thu nhập có ý nghĩa và vai trò quan trọng trọng thực tiễn và đem đến những giá trị to lớn cho hoạt động quản lý tham nhũng của cơ quan chức năng Nhà nước.
3. Quy định về xử lý hành vi vi phạm đối với người kê khai tài sản, thu nhập:
Theo Điều 51 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định về việc xử lý hành vi kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực như sau:
– Chủ thể là người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân mà kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử.
– Chủ thể là người được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ mà kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì người được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử vào chức vụ cũng sẽ không được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử vào chức vụ đã dự kiến.
– Chủ thể là người có nghĩa vụ kê khai không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 51 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 mà thực hiện kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì căn cứ cụ thể theo tính chất, mức độ vi phạm của hành vi sẽ bị xử lý kỷ luật bằng một trong số các hình thức cụ thể như là cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm; nếu được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý thì còn bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch; đối với trường hợp người đó xin thôi làm nhiệm vụ, từ chức, miễn nhiệm thì có thể xem xét không kỷ luật.
– Quyết định kỷ luật đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người bị xử lý kỷ luật làm việc.
Tại Điều 20 Nghị định số130/2020/NĐ-CP của Chính Phủ đã quy định chủ thể là người có nghĩa vụ kê khai nếu kê khai không trung thực; giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý theo Điều 51 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã được nêu cụ thể bên trên. Các hình thức xử lý kỷ luật cụ thể được sử dụng như sau: cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm; nếu được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý thì còn bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch; trường hợp xin thôi làm nhiệm vụ, từ chức, miễn nhiệm thì có thể xem xét không kỷ luật.
Cũng tại Điều 20 Nghị định số 130/2020/NĐ-CP của Chính Phủ cũng quy định: Chủ thể là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nếu thiếu trách nhiệm trong quá trình tổ chức việc kê khai, công khai bản kê khai, nộp bản kê khai thì căn cứ theo tính chất, mức độ cụ thể của hành vi mà các chủ thể này sẽ bị xử lý kỷ luật bằng một trong số các hình thức đó là: khiển trách, cảnh cáo, giáng chức.
Chủ thể là người đứng đầu cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, tổ trưởng và thành viên của tổ xác minh tài sản, thu nhập nếu có hành vi vi phạm trong việc tiếp nhận đối với các bản kê khai, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập, tiến hành xác minh, kết luận xác minh, công khai kết quả xác minh thì pháp luật cũng quy định căn cứ theo tính chất, mức độ mà các chủ thể này sẽ bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức cụ thể đó là: hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức.
Bên cạnh đó thì các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khi không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ, không kịp thời theo như yêu cầu của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập thì căn cứ theo tính chất, mức độ vi phạm cụ thể mà các chủ thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý kỷ luật theo đúng những quy định của pháp luật.