Hiện nay ở nước ta, các công ty chứng khoán hoạt động và phát triển mạnh mẽ. Công ty chứng khoán là một loại hình doanh nghiệp đặc biệt, có nhiều nghiệp vụ để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư tốt nhất, đạt được hiệu quả cao nhất. Vậy quy định về các hoạt động nghiệp vụ của công ty chứng khoán như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Các hoạt động nghiệp vụ của công ty chứng khoán:
Hoạt động của công ty chứng khoán được hướng dẫn cụ thể tại Khoản 1 Điều 72, các Khoản 1,2,3,4,5 Điều 86 Luật Chứng khoán. Cụ thể, công ty chứng khoán có các hoạt động nghiệp vụ như sau:
1.1. Nghiệp vụ môi giới chứng khoán (MGCK)
Môi giới chứng khoán là hoạt động trung gian hoặc đại diện mua, bán chứng khoán cho khách hàng để hưởng chi phí hoa hồng. Thông qua cơ chế giao dịch tại sàn giao dịch chứng khoán (SGDCK) hoặc thị trường OTC, công ty chứng khoán đại diện cho khách hàng tiến hành giao dịch tức là công ty chứng khoán sẽ làm trung gian thực hiện lệnh mua bán chứng khoán cho khách hàng. Vì các quyết định đầu tư do chính khách hàng đưa ra nên chính khách hàng sẽ phải tự chịu trách nhiệm về kết quả giao dịch của mình.
Công ty môi giới chứng khoán thực hiện mua, bán chứng khoán cho khách hàng thông qua các hoạt động dưới đây:
+ Nhận ủy thác quản lý tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân; quản lý tài khoản giao dịch chứng khoán; thực hiện phân phối hoặc làm đại lý phân phối chứng khoán; cung ứng dịch vụ quản lý danh sách người sở hữu chứng khoán cho các doanh nghiệp khác;
+ Cung cấp dịch vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến; cung cấp dịch vụ cho vay chứng khoán hoặc cung cấp hoặc phối hợp với các tổ chức tín dụng cung cấp dịch vụ cho khách hàng vay tiền mua chứng khoán; cung cấp hoặc phối hợp với các tổ chức tín dụng cung cấp dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán; bù trừ và thanh toán chứng khoán; lưu ký chứng khoán; các dịch vụ trên thị trường chứng khoán phái sinh.
Khi thực hiện MGCK thì nhân viên môi giới giúp lệnh mua bán khách hàng gặp nhau, cung cấp thông tin về khách hàng cho khách hàng, tư vấn cho khách hàng đưa ra quyết định hợp lý, thu phí môi giới từ khách hàng, …
1.2. Nghiệp vụ tự doanh chứng khoán:
Hoạt động tự doanh của công ty chứng khoán được hiểu là quá trình công ty chứng khoán tự tiến hành các giao dịch mua bán chứng khoán cho chính mình. Hoạt động tự doanh của công ty chứng khoán được thực hiện thông qua hoạt động tạo lập thị trường, nắm giữ một số lượng chứng khoán nhất định của một số loại chứng khoán và thực hiện mua bán chứng khoán với khách hàng để hưởng chênh lệch giá. Hoạt động này là hoạt động đầu tư được thực hiện nhằm mục đích thu lợi nhuận cho chính công ty thông qua hành vi mua bán chứng khoán với khách hàng. Nghiệp vụ này vừa phục vụ lệnh giao dịch cho khách hàng vừa phục vụ cho chính công ty, đồng thời hoạt động song hành với nghiệp vụ môi giới.
Hoạt động tự doanh chứng khoán được thực hiện thông qua cơ chế giao dịch trên SGDCK hoặc thị trường OTC. Nghiệp vụ tự doanh của công ty chứng khoán được cấp phép thực hiện giao dịch chứng khoán trên tài khoản tự doanh chứng khoán và được đầu tư, góp vốn, phát hành, chào bán các sản phẩm tài chính.
Để hoạt động tự doanh, công ty chứng khoán cần đáp ứng các yêu cầu sau:
+ Để tránh xung đột lợi ích cần tách biệt tự doanh với các bộ phận khác, đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng trong hoạt động.
+ Ưu tiên lệnh của khách hàng trước lệnh của bộ phận tự doanh của công ty, đảm bảo sự công bằng cho khách hàng trong quá trình giao dịch chứng khoán.
+ Công ty chứng khoán hoạt động tự doanh nhằm góp phần bình ổn giá cả thị trường. Do đó, các công ty chứng khoán có nghĩa vụ mua vào khi giá chứng khoán bị giảm và được phép bán ra khi giá chứng khoán tăng nhằm giữ giá chứng khoán ổn định, hoạt động tự doanh được tiến hành bắt buộc theo luật định.
1.3. Nghiệp vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán:
Nghiệp vụ bảo lãnh phát hành của công ty chứng khoán là việc thực hiện bảo lãnh và thực hiện các đợt chào bán và phân phối chứng khoán cho các doanh nghiệp cổ phần hoá ra công chúng. Thông qua bảo lãnh phát hành chứng khoán cam kết với tổ chức phát hành thực hiện các thủ tục trước khi chào bán chứng khoán, nhận mua một phần hay toàn bộ chứng khoán của tổ chức phát hành để bán lại hoặc mua số chứng khoán còn lại chưa được phân phối hết của tổ chức phát hành hoặc hỗ trợ tổ chức phát hành trong việc phân phối chứng khoán ra công chứng, giúp bình ổn giá chứng khoán trong giai đoạn đầu sau khi phát hành.
Tổ chức phát hành bảo lãnh chứng khoán muốn thực hiện thành công các đợt chào bán chứng khoán ra công chúng thì phải đến các công ty chứng khoán tư vấn cho đợt phát hành và thực hiện bảo lãnh, phân phối chứng khoán ra công chứng.
Nghiệp vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán là một nghiệp vụ rất nguy hiểm, và mang nhiều rủi ro cao cho tổ chức bảo lãnh, việc bảo lãnh phát hành chứng khoán được thực hiện qua 04 bước như sau:
Bước 1: Thực hiện tư vấn. Công ty chứng khoán có thể sẽ ký một hợp đồng tư vấn quản lý để tư vấn cho tổ chức phát hành về loại chứng khoán, số lượng chứng khoán cần phát hành, định giá chứng khoán và phương thức phân phối chứng khoán đến các nhà đầu tư thích hợp.
Bước 2: Hoàn tất hồ sơ và làm thủ tục xin pháp bảo lãnh: Thành lập tổ hợp bảo lãnh phát hành về thỏa thuận phí bảo lãnh, phí nhượng bán, phí bảo lãnh, xác định giá chào bán và cách thức bảo lãnh, … để ký hợp đồng bảo lãnh phát hành. Sau đó, hoàn tất hồ sơ bảo lãnh phát hành, nộp cơ quan nhà nước quản lý.
Bước 3: Thăm dò thị trường, tổ chức roadshow.
Bước 4: Tiến hành phân phối và kết thúc.
1.4. Nghiệp vụ tư vấn đầu tư chứng khoán:
Công ty chứng khoán thực hiện nghiệp vụ tư vấn đầu tư thông qua hoạt động phân tích để đưa ra các lời khuyên, phân tích các tình huống và có thể thực hiện một số công việc dịch vụ khác liên quan đến phát hành, đầu tư và cơ cấu tài chính cho khách hàng.
Có thể thực hiện tư vấn trực tiếp ( có thể trực tiếp gặp gỡ trực tiếp với nhà tư vấn hoặc sử dụng các phương tiện truyền thông như: điện thoại, fax để hỏi ý kiến) hoặc tư vấn gián tiếp (người tư vấn xuất bản các ấn phẩm hay đưa ra thông tin lên những phương tiện truyền thông như: Internet để bất kỳ khách hàng nào cũng có thể tiếp cận được nếu muốn).
Nguyên tắc cơ bản của hoạt động tư vấn đầu tư chứng khoán:
+ Không đảm bảo chắc chắn về giá trị của chứng khoán : người tư vấn sử dụng kiến thức, đó chính là vốn chất xám mà họ đã bỏ ra để kinh doanh nhằm đem lại hiệu quả cho cả công ty chứng khoán lẫn khách hàng. Giá trị chứng khoán không phải là một số cố định, nó luôn thay đổi theo các yếu tố kinh tế và tâm lý, do vậy nó có thể thay đổi liên tục cùng với những thay đổi trong nhận định của các nhà đầu tư.
+ Luôn nhắc nhở khách hàng rằng những lời tư vấn của mình có thể là không hoàn toàn chính xác và khách hàng cần biết rằng nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình mà nhà tư vấn không phải chịu trách nhiệm về những lời tư vấn đó.
+ Không được dụ dỗ, mời chào khách hàng, không được quyết định thay cho khách hàng mua hay bán một loại chứng khoán nào đó, những lời tư vấn phải được xuất phát từ những cơ sở khách quan là phân tích sự tổng hợp một cách lôgíc, khoa học, phù hợp với mục tiêu và tình hình tài chính của khách hàng.
1.5. Nghiệp vụ tư vấn tài chính:
Một số nghiệp vụ tư vấn tài chính bao gồm:
– Tư vấn tái cơ cấu tài chính, thâu tóm và sáp nhập tư vấn quản trị công ty;
– Tư vấn phát hành lần đầu, phát hành cho đối tác chiến lược, tư vấn phát hành tăng vốn điều lệ, ..,.
– Tư vấn niêm yết hồ sơ, các điều kiện niêm yết, niêm yết mức giá giao dịch khởi điểm, …
1.6. Nghiệp vụ lưu ký chứng khoán:
Thông qua các tài khoản lưu ký chứng khoán, thực hiện lưu giữ, bảo quản chứng khoán của khách hàng. Giao dịch chứng khoán trên thị trường tập trung là hình thức giao dịch ghi sổ, khách hàng phải mở tài khoản lưu ký chứng khoán tại các công ty chứng khoán (nếu chứng khoán phát hành dưới hình thức ghi sổ) hoặc ký gửi chứng khoán (nếu phát hành dưới hình thức chứng chỉ vật chất), công ty chứng khoán sẽ nhận được các khoản thu phí lưu ký chứng khoán, phí gửi, phí rút và phí chuyển nhượng chứng khoán.
1.7. Nghiệp vụ khác:
+ Nghiệp vụ tín dụng:
Công ty chứng khoán cho khách hàng của mình vay ký quỹ tức là hình thức cấp tín dụng để họ mua chứng khoán và sử dụng các chứng khoán đó làm vật thế chấp cho khoản vay đó. Đây là hình thức thông dụng tại các thị trường chứng khoán phát triển, tuy nhiên ở một số nước còn hạn chế, không cho phép thực hiện cho vay ký quỹ.
Theo đó, với hình thức vay ký quỹ thì khách hàng chỉ cần ký quỹ một phần, số còn lại sẽ do công ty chứng khoán ứng trước tiền thanh toán. Khách hàng phải hoàn trả đủ số chênh lệch cùng với lãi cho công ty chứng khoán khi đến kỳ hạn đã thoả thuận. Công ty có quyền sở hữu số chứng khoán đã mua trong trường hợp khách hàng không trả được nợ.
+ Nghiệp vụ quản lý thu nhập chứng khoán (Quản lý cổ cổ tức): Theo đó, công ty chứng khoán cử đại diện của mình để quản lý quỹ và sử dụng vốn và tài sản của quỹ đầu tư để đầu tư vào chứng khoán và công ty chứng khoán được quyền thu phí dịch vụ quản lý quỹ đầu tư.
2. Hiểu thế nào về công ty chứng khoán?
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 121/2020/TT-BTC, công ty chứng khoán được hiểu được là doanh nghiệp được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép thực hiện một, một số nghiệp vụ như môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán. Hay có thể hiểu công ty chứng khoán là một định chế tài chính trung gian thực hiện các nghiệp vụ trên thị trường chứng khoán.
Công ty chứng khoán là tổ chức có tư cách pháp nhân hoạt động kinh doanh chứng khoán, bao gồm, một hoặc toàn bộ hoạt động như tự doanh chứng khoán, môi giới chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, …
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
– Luật chứng khoán năm 2019.