Biến đổi khí hậu là gì? Thích ứng với biến đổi khí hậu? Quy định về các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu?
Hiện nay sự biến đổi của khí hậu diễn ra phổ biến tại nước ta, do nhiều nguyên nhân gây ra, một trong số những nguyên nhân đó chính là tác động của việc làm ô nhiễm môi trường gây ra. Vậy pháp luật đã đề ra các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu như thế nào? để có thể thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm thiểu tác động tiêu cực mà biến đổi khí hậu mang lại thì cần thực hiện những nội dung gì? Bài viết dưới đây chúng tôi xin cung cấp thông tin chi tiết về nội dung này.
Cơ sở pháp lý: Luật bảo vệ môi trường 2020
Luật sư
1. Biến đổi khí hậu là gì?
Biến đổi khí hậu không còn là vấn đề xa lạ với cuộc sống của con người chứng ta có thể hiểu đây là sự thay đổi của khí hậu và của những thành phần liên quan gồm đại dương, đất đai, bề mặt Trái đất, và băng quyển như tăng nhiệt độ, băng tan, và nước biển dâng. Trước đây biến đổi khí hậu có thể diễn ra trong một khoảng thời gian dài do tác động của các điều kiện tự nhiên, nhưng trong thời gian gần đây, biến đổi khí hậu xảy ra do tác động của các hoạt động của con người như việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong giao thông vận tải và sản xuất công nghiệp, thải ra môi trường khí nhà kính.
2. Thích ứng với biến đổi khí hậu
Căn cứ theo quy định tại điều 90. Thích ứng với biến đổi khí hậu Luật bảo vệ môi trường 2020 quy định cụ thể:
1. Thích ứng với biến đổi khí hậu là các hoạt động nhằm tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống tự nhiên và xã hội, giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và tận dụng cơ hội do biến đổi khí hậu mang lại.
2. Nội dung thích ứng với biến đổi khí hậu bao gồm:
a) Đánh giá tác động, tính dễ bị tổn thương, rủi ro, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu đối với các lĩnh vực, khu vực và cộng đồng dân cư trên cơ sở kịch bản biến đổi khí hậu và dự báo phát triển kinh tế – xã hội;
b) Triển khai hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào cộng đồng và dựa vào hệ sinh thái; ứng phó với nước biển dâng và ngập lụt đô thị;
c) Xây dựng, triển khai hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu.
3. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm sau đây:
a) Tổ chức thực hiện quy định tại điểm a và điểm c khoản 2 Điều này;
b) Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu và định kỳ rà soát, cập nhật 05 năm một lần; hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu cấp quốc gia; tiêu chí xác định dự án đầu tư, nhiệm vụ thích ứng với biến đổi khí hậu thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ; tiêu chí đánh giá rủi ro khí hậu;
c) Hướng dẫn đánh giá tác động, tính dễ bị tổn thương, rủi ro, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu;
d) Xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu;
đ) Xây dựng và tổ chức thực hiện hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu cấp quốc gia.
4. Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm sau đây:
a) Thực hiện nội dung quy định tại điểm b khoản 2 Điều này theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; tổ chức đánh giá tác động, tính dễ bị tổn thương, rủi ro, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu; định kỳ hằng năm tổng hợp, gửi báo cáo về Bộ Tài nguyên và Môi trường;
b) Xây dựng và tổ chức thực hiện việc giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu cấp ngành, cấp địa phương trong phạm vi quản lý của ngành, lĩnh vực.
Biến đổi khí hậu hiện nay được phản ánh ở rất nhiều tiêu chí khác nhau trên thực tế nhưng chủ yếu ở tiêu chí về việc ấm lên của khí hậu nói chung, thông qua các quan sát về sự tăng lên của nhiệt độ trung bình của không khí và đại dương toàn cầu, sự tan chảy của tuyết và băng ở diện rộng và sự tăng lên của mực nước biển trung bình toàn cầu. Biến đổi khí hậu có thể xuất hiện bởi những nguyên nhân như tác động của con người hoặc có thể là do các tác nhân tự nhiên. Biến đổi khí hậu trong các thập niên gần đây chủ yếu gây ra bởi khí thải độc hại từ các hoạt động của con người.
Xảy ra những biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội. Sự ảnh hưởng, tác động của biến đổi khí hậu phụ thuộc vào các kịch bản biến đổi khí hậu. Trên thực tế thì ngành bị tổn thương lớn nhất là nông nghiệp, thủy sản, du lịch…đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất là người dân ở khu vực miền núi và ven biển, nhất là người nghèo, phụ nữ và trẻ em. Biến đổi khí hậu làm thu hẹp diện tích đất canh tác, giảm sản lượng và năng suất cây trồng…
Có thể thấy vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu sớm được quan tâm định hướng, chỉ đạo, triển khai, nhưng tầm hiểu biết và nhận thức về vấn đề này vẫn còn chưa thực sự đầy đủ và toàn diện, chưa thấy hết tầm quan trọng, ý nghĩa sống còn của công tác này, do đó còn thiếu chủ động trong triển khai thực hiện. Nhận thức về biến đổi khí hậu của cộng đồng còn hạn chế, chủ yếu tập trung vào việc giảm phát thải, chưa đặt trọng tâm vào việc thích ứng với biến đổi khí hậu nó mới chỉ quan tâm đến các tác động tiêu cực mà chưa quan tâm đến nguyên nhân sâu xa gây ra biến đổi khí hậu để có những hành động đúng đắn thông qua việc chuyển đổi lối sống, mô hình sản xuất và tiêu thụ theo định hướng các-bon thấp, tăng trưởng xanh, tăng trưởng tuần hoàn; chưa chú trọng đến các cơ hội mà biến đổi khí hậu có thể mang lại.
3. Quy định về các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu
Thứ nhất, Thực hiện các biện pháp như đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, nhất là cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp về bản chất của biến đổi khí hậu, về quan điểm thích ứng làm trọng tâm và coi chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các ngành, lĩnh vực và địa phương. Nâng cao nhận thức của người dân về các tác động tiềm tàng của biến đổi khí hậu , thông qua các kênh báo chí, truyền thông, các chương trình giáo dục, hay các sáng kiến thay đổi hành vi, qua đó giúp định hướng đến việc sử dụng một cách tiết kiệm và hiệu quả hơn các hàng hóa và dịch vụ thâm dụng các-bon cao.
Thứ hai, đẩy nhanh việc thực thi định giá các-bon, phát thải khí CO2 và các khí nhà kính khác. Trong đó, bao gồm việc đánh giá chi phí – lợi ích của các hình thức định giá để đưa ra lựa chọn phù hợp về cả hình thức, mức giá và quy trình áp dụng. Việc định giá cần phải dựa trên nguyên tắc công bằng, sáng tạo, hiệu quả và được thực hiện một cách cẩn trọng, thân thiện với tăng trưởng. Kinh nghiệm từ các quốc gia khác cho thấy, việc định giá nên được phân kỳ với việc tăng giá dần mỗi kỳ, để các doanh nghiệp và hộ gia đình có thời gian điều chỉnh, đi kèm với các chương trình hỗ trợ có tính mục tiêu.
Thứ ba, đảm bảo việc huy động các nguồn lực cần thiết đầu tư để khắc phục biến đổi khí hậu như giảm khí thải nhà kính và thích ứng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu như giảm lãi suất đối với khoản vay cho các dự án phát triển bền vững, theo đó có thể tạo động lực để các doanh nghiệp áp dụng các công nghệ thâm dụng các-bon thấp.
Thứ tư, tăng cường hợp tác quốc tế về biến đổi khí hậu . Biến đổi khí hậu là hiện tượng ngoại ứng toàn cầu như vậy nên việc ứng phó với biến đổi khí hậu đòi hỏi sự hợp tác hiệu quả ở quy mô toàn cầu. Việc hợp tác quốc tế sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam nâng cao năng lực nghiên cứu, tiếp cận tiến bộ khoa học và huy động nguồn vốn đầu tư để hỗ trợ các dự án tăng cường năng lực ứng phó với biến đổi khi hậu, bao gồm phát triển công nghệ có tính thâm dụng các-bon thấp.
Kết luận: có thể dựa trên thực tế chúng ta có thể thấy Việt Nam là một trong những nước có tốc độ gia tăng phát thải cao trên thế giới và cường độ các-bon trên GDP của Việt Nam hiện đứng thứ hai trong vùng, sau Trung Quốc. Việt Nam sẽ trở thành một nguồn phát thải khí nhà kính lớn nếu không đổi mới công nghệ và thay đổi các chính sách sử dụng năng lượng theo đó các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu sẽ tập trung chủ yếu vào các dự án giảm phát thải, ít chú trọng các giải pháp khác, cơ sở vật chất và trang thiết bị quan trắc còn yếu, công tác dự báo, cảnh báo đối với một số loại hình thiên tai chưa đáp ứng được yêu cầu, kết cấu hạ tầng về phòng, chống thiên tai vẫn còn nhiều bất cập; năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu chưa có bước cải thiện rõ rệt.
Trên đây là thông tin chúng tôi cung cấp về nội dung ” Quy định về các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu” và các thông tin phap lý liên quan dựa trên quy định của pháp luật hiện hành.