Khi Nhà nước thu hồi đất nuôi trồng thủy sản, người sử dụng đất bị thu hồi sẽ được bồi thường. Quy định về bồi thường khi thu hồi đất nuôi trồng thủy sản được pháp luật quy định như sau:
Mục lục bài viết
- 1 1. Bồi thường về đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại khi thu hồi đất nuôi trồng thủy sản:
- 1.1 1.1. Bồi thường về đất khi thu hồi đất nuôi trồng thủy sản:
- 1.1.1 1.1.1. Những trường hợp được bồi thường về đất khi nhà nước thu hồi đất nuôi trồng thủy sản:
- 1.1.2 1.1.2. Điều kiện được bồi thường về đất khi nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng:
- 1.1.3 1.1.3. Diện tích đất được bồi thường khi nhà nước thu hồi đất nuôi trồng thủy sản:
- 1.2 1.2. Bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại:
- 1.1 1.1. Bồi thường về đất khi thu hồi đất nuôi trồng thủy sản:
- 2 2. Bồi thường thiệt hại về vật nuôi là thủy sản khi nhà nước thu hồi đất nuôi trồng thủy sản:
- 3 3. Hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất nuôi trồng thủy sản:
1. Bồi thường về đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại khi thu hồi đất nuôi trồng thủy sản:
1.1. Bồi thường về đất khi thu hồi đất nuôi trồng thủy sản:
1.1.1. Những trường hợp được bồi thường về đất khi nhà nước thu hồi đất nuôi trồng thủy sản:
Những trường hợp được bồi thường về đất khi nhà nước thu hồi đất nuôi trồng thủy sản:
– Nhà nước thu hồi đất nuôi trồng thủy sản vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng;
– Nhà nước thu hồi đất nuôi trồng thủy sản vì đất ở trong khu vực bị ô nhiễm môi trường có nguy cơ đe dọa tính mạng con người;
– Nhà nước thu hồi đất nuôi trồng thủy sản vì đất có nguy cơ sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai khác đe dọa tính mạng con người;
– Nhà nước thu hồi đất nuôi trồng thủy sản mà hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng nuôi trồng thủy sản trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 nhưng không có Giấy chứng nhận hoặc không đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận.
1.1.2. Điều kiện được bồi thường về đất khi nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng:
Người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất nếu có đủ điều kiện sau thì được bồi thường:
– Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nuôi trồng thủy sản không phải là đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm, có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nuôi trồng thủy sản hoặc có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nuôi trồng thủy sản mà chưa được cấp.
– Cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng đang sử dụng đất nuôi trồng thủy sản mà không phải là đất do Nhà nước giao, cho thuê và có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nuôi trồng thủy sản hoặc có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nuôi trồng thủy sản mà chưa được cấp.
– Tổ chức được Nhà nước giao đất nuôi trồng thủy sản có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất nuôi trồng thủy sản trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; nhận thừa kế quyền sử dụng đất nuôi trồng thủy sản, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nuôi trồng thủy sản mà tiền sử dụng đất đã nộp, tiền nhận chuyển nhượng đã trả không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nuôi trồng thủy sản hoặc có đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nuôi trồng thủy mà chưa được cấp.
– Tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước giao đất nuôi trồng thủy sản có thu tiền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc bán kết hợp cho thuê có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận mà chưa được cấp.
– Tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước cho thuê đất nuôi trồng thủy sản trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận mà chưa được cấp.
1.1.3. Diện tích đất được bồi thường khi nhà nước thu hồi đất nuôi trồng thủy sản:
Những trường hợp được bồi thường về đất khi nhà nước thu hồi đất nuôi trồng thủy sản đã nêu trên được bồi thường với phần diện tích đất như sau:
Thứ nhất, diện tích đất nuôi trồng thủy sản được bồi thường bao gồm diện tích trong hạn mức:
– Hạn mức giao đất (áp dụng cả đối với trường hợp đất nuôi trồng thủy sản mà hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng nuôi trồng thủy sản trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 nhưng không có Giấy chứng nhận hoặc không đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận):
+ Không quá 03 héc ta đất nuôi trồng thủy sản đối với những tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc khu vực Đông Nam Bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long;
+ Không quá 02 héc ta đất nuôi trồng thủy sản đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác.
– Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nuôi trồng thủy sản:
+ Không quá 30 héc ta đất nuôi trồng thủy sản đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc khu vực Đông Nam Bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long;
+ Không quá 20 héc ta đất nuôi trồng thủy sản đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác.
Thứ hai, diện tích đất nuôi trồng thủy sản do được nhận thừa kế.
1.2. Bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại:
Các trường hợp được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất nuôi trồng thủy sản vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng:
– Đất nuôi trồng thủy sản được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất, trừ trường hợp đất nuôi trồng thủy sản được Nhà nước giao cho hộ gia đình, cá nhân trong hạn mức giao đất nuôi trồng thủy sản đã nêu ở mục trên.
– Đất nuôi trồng thủy sản được Nhà nước giao cho tổ chức thuộc trường hợp có thu tiền sử dụng đất nhưng được miễn tiền sử dụng đất;
– Đất nuôi trồng thủy sản được Nhà nước cho thuê trả tiền thuê đất hàng năm; đất nuôi trồng thủy sản thuê trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê nhưng được miễn tiền thuê đất, trừ trường hợp những hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nuôi trồng thủy sản thuê do thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng;
– Đất nuôi trồng thủy sản thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn;
– Đất nhận khoán để nuôi trồng thủy sản.
Những trường hợp được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất nuôi trồng thủy sản vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng vừa nêu và diện tích đất nuôi trồng thủy sản vượt hạn mức giao đất nuôi trồng thủy sản pháp luật quy định không được bồi thường về đất sẽ được nhà nước bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại.
Chi phí đầu tư vào đất còn lại đối với đất nuôi trồng thủy sản bị thu hồi gồm toàn bộ hoặc một phần của các khoản chi phí sau:
– Chi phí san lấp mặt bằng;
– Chi phí cải tạo làm tăng độ màu mỡ của đất, thau chua rửa mặn, chống xói mòn, xâm thực;
– Chi phí khác có liên quan đã đầu tư vào đất phù hợp với mục đích nuôi trồng thủy sản;
2. Bồi thường thiệt hại về vật nuôi là thủy sản khi nhà nước thu hồi đất nuôi trồng thủy sản:
Khi Nhà nước thu hồi đất nuôi trồng thủy sản mà gây thiệt hại đối với vật nuôi là thủy sản thì việc bồi thường được thực hiện như sau:
– Đối với vật nuôi là thủy sản mà tại thời điểm nhà nước thu hồi đất nuôi trồng thủy sản đã đến thời kỳ thu hoạch thì không phải bồi thường;
– Đối với vật nuôi là thủy sản mà tại thời điểm nhà nước thu hồi đất nuôi trồng thủy sản chưa đến thời kỳ thu hoạch thì được bồi thường thiệt hại thực tế do phải thu hoạch thủy sản sớm.
– Khi Nhà nước thu hồi đất nuôi trồng thủy sản mà có thể di chuyển vật nuôi là thủy sản thì được Nhà nước bồi thường chi phí di chuyển và thiệt hại do di chuyển vật nuôi là thủy sản gây ra; mức bồi thường cụ thể sẽ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định. Trường hợp phải di chuyển cả hệ thống máy móc thì còn được bồi thường đối với thiệt hại khi tháo dỡ, vận chuyển, lắp đặt.
3. Hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất nuôi trồng thủy sản:
Người sử dụng đất nuôi trồng thủy sản khi Nhà nước thu hồi đất ngoài việc được bồi thường như đã nêu ở các mục trên thì còn được Nhà nước xem xét hỗ trợ, những khoản sau:
– Hỗ trợ người sử dụng đất nuôi trồng thủy sản bị thu hồi ổn định đời sống và sản xuất;
– Hỗ trợ người sử dụng đất (hộ gia đình, cá nhân) nuôi trồng thủy sản bị thu hồi đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm. Trường hợp người được hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm đang trong độ tuổi lao động có nhu cầu được đào tạo nghề thì được nhận vào những cơ sở đào tạo nghề; được tư vấn hỗ trợ tìm kiếm việc làm, vay vốn tín dụng ưu đãi với mục đích để phát triển sản xuất, kinh doanh. Phương án đào tạo, chuyển đổi nghề, hỗ trợ tìm kiếm việc làm phải được lập và phê duyệt đồng thời với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Trong quá trình lập phương án đào tạo, chuyển đổi nghề, hỗ trợ tìm kiếm việc làm thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện sẽ phải tổ chức lấy ý kiến và có trách nhiệm tiếp thu, giải trình ý kiến của người có đất nuôi trồng thủy sản bị thu hồi.
– Hỗ trợ khác.
Văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Đất đai 2013.