Quy định về bào chữa và xét xử người chưa thành niên phạm tội là gì? Quy định của pháp luật về quyền bào chữa của người chưa thành niên phạm tội? Quy định về xét xử người chưa thành niên phạm tội?
Tình trạng người dưới 18 tuổi phạm tội ngày càng tăng ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam là một những vấn đề nóng bỏng và là một trong những vấn đề đang được xã hội quan tâm. Trong những năm gần đây, ở Việt Nam tình trạng tội phạm do người dưới 18 tuổi thực hiện có chiều hướng ngày càng gia tăng cả về số lượng và mức độ phạm tội. Thủ đoạn phạm tội của các đối tượng này không còn đơn giản do bồng bột, thiếu suy nghĩ, mà đã có sự tính toán, chuẩn bị kỹ càng và khá tinh vi, thậm chí đã hình thành các băng nhóm tội phạm có tính nguy hiểm cao. Số lượng các vụ án tăng nhanh, nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra, cùng với tính chất phức tạp của từng vụ án là những thủ đoạn tinh vi, do đó tính nguy hiểm ngày càng cao để lại những hậu quả nghiêm trọng, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân, làm xôn xao dư luận xã hội.
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc trong việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến phòng ngừa, xử lý, phục hồi tái hòa nhập cộng đồng cho người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật. Tổng hòa những quy định mới này của pháp luật đã cho thấy một xu hướng cải cách rõ rệt nhằm xây dựng một hệ thống tư pháp người dưới 18 tuổi toàn diện, hiệu quả, thân thiện và có thể đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật. Trong hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến người chưa thành niên phạm tội bao gồm cả những quy định về bào chữa và xét xử người chưa thành niên phạm tội. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi xin chia sẻ tới bạn đọc những thông tin cần thiết để hiểu rõ hơn về quy định về bào chữa và xét xử người chưa thành niên phạm tội.
1. Quy định về bào chữa và xét xử người chưa thành niên phạm tội là gì?
Theo Từ điển tiếng Việt thì khái niệm người chưa thành niên được định nghĩa: “Người chưa thành niên là người chưa phát triển đầy đủ, toàn diện về thể lực, trí tuệ, tinh thần cũng như chưa có đầy đủ quyền và nghĩa vụ công dân”. Theo pháp luật Việt Nam, từ những kinh nghiệm được thừa nhận trong quá khứ, dựa trên những thành tựu do các ngành khoa học khác mang lại cũng như tiếp thu các văn bản pháp luật quốc tế mà các nhà làm luật đã đưa ra khái niệm về người chưa thành niên, tuỳ theo từng lĩnh vực điều chỉnh của từng ngành luật, như sau: Khoản 1 Điều 21 Bộ luật dân sự Việt Nam năm 2015 quy định: “Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi” và Điều 161 Bộ luật lao động Việt Nam năm 2012 cũng quy định: “Người lao động chưa thành niên là người lao động dưới 18 tuổi”. Như vậy, có thể hiểu người chưa thành niên là người dưới 18 tuổi.
Căn cứ
Quy định về bào chữa và xét xử người chưa thành niên phạm tội là những quy phạm pháp luật được cơ quan nhà nước ban hành thông qua các văn bản pháp luật quy định liên quan đến người chưa thành niên phạm tội.
2. Quy định của pháp luật về quyền bào chữa của người chưa thành niên phạm tội
“1. Người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa.
2. Người đại diện của người dưới 18 tuổi bị buộc tội có quyền lựa chọn người bào chữa hoặc tự mình bào chữa cho người dưới 18 tuổi bị buộc tội.
3. Trường hợp người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi không có người bào chữa hoặc người đại diện của họ không lựa chọn người bào chữa thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải chỉ định người bào chữa theo quy định tại Điều 76 của Bộ luật này.”
Theo đó, bắt buộc phải có người bào chữa tham gia tố tụng trong các vụ án có bị can, bị cáo là người chưa thành niên. Người bị buộc tội là người chưa đủ 18 tuổi có đầy đủ các quyền liên quan đến vấn đề bào chữa cho mình.
– Người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa: Mọi trường hợp không có người bào chữa tham gia tố tụng trong các vụ án có bị can, bị cáo là người chưa thành niên là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, trừ trường hợp họ hoặc người đại diện hợp pháp của họ từ chối người bào chữa. Người bào chữa có thể là luật sư; người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.
– Người bị tạm giữ, bị can là người chưa thành niên và người đại diện hợp pháp của họ có quyền được biết về quyền có người bào chữa của mình: Khi giao quyết định tạm giữ hoặc quyết định khởi tố bị can, cơ quan rạ quyết định phải thông báo cho người bị tạm giữ, bị can là người chưa thành niên và người đại diện hợp pháp của họ về quyền có người bào chữa. Người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là người chưa thành niên có thể lựa chọn người bào chữa theo quy định của pháp luật hoặc tự mình bào chưa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.
– Trường hợp bị can, bị cáo là người chưa thành niên hoặc người đại diện hợp pháp của họ không chọn được người bào chữa, các cơ quan liên quan có trách nhiệm làm điều đó: Trường hợp bị can, bị cáo là người chưa thành niên hoặc người đại diện hợp pháp của họ không lựa chọn được người bào chữa thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án phải yêu cầu Đoàn luật sư phân công Văn phòng luật sư cử người bào chữa cho họ hoặc đề nghị ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử người bào chữa cho thành viên của tổ chức mình, trừ trường hợp người chưa thành niên hoặc người đại diện hợp pháp của họ từ chối. Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tổ tụng phải tạo điều kiện cho người bào chữa thực hiện quyền tiếp xúc, gặp gỡ với bị can, bị cáo là người chưa thành niên theo quy định của pháp luật.
3. Quy định về xét xử người chưa thành niên phạm tội
Hoạt động xét xử các vụ án mà có người tham gia tố tụng dưới 18 tuổi trước hết phải đảm bảo những quy định của pháp luật và văn bản nghiệp vụ của ngành về xét xử vụ án hình sự nói chung. Đó là việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án khi xét xử các vụ án hình sự theo quy định của pháp luật, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, những thao tác kỹ năng nghề nghiệp khi tiến hành các khâu công tác này. Bên cạnh đó, hoạt động xét xử các vụ án mà có người tham gia tố tụng dưới 18 tuổi còn phải thực hiện những thao tác riêng nhằm bảo đảm tuân thủ những quy định của BLTTHS về thủ tục tố tụng đối với VAHS có người tham gia tố tụng dưới 18 tuổi.
3.1. Nguyên tắc xét xử người chưa thành niên phạm tội
Hoạt động xét xử các vụ án mà bị cáo là người dưới 18 tuổi phải đảm bảo sự tuân thủ nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội theo qui định tại Điều 91 Bộ luật hình sự.
– Việc xử lý các vụ án có người bị buộc tội, người làm chứng, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là người chưa thành niên phải đảm bảo lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên và xử lý người bị buộc tội chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.
Người dưới 18 tuổi là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tâm sinh lí. Nhận thức của họ thường non nớt, thiếu chín chắn, chưa thể nhận thức đầy đủ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà mình thực hiện và đặc biệt, dễ bị kích động, lôi kéo, ảnh hưởng bởi môi trường xấu. Cũng do nhận thức chưa sâu sắc, tâm sinh lý và nhân cách chưa phát triển hoàn thiện nên khả năng, hiệu quả của việc giáo dục đối với họ là rất lớn. Xuất phát từ đó mà mục đích của việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội chủ yếu là nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Việc xác định đúng đắn mục đích này là điều Thẩm phán cần chú trọng đầu tiên và luôn nắm vững trong quá trình xét xử các bị cáo là người dưới 18 tuổi phạm tội.
– Việc xử lý người bị buộc là người chưa thành niên phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.
Việc xác định rõ độ tuổi, khả năng nhận thức của người dưới 18 tuổi về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà họ thực hiện là một trong những căn cứ để làm rõ tính chất, mức độ lỗi của họ trong việc thực hiện hành vi đó. Mặt khác, cũng cần xác định nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm để có căn cứ đánh giá một cách đúng đắn tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi do người dưới 18 tuổi thực hiện.
– Xem xét miễn trách nhiệm hình sự cho người chưa thành niên phạm tội trong các trường hợp đặc biệt.
Người dưới 18 tuổi có thể được xem xét miễn trách nhiệm hình sự nếu thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Điều 29 của Bộ luật hình sự về căn cứ miễn trách nhiệm hình sự và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả.
– Việc truy cứu trách nhiệm hình sự và khi quyết định hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội cần phải căn cứ vào những đặc điểm về nhân thân của họ, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.
Khi xét xử, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nếu xét thấy việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp quy định tại Mục 2 hoặc việc áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng quy định tại Mục 3 Chương 12 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa.
3.2. Xét xử khi có người tham gia tố tụng là người chưa thành niên
Những vụ án hình sự thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên xét xử tại Phòng xử án hình sự
Được quy định tại Điều 4 Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC ngày 21 tháng 09 năm 2018 quy định chi tiết việc xét xử vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi thuộc thẩm quyền của tòa gia đình và người chưa thành niên:
1. Vụ án hình sự có bị cáo là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý và tội đặc biệt nghiêm trọng.
2. Vụ án hình sự có bị cáo là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm một trong các tội đặc biệt nghiêm trọng quy định tại các điều 123 (tội giết người), 134 (Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác), 141 (tội hiếp dâm), 142 (tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi), 144 (Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi), 151 (Tội mua bán người dưới 16 tuổi), 168 (tội cướp tài sản), 169 (tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản), 170 (tội cưỡng đoạt tài sản), 171 (tội cướp giật tài sản), 248 (Tội sản xuất trái phép chất ma túy), 249 (Tội tàng trữ trái phép chất ma túy), 250 (Tội vận chuyển trái phép chất ma túy), 251 (Tội mua bán trái phép chất ma túy), 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy) và 299 (tội khủng bố) của Bộ luật Hình sự.
3. Vụ án hình sự vừa có bị cáo là người dưới 18 tuổi vừa có bị cáo là người từ đủ 18 tuổi trở lên.
4. Vụ án hình sự mà bị cáo là người từ đủ 18 tuổi trở lên nhưng người bị hại là người dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc cần sự hỗ trợ về điều kiện sống, học tập do không có môi trường gia đình lành mạnh như những người dưới 18 tuổi khác.
Những vụ án hình sự có bị cáo là người dưới 18 tuổi thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 4 của Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC thì xét xử tại Phòng xét xử thân thiện. Đối với các Tòa án chưa có Phòng xét xử thân thiện thì khi xét xử các vụ án, phòng xử án phải được bố trí thân thiện, bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người dưới 18 tuổi.