Hợp đồng vận chuyển hành khách là gì? Quy định của pháp luật về hợp đồng vận chuyển hành khách? Các lưu ý đối với hợp đồng vận chuyển hành khách?
Với nhu cầu đi lại ngày càng gia tăng do sự giao lưu buôn bán, học tập, lập nghiệp tại các vùng khác nhau đã làm cho dịch vụ vận chuyển hành khách thông qua các phương tiện như ô tô, tàu hỏa, máy bay,.. ngày càng phát triển mạnh mẽ. Hoạt động dịch vụ vận chuyển này được thực hiện bởi các doanh nghiệp nhà nước, cá cá nhân, tổ chức thuộc các thành phần kinh tế và thiết lập mối quan hệ với hành khách thông qua hợp đồng vận chuyển hành khách. Đây cũng là nội dung sẽ được Luật Dương Gia phản ảnh trong bài viết dưới đây: “Quy định và các lưu ý đối với hợp đồng vận chuyển hành khách”.
Luật sư
Cơ sở pháp lý:
Mục lục bài viết
1. Hợp đồng vận chuyển hành khách là gì?
Hợp đồng vận chuyển hành khách là loại hợp đồng dân sự mang tính chất cung ứng dịch vụ mà theo đó bên vận chuyển nhận chuyên chở hành khách, hành lý đến địa điểm đã định theo thỏa thuận còn hành khách phải thanh toán cước phí vận chuyển.
Theo Điều 522 Bộ luật dân sự: “Hợp đồng vận chuyển hành khách là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên vận chuyển chuyên chở hành khách, hành lý đến địa điểm đã định theo thỏa thuận, hành khách phải thanh toán cước phí vận chuyển.”
Hợp đồng vận chuyển hành khách là một loại hợp đồng dân sự rất phổ biến do tính chất phức tạp và tính rủi ro cao của quá trình vận tải, phương tiện vận tải, nên loại hợp đồng này ngoài những đặc điểm pháp lý cơ bản như là loại hợp đồng sông vụ có thanh toán, là hợp đồng có đền bù thì còn có những đặc điểm riêng phù hợp với từng loại phương tiện vận chuyển và phù hợp với sự phát triển của nên kinh tế xã hội cũng như nhu cầu sử dụng của nhân dân.
Tương ứng với các loại phương tiện vận tải, có thể chia hợp đồng vận chuyển hành khách thành các loại”
– Hợp đồng vận chuyển hành khách bằng đường biển.
– Hợp đồng vận chuyển hành khách bằng đường hàng không.
– Hợp đồng vận chuyển hành khách thủy nội địa.
– Hợp đồng vận chuyển hành khách bằng đường sắt.
– Hợp đồng vận chuyển hành khách bằng đường bộ.
2. Quy định của pháp luật về hợp đồng vận chuyển hành khách?
2.1. Các bên trong hợp đồng vận chuyển hành khách?
Trong hợp đồng vận chuyển hành khách, chủ thể của hợp đồng là bên vận chuyển và hành khách. Người vận chuyển và hành khách phải đáp ứng các điều kiện của chủ thể hợp đồng dân sự được quy định trong Bộ luật dân sự, đảm bảo năng lực hành vi dân sự của chủ thể hợp đồng.
Bên vận chuyển là bên có trách nhiệm vận chuyển hành khác và hành lý từ điểm đi đến điểm đến theo hợp đồng vận chuyển. Bên vận chuyển là bên xuất vé vận chuyển hành khách và được nhận cước phí vận chuyển từ phía hành khách. Bên vận chuyển là các cơ quan, doanh nghiệp, hộ gia đình, các cá nhân tham gia vận chuyển hành khách. Tùy thuộc vào mỗi loại phương tiện vận chuyển, pháp luật có những quy định riêng đối với vận chuyển cụ thể. Khi tham gia vào hợp đồng, bên vận chuyển có quyền và nghĩa vụ được ghi nhận tại Điều 524, 525 Bộ luật dân sự.
Hành khách là người có vé hợp lệ. Theo đó hành khách là người được bên vận chuyển vận chuyển cùng với hành lý kèm theo từ điểm đi tới điểm đến của hành trình đã được ghi nhận trong hợp đồng vận chuyển. Khi tham gia vào hợp đồng, hành khách có các quyền và nghĩa vụ được quy định tại Điều 526, 527 Bộ luật dân sự.
2.2. Hình thức của hợp đồng vận chuyển hành khách?
Hình thức của hợp đồng vận chuyển hành khách theo Điều 523 Bộ luật dân sự có thể được lập thành văn bản, bằng lời nói hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể.
Hợp đồng vận chuyển hành khách là một loại đặc thù, nếu được thực hiện dưới hình thức văn bản thì đó là loại hợp đồng theo mẫu. Theo quy định tại Điều 405 Bộ luật dân sự, hợp đồng theo mẫu là hợp đồng gồm những điều khoản do một bên đưa ra theo mẫu để bên kia trả lời trong một thời gian hợp lý; nếu bên được đề nghị trả lời chấp nhận thì coi như chấp nhận toàn bộ nội dung hợp đồng theo mẫu mà bên đề nghị đã đưa ra. Ngoài ra, khoản 2 còn quy định: “Trường hợp hợp đồng theo mẫu có điều khoản không rõ ràng thì bên đưa ra hợp đồng theo mẫu phải chịu bất lợi khi giải thích điều khoản đó.”. Đây là điều khoản bảo vệ cho chủ thể chấp nhận hợp đồng và tránh việc làm dụng hợp đồng mẫu để gây bất lợi cho đối tác của chủ thể đưa ra hợp đồng mẫu.
Vé là hình thức phổ biến nhất và là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng giữa các bên.
2.3. Trách nhiệm bồi thường thiệt hai?
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại là trách nhiệm được áp dụng cho cả bên vận chuyển và hành khách nếu gây ra thiệt hại cho bên còn lại (hoặc người thứ ba).
Bồi thường thiệt hại là chế tài bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự chỉ được đặt ra trong trường hợp có thiệt hại xảy ra và thiệt hại là cơ sở thực tế cho việc bồi thường thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại được đặt ra khi hành vi vi phạm nghĩa vụ đã gây ra một thiệt hai. Một người chỉ phải chịu trách nhiệm dân sự khi họ có lỗi.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 528 Bộ luật dân sự, cụ thể như sau:
Đối với bên vận chuyển: Nếu tính mạng, sức khỏe và hành lý của hành khách bị thiệt hại thì bên vận chuyển phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Bên vận chuyển sẽ không phải bồi thường nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của hành khách, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Việc xác định bồi thường phải dựa vào yếu tố có hành vi gây thiệt hại (hành vi vi phạm pháp luật), có thiệt hại thực tế xảy ra, có lỗi và có mối quan hệ giữa hành vi và hậu quả.
Đối với hành khách: Hành khách vi phạm điều kiện vận chuyển đã thỏa thuận, quy định của điều lệ vận chuyển mà gây thiệt hại cho bên vận chuyển hoặc người thứ ba thì phải bồi thường. Trong đó, điều lệ vận chuyển có ý nghĩa quan trọng, đấy được xem như một “luật nội bộ” áp dụng đối với phương tiện cụ thể được quy định nhằm đảm bảo an toàn có bên vận chuyển cũng như hành khách.
2.4. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng vận chuyển hành khách?
Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng vận chuyển hành khách là quyền được trao cho cả bên vận chuyển và hành khách. Đây là quyền phát sinh khi có những yếu tố được pháp luật ghi nhận.
Đối với bên vận chuyển:
Bên vận chuyển có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng trong trường hợp:
– Hành khách không chấp hành quy định của bên vận chuyển hoặc có hành vi làm mất trật tự công cộng, cản trở công việc của bên vận chuyển, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác hoặc có hành vi khác không bảo đảm an toàn trong hành trình; trong trường hợp này, hành khách không được trả lại cước phí vận chuyển và phải chịu phạt vi phạm, nếu điều lệ vận chuyển có quy định. Đây là yếu tố xuất phát từ ý chí, hành vi của hành khách gây ảnh hưởng đến người khác và bên vận chuyển buộc phải chấm dứt hợp đồng để đảm bảo quyền và lợi ích cho tất cả mọi người trong hành trình.
– Do tình trạng sức khỏe của hành khách mà bên vận chuyển thấy rõ rằng việc vận chuyển sẽ gây nguy hiểm cho chính hành khách đó hoặc người khác trong hành trình. Tính trạng sức khỏe này phải được kết luận bởi người có chuyên môn hoặc các cơ sở y tế, thông thường là các bệnh về tim mạch, huyết áp,…
– Để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. Đặc biệt là đối với các bệnh lây truyền trong không khí, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang hoành hành. Và việc đơn phương này đôi khi còn là yếu tố bắt buộc do pháp luật quy định.
Đối với hành khách:
Hành khách có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng trong trường hợp bên vận chuyển vi phạm nghĩa vụ như không thực hiện hoặc thực hiện không đúng việc chở hành khách từ địa điểm xuất phát đến đúng địa điểm, đến đúng giờ, bằng phương tiện đã thỏa thuận một cách an toàn, theo lộ trình; bảo đảm đủ chỗ cho hành khách và không chuyên chở vượt quá trọng tải; không mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với hành khách theo quy định của pháp luật. Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng việc chở hành lý và trả lại cho hành khách hoặc người có quyền nhận hành lý tại địa điểm thỏa thuận theo đúng thời gian, lộ trình.
3. Các lưu ý đối với hợp đồng vận chuyển hành khách?
Hợp đồng vận chuyển hành khách nếu nghiên cứu rõ hơn thì thấy rằng đây là một vấn đề phức tạp. Các lưu ý đối với hợp đồng vận chuyển hành khách được xem xét dưới một số khía cạnh sau:
– Cơ sở pháp lý điều chỉnh quan hệ hợp đồng vận chuyển hành khách không chỉ có Bộ luật dân sự mà còn có các văn bản chuyên ngành như Luật hàng không dân dụng, Luật Đường sắt,..và các văn bản hướng dẫn khác.
– Hành khác khi thiết lập hợp đồng vận chuyển thường xuất phát từ việc lựa chọn các đơn vị vận chuyển hành khách mà ít khi có cơ hội được thỏa thuận về chi phí vận chuyển.
– Khi có tranh chấp xảy ra, các bên nên thương lượng, hòa giải và tìm ra phương án đền bù tối ưu thay vì phải khởi kiện tại
– Hành khách là chủ thể tham gia quan hệ hợp đồng vận chuyển có nhiều điểm đặc biệt, có thể là người chưa có năng lực hành vi dân sự đầy đủ nhưng thực tế đã giao kết hợp đồng.