Quy định tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Các mức hình phạt đối với tội gây tai nạn giao thông đường bộ năm 2020.
Tham gia giao thông là một trong những nhu cầu không thể thiếu của con người nhằm đảm bảo các hoạt động hàng ngày. Trong đó, hành vi tham gia giao thông có thể là một người điều khiển phương tiện giao thông trực tiếp như người điều khiển xe máy, xe ô tô; người sử dụng các phương tiện giao thông hình như người tham gia các phương tiện công cộng, xe buýt; người đi bộ cũng được coi là người tham gia giao thông…
Do sự đa dạng và phức tạp bởi những đối tượng, hình thức tham gia giao thông nên pháp luật giao thông quy định chặt chẽ các nguyên tắc an toàn khi tham gia giao thông. Tuy nhiên trên thực tế cho thấy, tỷ lệ va chạm giao thông, tai nạn giao thông vẫn diễn ra thường xuyên, đặc biệt trong những dịp lễ, cuối năm thì lưu lượng, mật độ tham gia giao thông đông đúc cũng khiến tỷ lệ tai nạn giao thông gia tăng. Nhằm giúp bạn tìm hiểu và nắm rõ những quy định liên quan đến tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, tránh những rủi ro khi tham gia giao thông, Luật Dương Gia xin gửi đến bạn bài viết dưới đây:
1. Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ
Như đã nêu trên, khi tham gia giao thông người tham gia giao thông phải đảm bảo các nguyên tắc an toàn giao thông theo
Luật sư
Việc không tuân thủ theo quy tắc trên là hành vi vi phạm pháp luật về an toàn giao thông và nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông đáng tiếc có thể xuất phát từ những hành vi đó. Tùy thuộc vào mức độ gây nguy hiểm cho xã hội mà hành vi vi phạm pháp luật về an toàn giao thông đường bộ có thể bị xử lý vi phạm hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.
Căn cứ theo Điều 260
– Một là, vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ.
– Hai là, thuộc một trong các trường hợp được quy định cụ thể tại Điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung bởi Bộ luật hình sự năm 2017.
Như vậy, để truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ thì trước hết người tham gia giao thông phải có hành vi vi phạm các quy tắc an toàn giao thông đường bộ. Ví dụ, người điều khiển phương tiện điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định, dừng đỗ xe sai bị trí, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông (vượt đèn đỏ), điều khiển xe khi trong người có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép… Theo đó, nếu người tham gia giao thông bị tai nạn giao thông nhưng không phải do bản thân vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, một người chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự và bị coi là có tội khi vi phạm các tội quy định tại Bộ luật hình sự và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Cụ thể khung hình phạt với Tội vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ được quy định như sau:
* Hình phạt chính
– Trường hợp 1: Người tham gia giao thông đường bộ sẽ bị phạt tiền với mức từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ với thời gian đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm khi vi phạm các quy định của pháp luật về an toàn giao thông đường bộ mà do hành vi vi phạm đó gây ra thiệt hại cho người khác, thiệt hại này có thể là về tính mạng, sức khỏe của con người hoặc thiệt hại về tài sản dẫn đến một trong các trường hợp sau:
+ Làm chết người: So với quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 thì Luật sửa đổi Bộ luật hình sự năm 2017 đã có sự cải tiến và rút ngắn câu từ hơn, thay thế “Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên” trong Bộ luật hình sự năm 2015 bằng cụm từ “Làm chết người”. Theo đó, chỉ cần người tham giao giao thông vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ và gây chết người là đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
+ Gây thương tích cho 01 người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà mức độ thương tích, tổn hại sức khỏe được xác định với tỷ lệ tổn thương trên cơ thể là 61% trở lên
+ Gây ra thương tích hoặc tổn hại sức khỏe của 02 người trở lên mà khi cộng tổng mức độ thương tích trên cơ thể của 02 người này trở lên được xác định từ 61% đến 121%. Nghĩa là mức độ thương tích, tổn hại sức khỏe trên cơ thể mỗi người này có thể dưới 61% nhưng khi cộng tất cả mức độ thương tích của những người này mà tổng tỷ lệ từ 61% đến 121% thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
+ Gây thiệt hại về tài sản cho người khác với giá trị thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. Với mức thiệt hại về tài sản, pháp luật không quy định về thiệt hại tài sản đối với một người hay nhiều người. Do đó, nếu người vi phạm giao thông gây thiệt hại về tài sản cho 01 người đủ mức thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 hoặc mức thiệt hại trên là tổng thiệt hại tài sản của nhiều người cũng đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
– Trường hợp 2: Người vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ sẽ bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Không có giấy phép lái xe: Theo quy định của pháp luật, tùy thuộc vào phương tiện giao thông được điều khiển mà người điều khiển có quy định độ tuổi khác nhau liên quan đến việc cấp giấy phép lái xe. Chẳng hạn, người lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên phải là người đủ 18 tuổi trở lên; Người lái xe ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi, xe hạng C kéo rơ mooc phải đủ 24 tuổi trở lên… Như vậy, người không có giấy phép lái xe có thể là người chưa đủ tuổi điều khiển các loại xe tương ứng hoặc có giấy phép lái xe nhưng bị mất, bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe… Tóm lại, giấy phép lái xe là một giấy tờ bắt buộc phải có đối với người điều khiển phương tiện giao thông. Việc không có giấy phép lái xe có thể được coi là người này không đủ điều kiện điều khiển phương tiện.
+ Người tham gia giao thông ở trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà có nồng độ cồn trong máu, trong cơ thể vượt quá mức quy định của pháp luật, hoặc bản thân người tham gia giao thông có sử dụng các chất ma túy, chất kích thích mạnh khác gây rối loạn tâm thần, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh dẫn đến việc tham giao giao thông không còn tỉnh táo, không làm chủ được hành vi.
+ Người vi phạm giao thông bỏ chạy khỏi hiện trường tai nạn giao thông nhằm mục đích trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn. Một trong những trách nhiệm của người điều khiển phương tiện giao thông và những người có liên quan là phải giữ nguyên hiện trường khi xảy ra tai nạn giao thông để cơ quan công an tiến hành điều tra, xác định lỗi của các bên. Ngoài ra, trách nhiệm giúp đỡ, đưa người bị nạn đi cứu chữa kịp thời là quan trọng và cần thiết. Bất cứ hành vi nào bỏ chạy hoặc phá hủy hiện trường, trốn tránh trách nhiệm, cố ý không cứu người bị nạn đều là hành vi vi phạm pháp luật.
+ Người tham gia giao thông không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông hoặc không tuân theo hướng dẫn giao thông.
+ Người tham gia giao thông vi phạm quy định về an toàn giao thông dẫn đến hậu quả làm thiệt hại tính mạng cho 02 người.
+ Hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây ra thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ gây thương tích, tổn hại sức khỏe cộng tổng của 02 người trở lên ở mức từ 122% đến 200%.
+ Thiệt hại về tài sản: Hậu quả của việc vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ do người tham gia giao thông gây ra làm thiệt hại về tài sản cho người khác có giá trị thiệt hại từ 500.000.000 đồng (năm trăm triệu đồng) đến dưới 1.500.000.000 đồng (một tỷ năm trăm triệu đồng).
– Trường hợp 3: Người bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại nghiêm trọng dẫn đến thiệt hại tính mạng cho từ 03 người trở lên
+ Gây thương tích cho người bị hại hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tổng tỷ lệ tổn thương trên cơ thể của 03 người trở lên mới mức từ trên 201%.
+ Thiệt hại về tài sản với mức độ thiệt hại từ 1.500.000.000 đồng ( một tỷ năm trăm triệu đồng) trở lên.
Có thể thấy, từ trường hợp 1 đến trường hợp 3, mức độ gây nguy hiểm, tổn thất về con người, tài sản tăng dần do người tham gia giao thông vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường bộ. Tương ứng với từng mức độ vi phạm sẽ có những hình phạt tăng dần tương ứng.
– Trường hợp 4: Trong trường hợp khi người tham giao giao thông đường bộ vi phạm quy định về an toàn giao thông mà dẫn đến hậu quả thuộc một trong ba tình huống tại trường hợp 03, nếu trong khả năng thực tế mà không được ngăn chặn kịp thời thì sẽ bị phạt tiền với mức phạt ừ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ với thời gian đến 01 năm hoặc phạt tù với thời gian từ 03 tháng đến 01 năm.
* Hình phạt bổ sung
Nếu người tham gia giao thông đường bộ vi phạm các quy định về an toàn giao thông gây ra những hậu quả thuộc những trường hợp nêu trên mà là người có chức vụ, nghề nghiệp thì tùy thuộc theo mức độ và yêu cầu cần thiết còn có tể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định trong thời gian từ 01 năm đến 05 năm. Biện pháp cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định nhằm ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật về giao thông mà người phạm tội có thể gây ra nếu tiếp tục đảm nhiệm chức vụ, hành nghề, làm việc.
2. Trách nhiệm bồi thường dân sự khi phạm Tội vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ
Người tham gia giao thông đường bộ khi bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thì tùy theo mức độ gây thiệt hại sẽ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015. Mức bồi thường được phân bổ theo các khoản như sau:
* Thứ nhất, bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm
– Người gây thiệt hại phải bồi thường chi phí hợp lý cho việc mai táng người bị hại. Toàn bộ chi phí tổ chức mai táng sẽ được giao cho người có trách nhiệm trực tiếp lo mai táng cho người bị xâm phạm tính mạng.
– Trường hợp người bị thiệt hại về tính mạng là người đang có nghĩa vụ cấp dưỡng cho một đối tượng cụ thể như con chưa thành niên, người không có khả năng lao động trong gia đình…thì người gây thiệt hại phải tiến hành cấp dưỡng cho đối tượng được cấp dưỡng thay người bị thiệt hại.
– Thiệt hại khác theo quy định của pháp luật
– Ngoài ra, do có thiệt hại về tính mạng nên có thể để lại những tổn thất tinh thần nhất định cho những người thân thích của người bị thiệt hại nên người gây thiệt hại còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp cho người thân của người bị thiệt hại tính mạng thuộc hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người bị thiệt hại. Trường hợp không có những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất thì người được hưởng khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần là người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng. Pháp luật cho phép các bên tự thỏa thuận với nhau về khoản tiền bồi thường tổn thất về tinh thần. Nếu không thỏa thuận được thì mức bồi thường tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm là không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. Mức lương cơ sở hiện tại áp dụng là 1.390.000 đồng/ tháng.
* Thứ hai, bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm
– Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa cho người bị thiệt hại kể từ thời điểm người này bắt đầu được cứu chữa tại cơ sở khám chữa bệnh đến khi người này ra viện và chi phí cho việc bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe, chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại.
– Do người bị thiệt hại về sức khỏe không thể trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh để tạo ra thu nhập nên phần thu nhập thực tế của người này bị mất đi hoặc có thể bị giảm sút do việc phục hồi sức khỏe, chức năng làm giảm sức lao động nên người vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ phải bồi thường về khoản thiệt hại này cho người bị hại. Trường hợp do đặc thù công việc mà thu nhập của người bị thiệt hại không ổn định, không thể xác định được thì mức thu nhập trung bình của người bị thiệt hại sẽ căn cứ vào mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại.
– Do người bị thiệt hại về sức khỏe có thể không thể tự chăm sóc được bản thân nên phải có người chăm sóc. Và người chăm sóc người bị thiệt hại phải bỏ thời gian, công sức dẫn đến thu nhập thực tế của người này bị mất đi thì người gây ra thiệt hại phải bồi thường những chi phí hợp lý, phần thu nhập cho người chăm sóc người bị thiệt hại. Tất nhiên là khoản chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất này phải nằm trong khoảng thời gian điều trị của người bị thiệt hại. Ngoài ra, nếu người bị thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra mà mất đi khả năng lao động, không thể thực hiện lao động, chăm sóc bản thân và phải có người thường xuyên chăm sóc thì chi phí bồi thường bao gồm cả chi phí hợp lý cho thời gian chăm sóc người bị thiệt hại.
– Thiệt hại thực tế khác xảy ra theo quy định của pháp luật.
– Tương tự như trường hợp bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm, người bị thiệt hại về sức khỏe cũng có thể có những tổn thương, tổn thất về tinh thần. Do đó, người vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ phải bồi thường cho người bị thiệt hại một khoản bù đắp tổn thất về tinh thần dựa trên sự thỏa thuận của các bên. Nếu không thỏa thuận được về mức bồi thường thi pháp luật quy định mức tối đa bồi thường cho một cá nhân có sức khỏe bị xâm hại là không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Tham gia giao thông an toàn là trách nhiệm của mỗi cá nhân và toàn thể xã hội. Bất cứ thiệt hại nào về tinh thần, sức khỏe, tài sản do vi phạm các quy tắc an toàn giao thông đường bộ gây ra đều là tổn thất không đáng có của mỗi gia đình, cá nhân. Người gây ra thiệt hại do vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ tùy theo mức độ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật dân sự. Do đó, để tránh những rủi ro do tai nạn giao thông gây ra, bản thân người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, người tham gia giao thông cần nâng cao ý thức thực hiện các quy tắc an toàn giao thông.