Trong bối cảnh Việt Nam là thành viên của WTO, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực đáng ghi nhận trong việc đáp ứng các yêu cầu về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và các quy định về giới hạn quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế nói riêng. Dưới đây là quy định của pháp luật về quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế.
Mục lục bài viết
1. Quy định quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế:
Trước hết, theo khoản 1 Điều 27 Hiệp định TRIPS (hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ là một hiệp định pháp lý quốc tế giữa tất cả các quốc gia thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới) quy định về 3 tiêu chuẩn để một sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ là:
– Tính mới;
– Thể hiện bước tiến sáng tạo;
– Và khả năng áp dụng công nghiệp của sáng chế.
Tương tự luật sáng chế của nhiều quốc gia thành viên khác, liên quan đến nghĩa vụ thi hành khoản 1 Điều 27 Hiệp định TRIPS, khoản 1 Điều 58 Văn bản hợp nhất Luật sở hữu trí tuệ năm 2022 nêu khái quát 03 điều kiện: Tính mới, trình độ sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp đối với sáng chế. Quy trình thẩm định nội dung nhằm đánh giá các tiêu chí này từ đó quyết định bằng độc quyền sáng chế có thể được cấp hay không ở các cơ quan sáng chế trước hết phụ thuộc vào việc từng tiêu chí được cụ thể hoá như thế nào trong luật sáng chế quốc gia.
Theo pháp luật Việt Nam, tại khoản 1 Điều 60 của Văn bản hợp nhất Luật sở hữu trí tuệ năm 2022 coi sáng chế thoả mãn tiêu chuẩn tính mới nếu chưa bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc nước ngoài trước ngày nộp đơn đăng ký sáng chế hoặc trước ngày ưu tiên trong trường hợp sáng chế được hưởng quyền ưu tiên. Như vậy sự bộc lộ công khai trên toàn thế giới dưới hai cách thức sử dụng hoặc mô tả thông qua bất kỳ hình thức nào trước ngày nộp đơn đăng ký sáng chế hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế là yếu tố quyết định trong việc xem xét sáng chế có được coi là đáp ứng tiêu chuẩn về tính mới hay không ở Việt Nam. Nội dung này trong Văn bản hợp nhất Luật sở hữu trí tuệ năm 2022 tương đồng với quy định tương ứng trong luật sáng chế của hầu hết các nước khác, nhưng khác biệt so với luật sáng chế Hoa Kỳ nơi sáng chế không bị coi là mất tính mới nếu được bộc lộ bên ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ dưới hình thức phi văn bản, bao gồm việc sử dụng hoặc bán.
Cụ thể hơn khoản 2 và khoản 3 Điều 60 của Văn bản hợp nhất Luật sở hữu trí tuệ năm 2022 quy định sáng chế được coi là chưa bị bộc lộ công khai nếu chỉ có một số người có hạn được biết và có nghĩa vụ giữ bí mật về sáng chế – dù một số lượng cụ thể bao nhiêu người dường như khó có thể đưa ra ở đây – cũng như khi đơn đăng ký sáng chế được nộp trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày công bố sáng chế trong các trường hợp: Sáng chế bị người khác công bố nhưng không được phép của người có quyền đăng ký sáng chế theo quy định tại Điều 86, sáng chế được người có quyền đăng ký sáng chế theo quy định tại Điều 86 công bố dưới dạng báo cáo khoa học hoặc trưng bày tại cuộc triển lãm quốc gia của Việt Nam hoặc tại cuộc triển lãm quốc tế chính thức hoặc được thừa nhận là chính thức. Liên quan đến điều kiện về trình độ sáng tạo của sáng chế, Điều 61 Văn bản hợp nhất Luật sở hữu trí tuệ năm 2022 xem sáng chế đáp ứng điều kiện trình độ sáng tạo nếu căn cứ vào các giải pháp kỹ thuật đã được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc dưới bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế trong trường hợp đơn đăng ký sáng chế được hưởng quyền ưu tiên, sáng chế đó là một bước sáng tạo, không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng.
2. Đối tượng không được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp dưới danh nghĩa sáng chế:
Tại Khoản 2 Điều 27 Hiệp định TRIPS tuyên bố thành viên có thể loại trừ việc cấp bằng độc quyền sáng chế cho những sáng chế cần phải bị cấm khai thác thương mại trong phạm vi lãnh thổ thành viên nhằm mục đích bảo vệ trật công cộng hoặc đạo đức xã hội bao gồm mục đích bảo vệ cuộc sống hoặc sức khoẻ của con người, động vật, thực vật hay mục đích tránh gây nguy hại nghiêm trọng cho môi trường. Tại khoản 3 Điều 27, đan xen với yêu cầu thành viên bảo hộ giống cây trồng thông qua việc cấp bằng độc quyền sáng chế hoặc theo một hệ thống riêng hữu hiệu (hay còn được dịch sang tiếng Anh là an effective sui generis system) hoặc theo bất cứ sự kết hợp nào giữa chúng, Hiệp định TRIPS tiếp tục quy định thành viên có thể loại trừ khả năng cấp bằng độc quyền sáng chế đối với phương pháp chuẩn đoán bệnh, phương pháp nội khoa và ngoại khoa chữa bệnh cho người hoặc động vật; thực vật và động vật không phải các chủng vi sinh, các quy trình mang bản chất sinh học để sản xuất thực vật hoặc động vật không phải quy trinh phi sinh học và quy trình vi sinh. Về cơ bản, các điều khoản này có mục đích loại trừ khả năng tạo ra, sử dụng và khai thác thương mại các sáng chế phi nhân văn, phi đạo đức hay các sáng chế gây hại cho môi trường.
Kết hợp với một số căn cứ khác, Điều 59 Văn bản hợp nhất Luật sở hữu trí tuệ năm 2022 loại trừ khả năng bảo hộ dưới danh nghĩa sáng chế các đối tượng sau đây:
– Phát minh, các lý thuyết khoa học, và các phương pháp toán học;
– Sơ đồ, kế hoạch thực hiện, quy tắc thực hiện và phương pháp để thực hiện các hoạt động trí óc, thực hiện quá trìnhhuấn luyện vật nuôi, thực hiện trò chơi, thậm chí là thực hiện hoạt độngkinh doanh chương trình máy tính;
– Cách thức và phương pháp thể hiện thông tin;
– Giải pháp và phương án chỉ mang tính thâm mỹ;
– Giống thực vật, giống động vật; tất cả các quy trình sản xuất thực vật, quy trình sản xuất đối với động vật chủ yếu mang bản chất sinh học không phải quy trình vi sinh;
– Phương pháp phòng ngừa, phương pháp chuẩn đoán và phương phápchữa bệnh cho người và động vật.
3. Các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế bị cấm:
Căn cứ theo quy định tại Điều 126 của Văn bản hợp nhất Luật sở hữu trí tuệ năm 2022 có quy định về các hành vi bị coi là xâm phạm quyền của chủ sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và thiết kế bố trí. Cụ thể như sau:
– Sử dụng các loại sáng chế đã được bảo hộ theo quy định của pháp luật, kiểu dáng công nghiệp đã được bảo hộ tại cơ quan có thẩm quyền, kiểu dáng công nghiệp không khác biệt đáng kể so với các kiểu dáng đó được bảo hộ, sử dụng các thiết kế bố trí đã được bảo hộ hoặc bất kỳ phần nào có tính nguyên gốc trong thiết kế bố trí đó, vẫn đang trong thời gian có hiệu lực của văn bằng bảo hộ, tuy nhiên không được sự đồng ý của chủ sở hữu;
– Sử dụng các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí tuy nhiên không thực hiện nghĩa vụ tài chính, tức là không trả tiền thù lao theo quy định của pháp luật, cụ thể là căn cứ theo Điều 131 của Văn bản hợp nhất luật sở hữu trí tuệ năm 2022.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất số 11/VBHN-VPQH Luật Sở hữu trí tuệ;
– Nghị định 17/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan;
– Nghị định 65/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ.