Quy định quản lý vốn khả dụng của ngân hàng thương mại? Những ưu điểm và hạn chế của quản lý vốn khả dụng của ngân hàng thương mại?
Như chúng ta đã biết thì vốn khả dụng của ngân hàng thương mại được hiểu là nguồn vốn sẵn sàng để đáp ứng các nghĩa vụ tài chính của tổ chức tín dụng. Vậy bạn đã hiểu như thế nào về các Quy định quản lý vốn khả dụng của ngân hàng thương mại. Những ưu điểm và hạn chế của quản lý vốn khả dụng của ngân hàng thương mại là gì?
Mục lục bài viết
1. Quy định quản lý vốn khả dụng của ngân hàng thương mại:
Quản lý vốn khả dụng của ngân hàng thương mại bao gồm việc quản trị vốn khả dụng của chính ngân hàng thương mại và quản lý tại Ngân hàng Trung ương , hay Ngân hàng Trung ương quản lý vốn khả dụng của ngân hàng thương mại . Quản lý vốn khả dụng của ngân hàng thương mại tại Ngân hàng Nhà nước có vai trò rất quan trọng; một mặt, giúp cho các ngân hàng thương mại sử dụng vốn an toàn, có hiệu quả, tăng vòng quay của vốn trong nền kinh tế; mặt khác, tạo điều kiện cho Ngân hàng Trung ương điều hành có hiệu quả chính sách tiền tệ theo mục tiêu đã định, đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững của hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng nói chung.
Căn cứ theo quy định Số: 37/2000/QĐ-NHNN1 về quy chế quản lý vốn khả dụng hiện nay đã hết hiệu lực cụ thể quy định như sau:
Điều 1. Quản lý vốn khả dụng là sự kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước đối với sự thay đổi tiền gửi của các tổ chức tín dụng tại Ngân hàng Nhà nước và thông qua việc sử dụng các công cụ của chính sách tiền tệ, đặc biệt là nghiệp vụ thị trường mở để tác động vào khả năng thanh toán của các tổ chức tín dụng nhằm đạt được mục tiêu chính sách tiền tệ quốc gia trong từng thời kỳ.
Tùy vào điều kiện thanh toán trong hệ thống ngân hàng, khả năng quản lý của ngân hàng trung ương mà phạm vi vốn khả dụng khác nhau giữa các quốc gia, giữa các ngân hàng thương mại, giữa ngân hàng trung ương và ngân hàng thương mại cũng khác nhau.
Còn quản lý vốn khả dụng của ngân hàng thương mại tại ngân hàng trung ương được hiểu như thế nào? Tác giả bài viết cho rằng, đó là sự kiểm soát của ngân hàng trung ương đối với vốn khả dụng của ngân hàng thương mại, thông qua việc sử dụng các biện pháp và công cụ của chính sách tiền tệ để tác động vào khả năng thanh toán của các ngân hàng thương mại nhằm đạt được mục tiêu chính sách tiền tệ quốc gia trong từng thời kỳ.
Quản lý vốn khả dụng là một nội dung quan trọng thường xuyên trong quản trị kinh doanh tại mỗi tổ chức tín dụng, thuộc chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của ngân hàng trung ương, xét ở góc độ: bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng, ổn định tiền tệ và thực hiện chính sách tiền tệ. Cơ chế quản lý của các nước khác nhau về nguyên lý chung thì tương ứng như nhau nhưng nội dung và nghiệp vụ thì không hoàn toàn giống nhau.
Tại Việt Nam, ngay từ năm 2000, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Quy chế Quản lý vốn khả dụng kèm theo Quyết định số 37/2000/QÐ-NHNN1 ngày 24/01/2000. Theo đó, ”quản lý vốn khả dụng của ngân hàng thương mại tại ngân hàng nhà nước là sự kiểm soát của ngân hàng nhà nước đối với sự thay đổi tiền gửi của các ngân hàng thương mại tại ngân hàng nhà nước và thông qua việc sử dụng các công cụ của chính sách tiền tệ, đặc biệt là nghiệp vụ thị trường mở để tác động vào khả năng thanh toán của các ngân hàng thương mại nhằm đạt được mục tiêu chính sách tiền tệ quốc gia trong từng thời kỳ”. Ðối tượng của quản lý vốn khả dụng tại ngân hàng nhà nước là sự thay đổi của số dư tiền gửi bằng VND của ngân hàng thương mại tại ngân hàng nhà nước.
2. Những ưu điểm của quản lý vốn khả dụng của ngân hàng thương mại:
Thứ nhất, về dự báo vốn khả dụng
Ngân hàng nhà nước thực hiện dự báo vốn khả dụng hiện nay theo phương pháp khuyến nghị của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Cơ sở của phương pháp là cách tiếp cận từ bảng cân đối tiền tệ của ngân hàng trung ương.
– Phương pháp dự báo vốn khả dụng theo cách tiếp cận từ Bảng cân đối tiền tệ rút gọn của ngân hàng trung ương, nhìn chung, khá khoa học và phù hợp với việc điều tiết theo khối lượng trong điều hành chính sách tiền tệ của ngân hàng nhà nước Việt Nam hiện nay.
Ðể có thêm cơ sở điều tiết vốn khả dụng, ngoài căn cứ vào phương pháp dự báo của Bảng cân đối tiền tệ ngân hàng nhà nước, bộ phận dự báo còn căn cứ vào nguồn thông tin ngoài thị trường và từ các ngân hàng thương mại. Các thông tin từ thị trường tiền tệ và từ ngân hàng thương mại là cơ sở quan trọng để điều chỉnh dự báo vốn khả dụng trong ngắn hạn.
Nghiệp vụ thị trường mở hiện nay là công cụ điều tiết chủ yếu vốn khả dụng và hiện nay được thực hiện hàng ngày để điều tiết tiền tệ. Ðể có cơ sở đề xuất khối lượng can thiệp, bộ phận tham mưu dự kiến khối lượng vốn khả dụng dư thừa hay thiếu hụt so với yêu cầu dự trữ bắt buộc và đảm bảo thanh toán. Khối lượng vốn khả dụng dư thừa, thiếu hụt là cơ sở quan trọng để ngân hàng nhà nước quyết định thu về, đưa ra hàng ngày. Vì vậy, việc dự báo và điều tiết vốn khả dụng hàng ngày tạo điều kiện cho ngân hàng nhà nước can thiệp với thị trường một cách kịp thời và chính xác, đặc biệt trong các thời điểm thị trường có nhiều biến động.
Thứ hai, điều tiết vốn khả dụng gắn với điều hành chính sách tiền tệ, nâng cao vai trò của quản lý vốn khả dụng trong việc thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ
– Trong phương án điều hành chính sách tiền tệ, ngân hàng nhà nước căn cứ vào vốn khả dụng của hệ thống ngân hàng, từ đó các biện pháp điều hành chính sách tiền tệ cũng là phương án điều tiết vốn khả dụng.
– Công cụ điều tiết vốn khả dụng của ngân hàng nhà nước hiện nay bao gồm nghiệp vụ thị trường mở, cho vay cầm cố giấy tờ có giá (GTCG), thực hiện nghiệp vụ hoán đổi ngoại tệ (Swap), cho vay đặc biệt khác cũng là các công cụ chủ yếu điều hành chính sách tiền tệ, được sử dụng khá hiệu quả thời gian qua,
Thứ ba, điều tiết vốn khả dụng trong thời gian qua đã đảm bảo thanh khoản cho toàn hệ thống ngân hàng và an toàn thanh toán cho nền kinh tế
Nhiệm vụ đảm bảo an toàn khả năng thanh toán cho hệ thống ngân hàng được thể hiện rõ qua việc ngân hàng nhà nước hỗ trợ vốn cho các ngân hàng thương mại trong các thời điểm nhu cầu thanh toán của nền kinh tế tăng cao vào dịp các ngày Lễ, Tết, cuối năm dương lịch, điển hình là dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn đầu năm 2012 vừa qua. Trong thời gian qua, mặc dù nền kinh tế có nhiều biến động, hoạt động ngân hàng ngày càng phức tạp và thị trường tài chính tiền tệ hoạt động sôi động nhưng chưa có ngân hàng thương mại rơi vào tình trạng khủng hoảng thanh khoản kéo dài, thành công này một phần rất lớn từ việc theo dõi chặt chẽ và hỗ trợ vốn kịp thời thanh khoản của ngân hàng thương mại từ phía ngân hàng nhà nước
3. Những hạn chế của quản lý vốn khả dụng của ngân hàng thương mại:
Một là, về điều tiết vốn khả dụng
– Lãi suất liên ngân hàng biến động lớn tại một số thời điểm do vốn khả dụng giảm mạnh. Việc thiếu hụt vốn khả dụng tại các thời điểm ngân hàng nhà nước thực hiện đồng loạt các biện pháp mạnh để kiểm soát tiền tệ và đã có tác động làm tăng mạnh lãi suất liên ngân hàng và ổn định hệ thống. Mặc dù tại các thời điểm này, ngân hàng nhà nước thực hiện các phiên chào mua GTCG nhưng khối lượng can thiệp chưa cân đối phù hợp với yêu cầu vốn thanh khoản của hệ thống ngân hàng, đẩy lãi suất thị trường lên cao.
Hai là, dự báo vốn khả dụng
– Việc dự báo vốn khả dụng hiện nay mới chú trọng đến dự báo ngắn hạn. Các dự báo dài hạn trên 1 tháng tuy đã được thực hiện, nhưng không thường xuyên và chỉ mang tính dự báo về xu hướng và ước đoán theo dãy số liệu lịch sử.
– Bộ phận chuyên môn của ngân hàng nhà nước dự báo vốn khả dụng hàng ngày chủ yếu trên cơ sở các yếu tố tác động đến vốn khả dụng đã có trong kế hoạch nhưng còn thiếu một số nhân tố khác như nhu cầu rút tiền mặt trong ngày, số tiền gửi Kho bạc Nhà nước tăng hay giảm trong ngày.