Khái quát về bảo vệ môi trường khu kinh tế? Quy định pháp luật về bảo vệ môi trường khu kinh tế?
Bên cạnh những đóng góp tích cực đem lại diện mạo mới về kinh tế – xã hội cho nhiều địa phương, quá trình phát triển công nghiệp nói chung và hệ thống các khu kinh tế nói riêng ở Việt Nam đang đặt ra nhiều thách thức cho việc bảo vệ môi trường. Do đó, yêu cầu bảo vệ môi trường cần được đặt ra rất khắt khe, đòi hỏi tính tổ chức cao hơn so với các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, bởi vì sự tác động tới môi trường với quy mô rất lớn từ hoạt động của các khu kinh tế. Vậy, pháp luật hiện hành quy định như thế nào về bảo vệ môi trường khu kinh tế? Hãy cùng Luật Dương Gia tìm kiếm câu trả lời ngay trong bài viết dưới đây.
Cơ sở pháp lý:
Thông tư 35/2015/TT-BTNMT về bảo vệ môi trường khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao do Bộ trường Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.
1. Khái quát về bảo vệ môi trường khu kinh tế?
Khái niệm bảo vệ môi trường được luật hóa và giải thích cụ thể tại Khoản 3, Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường, cụ thể: “Hoạt động bảo vệ môi trường là hoạt động giữ gìn, phòng ngừa, hạn chế các tác động xấu đến môi trường; ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái, cải thiện, phục hồi môi trường; khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên nhằm giữ môi trường trong lành.”
Khái niệm về khu kinh tế cũng được luật hóa và giải thích trong văn bản pháp luật, cụ thể, tại Khoản 17 Luật Đầu tư năm 2020 nêu rõ: “Khu kinh tế là khu vực có ranh giới địa lý xác định, gồm nhiều khu chức năng, được thành lập để thực hiện các mục tiêu thu hút đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ quốc phòng, an ninh.”
Bảo vệ môi trường khu kinh tế được hiểu cụ thể trong thuật ngữ bảo vệ môi trường trong hoạt động của khu kinh tế, là những hoạt động có mục đích của các chủ thể từ giai đoạn chuẩn bị xây dựng đến giai đoạn đầu tư xây dựng và trong suốt quá trình hoạt động của khu kinh tế nhằm giữ cho môi trường trong lành, sạch đẹp; phòng ngừa hạn chế những tác động xấu đối với môi trường; ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường do hoạt động của khu kinh tế, phục hồi và cải thiện môi trường.
Bảo vệ môi trường trong khu kinh tế thể hiện 3 đặc điểm cơ bản:
Một là, hoạt động bảo vệ môi trường tại khu kinh tế được thực hiện bởi nhiều chủ thể.
Hai là, hoạt động bảo vệ môi trường trong khu kinh tế đòi hỏi tính đồng bộ và tập trung cao.
Ba là, hoạt động bảo vệ môi trường tại khu kinh tế được thực hiện ngay từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư xây dựng khu kinh tế.
2. Quy định pháp luật về bảo vệ môi trường khu kinh tế?
Nội dung pháp luật về bảo vệ môi trường khu kinh tế được quy định tại Điều 65 Luật Bảo vệ môi trường, Điều 3, 4, 5, 6, Thông tư 35/2015/TT-BTNM. Nội dung trong các quy định được phản ánh dưới các khía cạnh sau:
Thứ nhất, khả năng đáp ứng điều kiện bảo vệ môi trường khi thành lập, mở rộng khu kinh tế.
Nội dung liên quan đến khả năng đáp ứng điều kiện bảo vệ môi trường khi thành lập, mở rộng khu kinh tế thể hiện ở việc đánh giá và thẩm tra, trong đó, đánh giá khả năng thuộc trách nhiệm của cơ quan đề nghị thành lập, mở rộng khu kinh tế; còn thẩm tra thuộc trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Nội dung đánh giá khả năng đáp ứng điều kiện bảo vệ môi trường bao gồm: Đánh giá hiện trạng môi trường khu vực dự kiến thành lập, mở rộng khu kinh tế; Dự báo các vấn đề môi trường khi thành lập, mở rộng khu kinh tế; Giải trình khả năng đáp ứng điều kiện bảo vệ môi trường (Nội dung chi tiết được quy định tại Phụ lục I Thông tư 35/2015/TT-BTNMT.
Hoạt động đánh giá khả năng đáp ứng điều kiện bảo vệ môi trường khi thành lập, mở rộng khu kinh tế có ý nghĩa quan trọng, thể hiện sự quan tâm ban đầu của chủ thể đề nghị thành lập, mở rộng khu kinh tế trong vấn đề bảo vệ môi trường, đây là trách nhiệm mà chủ thể này phải gánh vác, là tiền đề cho hoạt động thẩm tra và là cơ sở bắt buộc để đáp ứng yêu cầu được thành lập, mở rộng khu kinh tế.
Đối với hoạt động thẩm tra, đây là hoạt động của cơ quan chuyên môn, thực hiện chức năng của mình trong quá trình xem xét hồ sơ thành lập, mở rộng khu kinh tế. Hoạt động thẩm tra một lần nữa tái khẳng định kết quả của hoạt động đánh giá là cơ cơ sở để thành lập hay mở rộng khu kinh tế hay không. Về cơ bản, tài liệu đánh giá được thể hiện trong hồ sơ thành lập, mở rộng khu kinh tế càng chi tiết, cụ thể thì hoạt động thẩm tra càng dễ dàng và dễ được thuyết phục.
Thứ hai, yêu cầu về công trình hạ tầng bảo vệ môi trường.
Khoản 1, Điều 65 Luật bảo vệ môi trường đã nêu rõ: “Khu kinh tế phải có công trình hạ tầng bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.” Như vậy, công trình hạ tầng bảo vệ môi trường là yếu tố bắt buộc, không thể thiếu trong các khu kinh tế. Theo giải thích tại khoản 2, Điều 5 Thông tư 35/2015/TT-BTNMT thì công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường khu kinh tế bao gồm:
– Hệ thống thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải rắn.
– Hệ thống thu gom và thoát nước mưa; hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải.
– Mạng lưới các điểm quan trắc chất lượng môi trường xung quanh.
– Quy hoạch diện tích cây xanh.
– Các công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường khác.
Cơ quan đề nghị thành lập, mở rộng khu kinh tế có trách nhiệm lập quy hoạch, xây dựng và vận hành các công trình hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường khu kinh tế kể trên và gửi
Các công trình hạ tầng bảo vệ môi trường có ý nghĩa tích cực trong bảo vệ môi trường từ khâu sản sinh, thu gom, lưu trữ, vận chuyển đến xử lý chất thải; kể cả các biện pháp giảm thiểu chất thải. Các công trình này là phương án tối ưu nhằm bảo vệ môi trường ở chừng mực và tiêu chuẩn nhất định, do tính rộng lớn của khu kinh tế và hoạt động của khu kinh tế thường mang tới nguồn chất thải vô cùng lớn.
Thứ ba, yêu cầu có bộ phận chuyên trách về bảo vệ môi trường.
Bộ phận chuyên trách về bảo vệ môi trường nằm trong Ban quản lý khu kinh tế, vai trò của bộ phận này là tổ chức thực hiện công tác bảo vệ môi trường khu kinh tế. Do có vai trò quan trọng, nên người giữ vị trí phụ trách bộ phận chuyên trách về bảo vệ môi trường phải đáp ứng điều kiện luật định, cụ thể tại Khoản 1 Điều 14 Thông tư 35/2015/TT-BTNMT nêu ra hai điều kiện: (1) Có trình độ đại học trở lên thuộc các chuyên ngành về quản lý môi trường; khoa học, công nghệ, kỹ thuật môi trường; hóa học, sinh học; (2) Có tối thiểu ba (03) năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực môi trường.
Bộ phận chuyên trách sẽ là những cá nhân có đầy đủ năng lực, hoạt động và làm việc có trách nhiệm và trở thành ví trí có vai trò trọng tâm, chi phối trực tiếp tới hiệu quả của công tác bảo vệ môi trường trong các khu kinh tế.
Thứ tư, quy định liên quan đến trách nhiệm của Ban quản lý khu kinh tế.
Ban quản lý khu kinh tế là cơ quan nòng cốt, được nhà nước trao quyền để thực hiện trách nhiệm lớn trong việc bảo vệ môi trường tại các khu kinh tế, trách nhiệm cụ thể của Bản quản lý khu kinh tế được quy định tại Điều 14 Thông tư 35/2015/TT-BTNMT, trong đó, đáng chú ý:
– Bố trí bộ phận chuyên trách về bảo vệ môi trường. Nội dung này đã được giải thích trước đó (thứ ba).
– Hướng dẫn, kiểm tra chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong khu kinh tế, khu công nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện các quy định bảo vệ môi trường; phát hiện và kịp thời báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để giải quyết, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; huy động lực lượng ứng phó, khắc phục khi xảy ra sự cố môi trường tại các khu kinh tế, khu công nghiệp.
Tính chất quản lý được thể hiện rõ nhất trong trách nhiệm này, việc hướng dẫn, kiểm tra xuất phát từ việc ban quản lý nắm bắt được đầy đủ các thông tin, các quy định về bảo vệ môi trường; đồng thời ban quản lý cũng là chủ thể sát sao nhất với hoạt dộng của khu kinh tế, do vậy, các nghĩa vụ trên đây là điều dễ hiểu và hoàn toàn cần thiết, tất nhiên Ban quản lý có đủ khả năng để thực hiện.
Khoản 3, Điều 65 Luật Bảo vệ môi trường ghi nhận một trách nhiệm quan trọng của Ban quản lý, đó là: “Ban quản lý khu kinh tế phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tổ chức thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường; báo cáo về công tác bảo vệ môi trường trong khu kinh tế theo quy định của pháp luật.” Đây là trách nhiệm thể hiện sự phối hợp giữa cơ quan nhà nước và tổ chức trong xã hội, làm sao để đạt được hiệu quả tối ưu nhất và đưa ra các phương án bảo vệ môi trường có khả năng áp dụng triệt để.