Việc xây dựng pháp luật về thanh niên hướng tới mục tiêu thể chế hóa và hoàn thiện cơ sở pháp lý, xác định rõ quyền và nghĩa vụ của thanh niên, chính sách của nhà nước đối với thanh niên. Trong phạm vi bài viết dưới đây, Luật Dương Gia sẽ làm rõ quy định của pháp luật về vấn đề đối thoại với thanh niên.
Mục lục bài viết
1. Quy định chung của pháp luật về đối thoại với thanh niên:
Nguyên tắc tổ chức đối thoại: căn cứ theo quy định tại Điều 4 của Nghị định 13/2021/NĐ-CP quy định về đối thoại với thanh niên, quá trình đối thoại với thanh niên cần phải tuân thủ theo các nguyên tắc sau:
-
Thực hiện đúng và đầy đủ chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước;
-
Tôn trọng, lắng nghe ý kiến đóng góp và nguyện vọng của thanh niên;
-
Bảo đảm minh bạch, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật.
Trách nhiệm tổ chức đối thoại: căn cứ theo quy định tại Điều 5 của Nghị định 13/2021/NĐ-CP, cụ thể như sau:
-
Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp là chủ thể có trách nhiệm và nghĩa vụ tổ chức hoạt động đối thoại với thanh niên ít nhất mỗi năm 01 lần;
-
Người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân có trách nhiệm và nghĩa vụ đối thoại với thanh niên theo yêu cầu của Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam, Hội sinh viên Việt Nam và các tổ chức, đơn vị khác của thanh niên được thành lập và hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật.
Hình thức đối thoại: có hai hình thức là đối thoại trực tiếp và đối thoại trực tuyến.
Ngoài ra, căn cứ theo quy định tại Điều 6 của Nghị định 13/2021/NĐ-CP thì thủ tướng Chính phủ và chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp cùng với các cơ quan/đơn vị được quy định cụ thể tại Điều 5 nói trên sẽ có quyền quyết định hình thức tổ chức đối thoại với thanh niên để phù hợp với từng trường hợp và yêu cầu.
2. Nội dung đối thoại với thanh niên gồm những gì?
Về vấn đề đối thoại với thanh niên, căn cứ theo quy định tại Điều 7 của Nghị định 13/2021/NĐ-CP Quy định về đối thoại với thanh niên, nội dung đối thoại với thanh niên bao gồm:
-
Quá trình thực hiện cơ chế, thực hiện chính sách và thực hiện quy định của pháp luật đối với thanh niên;
-
Hoạt động của các cơ quan, tổ chức có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của thanh niên;
-
Nội dung thuộc thẩm quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ báo cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về vấn đề giải quyết kiến nghị của thanh niên;
-
Vai trò và trách nhiệm của thanh niên trong quá trình lao động, học tập, rèn luyện, tham gia phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ tổ quốc;
-
Các kiến nghị và đề xuất khác của thanh niên
3. Quy trình tiến hành đối thoại với thanh niên:
Căn cứ theo quy định tại Điều 8 đến Điều 11 của Nghị định 13/2021/NĐ-CP quy định về đối thoại với thanh niên, có thể khái quát quy trình đối thoại với thanh niên như sau:
Bước 1: Xây dựng kế hoạch và chương trình đối thoại với thanh niên. Theo đó, Bộ Nội vụ là cơ quan nhà nước có thẩm quyền chủ trì phối hợp với Trung ương đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh để xây dựng kế hoạch đối thoại với thanh niên hằng năm, sau đó trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét. Cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị được giao nhiệm vụ về công tác thanh niên sẽ chủ trì và phối hợp với Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cùng cấp để xây dựng kế hoạch đối thoại với thanh niên hằng năm, sau đó trình lên chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp để xem xét. Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cùng với các tổ chức có liên quan của thanh niên sẽ tổng hợp nhu cầu, kiến nghị, nguyện vọng của thanh niên phải lựa chọn chủ đề và phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để xây dựng kế hoạch đối thoại với thanh niên sao cho phù hợp.
Bước 2: Xác định thời gian và thành phần tham gia đối thoại với thanh niên. Cụ thể cần xác định rõ các vấn đề sau:
-
Về thời gian: Thủ tướng Chính phủ và chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp sẽ tổ chức hoạt động đối thoại với thanh niên vào tháng 03 hằng năm. Trong trường hợp không thể tổ chức đối thoại với thanh niên trong tháng 03 thì sẽ tổ chức đối thoại vào thời gian phù hợp khác, tuy nhiên cần phải bảo đảm ít nhất 01 năm 01 lần;
-
Về địa điểm: Cơ quan, tổ chức và đơn vị lựa chọn địa điểm, chuẩn bị điều kiện thuận lợi và phù hợp, lựa chọn hình thức đối thoại phù hợp để thanh niên tham gia hoạt động đối thoại;
-
Về nội dung: Cơ quan, tổ chức và đơn vị phối hợp với Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cùng cấp, phối hợp với các tổ chức khác của thanh niên để lựa chọn nội dung đối thoại căn cứ theo quy định tại Điều 7 của Nghị định 13/2021/NĐ-CP Quy định về đối thoại với thanh niên (như đã phân tích tại mục II);
-
Về thành phần tham gia, bao gồm: Chủ trì (Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp sẽ chủ trì đối thoại với thanh niên định kỳ, người đứng đầu cơ quan và đơn vị sẽ chủ trì đối thoại với thanh niên theo yêu cầu của các tổ chức thanh niên), thành phần tham gia đối thoại (Đại diện lãnh đạo Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, đại diện của các cơ quan chuyên môn, đại diện cơ quan quản lý nhà nước về thanh niên các cấp, đại diện thanh niên do Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh giới thiệu, đại diện của các cơ quan và đơn vị có liên quan);
-
Về vấn đề tổ chức thực hiện: Các cơ quan, tổ chức và đơn vị tổ chức đối thoại phân công nhiệm vụ thực hiện nội dung kế hoạch.
Bước 3: Tiến hành đối thoại với thanh niên. Căn cứ vào kế hoạch và chương trình đối thoại đã được công khai trước đó, các cơ quan và đơn vị chủ trì, phối hợp với các tổ chức Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cùng cấp, phối hợp với cơ quan có liên quan để tổ chức thực hiện hoạt động đối thoại với thanh niên theo kế hoạch. Cơ quan/đơn vị tổ chức đối thoại quyết định tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của thanh niên bằng phiếu/phát biểu trực tiếp hoặc thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, trang hoặc Cổng thông tin điện tử của cơ quan/đơn vị. Các cơ quan và đơn vị sẽ tổng hợp nội dung theo nhóm vấn đề để trả lời trong cuộc đối thoại (đối với những nội dung thuộc thẩm quyền). Đối với những nội dung không thuộc thẩm quyền thì sẽ ghi nhận và gửi đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật.
Bước 4: Kết luận đối thoại. Thủ tướng Chính phủ, chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan và đơn vị có liên quan cần phải có văn bản kết luận nội dung đối thoại, gửi văn bản đó cho các bên có liên quan (trong trường hợp nội dung đối thoại có những vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực khác nhau). Văn bản kết luận đối thoại cần phải bao gồm các nội dung như sau:
-
Vấn đề được thành niên nêu ý kiến, đề xuất và kiến nghị;
-
Ý kiến, kiến nghị và đề xuất của thanh niên đã được giải quyết ngay tại cuộc đối thoại;
-
Kiến nghị, ý kiến và đề xuất của thanh niên có những nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực khác nhau đã được chuyển đến cơ quan/tổ chức/đơn vị để xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật;
-
Phân công các cơ quan, đơn vị, tổ chức giải quyết kiến nghị phải giải quyết đề xuất của thanh niên theo chức năng/nhiệm vụ được giao.
THAM KHẢO THÊM: