Bất kỳ doanh nghiệp nào đang có nhu cầu mở rộng thị trường sang địa phương, khu vực mới thì đều phải xem xét đến phương án thành lập chi nhánh công ty. Chi nhánh có thể thực hiện một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ ... Dưới đây là quy định của pháp luật về ngành nghề đăng ký kinh doanh của chi nhánh doanh nghiệp.
Mục lục bài viết
1. Quy định ngành nghề đăng ký kinh doanh của chi nhánh:
Ngành nghề đăng ký kinh doanh của chi nhánh doanh nghiệp cần phải được thực hiện theo quy định của pháp luật. Việc đăng ký ngành nghề kinh doanh của chi nhánh doanh nghiệp cũng sẽ được thực hiện theo các quy định áp dụng đối với doanh nghiệp. Căn cứ theo quy định tại Điều 7 của Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp, có quy định cụ thể về vấn đề ghi ngành nghề kinh doanh. Theo đó:
– Khi thực hiện thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, khi thực hiện hoạt động thông báo bổ sung hoặc thay đổi ngành nghề đăng ký kinh doanh, hoặc khi thực hiện thủ tục đề nghị cấp đổi sang giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, các chủ thể được xác định là người thành lập doanh nghiệp hoặc các doanh nghiệp cần phải lựa chọn mã ngành nghề kinh tế cấp 04 trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam để ghi ngành nghề kinh doanh vào Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp/vào thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy đề nghị cấp đổi sang giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Cơ quan đăng ký doanh nghiệp sẽ hướng dẫn, đối chiếu với ngành nghề kinh doanh, ghi nhận ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp;
– Nội dung cụ thể của ngành nghề kinh tế cấp 04 sẽ được thực hiện theo Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam do thủ tướng Chính phủ ban hành;
– Đối với những ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật khác, thì ngành nghề kinh doanh sẽ được đi theo ngành nghề quy định cụ thể tại các văn bản quy phạm pháp luật đó;
– Đối với những ngành nghề kinh doanh không được ghi nhận trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, tuy nhiên được quy định cụ thể tại các văn bản quy phạm pháp luật khác, thì ngành nghề kinh doanh đó sẽ được ghi nhận theo ngành nghề quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đó;
– Đối với những ngành nghề kinh doanh không được ghi nhận trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, đồng thời cũng chưa được quy định cụ thể tại các văn bản quy phạm pháp luật khác, thì cơ quan đăng ký kinh doanh cần phải xem xét để ghi nhận ngành nghề kinh doanh đó vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, nếu các là nghề kinh doanh đó không thuộc ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh, đồng thời thông báo cho cơ quan có thẩm quyền đó là Bộ kế hoạch và đầu tư để bổ sung ngành nghề kinh doanh mới;
– Trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu ghi ngành nghề kinh doanh chi tiết hơn mã ngành nghề kinh doanh cấp 04, thì doanh nghiệp bắt buộc phải lựa chọn một ngành kinh tế cấp 04 cụ thể trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, sau đó tiếp tục ghi chi tiết ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp dưới mã ngành kinh tế cấp 04 đó, tuy nhiên doanh nghiệp cần phải đảm bảo ngành nghề kinh doanh chi tiết của doanh nghiệp, phù hợp với ngành cấp 04 mà doanh nghiệp đã chọn. Trong trường hợp này, ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp được xác định là ngành nghề kinh doanh mà doanh nghiệp đã ghi chi tiết;
– Việc quản lý nhà nước đối với ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, các ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với các nhà đầu tư nước ngoài, hoạt động kiểm tra quá trình chấp hành đầy đủ điều kiện kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ thuộc thẩm quyền của các cơ quan chuyên ngành theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại Điều 44 của Văn bản hợp nhất
– Chi nhánh theo quy định của pháp luật và các đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, chi nhánh có chức năng và nhiệm vụ thực hiện toàn bộ chức năng hoặc thực hiện một phần chức năng của doanh nghiệp, trong đó bao gồm cả chức năng đại diện theo ủy quyền cho doanh nghiệp. Ngành nghề kinh doanh của chi nhánh bắt buộc phải đúng với ngành nghề kinh doanh mà doanh nghiệp đã đăng ký;
– Văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, văn phòng đại diện có chức năng và nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền xuất phát từ lợi ích của các doanh nghiệp và bảo vệ lợi ích đó. Văn phòng đại diện sẽ không được phép thực hiện chức năng kinh doanh của doanh nghiệp;
– Địa điểm kinh doanh theo quy định của pháp luật là nơi các doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh cụ thể.
Theo đó thì có thể nói, chi nhánh doanh nghiệp có thể thực hiện toàn bộ chức năng hoặc một phần chức năng của các doanh nghiệp. Chi nhánh doanh nghiệp hoàn toàn có thể thực hiện thủ tục đăng ký toàn bộ ngành nghề kinh doanh mà doanh nghiệp đã thực hiện thủ tục đăng ký trước đó hoặc chi nhánh doanh nghiệp có thể đăng ký ít hơn ngành nghề kinh doanh mà doanh nghiệp đã đăng ký.
Tuy nhiên cần phải lưu ý, trong quá trình đăng ký ngành nghề kinh doanh của chi nhánh, cần phải đảm bảo chi nhánh doanh nghiệp không được phép thực hiện thủ tục đăng ký các ngành nghề kinh doanh mà doanh nghiệp chưa đăng ký, đây sẽ được xem là hành vi trái với quy định “ngành nghề kinh doanh của chi nhánh bắt buộc phải phù hợp với ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp”. Đồng thời, chi tiết hệ thống mã ngành nghề kinh doanh cần phải tham khảo tại Quyết định 27/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
2. Thành phần hồ sơ đăng ký hoạt động chi nhánh bao gồm những gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 31 của Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp, có quy định cụ thể về hồ sơ, trình tự và thủ tục đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện và thông báo thành lập địa điểm kinh doanh. Theo đó, thành phần hồ sơ đăng ký hoạt động chi nhánh đóng vai trò vô cùng quan trọng. Các doanh nghiệp cần phải nộp hồ sơ đăng ký hoạt động chi nhánh tới cơ quan có thẩm quyền đó là Phòng đăng ký kinh doanh nơi đặt chi nhánh trên thực tế. Thành phần hồ sơ sẽ bao gồm các loại giấy tờ và tài liệu sau:
– Thông báo thành lập chi nhánh do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký;
– Bản sao của nghị quyết, quyết định, biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và công ty hợp doanh, nghị quyết hoặc quyết định của Hội đồng quản trị đối với loại hình công ty cổ phần, nghị quyết hoặc quyết định của chủ sở hữu công ty đối với loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên về việc thành lập chi nhánh của doanh nghiệp;
– Các loại giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với những người đứng đầu chi nhánh.
Theo đó, thành phần hồ sơ đăng ký hoạt động chi nhánh sẽ bao gồm các loại giấy tờ nêu trên.
3. Người đứng đầu chi nhánh doanh nghiệp sẽ thực hiện nhiệm vụ thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 84 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định cụ thể về chi nhánh và văn phòng đại diện của pháp nhân. Theo đó:
– Chi nhánh và văn phòng đại diện của pháp nhân được xác định là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, không phải là pháp nhân;
– Chi nhánh của pháp nhân sẽ có chức năng và nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc thực hiện một phần chức năng của pháp nhân;
– Văn phòng đại diện của pháp nhân sẽ có chức năng và nhiệm vụ đại diện trong phạm vi nhất định do pháp nhân giao, thực hiện các hoạt động bảo vệ lợi ích hợp pháp của pháp nhân;
– Quá trình thành lập, chấm dứt chi nhánh, văn phòng đại diện của pháp nhân bắt buộc phải thực hiện thủ tục đăng ký theo quy định của pháp luật và được công bố công khai;
– Người đứng đầu chi nhánh, người đứng đầu văn phòng đại diện thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của pháp nhân trong phạm vi ủy quyền và thời hạn được ủy quyền;
– Pháp nhân có quyền và nghĩa vụ dân sự phát sinh từ các giao dịch dân sự do chi nhánh, do văn phòng đại diện xác lập/thực hiện.
Theo đó, người đứng đầu chi nhánh doanh nghiệp cần phải thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của doanh nghiệp trong phạm vi ủy quyền và thời hạn được ủy quyền.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất 07/VBHN-VPQH 2022
– Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp;
– Quyết định 27/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam;
– Công văn 234/ĐKKD-NV của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh về việc hướng dẫn một số nội dung liên quan đến việc thi hành Quyết định 27/2018/QĐ-TTg.
THAM KHẢO THÊM: