VKSND là cơ quan duy nhất, đại diện Nhà nước có chức năng, có quyền, và có nghĩa vụ tiến hành các hoạt động kiểm sát trong tố tụng hình sự. Điều này là phù hợp với khoa học hình sự, và tình hình thực tế tại Việt Nam.
Mục lục bài viết
1. Cơ sở của quy định kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm:
Thứ nhất, thực hành kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm là chức năng hiến định của Viện kiểm sát nhân dân
Căn cứ Khoản 1 Điều 107 Hiến pháp 2013 quy định: “Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp”. Thực tế là chức năng kiểm sát trước đây được giao cho rất nhiều cơ quan khác nhau. Tuy nhiên kể từ khi Hiến pháp 2013 được ban hành, Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan duy nhất, đại diện Nhà nước có chức năng, có quyền, và có nghĩa vụ tiến hành các hoạt động kiểm sát trong tố tụng hình sự. Điều này là phù hợp với khoa học hình sự, và tình hình thực tế tại Việt Nam.
Thứ hai, căn cứ vào chức năng cơ bản của tố tụng hình sự Kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm là phần của kiểm sát hoạt động tư pháp. Do đó, việc quy định pháp luật giao cho Viện kiểm sát nhân dân trách nhiệm kiểm sát hoạt động tư pháp là phù hợp với trách nhiệm, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân.
Thứ ba, phù hợp với nguyên tắc cơ bản của luật tố tụng hình sự
Một trong những nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự là “nguyên tắc thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự”.Điều 20 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Viện kiểm sát thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự, quyết định việc buộc tội, phát hiện vi phạm pháp luật nhằm bảo đảm mọi hành vi phạm tội, người phạm tội, pháp nhân phạm tội, vi phạm pháp luật đều phải được phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh, việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm và người phạm tội, pháp nhân phạm tội, không làm oan người vô tội”. Việc đảm bảo các nguyên tắc cơ bản của luật tố tụng hình sự là vô cùng quan trọng trong quá trình tiến hành tố tụng bởi lẽ có đảm bảo được các nguyên tắc cơ bản thì mới đảm bảo được quá trình tiến hành tố tụng được diễn ra thống nhất, đúng pháp luật; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho những chủ thể tham gia tố tụng.
Thứ tư, căn cứ vào tổ chức bộ máy nhà nước
Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, góp phần bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Các Viện kiểm sát nhân dân địa phương, các Viện kiểm sát nhân dân quân sự thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong phạm vi trách nhiệm do luật định.
2. Ý nghĩa của kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm:
Thứ nhất, việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm
Việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm là hoạt động mở đầu của quá trình giải quyết vụ án hình sự nhằm phát hiện hành vi phạm tội.
Trên cơ sở tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm cơ quan có thẩm quyền xác định có dấu hiệu tội phạm hay không để quyết định việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự. Trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân trong giai đoạn này là kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, bảo đảm việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm của cơ quan điều tra phải khách quan, toàn diện, đầy đủ, chính xác, đúng pháp luật, những vi phạm pháp luật trong công tác này phải được phát hiện, khắc phục và xử lý kịp thời.
Thứ hai, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm là điều kiện, cơ sở để Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát nguồn tin cũng như thời hạn giải quyết theo luật định
Kiểm sát chặt chẽ ngay từ giai đoạn tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm giúp cho Viện kiểm sát nhân dân các cấp chủ động nắm được nguồn tin, nội dung tin, qua đó chủ động trong việc theo dõi, kiểm sát chặt chẽ thời hạn giải quyết các tố giác, tin báo về tội phạm, chủ động trong việc đề ra các yêu cầu xác minh có chất lượng, đảm bảo mọi tội phạm xảy ra đều phải được phát hiện và xử lý kịp thời theo đúng quy định của pháp luật, Các tin báo, tố giác được giải quyết kịp thời, có căn cứ và đúng thời hạn luật định góp phần hạn chế thấp nhất tình trạng “treo tố giác, tin báo”, tình trạng để tin báo quá hạn giải quyết, kéo dài thời hạn giải quyết hoặc tình trạng “giấu tin” của cơ quan điều tra, qua đó kịp thời phát hiện các vi phạm của cơ quan điều tra để ban hành kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm.
Thứ ba, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin bảo về tội phạm góp phần đảm bảo căn cứ trong việc giải quyết tố giác, tin bảo về tội phạm của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Thông qua hoạt động kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin bảo về tội phạm để có cơ sở khẳng định việc giải quyết là có căn cứ, khởi tố là đúng người, đúng tội và bảo đảm các căn cứ để xử lý tội phạm, bảo đảm cho mọi hành vi phạm tội đều phải được xử lý theo quy định của pháp luật, tránh làm oan, sai và không bỏ lọt tội phạm. Kiểm sát tốt việc giải quyết tin báo và tố giác tội phạm sẽ giúp cho việc đồng ý hoặc hủy bỏ quyết định không khởi tố của Viện kiểm sát nhân dân đối với cơ quan điều tra chính xác và có căn cứ.