Hợp đồng mua bán điện là loại hợp đồng song vụ, bên bán và bên mua đều vừa có quyền, vừa phải thực hiện các nghĩa vụ theo thỏa thuận của các bên trong hợp đồng và theo quy định của pháp luật. Vậy khi xảy ra tranh chấp hợp đồng mua bán điện thì giải quyết như thế nào? Cùng tìm hiểu bài viết dưới đây.
Mục lục bài viết
1. Thế nào là tranh chấp hợp đồng mua bán điện?
Hợp đồng mua bán điện có thể hiểu là hợp đồng được ký kết giữa bên bán và bên mua, bao gồm các điều khoản và điều kiện mà theo đó việc mua bán điện được thực hiện. Nội dung chính của hợp đồng mua bán điện bao gồm: xác định các mốc chính cung cấp điện, các điều khoản hợp đồng; cơ chế giá, các dịch vụ và quy định thực hiện các nghĩa vụ; quyền điều độ; điều kiện chấm dứt hợp đồng và vi phạm hợp đồng. Bất kì bên nào không thực hiện đầy đủ và đúng hạn các nghĩa vụ quy định tại hợp đồng đều tạo ra các hành vi vi phạm hợp đồng và bên vi phạm phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình gây ra, chủ yếu là chịu phạt hợp đồng và bồi thường thiệt hại cho bên bị vi phạm. Nếu bên vi phạm không thực hiện việc khắc phục có thể xảy ra các tranh chấp.
Các dạng tranh chấp trong điện lực, trước hết tranh chấp trong thanh toán, bao gồm cả tranh chấp trong quá trình đo đếm.
Tranh chấp trong thanh toán thường xuất hiện do sự chậm trễ trong trả tiền điện của bên mua hoặc không thống nhất trong việc xác định lượng điện năng mua bán do trong quá trình mua bán hệ thống đo đếm gặp sự cố hoặc không thống nhất về mức độ sai số của hệ thống đo đếm. Có thể lấy một ví dụ như sau: trong giai đoạn thanh toán (thường là 01 tháng) hệ thống đo đếm chính cho kết quả sản lượng điện năng mua bán là 3000 Kwh, bên bán xuất hóa đơn yêu cầu bên mua thanh toán lượng điện này. Tuy nhiên, bên mua cho rằng hệ thống đo đếm chính vượt quá sai số cho phép và yêu cầu sử dụng số liệu của hệ thống đo đếm dự phòng. Trong trường hợp này các bên sẽ phải thương lượng lấy số liệu của hệ thống đo đếm chính hay hệ thống đo đếm dự phòng, thuê tổ chức giám định mức độ sai số của hệ thống đo đếm chính (thường là các trung tâm thí nghiệm điện). Nếu mức độ sai số của hệ thống đo đếm chính trong phạm vi cho phép thì bên mua phải thanh toán cho bên bán theo số liệu được hệ thống đo đếm chính ghi nhận. Nếu mức độ sai số của hệ thống đo đếm chính vượt quá giới hạn cho phép thì sử dụng hệ thống đo đếm dự phòng.
Tranh chấp trong xác định sự kiện bất khả kháng Khi xảy ra sự kiện bất khả kháng không bên nào phải chịu trách nhiệm hoặc bị coi là vi phạm hợp đồng hoặc có lỗi do không thực hiện hoặc chậm trễ trong việc tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo hợp đồng. Vì vậy việc xác định một sự kiện, tình huống hoặc kết hợp các sự kiện, tình huống có phải bất khả kháng hay không sẽ làm cho bên bị ảnh hưởng không phải chịu trách nhiệm do chậm trễ hoặc không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng nên bên bị ảnh hưởng luôn muốn xác định nguyên nhân không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng hoặc chậm trễ.
Tranh chấp trong việc điều độ, vận hành nhà máy; việc xác định khi nào nhà máy được vận hành để phát điện lên hệ thống có thể không thống nhất giữa bên bán và bên mua.
Tranh chấp trong chia sẻ rủi ro trong trường hợp nguyên liệu cho nhà máy không được cung cấp đầy đủ. Khi thiếu nhiên liệu bên bán mong muốn được giảm trách nhiệm cung cấp điện năng cho bên mua, tuy nhiên cần phải xác định trường hợp nào bên bán không phải chịu trách nhiệm cho việc cung cấp thiếu điện, trường hợp nào được miễn trừ trách nhiệm. Ví dụ như khi Trung tâm Điều độ điều độ nhà máy, yêu cầu nhà máy A phát ở mức đầy tải (150MW), tuy nhiên do thiếu nhiên liệu nên nhà máy chỉ phát được ở mức 100MW. Lúc này sẽ xảy ra tranh chấp giữa bên bán và bên mua về việc xác định trách nhiệm thiếu nhiên liệu do nguyên nhân nào. Trong trường hợp bên bán điện hoặc bên vận chuyển nhiên liệu vi phạm hợp đồng cung cấp nhiên liệu bên mua sẽ không chia sẻ rủi ro này với bên bán, bên bán vẫn phải chịu phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại theo quy định của hợp đồng mua bán điện. Nếu việc thiếu nhiên liệu do sự kiện bất khả kháng (ví dụ mưa bão làm sập khu khai thác nhiên liệu, làm hỏng phương tiện vận chuyển nhiên liệu…) thì bên bán có thể được miễn trừ trách nhiệm do không thể phát đủ theo mệnh lệnh điều độ theo quy định hậu quả bất khả kháng tại hợp đồng mua bán điện.
2. Quy định giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện:
Tranh chấp hợp đồng mua bán điện các bên có thể lựa chọn giải quyết tranh chấp theo các phương thức thương lượng, hoà giải, trọng tài hoặc Toà án. Giải quyết tranh chấp về hợp đồng mua bán điện tại các cơ quan tài phán như trọng tài, Toà án sẽ thực hiện theo thủ tục chung theo quy định về giải quyết tranh chấp trong kinh doanh thương mại. Ngoài ra, pháp luật cũng có một số quy định đặc thù về giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện so với các hợp đồng thông thường khác, cụ thể là giải quyết tranh chấp về hợp đồng mua bán điện tại cơ quan hành chính (Sở Công nghiệp- nay là Sở Công Thương) và đang tiến hành xây dựng quy định giải quyết tranh chấp tại Cục Điều tiết điện lực (ERAV).
Theo quy định Thông tư số 42/2022/TT-BCT thì Sở Công Thương có thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện có cấp điện áp đến 110 kV nếu các bên có thoả thuận đề nghị Sở Công Thương giải quyết tranh chấp và chưa tiến hành các thủ tục tố tụng dân sự hoặc trọng tài thương mại. Như vậy bắt buộc các bên không tự thương lượng được và phải có thỏa thuận giải quyết tranh chấp tại Sở Công thương thì mới được lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp này. Tương tự điều kiện để được giải quyết tranh chấp tại Cục Điều tiết điện lực giải quyết tranh chấp cũng giống giải quyết tranh chấp tại Sở Công thương.
Trình tự giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện tại Cục Điều tiết điện lực, Sở Công Thương được tiến hành như sau:
– Trước hết các bên phải tiến hành tự thương lượng.
– Nếu thương lượng không thành, một bên hoặc hai bên có quyền gửi văn bản đề nghị Cục Điều tiết điện lực, Sở Công Thương giải quyết tranh chấp theo thẩm quyền.
– Hồ sơ đề nghị giải quyết tranh chấp bao gồm:
+ Văn bản đề nghị giải quyết tranh chấp
+ Biên bản làm việc hoặc tài liệu khác chứng minh các bên không tự thương lượng được và thống nhất đề nghị Cục Điều tiết điện lực, Sở Công Thương giải quyết tranh chấp
+ Bản sao Hợp đồng mua bán điện
+ Bản sao Giấy phép hoạt động điện lực
+ Các tài liệu chứng minh cho yêu cầu giải quyết tranh chấp là có căn cứ và hợp pháp
+ Các tài liệu, chứng cứ khác liên quan đến vụ việc
– Sau 05 ngày kể từ khi nhận được đề nghị giải quyết tranh chấp, Cục Điều tiết điện lực, Sở Công Thương có trách nhiệm thông báo tới các bên liên quan về việc tiếp nhận xử lý tranh chấp, nếu từ chối đề nghị giải quyết tranh chấp, Cục Điều tiết điện lực, Sở Công Thương phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
– Trong quá trình tiếp nhận và giải quyết tranh chấp, Cục Điều tiết điện lực, Sở Công Thương có quyền yêu cầu các bên liên quan cung cấp hồ sơ tài liệu và xác minh hoàn thiện hồ sơ.
– Cục Điều tiết điện lực, Sở Công Thương có trách nhiệm tổ chức họp hoà giải chậm nhất sau 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Sau khi tiến hành hòa giải chậm nhất là sau 05 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức họp hòa giải, Cục Điều tiết điện lực, Sở Công Thương có trách nhiệm ban hành văn bản thông báo về kết quả giải quyết tranh chấp, đối với vụ việc phức tạp thời gian thông báo kết quả có thể kéo dài nhưng không quá 40 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
– Nếu một trong hai bên không nhất trí với kết quả giải quyết tranh chấp của Cục Điều tiết điện lực, Sở Công Thương thì có quyền đưa ra Trọng tài thương mại hoặc khởi kiện tại Toà án để giải quyết.
3. Trách nhiệm các bên liên quan trong giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện:
Căn cứ Điều 26 Thông tư số 42/2022/TT-BCT quy định trách nhiệm của các bên có tranh chấp hợp đồng mua bán điện như sau: Khi cung cấp tài liệu cho cơ quan giải quyết tranh chấp phải đảm bảo tính trung thực của tài liệu, thông tin sự việc; có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện để cơ quan giải quyết tranh chấp thu thập đầy đủ thông tin và kiểm tra thực tế, thực hiện các biện pháp trong khả năng cho phép hoặc theo yêu cầu của cơ quan giải quyết tranh chấp nhằm hạn chế thiệt hại.
Trách nhiệm của cơ quan giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện: Đưa ra thông báo giải quyết tranh chấp phải khách quan trên cơ sở hồ sơ đề nghị giải quyết tranh chấp và chứng cứ của các bên cung cấp trong quá trình giải quyết tranh chấp; có nghĩa vụ tôn trọng thỏa thuận không trái pháp luật và quyền tự thương lượng giữa các bên có tranh chấp hợp đồng mua bán điện trong suốt quá trình giải quyết. Nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật không thuộc thẩm quyền giải quyết, phải thông báo và chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
Văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Thông tư số 42/2022/TT-BCT quy định về kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện, giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện.