Bao tiêu sản phẩm chính là các doanh nghiệp thuộc những thành phần kinh tế ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản với những người sản xuất nhằm để gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ các nông sản hàng hoá. Vậy quy định của pháp luật về hợp đồng bao tiêu sản phẩm như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Quy định của pháp luật về hợp đồng bao tiêu sản phẩm:
Hiện nay, không có văn bản pháp luật nào quy định rõ hay giải thích thế nào là bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, qua các quy định tại Quyết định 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hoá thông qua hợp đồng (đã hết hiệu lực) thì có thể hiểu bao tiêu sản phẩm chính là các doanh nghiệp thuộc những thành phần kinh tế ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hoá (bao gồm có nông sản, lâm sản, thuỷ sản) và muối với những người sản xuất (hợp tác xã, hộ nông dân, trang trại, đại diện hộ nông dân) nhằm để gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ các nông sản hàng hoá để phát triển sản xuất ổn định và bền vững. Hợp đồng sau khi đã ký kết chính là cơ sở pháp lý để gắn trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên, bảo vệ về quyền và lợi ích hợp pháp giữa người sản xuất nguyên liệu và những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, chế biến và xuất khẩu theo những quy định của hợp đồng. Hiểu đơn giản hơn thì bao tiêu sản phẩm chính là việc các cá nhân, tổ chức đứng ra nhận tiêu thụ (thu mua) toàn bộ hoặc là một phần sản phẩm từ một đơn vị sản xuất nào đó (có thể là các cá nhân hoặc tổ chức) theo những điều kiện nhất định. Đến nay, vấn đề bao tiêu sản phẩm đã được Nhà nước quy định rõ ràng qua Nghị định số 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tại Nghị định này thì đối tượng của bao tiêu sản phẩm chính là sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp và diêm nghiệp (sau đây sẽ được gọi chung là sản phẩm nông nghiệp). Ở Nghị định 98/2018/NĐ-CP, thay vì dùng “hợp đồng bao tiêu sản phẩm” thì pháp luật quy định sẽ dùng “hợp đồng liên kết”.
Điều 5 Nghị định số 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp quy định hợp đồng liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (sau đây sẽ được gọi chung là Hợp đồng liên kết) (hợp đồng bao tiêu) là hợp đồng được ký giữa các bên tham gia liên kết dựa trên nguyên tắc tự nguyện nhằm thực hiện những hình thức liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Những hình thức liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bao gồm có:
– Liên kết từ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế hoặc là chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp;
– Liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào gắn với việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp;
– Liên kết tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp;
– Liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp;
– Liên kết tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế hoặc chế biến gắn với việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp;
– Liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, sơ chế hoặc chế biến gắn với việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp;
– Liên kết sơ chế hoặc chế biến gắn với việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
2. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng bao tiêu sản phẩm:
Như đã phân tích ở trên, hợp đồng bao tiêu sản phẩm còn được gọi là hợp đồng liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Căn cứ Điều 13, 14 Nghị định số 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thì quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng liên kết (hợp đồng bao tiêu sản phẩm) bao gồm:
– Quyền của các bên trong hợp đồng liên kết:
+ Liên kết trong các ngành, nghề, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp mà pháp luật không cấm;
+ Được hưởng những chính sách khuyến khích liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và những chính sách hỗ trợ, ưu đãi khác của Nhà nước theo quy định;
+ Được sử dụng tài sản đầu tư trên đất và tài sản hình thành từ vốn vay để thế chấp vay vốn tại những tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật;
+ Được cung cấp các thông tin về chính sách hỗ trợ liên kết của nhà nước, giá cả, thị trường, tiêu chuẩn về chất lượng, khoa học kỹ thuật, công nghệ và các dịch vụ công ích khác phục vụ liên kết;
+ Được lựa chọn phương thức phù hợp để giải quyết tranh chấp phát sinh ở trong thực hiện hợp đồng, dự án liên kết theo quy định của pháp luật;
+ Được bảo đảm đối với các tài sản, hạng mục công trình hạ tầng đầu tư tham gia liên kết (bao gồm có cả tài sản do nhà nước hỗ trợ) theo quy định của pháp luật;
+ Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
– Nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng liên kết:
+ Cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin liên quan đến hợp đồng, dự án liên kết cho các bên tham gia liên kết khi được yêu cầu;
+ Thực hiện đúng và đầy đủ những nội dung cam kết của hợp đồng, dự án liên kết;
+ Tuân thủ các quy định của Nhà nước về sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và bảo vệ môi trường, sức khỏe của con người, cây trồng, vật nuôi trong quá trình thực hiện hợp đồng liên kết;
+ Đảm bảo đúng quyền lợi và trách nhiệm của các bên tham gia liên kết theo các quy định pháp luật hiện hành;
+ Các bên tham gia liên kết có nghĩa vụ trao đổi, thương lượng và thống nhất với nhau giải quyết nhằm chia sẻ những khó khăn và rủi ro bất khả kháng trong quá trình thực hiện hợp đồng liên kết;
+ Các nghĩa vụ khác theo đúng quy định của hợp đồng liên kết và pháp luật.
3. Xử lý tranh chấp, vi phạm khi thực hiện hợp đồng bao tiêu sản phẩm:
Căn cứ Điều 15 Nghị định số 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thì xử lý tranh chấp, vi phạm khi thực hiện hợp đồng bao tiêu sản phẩm (hợp đồng liên kết) như sau:
– Các bên trong hợp đồng bao tiêu sản phẩm (hợp đồng liên kết) không thực hiện đúng, đầy đủ những cam kết và trách nhiệm (trừ các trường hợp bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh) khi mà thực hiện hợp đồng liên kết được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thì:
+ Không được hưởng các khoản ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước, bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật hiện hành và buộc phải bồi thường cho bên bị thiệt hại;
+ Không được tham gia được hưởng những chính sách khuyến khích của Nhà nước về liên kết trong thời gian 05 năm kể từ thời điểm xác định là vi phạm.
– Các bên tham gia liên kết vi phạm các quy định trong hợp đồng liên kết sẽ bị xử lý theo các hình thức sau:
+ Buộc thực hiện đúng với hợp đồng liên kết;
+ Bị phạt vi phạm hợp đồng liên kết;
+ Tạm ngừng trong việc thực hiện hợp đồng liên kết;
+ Đình chỉ trong việc thực hiện hợp đồng liên kết;
+ Phải hủy bỏ hợp đồng liên kết;
+ Buộc bồi thường thiệt hại cho các bên có liên quan;
+ Các biện pháp khác do các bên tham gia liên kết thỏa thuận mà không trái với quy định pháp luật hiện hành.
– Hình thức xử lý các tranh chấp hợp đồng liên kết (hợp đồng bao tiêu sản phẩm): Nhà nước khuyến khích những hình thức giải quyết tranh chấp của các bên tham gia hợp đồng liên kết bằng hình thức thương lượng và hòa giải. Trường hợp mà không thống nhất được thì giải quyết thông qua trọng tài thương mại hoặc giải quyết tại tòa án.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.