Giảm giá là hành vi bán hàng, cung ứng DV trong thời gian KM với giá thấp hơn giá bán, giá cung cung ứng dịch vụ bình thường trước đó được áp dụng trong thời gian KM mà thương nhân đã đăng kí hoặc thông báo
a. Khái niệm và đặc điểm
Giảm giá là hành vi bán hàng, cung ứng dịch vụ trong thời gian khuyến mại với giá thấp hơn giá bán, giá cung cung ứng dịch vụ bình thường trước đó được áp dụng trong thời gian khuyến mại mà thương nhân đã đăng kí hoặc thông báo. Nếu hàng hóa dịch vụ thuộc diện Nhà nước quản lý giá thì việc khuyến mại theo hình thức này được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Ngoài những đặc điểm chung của biện pháp xúc tiến thương mại như về chủ thể, mục đích, cách thức tiến hành thì hình thức giảm giá là một trong những hình thức có nhiều ưu điểm và được sử dụng khá phổ biến hiện nay. Cùng chung một mục đích là hướng tới việc thu hút khách hàng, tăng sức cạnh tranh và đưa sản phẩm tiếp cận với người tiêu dùng một cách nhanh hơn, hình thức khuyến mại – giảm giá còn có những đặc điểm nổi trội hơn việc tặng hàng mẫu, quà tặng ở chỗ nó đánh vào tâm lý ham đồ rẻ của các thượng khách.
b. Quy định pháp luật
Khi khuyến mại theo hình thức này, để đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, chống hành vi bán phá giá, luật pháp thường quy định giới hạn mức độ giảm giá đối với từng đơn vị hàng hóa, dịch vụ. Mức độ giảm giá tùy loại mặt hàng và theo mức giá cụ thể mà Chính phủ quy định.
Trong Điều 6 Nghị định 37/2006/NĐ-CP quy định: “Mức giảm giá tối đa đối với hàng hoá, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% giá hàng hoá, dịch vụ đó ngay trước thời gian khuyến mại.”
Bên cạnh đó, tại Điều 9 của NĐ 37/2006/NĐ-CP cũng quy định một số vấn đề trong việc áp dụng hình thức khuyến mại giảm giá, cụ thể: Không được giảm giá bán hàng hoá, giá cung ứng dịch vụ trong trường hợp giá bán hàng hoá, dịch vụ thuộc diện Nhà nước quy định giá cụ thể; không được giảm giá bán hàng hoá, giá cung ứng dịch vụ xuống thấp hơn mức giá tối thiểu trong trường hợp giá bán hàng hoá, giá cung ứng dịch vụ thuộc diện Nhà nước quy định khung giá hoặc quy định giá tối thiếu; tổng thời gian thực hiện chương trình khuyến mại bằng cách giảm giá đối với một loại nhãn hiệu hàng hoá, dịch vụ không được vượt quá 90 (chín mươi) ngày trong một năm; một chương trình khuyến mại không được vượt quá 45 (bốn mươi lăm) ngày. Đồng thời nghiêm cấm việc lợi dụng hình thức khuyến mại này để bán phá giá hàng hóa, dịch vụ.
Những quy định trên đã cụ thể được các phương thức, cách thức áp dụng giảm giá đối với các sản phẩm của các doanh nghiệp. Việc đặt ra giới hạn này là cần thiết để đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp xúc tiến thương mại, của người tiêu dùng, khách hàng và của thương nhân khác. Tuy nhiên cũng cần có những quy định cụ thể hơn về các mặt hàng giảm giá, bởi đằng sau các chương trình giảm giá, không ít doanh nghiệp lợi dụng lòng tin của khách hàng để chuộc lợi, tráo đổi các mặt hàng kém chất lượng hoặc không rõ nguồn gốc.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
c. Ưu, nhược điểm
Ngoài việc thu hút một lượng khách lớn khi áp dụng các biện pháp giảm giá, hình thức giảm giá còn giúp cho các thương nhân có thể nhanh chóng bán hết được lượng hàng còn lại, thu hồi vốn nhanh để tiếp tục tái đầu tư vào các hoạt động khác. Giảm giá là một trong những hình thức dễ áp dụng và đơn giản hơn các hình thức khuyến mại khác. Chủ doanh nghiệp không cần mất công sức tạo quà tặng, sản phẩm mẫu để tặng khách hàng, các thương nhân chỉ việc áp dụng mức giảm giá nhất định đối với từng sản phẩm, ngay trong các cửa hàng, đại lý của mình để thu hút khách hàng.
Đối với người tiêu dùng hoạt động bán hàng giảm giá của thương nhân giúp cho người tiêu dùng có thể mua được những sản phẩm với giá rẻ hơn. Kích thích nhu cầu mua trên thị trường.
Với những hàng hóa có giá thành cao, khó tiêu thụ trên thị trường, những hàng mới tiếp cận với thị trường thì phương pháp bán hàng giảm giá tỏ ra khá phù hợp đẩy mạnh cung-cầu của thị trường giúp thương nhân thuận lợi trong quá trình kinh doanh.
Tuy nhiên, bán hàng giảm giá cũng có những hạn chế nhất định. Việc bán hàng giảm giá tức là lợi nhuận mà thương nhân thu được từ việc bán hàng sẽ ít hơn. Mặc dù pháp luật đã nghiêm cấm bán phá giá nhưng việc bán hàng giảm giá dễ dẫn tới việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, dễ gây lũng loạn thị trường. Hàng giảm giá nếu không xuất phát từ lợi ích của người tiêu dùng thì sẽ dễ dẫn tới việc sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng của những đối tượng chỉ vì lợi nhuận.