Chuyển đổi mục đích sử dụng đất là nhu cầu của người sử dụng đất khi xét thấy đất đang sử dụng không còn phù hợp với nhu cầu và thực tế sử dụng nữa. Vậy người sử dụng đất có được phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp, đất rừng sang loại đất khác không? Quy định chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp, đất rừng như thế nào?
Mục lục bài viết
- 1 1. Thế nào là đất lâm nghiệp, đất rừng?
- 2 2. Quy định về chuyển đổi mục đích sản xuất đất lâm nghiệp, đất rừng:
- 2.1 2.1. Điều kiện để người sử dụng đất được chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp, đất rừng:
- 2.2 2.3. Những trường hợp được chuyển đổi mục đích sử dụng đất đất lâm nghiệp, đất rừng:
- 2.3 2.3. Cơ quan Nhà nước nào có thẩm quyền cho phép người sử dụng đất được phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp, đất rừng:
- 3 3. Trình tự, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp, đất rừng:
1. Thế nào là đất lâm nghiệp, đất rừng?
Căn cứ theo quy định tại Điều 10 Luật Đất đai năm 2013 thì đất đai được phân thành 03 nhóm đất, bao gồm: đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp và nhóm đất chưa sử dụng (chưa xác định được mục đích sử dụng).
Theo đó, đất lâm nghiệp là đất thuộc nhóm đất nông nghiệp và cụ thể là các loại đất rừng như: đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ và đất rừng đặc dụng. Trong đó:
– Đất rừng sản xuất được phân thành 02 loại, bao gồm:
+ Rừng sản xuất là rừng tự nhiên: Gồm có rừng tự nhiên và rừng được phục hồi bằng biện pháp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên
+ Rừng sản xuất là rừng trồng: Gồm rừng trồng bằng vốn ngân sách nhà nước, rừng trồng bằng vốn chủ rừng tự đầu tư.
– Đất rừng phòng hộ: Căn cứ theo khoản 3 Điều 5 Luật Lâm nghiệp năm 2017 thì rừng phòng hộ là rừng được sử dụng chủ yếu để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, sạt lở, lũ quét, lũ ống, chống sa mạc hóa, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh, kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; cung ứng dịch vụ môi trường rừng;
– Đất rừng đặc dụng là loại đất rừng gồm: Đất có rừng đặc dụng là rừng tự nhiên, đất có rừng đặc dụng là rừng trồng và đất đang được sử dụng để bảo vệ, phát triển rừng đặc dụng.
2. Quy định về chuyển đổi mục đích sản xuất đất lâm nghiệp, đất rừng:
2.1. Điều kiện để người sử dụng đất được chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp, đất rừng:
Căn cứ theo quy định tại Điều 19 Luật lâm nghiệp năm 2017 thì đất lâm nghiệp, đất rừng có thể chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác khi đáp ứng được đầy đủ các điều kiện sau đây:
– Phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;
– Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác;
– Có dự án đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định;
– Có phương án trồng rừng thay thế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc sau khi hoàn thành trách nhiệm nộp tiền trồng rừng thay thế.
Bên cạnh đó, việc có thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp, đất rừng sang mục đích sử dụng khác hay không còn phải do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền căn cứ vào 02 nguyên tắc được quy định tại Điều 52 Luật Đất đai năm 2013. Cụ thể là:
– Phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm của Uỷ ban nhân dân cấp huyện đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
– Nhu cầu của người sử dụng đất được thể hiện trong đơn xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Như vậy, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ dựa vào hai căn cứ chung và điều kiện riêng đối với đất rừng được quy định tại Luật Lâm nghiệp năm 2017 đã nêu trên để ra quyết định có cho phép người sử dụng đất được phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất hay không.
2.3. Những trường hợp được chuyển đổi mục đích sử dụng đất đất lâm nghiệp, đất rừng:
Đất lâm nghiệp, đất rừng là một loại đất đặc biệt, đóng vai trò quan trọng trong việc điều hoà cuộc sống tự nhiên của con người. Do đó mà pháp luật hiện hành không quy định việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp, đất rừng sang mục đích khác mà không phải xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Căn cứ theo quy định tại điểm c và điểm d khoản 1 Điều 57 Luật Đất đai năm 2013 thì việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp, đất rừng cần phải thực hiện xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong các trường hợp sau:
– Chuyển đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang sử dụng vào mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp.
– Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp.
Như vậy, khi người sử dụng đất muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp, đất rừng sang mục đích sử dụng khác thì cần phải thực hiện xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
2.3. Cơ quan Nhà nước nào có thẩm quyền cho phép người sử dụng đất được phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp, đất rừng:
Căn cứ theo quy định tại Điều 59 Luật Đất đai năm 2013 thì cơ quan có thẩm quyền cho phép người sử dụng đất được chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp, đất rừng là:
– Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với tổ chức sở hữu và sử dụng đất lâm nghiệp đất rừng;
– Uỷ ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với cá nhân và hộ gia đình sở hữu đất lâm nghiệp, đất rừng. Tuy nhiên, trong trường hợp cá nhân, hộ gia đình muốn chuyển đổi mục đích sử dụng sang mục đích thương mại, dịch vụ với diện tích từ 0,5 héc ta trở lên thì phải có văn bản chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước khi quyết định.
3. Trình tự, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp, đất rừng:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất:
Hồ sơ xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp, đất rừng bao gồm các giấy tờ, tài liệu sau:
– Đơn xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất được thực hiện theo mẫu số 01, được ban hành kèm theo Thông tư số
– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ hồng) hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ cũ) đã được cấp.
Bước 2: Nộp hồ sơ tới cơ quan Nhà nước có thẩm quyền:
Sau khi chuẩn bị hồ sơ gồm đầy đủ các giấy tờ, tài liệu đã nêu trên thì người sử dụng đất sẽ nộp hồ sơ xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp, đất rừng sang mục đích khác mà mình mong muốn đến cơ quan có thẩm quyền được quy định tại Điều 59 Luật Đất đai năm 2013. Cụ thể đối với tổ chức sẽ nộp hồ sơ tại Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, còn đối với cá nhân và hộ gia đình thì sẽ nộp hồ sơ tại Uỷ ban nhân dân cấp huyện.
Ngoài việc người sử dụng đất phải nộp hồ sơ trực tiếp tại Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Uỷ ban nhân dân cấp huyện thì người sử dụng đất có thể nộp hồ sơ thông qua đường bưu điện hoặc thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Bước 3: Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận và xử lý hồ sơ yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất:
Cơ quan tài nguyên và môi trường thuộc Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền đã nêu tại mục 3.2 sẽ có trách nhiệm tiếp nhận và thẩm tra hồ sơ. Cán bộ tiếp nhận có trách nhiệm thông báo và hướng dẫn người yêu cầu bổ sung, sửa đổi hồ sơ nếu hồ sơ chưa bảo đảm tính hợp lệ và đầy đủ. Nếu hồ sơ đã hợp lệ thì cán bộ sẽ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ cho người yêu cầu.
Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành các hoạt động thẩm định và trả kết quả cho người có yêu cầu. Hoạt động thẩm định bao gồm:
– Xác minh thực địa, thẩm định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất;
– Hướng dẫn người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật;
– Trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Hồ sơ trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất được quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư số 30/2014/TT-BTNMT;
– Chỉ đạo cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính.
Sau khi thẩm định và xác định được người sử dụng đất đã thực hiện nghĩa vụ tài chính liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp, đất rừng sang mục đích sử dụng khác thì cơ quan Nhà nước sẽ trả kết quả cho người sử dụng đất. Kết quả nhận được là quyết định cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng cây hàng năm gửi đến người sử dụng đất có yêu cầu.
Bước 4: Người sử dụng đất làm thủ tục đăng ký biến động đất đai theo đúng mục đích đã chuyển đổi:
Để hoàn tất việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp, đất rừng thì người sử dụng đất phải thực hiện đăng ký biến động đất đai theo quy định. Trước hết cần chuẩn bị hồ sơ đăng ký biến động đất đai bao gồm các giấy tờ, tài liệu sau:
– Đơn đăng ký biến động đất đai thực hiện theo mẫu số 09/ĐK được ban hành kèm theo Thông tư số
– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp;
– Quyết định cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Sau khi chuẩn bị hồ sơ thì người yêu cầu sẽ nộp hồ sơ tại văn phòng đăng ký biến động đất đai và nhận kết quả là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo mục đích sử dụng đất đã chuyển đổi.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Đất đai năm 2013;
– Luật Lâm nghiệp năm 2017.