Quy định của pháp luật về hợp đồng ủy quyền. Đối tượng của hợp đồng ủy quyền. Quyền và nghĩa vụ của các bên hợp đồng ủy quyền.
1. Khái niệm
Điều 581 “Bộ luật dân sự 2015” quy định:
“Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền. Bên ủy quyền phải trả thù lao nếu các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật quy định”.
2. Đặc điểm pháp lí của hợp đồng ủy quyền
– Hợp đồng ủy quyền là hợp đồng song vụ
Bên ủy quyền có quyền yêu cầu bên được ủy quyền thực hiện đúng phạm vi ủy quyền và có nghĩa vụ cung cấp thông tin, các giấy tờ liên quan đến việc thực hiện công việc của bên ủy quyền.
Bên được ủy quyền phải thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ được ủy quyền trong quan hệ với người thứ ba.
– Hợp đồng ủy quyền là hợp đồng có đền bù hoặc không có đền bù
Nếu bên thực hiện việc ủy quyền nhận thù lao thì hợp đồng ủy quyền là hợp đồng có đền bù. Nếu bên thực hiện việc ủy quyền không nhận thù lao mà thực hiện công việc ủy quyền mang tính chất giúp đỡ, tương trợ bên ủy quyền thì đó là hợp đồng không có đền bù.
3. Các bên trong hợp đồng ủy quyền
– Bên được ủy quyền
Người được ủy quyền được phép thực hiện các hành vi pháp lí được ủy quyền. Khi thực hiện việc ủy quyền mà gây thiệt hại cho bên kia thì người ủy quyền phải chịu trách nhiệm dân sự. Ngược lại, người được ủy quyền thực hiện các hành vi pháp lí vượt quá giới hạn được ủy quyền, phải tự mình chịu trách nhiệm về hành vi vượt quá thẩm quyền đó. Điều này có ý nghĩa để xác định trách nhiệm dân sự của ai và xác định địa vị pháp lí khi tham gia tố tụng của mỗi người trong quan hệ ủy quyền và giao dịch đối với người khác.
Bên được ủy quyền có quyền yêu cầu bên ủy quyền cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện cần thiết nhằm thực hiện công việc ủy quyền (khoản 1 Điều 585 “Bộ luật dân sự 2015”).
Theo hợp đồng ủy quyền, người được ủy quyền phải trực tiếp thực hiện nghĩa vụ của mình mà không được ủy quyền lại cho người khác, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Để thực hiện tốt nghĩa vụ của mình, bên được ủy quyền có thể yêu cầu người khác trợ giúp mình thực hiện công việc đó. Trường hợp này, người thứ ba không phải gánh chịu một nghĩa vụ nào đối với người ủy quyền. Người thứ ba thực hiện các công việc thực tế mà không phải là các hành vi pháp lí.
Theo Điều 583 “Bộ luật dân sự 2015”, người được ủy quyền có thể ủy quyền lại cho người thứ ba thực hiện các hành vi được ủy quyền nếu được bên ủy quyền đồng ý hoặc pháp luật có quy định. Khi người được ủy quyền, ủy quyền lại cho người thứ ba thực hiện một số hành vi pháp lí thì người được ủy quyền và người thứ ba đại diện cho người ủy quyền tham gia giao dịch vói người khác trong phạm vi được ủy quyền. Việc ủy quyền và ủy quyền lại phải lập thành văn bản. Nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định thì phải công chứng hoặc chứng thực. Hình thức của hợp đồng ủy quyền lại cũng phải phù hợp với hình thức ủy quyền ban đầu. Việc ủy quyền lại không được vượt quá phạm vi ủy quyền ban đầu. Hình thức ủy quyền là căn cứ pháp lí để xác định phạm vi quyền và nghĩa vụ của người được ủy quyền, xác định trách nhiệm dân sự của người ủy quyền hoặc của người được ủy quyền.
Hết hạn của hợp đồng hoặc khi thực hiện xong việc được ủy quyền phải giao lại kết quả công việc và giấy tờ, phương tiện đã nhận từ bên ủy quyền (khoản 5 Điều 584 “Bộ luật dân sự 2015”).
Nếu trong hợp đồng ủy quyền có thỏa thuận về việc trả thù lao thì sau khi đã hoàn thành việc ủy quyền, bên được ủy quyền có quyền yêu cầu bên ủy quyền trả thù lao như thỏa thuận và thanh toán những chi phí cần thiết trong khi thực hiện việc ủy quyền.
– Bên ủy quyền
Bên ủy quyền có thể là cá nhân hoặc pháp nhân, ủy quyền cho người khác, nhân danh mình thực hiện toàn bộ hoặc một số hành vi pháp lí nhất định. Bên ủy quyền phải xác định rõ phạm vi quyền, nghĩa vụ mà người đại diện cho mình sẽ thực hiện. Bên ủy quyền có nghĩa vụ cung cấp các thông tin, phương tiện cần thiết cho bên được ủy quyền thực hiện công việc được ủy quyền và phải chịu trách nhiệm về những hành vi pháp lí do người được ủy quyền thực hiện trong phạm vi được ủy quyền; có nghĩa vụ nhận kết quả công việc mà người được ủy quyền đã thực hiện; thanh toán các chi phí cần thiết mà người được ủy quyền đã bỏ ra, trả tiền thù lao như đã thỏa thuận (Điều 586 “Bộ luật dân sự 2015”).
>>> Luật sư
Bên ủy quyền có quyền kiểm soát hành vi thực hiện giao dịch của bên được ủy quyền. Nếu bên được ủy quyền thực hiện nghĩa vụ của mình không đúng hoặc có thể gây thiệt hại, bên ủy quyền có thể đình chỉ việc ủy quyền. Sau khi bên được ủy quyền thực hienj xong các quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng ủy quyền, bên ủy quyền có quyền yêu cầu bên được ủy quyền phải chuyển giao tài sản, các giấy tờ, phương tiện cần thiết thực hiện ủy quyền, trừ trường hợp phương tiện, giấy tờ không còn do việc thực hiện nhiệm vụ ủy quyền.
4. Chấm dứt ủy quyền
– Hợp đồng ủy quyền chấm dứt khi hết thời hạn.
Việc ủy quyền phải lập thành văn bản, trong văn bản cần xác định rõ thời hạn ủy quyền. Trong thời hạn đó bên được ủy quyền phải thực hiện xong công việc đã được ủy quyền. Trong trường hợp bên được ủy quyền chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa xong nghĩa vụ của mình, vì những lí do khách quan hoặc chủ quan mà việc ủy quyền hết thời hạn thì hợp đồng ủy quyền chấm dứt.
– Bên được ủy quyền đã thực hiện xong công việc ủy quyền và giao lại kết quả công việc cho bên ủy quyền.
– Hợp đồng ủy quyền còn chấm dứt khi một trong hau bên đơn hương đình chỉ thực hiện hợp đồng.
Trong trường hợp bên được ủy quyền vi phạm nghĩa vụ ủy quyền bên ủy quyền đơn phương hủy hợp đồng. Hoặc bên được ủy quyền đã thưc hiện được một số công việc sau đó vi phạm hợp đồng bên ủy quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng.
– Một trong hai bên chết họp đồng ùy quyền chấm dứt.
Hợp đồng ủy quyền d các bên trực tiếp thực hiện do vậy nếu một bên chết thì chấm dứt hợp đồng (Điều 589 “Bộ luật dân sự 2015”).