Trong khi đặt nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Ðảng là then chốt, Ðảng ta luôn chú trọng đến nhiệm vụ quốc phòng, xem tăng cường quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên. Vậy quốc phòng toàn dân là gì?
Mục lục bài viết
1. Quốc phòng toàn dân là gì?
Thế trận quốc phòng toàn dân là việc tổ chức, triển khai, bố trí lực lượng và tiềm lực quốc phòng trên toàn bộ lãnh thổ theo ý định chiến lược thống nhất, bảo đảm đối phó thắng lợi với mọi mưu toan và hoạt động của các thế lực thù địch xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia, sẵn sàng chuyển thành thế trận chiến tranh nhân dân nếu chiến tranh xảy ra.
Nền quốc phòng toàn dân là sức mạnh quốc phòng của đất nước, được xây dựng trên nền tảng chính trị, tinh thần, nhân lực, vật lực, tài chính, mang tính chất toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự cường.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên và toàn dân cần nhận thức sâu sắc để đồng tâm, hợp lực.
Quốc phòng toàn dân nghĩa là toàn dân tham gia xây dựng nền quốc phòng, trong đó lực lượng vũ trang nhân dân giữ vai trò nòng cốt, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, quản lý thống nhất của Nhà nước. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân là quan điểm nhất quán được khẳng định trong văn kiện các kỳ đại hội của Đảng. Quốc phòng toàn dân được xây dựng trên nền tảng chính trị, tinh thần, nhân lực, vật lực, tài chính, mang tính chất toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự cường; tạo nên sức mạnh toàn diện, cân đối, trong đó sức mạnh quân sự là đặc trưng nhằm giữ vững hòa bình, ổn định của đất nước.
Quốc phòng toàn dân trong tiếng Anh được hiểu là All-people defense.
2. Biện pháp xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh:
Một là, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, ngày càng hiện đại.
Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, toàn diện là bản chất và đặc điểm cơ bản của nền quốc phòng theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong bối cảnh mới, trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và toàn cầu hóa kinh tế, xu hướng quốc phòng thâm nhập vào các lĩnh vực của đời sống dân sinh, quân sự thâm nhập vào dân sự và ngược lại ngày càng phát triển.
Sự ảnh hưởng, phụ thuộc và thâm nhập lẫn nhau giữa quân sự, quốc phòng với các lĩnh vực khác của đời sống xã hội ngày càng gia tăng. Điều đó làm cho sự nghiệp củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc ngày càng không thể chỉ dựa vào lực lượng vũ trang. Sự nghiệp ấy phải thấm sâu và trở thành ý thức thường trực, hành động cách mạng ở mọi tầng lớp nhân dân và trong tất cả các hoạt động, trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Vì vậy, nền quốc phòng toàn dân vững chắc phải là nền quốc phòng dựa trên sức mạnh của nhân dân, lòng dân được quy tụ thống nhất, nhân dân gắn bó với chế độ, chung sức, chung lòng, quyền lợi và nghĩa vụ hòa quyện vào nhau trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Đó là vấn đề cốt lõi, cấp bách trong quá trình xây dựng nền quốc phòng toàn dân của nước ta hiện nay. Yêu cầu cơ bản đảm bảo tính toàn dân, toàn diện của nền quốc phòng là phải xây dựng, không ngừng củng cố, tăng cường và phát huy vai trò của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước; thể chế hóa kịp thời các chủ trương, chính sách về xây dựng nền quốc phòng toàn dân; hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ Tổ quốc; tạo cơ chế để huy động tốt nhất sự đóng góp của các cấp, các ngành, của mọi tầng lớp nhân dân để bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống.
Hai là, tập trung xây dựng các tiềm lực của nền quốc phòng toàn dân.
Trước hết, cần coi trọng xây dựng tiềm lực chính trị – tinh thần vững chắc. Theo đó, tập trung xây dựng Đảng, Nhà nước thực sự trong sạch, vững mạnh; củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, làm cơ sở, nền tảng để xây dựng các tiềm lực khác.
Thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế – xã hội, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo, vùng nông thôn; thu hẹp chênh lệch đời sống giữa các tầng lớp nhân dân, vùng, miền. Thường xuyên chăm lo xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, mang thành quả của sự nghiệp đổi mới tới mọi tầng lớp nhân dân.
Thực hiện nghiêm chính sách tự do tôn giáo và bình đẳng giữa các dân tộc; phát hiện, giải quyết kịp thời mâu thuẫn nội bộ, không để các thế lực thù địch lợi dụng, kích động trở thành vấn đề phức tạp. Phát huy dân chủ rộng rãi, định hướng dư luận xã hội, tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân đối với nhiệm vụ quốc phòng; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc. Đồng thời, khắc phục những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; chủ động đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, “phi chính trị hóa” Quân đội,… củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ.
Ba là, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc.
Trước hết, cần quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân về xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trong tình hình mới. Phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các lực lượng để tạo sức mạnh tổng hợp xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc ở từng địa bàn và trên cả nước, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng trong thời bình; đồng thời, sẵn sàng chuyển hóa thành thế trận chiến tranh nhân dân khi đất nước có chiến tranh. Tập trung xây dựng thế trận quân sự của khu vực phòng thủ, trọng tâm là xây dựng các công trình quốc phòng; kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế.
Phát huy vai trò của Quân đội trong tham gia xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên các địa bàn, nhất là ở các địa bàn biên giới, hải đảo; đồng thời, chú trọng điều chỉnh thế bố trí lực lượng trên các hướng, địa bàn chiến lược, nhằm không ngừng nâng cao khả năng phòng thủ đất nước. Thực hiện tốt chức năng thẩm định về mặt quốc phòng các dự án phát triển kinh tế – xã hội, không để ảnh hưởng đến thế trận quốc phòng. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc gắn chặt với thế trận an ninh nhân dân, đảm bảo xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống xảy ra.
Bốn là, xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Trong giai đoạn hiện nay, để xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, giữ vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh thì yêu cầu cốt lõi là phải xây dựng Quân đội thực sự của dân, do dân và vì dân; tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; có đủ sức mạnh để hoàn thành xuất sắc phận sự trung thành ấy trong bất cứ hoàn cảnh nào. Cần tiếp tục quán triệt và thực hiện tư tưởng xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng về xây dựng Quân đội là không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, lấy xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị làm cơ sở để xây dựng các mặt khác.
Xây dựng Quân đội nhân dân tinh nhuệ, trước hết và quan trọng nhất là tinh nhuệ về chính trị và trình độ tác chiến; từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Tập trung đẩy nhanh hơn nữa tiến trình hiện đại hóa, nhất là đối với các lực lượng được xác định tiến thẳng lên hiện đại: Hải quân, Phòng không – Không quân, Tác chiến điện tử, Thông tin liên lạc, Trinh sát kỹ thuật và Cảnh sát biển; đồng thời, đẩy nhanh lộ trình thực hiện “từng bước hiện đại” ở các lực lượng khác. Tập trung thực hiện tốt ba khâu đột phá, tạo chuyển biến về tổ chức, biên chế của Quân đội theo hướng: Tinh, gọn, mạnh, cơ động, linh hoạt, phù hợp với nghệ thuật tác chiến và vũ khí, trang bị, bảo đảm cân đối giữa các khối, các lực lượng; giữa cơ cấu về quân số với khả năng bảo đảm của đất nước, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc, nhất là các địa bàn trọng điểm, biên giới, biển đảo.
Thế trận quốc phòng toàn dân được xây dựng gắn với quy hoạch của quốc gia và từng địa phương theo hướng kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế; hình thành các khu vực chiến lược vững về chính trị, giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng – an ninh. Cùng với quá trình xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội, việc triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, bố trí hệ thống các công trình kinh tế, kỹ thuật có quan hệ rất lớn đến thế trận quốc phòng toàn dân. Do vậy, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân phải được kết hợp ngay trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội
Kết luận: Xây dựng nền quốc phòng toàn dân thì người dân phải là chủ thể của nền quốc phòng, mọi người dân phải có trách nhiệm và nghĩa vụ tham gia. Thế trận quốc phòng toàn dân được xây dựng trong mối liên hệ chặt chẽ với thế trận an ninh nhân dân của Việt Nam tạo thành thế liên hoàn, vững chắc, phát huy được sức mạnh của các lực lượng, kết hợp được các hình thức hoạt động vũ trang và phi vũ trang, tạo được khả năng cơ động linh hoạt, khả năng độc lập và phối hợp tác chiến. Qua đó củng cố, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc trong tình hình mới.