Quấy rối tình dục tại nơi làm việc không chỉ ảnh hưởng đến môi trường công sở, sức khỏe thể chất, tinh thần, cuộc sống của người bị quấy rồi mà đây còn là hành vi vi phạm đạo đức nghiêm trọng. Vậy hành vi này có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Mục lục bài viết
1. Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi như thế nào?
Hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định tại Điều 84 Nghị định 145/2020/NĐ-CP như sau:
– Quấy rối tình dục quy định tại khoản 9 Điều 3 của
– Quấy rối tình dục tại nơi làm việc bao gồm:
+ Quấy rối tình dục bằng lời nói gồm lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử có ngụ ý tình dục hoặc có nội dung tình dục;
+ Hành vi quấy rối mang tính thể chất gồm cử chỉ, hành động, tác động vào cơ thể, tiếp xúc gợi ý tình dục hoặc mang tính tình dục;
+ Quấy rối tình dục phi lời nói gồm trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục, ngôn ngữ cơ thể hoặc liên quan đến hoạt động tình dục trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử.
Theo quy định tại khoản 9 Điều 3 của Bộ luật Lao động, nơi làm việc là bất cứ địa điểm nào theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động, người lao động đang thực tế làm việc tại đó, bao gồm cả những không gian hay địa điểm có liên quan đến công việc như hội thảo, các hoạt động xã hội, chuyến đi công tác chính thức, bữa ăn, tập huấn, các hoạt động giao tiếp qua phương tiện điện tử, hội thoại trên điện thoại, nơi ở do người sử dụng lao động cung cấp và địa điểm khác do người sử dụng lao động quy định, phương tiện đi lại do người sử dụng lao động bố trí từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại. Do đó, bất cứ hành vi quấy rối tình dục nào tại các địa điểm trên thì cũng bị coi là hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
2. Hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc bị xử lý như thế nào? Có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Hiện nay, Bộ luật Hình sự năm 2015 chưa có quy định cụ thể về việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
Tuy nhiên, nếu hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc thỏa mãn các yếu tố cấu thành dưới đây thì người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015:
– Mặt khách quan:
Tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 được thể hiện thông qua hành vi xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người khác. Hành vi này có thể thể hiện thông qua lời nói hoặc hành động cụ thể nhằm xúc phạm danh dự, hạ thấp nhân cách, nhân phẩm của người khác.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, chỉ khi nạn nhân có yêu cầu khởi tố hình sự thì người phạm tội làm nhục người khác mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
– Mặt chủ quan:
Người thực hiện hành vi làm nhục người khác có lỗi cố ý, có nghĩa là người thực hiện hành vi biết rõ hành vi của mình xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự của người khác nhưng vẫn thực hiện hành vi phạm tội để hạ thấp nhân phẩm, danh dự của người khác.
Động cơ, mục đích phạm tội không phải dấu hiệu bắt buộc của tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015
– Khách thể:
Một trong những quyền cơ bản của công dân là quyền được bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm. Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể và được pháp luật bảo vệ về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm.
Khách thể của tội làm nhục người khác chính là danh dự, nhân phẩm của người mà họ làm nhục.
– Chủ thể:
Bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 16 tuổi trở lên cũng đủ điều kiện là chủ thể của tội làm nhục người khác. Người từ 14 đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm về hành vi này do không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Người phạm tội làm nhục người khác bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các khung sau đây:
– Khung 1: Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
– Khung 2: Phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm đối với hành vi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Đối với 02 người trở lên;
+ Đối với người đang thi hành công vụ;
+ Phạm tội 02 lần trở lên;
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
+ Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
+ Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;
+ Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
– Khung 3: Phạt tù từ 02 năm đến 05 năm đối với hành vi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Làm nạn nhân tự sát;
+ Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
– Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Theo đó, trường hợp chứng minh được người có hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc đã xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người khác thì người đó có thể bị xử phạt với các khung hình phạt nêu trên.
3. Có bắt buộc phải quy định về phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc trong nội quy lao động?
Điểm d khoản 2 Điều 118 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về nội dung của nội quy lao động như sau:
– Nội dung nội quy lao động không được trái với pháp luật về lao động và quy định của pháp luật có liên quan. Nội quy lao động phải bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:
+ Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; trình tự, thủ tục xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
…
Theo đó, nội quy lao động còn phải có quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; trình tự, thủ tục xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, đồng thời, nội dung của nội quy lao động không được trái với pháp luật về lao động và quy định của pháp luật có liên quan.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Lao động năm 2019;
– Bộ luật Hình sự năm 2015;
– Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
– Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.