Hiện nay vấn nạn ô nhiễm môi trường đang được dư luận quan tâm và vẫn là vấn đề nóng của toàn nhân loại. Bài viết dưới đây đi sâu trình bày về vấn đề: Quản lý và giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề.
Mục lục bài viết
1. Quản lý ô nhiễm môi trường làng nghề:
1.1. Thực trạng:
Môi trường trong lành là một yếu tố vô cùng quan trọng và thực sự cần thiết đối với mỗi con người, mỗi quốc gia. Nhân loại ngày nay càng ngày càng ý thức một cách sâu sắc hơn về mối quan hệ tương hỗ giữa các hoạt động nhằm phát triển kinh tế cộng đồng và môi trường thiên nhiên. Một quốc gia, một khu vực không thể phát triển cường thịnh nếu không quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường không coi bảo vệ môi trường là nền tảng cho sự phát triển bền vững của mình. Hiện nay Việt Nam cũng không tránh khỏi việc phải đối mặt với các vấn đề môi trường nan giải, trong đó vấn đề bảo vệ môi trường tại các làng nghề đang thu hút được nhiều sự quan tâm của Nhà nước và xã hội. Xuất phát từ thực tiễn, vấn đề bảo vệ môi trường tại các làng nghề ở Việt Nam hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp do những nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau. Tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề xẩy ra ở các dạng phổ biến sau đây:
– Ô nhiễm nước. Ở Việt Nam, các làng nghề chưa có hệ thống xử lý nước thải công nghiệp, nước thải được đổ trực tiếp ra hệ thống kênh rạch chung hoặc ra sông. Nguyên nhân gây ô nhiễm nước chủ yếu là quá trình xử lý công nghiệp như: chế biến lương thực thực phẩm, mây tre, dệt, in, nung nấu kim loại, tẩy giấy và nhuộm… Thường thì nước thải ra bị nhiễm màu nặng và gây ra hiện tượng đổi màu đối với dòng sông nhận nước thải, có mùi rất khó chịu;
– Ô nhiễm không khí gây bụi, ô nhiễm mùi, ô nhiễm tiếng ồn và nóng do sử dụng than và củi chủ yếu trong sản xuất vật liệu xây dựng và sản xuất gốm sứ;
– Ô nhiễm chất thải rắn do tái chế nguyên liệu (giấy, nhựa, kim loại…) hoặc do bã thải của các loại thực phẩm (sắn, dong), các loại rác thải thông thường: nhựa, túi nilon, giấy, hộp, vỏ lon, kim loại và các loại rác thải khác thường được đổ ra bất kỳ dòng nước hoặc khu đất trống nào. Làm cho nước ngầm và đất bị ô nhiễm các chất hóa học độc hại, ảnh hưởng tới sức khỏe của con người.
1.2. Nguyên nhân:
Các làng nghề có nguy cơ lâm vào tình trạng suy thoái do nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể kể đến như do bế tắc về thị trường, do bị cạnh tranh, do thiếu vốn để cải tiến sản xuất, gây ô nhiễm môi trường … Do sự phát triển mạnh mẽ của sản xuất, việc khai thác và cung ứng các nguyên liệu tại chỗ hay các vùng khác trong nước đang dần bị hạn chế. Các làng nghề chế biến gỗ, mây tre đan trong những năm qua đòi hỏi cung cấp một khối lượng nguyên liệu rất lớn, đặc biệt là các loại gỗ quý dùng cho sản xuất đồ gỗ gia dụng và gỗ mỹ nghệ. Nhiều nguyên liệu chúng ta đã phải nhập từ một số nước khác. Sự khai thác bừa bãi, không có kế hoạch đã làm cạn kiệt tài nguyên và gây ảnh hưởng tới môi trường sinh thái. Việc sơ chế các nguyên liệu chủ yếu do các hộ, các cơ sở sản xuất tự làm với kỹ thuật thủ công hoặc các máy móc thiết bị tự chế lạc hậu. Do đó, chưa khai thác hết hiệu quả của các nguyên liệu, gây lãng phí tài nguyên. Hơn nữa, các làng nghề hiện nay nhìn chung đều gặp khó khăn về mặt bằng cho sản xuất. Tình trạng phổ biến nhất hiện nay là việc sử dụng luôn nhà ở làm nơi sản xuất. Các cơ sở sản xuất lớn thì thường chỉ có lán che lợp xi măng, rơm rạ, lá mía, căng bạt… mang tính chất tạm bợ. Các bãi tập kết nguyên liệu, kể cả các bãi, kho chứa hàng gần khu dân cư, tạm bợ, không đúng tiêu chuẩn môi trường. Vì thế để giải quyết những khó khăn này, cần có cái nhìn tổng quan về làng nghề và gắn với thực trạng kinh tế xã hội trong nước và thế giới nói chung.
2. Giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề:
Thứ nhất, phải chú trọng đến các chính sách phát triển bền vững làng nghề. Sản xuất kinh doanh phải chú ý cải thiện và bảo vệ môi trường, không hy sinh lợi ích môi trường cho lợi ích kinh tế trước mắt. Nhanh chóng xây dựng và ban hành cũng như áp dụng văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường làng nghề, trong đó cần quy định rõ trách nhiệm của địa phương cũng như các ngành và lĩnh vực hoạt động làng nghề. Các làng nghề tiến hành xây dựng các quy định về vệ sinh, môi trường dưới dạng các quy định và hương ước cũng như cam kết bảo vệ môi trường của chính địa phương mình. Tăng cường hoạt động giám sát môi trường làng nghề và thực hiện kiểm kê nguồn nước thải, áp dụng công cụ kinh tế như phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, khí thải và chất thải rắn. Xây dựng tiêu chí “làng nghề xanh” nhầm sếp lại cho các làng nghề bảo vệ môi trường theo hướng phát triển bền vững.
Thứ hai, quy hoạch không gian làng nghề gắn với bảo vệ môi trường. Di dời các cơ sở gây ô nhiễm nặng ra khỏi khu vực dân cư. Quy hoạch tập trung theo cụm công nghiệp nhỏ cần tránh xa khu dân cư và quy hoạch đồng bộ mặt bằng sản xuất, cơ sở hạ tầng như đường giao thông, hệ thống cung cấp điện nước, hệ thống thông tin, thu gom và xử lý nước thải, chất thải rắn để xử lý tập trung. Quy hoạch khu vực sản xuất tùy thuộc vào đặc thù của các loại hình làng nghề như sản xuất gốm sứ, dệt nhuộm và tái chế giày … quy hoạch phân tán, sản xuất ngay tại hộ gia đình kết hợp điều kiện sản xuất với cải thiện vệ sinh môi trường mà không phải di dời, hạn chế tối đa việc cơi nới và mở rộng đường, xây nhà cao tầng và lưu giữ khung cảnh sản xuất, tính cổ truyền nhân văn của làng nghề để có thể kết hợp với du lịch.
Thứ ba, tăng cường mạnh mẽ công tác quản lý môi trường tại các làng nghề. Những cơ sở mở rộng sản xuất phải thực hiện cam kết bảo vệ môi trường và đầu tư theo hướng công nghệ thân thiện với môi trường. Tiêu chí lựa chọn công nghệ xử lý chất thải tại làng nghề cần bảo đảm chất thải sau xử lý đạt quy chuẩn môi trường Việt Nam hiện hành, công nghệ đơn giản và dễ vận hành cũng như chuyển giao, vốn đầu tư và chi phí thấp phù hợp với điều kiện sản xuất của làng nghề, ưu tiên công nghệ có khả năng tâm thu và tái sử dụng chất thải. Khuyến khích các cơ sở sản xuất áp dụng các giải pháp sản xuất sạch để vừa giảm lượng chất thải vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cho vay ưu đãi với lãi suất thấp đối với các chủ cơ sở áp dụng công nghệ và thiết bị tiên tiến tạo ít chất thải.
Thứ tư, một nhân tố có tác động mạnh mẽ đến bảo vệ môi trường ở các làng nghề chính là người sản xuất và cộng đồng tại các làng nghề vì vậy các cơ quan nhà nước cần tăng cường công tác phổ biến, giáo dục, tuyên truyền vận động về việc thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường cũng như ý thức về bảo vệ an toàn lao động đến tận hộ sản xuất cá thể và tổ chức sản xuất. Nâng cao dân trí nhằm nâng cao ý thức của người dân tại các làng nghề để tự họ nhận thấy việc bảo vệ môi trường làng nghề chính là bảo vệ lợi ích thiết thực và sức khỏe lâu dài của cộng đồng cũng như sản phẩm của họ. Việc nâng cao nhận thức của người dân là không khó nhưng để họ thực hiện những hành động bảo vệ môi trường một cách tự giác lại là rất khó.
Thứ năm, phát hiện và xử lý trường hợp phát sinh các làng nghề gây ô nhiễm môi trường. Các địa phương và các làng nghề cần khẩn trương xử lý môi trường để được cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để. Mặt khác vẫn cần tăng cường thanh tra kiểm tra để đưa vào “danh sách đen” làng nghề tiếp tục gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Yêu cầu các làng nghề triển khai áp dụng các biện pháp cần thiết nhằm giảm thiểu ô nhiễm, xây dựng các công trình xử lý ô nhiễm và triển khai thực hiện theo đúng lộ trình được phê duyệt.
Thứ sáu, khuyến khích các cơ sở sản xuất xử lý nước thải khí thải và quản lý môi trường bằng cho vay ưu đãi hoặc giảm thuế. Đa dạng hóa các nguồn đầu tư và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong bảo vệ môi trường làng nghề. Sự phát triển của làng nghề phải bảo đảm tính bền vững hài hòa các mặt kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường. Do đó một số loại hình làng nghề sẽ phát triển mạnh cả về số lượng và quy mô sản xuất, một số khác cần được hạn chế không khuyến khích phát triển và một số hoạt động công nghệ cần được nghiêm cấm triệt để.
3. Một số hậu quả của ô nhiễm môi trường làng nghề:
Văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.