Quản lý rủi ro đối với nợ công? Đảm bảo khả năng trả nợ công?
Quản lý nợ công là một yêu cầu cần thiết cho mọi quốc gia vì nó sẽ giúp đảm bảo tính an toàn không chỉ đối với vị thế tài chính của chính phủ mà còn đối với sự an toàn, lành mạnh, ổn định và hiệu quả của toàn bộ hệ thống tài chính cũng như nền kinh tế. Quản lý rủi ro đối với nợ công trong giai đoạn hiện nay có ý nghĩa quan trọng đối với các quốc gia trên thế giới. Bài viết dưới đây chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về quản lý rủi ro đối với nợ công cũng như quy định về đảm bảo khả năng trả nợ công?
Mục lục bài viết
1. Quản lý rủi ro đối với nợ công:
Ta nhận thấy, mục tiêu quản lý rủi ro đó là nhằm đảm bảo cơ cấu nợ công hợp lý, phù hợp với mục tiêu, định hướng đặt ra trong kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm đã được Quốc hội quyết định; đảm bảo khả năng trả nợ trong trung hạn và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nợ công; giảm thiểu những thiệt hại có thể xảy ra trong tình huống xấu nhất với chi phí phát sinh hợp lý.
Đối với nguyên tắc xử lý rủi ro, việc xem xét xử lý rủi ro được thực hiện cho từng trường hợp cụ thể căn cứ vào mức độ tổn thất có thể xảy ra và nguyên nhân dẫn đến rủi ro; việc phòng ngừa và xử lý rủi ro phải căn cứ vào thoả thuận vay hoặc công cụ nợ gốc trong danh mục nợ công hiện hành, nguyên nhân phát sinh rủi ro, phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Việc phòng ngừa rủi ro đối với danh mục nợ công phải thực hiện phù hợp với kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm, chương trình quản lý nợ công 3 năm và kế hoạch vay, trả nợ hằng năm; tổ chức, cá nhân sử dụng vốn vay sai mục đích, cố ý làm trái quy định làm phát sinh rủi ro nợ công phải chịu trách nhiệm xử lý và bồi thường theo quy định của pháp luật.
Rủi ro đối với nợ công trên thực tiễn bao gồm các loại rủi ro sau: Rủi ro về lãi suất, tỷ giá ngoại tệ do biến động trên thị trường tài chính; rủi ro thanh khoản do thiếu các tài sản tài chính có tính thanh khoản để thực hiện đầy đủ, kịp thời các nghĩa vụ nợ đến hạn theo cam kết, bao gồm khả năng trả nợ của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương; rủi ro do biến động thị trường tài chính ảnh hưởng đến việc huy động vốn dẫn đến phải đảo nợ với chi phí cao hoặc mất khả năng đảo nợ; rủi ro tín dụng do đối tượng được vay lại, đối tượng được bảo lãnh không trả được nợ đầy đủ, đúng hạn; các loại rủi ro khác có thể ảnh hưởng đến an toàn nợ công.
Nội dung chủ yếu của việc đánh giá rủi ro gồm: Phân tích tình hình kinh tế vĩ mô, tài khóa, tiền tệ, tỷ giá, lãi suất và biến động của thị trường vốn trong nước và quốc tế có tác động đến nợ công; Phân tích, đánh giá diễn biến về cơ cấu đồng tiền, lãi suất, kỳ hạn, quy mô, nghĩa vụ trả nợ công, hiện tại và xu hướng tương lai nhằm nhận diện mức độ rủi ro để có biện pháp xử lý rủi ro phù hợp; Tính toán mức độ rủi ro, dự kiến chi phí phòng ngừa và xử lý rủi ro trong trường hợp rủi ro xảy ra.
Việc thực hiện đánh giá rủi ro được quy định như sau: Bộ Tài chính đánh giá rủi ro đối với nợ công, bao gồm nợ Chính phủ, nợ chính quyền địa phương và nợ được Chính phủ bảo lãnh; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đánh giá rủi ro đối với nợ của chính quyền địa phương, bao gồm vay lại vốn vay ODA và vay ưu đãi của Chính phủ, trái phiếu của chính quyền địa phương và các khoản nợ khác của chính quyền địa phương; Việc đánh giá rủi ro được thực hiện định kỳ gắn với kế hoạch vay, trả nợ công 05 năm, chương trình quản lý nợ công 03 năm và kế hoạch vay, trả nợ công hằng năm; Trên cơ sở đánh giá rủi ro, Bộ Tài chính đề xuất các giải pháp để phòng ngừa rủi ro đối với nợ công; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề xuất các giải pháp để phòng ngừa rủi ro đối với nợ của chính quyền địa phương.
Đánh giá rủi ro nợ công là công việc thuộc về các chuyên viên phân tích, chuyên viên kế toán và chuyên viên kiểm toán. Mức độ rủi ro cao hay thấp phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan và chủ quan của mục đích vay nợ, quản lý và sử dụng vốn vay.
Các biện pháp phòng ngừa và xử lý rủi ro bao gồm:
– Đối với phòng ngừa và xử lý rủi ro về lãi suất và tỷ giá ngoại, sử dụng các công cụ phái sinh về lãi suất và đồng tiền.
– Đối với việc phòng ngừa và xử lý rủi ro thanh khoản gồm: bố trí nguồn trả nợ đầy đủ, đúng hạn theo quy định tại Điều 54 Luật Quản lý nợ công; phát hành công cụ nợ để đảm bảo thanh khoản; cơ cấu lại kỳ hạn của các khoản nợ, mua lại nợ, hoán đổi khoản nợ hoặc đàm phán gia hạn nợ.
– Đối với phòng ngừa và xử lý rủi ro do biến động thị trường tài chính gồm: phát triển thị trường vốn trong nước; nâng cao hệ số tín nhiệm quốc gia để tiếp cận thị trường vốn quốc tế.
– Căn cứ vào đánh giá rủi ro và mức độ ảnh hưởng của rủi ro đối với từng khoản nợ hoặc với danh mục nợ, Bộ Tài chính xây dựng đề án cơ cấu lại nợ, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định và tổ chức thực hiện; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định phương án cơ cấu lại nợ của chính quyền địa phương và tổ chức thực hiện.
Hiện nay, việc quản lý rủi ro tín dụng của đối tượng được vay lại, đối tượng được bảo lãnh Chính phủ thực hiện theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ; Nghị định của Chính phủ về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ.
Các hoạt động quản lý nợ công trên thực tế sẽ cần phải tuân thủ không chỉ một nghị định và văn bản hướng dẫn khác, mà chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản quy phạm pháp quy và văn bản hướng dẫn khác nhau, dẫn đến nhiều mâu thuẫn, chồng chéo trong khung pháp lý và trong thực hành quản lý nợ nhà nước, quản lý nợ công.
Nợ công và quản lý nợ công đang là đề tài nóng, được thảo luận sôi nổi trên các diễn đàn từ phạm vi toàn cầu, châu lục, các liên minh đến các tổ chức quốc tế, cũng như tại từng quốc gia cụ thể.
2. Đảm bảo khả năng trả nợ công:
Theo quy định tại Điều 54 Luật Quản lý nợ công 2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2018 thì việc bảo đảm khả năng trả nợ công được quy định cụ thể như sau:
– Việc huy động vốn vay phải bảo đảm các chỉ tiêu an toàn nợ công và chủ động bố trí nguồn trả nợ đầy đủ, đúng hạn.
– Các khoản vay mới chỉ được thực hiện sau khi đã đánh giá đầy đủ tác động đến quy mô nợ công, trong giới hạn các chỉ tiêu an toàn nợ công và khả năng trả nợ trong trung hạn.
– Việc chi trả các khoản nợ của ngân sách nhà nước được thực hiện như sau:
+ Chi trả lãi, phí và chi phí khác phát sinh từ các khoản nợ theo dự toán ngân sách nhà nước hằng năm đã được cấp có thẩm quyền quyết định;
+ Bảo đảm nguồn bội thu, tăng thu so với dự toán, tiết kiệm chi, kết dư ngân sách nhà nước và các nguồn hợp pháp khác để trả các khoản nợ gốc đầy đủ, đúng hạn;
+ Vay mới để trả nợ gốc phải nằm trong tổng mức vay của ngân sách nhà nước hằng năm được Quốc hội quyết định.
– Đối tượng được bảo lãnh, đối tượng được vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài có trách nhiệm trả nợ đầy đủ, đúng hạn.
Trong thời gian gần đây, công tác quản lý nợ của Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể, góp phần ổn định và phát triển kinh tế đất nước. Khuôn khổ pháp lý về quản lý nợ công cũng đang từng bước được hoàn thiện, đã huy động được khối lượng vốn lớn bổ sung cho đầu tư phát triển; việc phân bổ, sử dụng vốn vay về cơ bản đúng mục đích và có hiệu quả. Việc đưa ra quy định về việc bảo đảm khả năng trả nợ công giúp công tác trả nợ Chính phủ trong và ngoài nước luôn được thực hiện đầy đủ, đúng hạn, không để xảy ra nợ quá hạn như những năm về trước. Việc chúng ta tích cực đàm phán xử lý các khoản nợ cũ với các chủ nợ nước ngoài đã giúp giảm đáng kể nghĩa vụ nợ của Việt Nam.