Khái quát về hoạt động quản lý chất lượng công trình xây dựng? Quy định của pháp luật về hoạt động quản lý chất lượng công trình xây dựng?
Một công trình xây dựng muốn đạt hiệu quả cao, đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng do Bộ xây dựng ban hành thì công tác quản lý công trình xây dựng là yếu tố tiên quyết để quyết định. Thực tế, từ trước đến nay, pháp luật trong lĩnh vực về xây dựng rất đa dạng, điều chỉnh khá rộng trong mọi khía cạnh và cũng phải có sự thay đổi nhằm phù hợp với sự vận hành của xã hội, điều đó cũng áp dụng đối với hoạt động quản lý chất lượng công trình xây dựng. Vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành, quy định về hoạt động quản lý chất lượng công trình xây dựng ra sao, có nội dung như thế nào? Luật Dương Gia sẽ trả lời các câu hỏi này trong bài viết dưới đây.
Tổng đài Luật sư
Cơ sở pháp lý:
Nghị định 06/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dưng và bảo trì công trình xây dựng.
1. Khái quát về hoạt động quản lý chất lượng công trình xây dựng?
Quản lý là thuật ngữ xuất hiện trong rất nhiều các lĩnh vực pháp luật, được hiểu dưới góc độ pháp lý là trách nhiệm của chủ thể của thẩm quyền trong việc tổ chức, vận hành, thiết lập thống nhất một đối tượng nhất định.
Công trình xây dựng là sản phẩm được xây dựng theo thiết kế, tạo thành bởi sức lao động của con người, vật liệu xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình, được liên kết định vị với đất, có thể bao gồm phần dưới mặt đất, phần trên mặt đất, phần dưới mặt nước và phần trên mặt nước.
Khái niệm “chất lượng công trình xây dựng” được hiểu một cách cơ bản là những yêu cầu về an toàn, bền vững, kỹ thuật và mỹ thuật của công trình nhưng phải phù hợp với quy chuẩn và tiêu chuẩn xây dựng, các quy định trong văn bản quy phạm pháp luật có liên quan và hợp đồng kinh tế.
Theo Khoản 1, Điều 2 Nghị định 06/2021/NĐ-CP quy định: Hoạt động quản lý chất lượng công trình xây dựng được hiểu là hoạt động quản lý của các chủ thể tham gia các hoạt động xây dựng theo quy định của Nghị định 06/2021/NĐ-CP và pháp luật khác có liên quan trong quá trình chuẩn bị, thực hiện đầu tư xây dựng công trình và khai thác, sử dụng công trình nhằm đảm bảo chất lượng và an toàn của công trình.
Trên cơ sở định nghĩa này, có thể đưa ra một số đặc điểm của quản lý chất lượng công trình xây dựng như sau:
Thứ nhất, đây là hoạt động của các chủ thể tham gia các hoạt động xây dựng. Đây là các chủ thể xuyên suốt, gắn liền với quá trình thi công công trình xây dựng như chủ đầu tư, nhà thầu, hội đồng thực hiện công tác nghiệm thu,…
Thứ hai, giai đoạn quản lý chất lượng công trình xây dựng trải dài từ chuẩn bị, thực hiện đầu tư xây dựng công trình, khai thác và sử dụng công trình. Điều này xuất phát từ tính đặc thù trong lĩnh vực xây dựng, giai đoạn trước là nền tảng cho giai đoạn sau, mỗi giai đoạn vừa độc lập vừa phụ thuộc, việc đảm bảo chất lượng mỗi giai đoạn là giải pháp quan trọng để tạo nên một công trình tốt nhất.
Thứ ba, mục đích của quản lý chất lượng công trình xây dựng là nhằm đảm bảo chất lượng và an toàn của công trình. Đây là mục đích cơ bản và đích đến của tất cả các công trình xây dựng.
2. Quy định của pháp luật về hoạt động quản lý chất lượng công trình xây dựng?
Thực tế, các quy định về hoạt động quản lý chất lượng công trình xây dựng rất đa dạng và chi tiết, tuy nhiên, xuất phát từ bản chất quản lý là hoạt động của các chủ thể tham gia các hoạt động xây dựng, do đó, trong phạm vi mục này, tác giả chỉ tập trung vào quy định về phân định trách nhiệm giữa các chủ thể trong quản lý xây dựng công trình tại Điều 7 Nghị định 06/2021/NĐ-CP.
Trong đó, chủ thể có liên quan trực tiếp đến hoạt động xây dựng công trình bao gồm: Chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư (nếu có); Nhà thầu thi công xây dựng; Nhà thầu cung ứng sản phẩm xây dựng, vật liệu xây dựng, cấu kiện, thiết bị lắp đặt vào công trình; Các nhà thầu tư vấn gồm: khảo sát, thiết kế, quản lý dự án, giám sát, thí nghiệm, kiểm định và các nhà thầu tư vấn khác.
Bản thân các đối tượng này gắn với từng giai đoạn nhất định và trách nhiệm quản lý cũng gắn với các giai đoạn đó.
Trước hết là trách nhiệm của nhà thầu:
Các nhà thầu: thi công xây dựng; cung ứng sản phẩm xây dựng, vật liệu xây dựng, cấu kiện, thiết bị lắp đặt vào công trình; tư vấn gồm: khảo sát, thiết kế, quản lý dự án, giám sát, thí nghiệm, kiểm định và các nhà thầu tư vấn khác khi tham gia hoạt động xây dựng phải có đủ điều kiện năng lực theo quy định, chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện về chất lượng và an toàn đối với các công việc do mình thực hiện trước pháp luật, trước chủ đầu tư và trước nhà thầu chính trong trường hợp là nhà thầu phụ. Về nguyên tắc: Nhà thầu chính phải chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư về các công việc do nhà thầu phụ thực hiện.
Trong trường hợp áp dụng hình thức liên danh các nhà thầu thì các nhà thầu trong liên danh phải chịu trách nhiệm về chất lượng đối với công việc do mình thực hiện được phân định trong
Nếu áp dụng hình thức hợp đồng tổng thầu thiết kế – cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình (sau đây gọi là tổng thầu EPC) hoặc hợp đồng chìa khóa trao tay, tổng thầu phải có trách nhiệm tổ chức quản lý chất lượng, giám sát thi công xây dựng đối với phần việc do mình thực hiện và phần việc do nhà thầu phụ thực hiện; thực hiện các trách nhiệm khác được chủ đầu tư giao theo quy định của hợp đồng xây dựng đã được hai bên ký kết.
Thứ hai, trách nhiệm của nhà đầu tư
Chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức quản lý xây dựng công trình phù hợp với hình thức đầu tư, hình thức quản lý dự án, hình thức giao thầu, quy mô và nguồn vốn đầu tư trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng công trình; tổ chức quản lý thi công xây dựng công trình bao gồm các nội dung: Quản lý chất lượng thi công xây dựng công trình; Quản lý tiến độ thi công xây dựng công trình; Quản lý khối lượng thi công xây dựng công trình; Quản lý an toàn lao động, môi trường xây dựng trong thi công xây dựng công trình; Quản lý chi phí đầu tư xây dựng trong quá trình thi công xây dựng; Quản lý các nội dung khác theo quy định của hợp đồng xây dựng; tổ chức giám sát thi công xây dựng công trình, nghiệm thu công việc xây dựng, bộ phận, hạng mục công trình, công trình xây dựng; tổ chức bàn giao đưa công trình vào khai thác, sử dụng theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.
Chủ đầu tư được quyền tự thực hiện các hoạt động xây dựng nếu đủ điều kiện năng lực theo quy định của pháp luật. Việc nghiệm thu của chủ đầu tư không thay thế, không làm giảm trách nhiệm hay loại trừ trách nhiệm của nhà thầu tham gia xây dựng công trình đối với phần công việc do nhà thầu thực hiện.
Trong trường hợp chủ đầu tư thành lập ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hoặc giao nhiệm vụ cho ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực thì:
Chủ đầu tư được ủy quyền hoặc giao nhiệm vụ cho ban quản lý dự án thực hiện một hoặc một số công việc thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư trong quản lý thi công xây dựng công trình và phải được thể hiện bằng văn bản. Chủ đầu tư phải chỉ đạo, kiểm tra và chịu trách nhiệm về các công việc đã ủy quyền hoặc giao nhiệm vụ cho ban quản lý dự án thực hiện ;Ban quản lý dự án chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ đầu tư về việc thực hiện các công việc được ủy quyền.
Trường hợp chủ đầu tư thuê nhà thầu tư vấn quản lý dự án, nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình thì:
Chủ đầu tư được quyền giao nhà thầu này thực hiện một hoặc một số công việc thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư trong quản lý xây dựng công trình thông qua hợp đồng xây dựng. Chủ đầu tư có trách nhiệm giám sát việc thực hiện hợp đồng xây dựng, xử lý các vấn đề liên quan giữa các nhà thầu tham gia xây dựng công trình và với chính quyền địa phương trong quá trình thực hiện dự án; Nhà thầu tư vấn quản lý dự án, nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ đầu tư về những công việc được giao theo quy định của hợp đồng và pháp luật có liên quan.
Trường hợp áp dụng hình thức hợp đồng tổng thầu EPC hoặc hợp đồng chìa khóa trao tay, chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện: kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các nội dung quản lý xây dựng công trình đã thỏa thuận trong hợp đồng xây dựng; tổ chức nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng và tổ chức bàn giao đưa công trình vào khai thác sử dụng.
Đối với dự án PPP:
Doanh nghiệp dự án PPP thực hiện trách nhiệm của chủ đầu tư về quản lý xây dựng công trình. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền ủy quyền cho cơ quan, đơn vị trực thuộc làm cơ quan ký kết hợp đồng thì cơ quan có thẩm quyền phải chỉ đạo, kiểm tra, chịu trách nhiệm về các nội dung công việc do cơ quan ký kết hợp đồng thực hiện; cơ quan ký kết hợp đồng chịu trách nhiệm trước cơ quan có thẩm quyền và pháp luật về việc thực hiện các nội dung công việc được ủy quyền.
Tất cả các quyền, nghĩa vụ và việc phân định trách nhiệm của các chủ thể nêu trên phải được thể hiện trong hợp đồng và theo quy định của pháp luật.
Nhìn chung, sự phân định trách nhiệm quản lý theo quy định của điều 7 khá rõ ràng và cụ thể, đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để các chủ thể thực hiện nghĩa vụ của mình. Tuy nhiên, pháp luật chỉ là “ranh giới” mà việc triển khai trên thực tế phục thuộc vào các chủ thể, đây cũng sẽ là căn cứ để áp dụng biện pháp xử lý khi có hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý chất lượng công trình xây dựng.