Thời nay, có con trước khi kết hôn là một chuyện được xem là rất bình thường trong xã hội. Vậy quân đội, công an có con trước khi kết hôn có sao không?
Mục lục bài viết
- 1 1. Quân đội, công an có con trước khi kết hôn có sao không?
- 2 2. Quyền và nghĩa vụ của Quân đội, công an đối với con trong trường hợp có con trước khi kết hôn:
- 3 3. Điều kiện khi Quân đội, công an kết hôn khi đã có con:
- 4 4. Thủ tục đăng ký kết hôn của Quân đội, công an khi đã có con trước khi kết hôn:
1. Quân đội, công an có con trước khi kết hôn có sao không?
Quân đội, công an luôn chung sức, chung lòng, đồng tâm hiệp lực, đoàn kết, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ, kề vai sát cánh và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân ta giao phó, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Những điều mà quân đội, công an không được làm bao gồm:
– Đối với quân đội: không được làm những việc trái với pháp luật, kỷ luật quân đội và những việc làm mà pháp luật quy định cán bộ, công chức không được làm.
– Đối với công an:
+ Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và các lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
+ Những việc trái với pháp luật, điều lệnh Công an nhân dân và những việc mà pháp luật quy định các cán bộ, công chức, viên chức không được phép làm.
Theo đó, một trong những việc mà quân đội, công an đều không được làm đó chính là không được làm những việc trái với pháp luật. Đối với việc có con trước khi kết hôn không phải là hành vi trái với pháp luật, bởi pháp luật chỉ thật sự can thiệp vào mối quan hệ tình cảm giữa nam và nữ khi mà hai người xác lập quan hệ hôn nhân, trong khi đó, quan hệ tình cảm yêu đương giữa nam và nữ là sự tự nguyện giữa hai bên và pháp luật không điều chỉnh.
2. Quyền và nghĩa vụ của Quân đội, công an đối với con trong trường hợp có con trước khi kết hôn:
Mặc dù Quân đội, công an có con trước khi kết hôn nhưng quyền và nghĩa vụ của Quân đội, công an đối với con của mình cũng phải tuân theo các quy định sau:
– Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con;
– Chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh cả về mặt thể chất lẫn trí tuệ, đạo đức, để trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội;
– Cha mẹ có nghĩa vụ và quyền giáo dục con, chăm lo và tạo điều kiện cho con học tập;
– Cha mẹ tạo điều kiện cho con được sống trong môi trường gia đình đầm ấm, hòa thuận;
– Cha mẹ làm gương tốt cho con về mọi mặt;
– Cha mẹ phối hợp chặt chẽ với nhà trường, cơ quan, tổ chức trong việc giáo dục con;
– Cha mẹ hướng dẫn con chọn nghề;
– Cha mẹ tôn trọng quyền chọn nghề, quyền tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của con;
– Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, của con đã thành niên nhưng bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;
– Giám hộ hoặc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự cho con chưa thành niên, cho con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự;
– Không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ;
– Không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên, của con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động;
– Không được xúi giục, ép buộc con làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.
3. Điều kiện khi Quân đội, công an kết hôn khi đã có con:
Như đã phân tích ở mục trên, việc có con trước khi kết hôn không phải là hành vi trái với pháp luật, thế nên sẽ không ảnh hưởng xấu đến Quân đội, công an (kể cả về mặt đạo đức hay pháp luật). Khi Quân đội, công an có con trước khi kết hôn thì khi kết hôn, Quân đội, công an phải đáp ứng được các điều kiện sau:
– Quân đội, công an và người kết hôn với Quân đội, công an phải đủ tuổi kết hôn mà pháp luật đã quy định (Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên);
– Việc kết hôn phải do Quân đội, công an và người kết hôn với Quân đội, công an tự nguyện quyết định;
– Người kết hôn với Quân đội, công an không bị mất năng lực hành vi dân sự;
– Việc kết hôn giữa Quân đội, công an và người kết hôn với Quân đội, công an không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn sau:
– Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
– Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
– Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác;
– Người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
– Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ;
– Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người có họ trong phạm vi ba đời;
– Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi;
– Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, giữa cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.
Ngoài các điều kiện trên, theo quy định hiện nay thì việc kết hôn với Quân đội, công an cần đáp ứng những điều kiện nhất định. Bởi đây là lực lượng đặc thù thực hiện nhiệm vụ trong đấu tranh chống kẻ thù xâm lược và bảo vệ Tổ quốc, với các công việc có tính chuyên môn cao, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh, chính trị của một quốc gia. Người muốn kết hôn với một người đang phục vụ trong ngành công an nhân dân hay quân đội nhân dân thì còn phải đáp ứng được các điều kiện đặc thù của ngành, các điều kiện sau sẽ không được kết hôn với người trong ngành công an, quân đội:
– Gia đình làm tay sai cho chế độ phong kiến, Nguỵ quân, Ngụy quyền;
– Bố mẹ hoặc bản thân có tiền án hoặc đang chấp hành án phạt tù;
– Gia đình hoặc bản thân theo Đạo thiên chúa, Cơ đốc, Tin lành…;
– Bố mẹ hoặc bản thân là người nước ngoài (kể cả đã nhập tịch),…;
– Gia đình hoặc bản thân là người dân tộc Hoa.
4. Thủ tục đăng ký kết hôn của Quân đội, công an khi đã có con trước khi kết hôn:
Bước 1: Nộp đơn xin tìm hiểu gửi đến phòng tổ chức, cán bộ của đơn vị. Sau đó, phòng sẽ tiến hành thẩm tra lý lịch.
– Đối tượng kết hôn với quân đội, công an đều phải tiến hành thẩm tra lý lịch ba đời. Và việc tiến hành thẩm tra ở đây sẽ do chính Phòng Tổ chức cán bộ cơ quan, đơn vị nơi quân đội, công an đó đang công tác tiến hành thực hiện.
– Người dự định kết hôn với quân đội, công an phải gửi bản kê khai lý lịch trong phạm vi ba đời của mình cho Phòng Tổ chức cán bộ, những đối tượng bị thẩm tra bao gồm:
+ Đời thứ nhất bao gồm ông, bà trong đó có cả ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.
+ Đời thứ hai bao gồm cha, mẹ, cô, dì, chú, bác, cậu ruột (anh, chị, em ruột của cha, mẹ).
+ Đời thứ ba bao gồm bản thân đối tượng kết hôn và anh, chị, em ruột, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha.
Sau khi thẩm định lý lịch, Phòng Tổ chức cán bộ sẽ ra quyết định có đủ điều kiện đáp ứng việc đồng ý kết hôn hay không, nếu:
Đồng ý thì sẽ gửi quyết định về đơn vị nơi bộ đội đang công tác, phục vụ.
Không đồng ý thì trả lời bằng văn bản, trong đó phải nêu rõ lý do vì sao.
– Bước 2: Nếu sau khi thẩm tra lý lịch, đáp ứng được những điều kiện để kết hôn thì thực hiện việc đăng ký kết hôn theo đúng quy định tại Luật hôn nhân và gia đình. Khi đi đăng ký kết hôn, hai bên nam và nữ phải nộp các loại giấy tờ sau:
+ Tờ khai theo mẫu quy định;
+ Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của thủ trưởng đơn vị (Giấy tờ xác nhận tình trạng hôn nhân chỉ có giá trị trong vòng 6 tháng kể từ ngày xác nhận);
+ Chứng minh nhân dân, hộ chiếu, thẻ Căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh;
+ Quyết định hoặc bản án ly hôn của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nếu trước đó đã từng kết hôn và ly hôn;
+ Sau khi chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ nêu trên, người đăng ký kết hôn (quân đội, công an) và người kết hôn cùng mình cần đến Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của một trong hai bên để đăng ký kết hôn.
Bước 3: Ngay sau khi nhận đầy đủ giấy tờ, nếu xét thấy đáp ứng đủ các điều kiện kết hôn thì công chức tư pháp – hộ tịch sẽ ghi việc kết hôn vào Sổ hộ tịch, cùng hai bên nam, nữ ký tên vào trong Sổ hộ tịch.
Nếu trong 60 ngày kể từ ngày ký mà hai bên không thể có mặt để nhận giấy chứng nhận đăng ký kết hôn thì Giấy chứng nhận này sẽ bị hủy. Nếu hai bên vẫn muốn kết hôn thì phải thực hiện thủ tục lại từ đầu.
Văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Hôn nhân gia đình 2014.