Nhà nước đã đưa ra rất nhiều nguồn ngân sách quốc gia nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng, phục vụ phát triển đất nước, phát triển xã hội. Tuy nhiên, mặt trái của sự gia tăng phát triển là vấn đề tham nhũng xuất hiện ngày càng nhiều. Vậy Vậy quan điểm của Đảng và Nhà nước về phòng chống tham nhũng như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Thực trạng của vấn đề tham nhũng ở nước ta hiện nay:
1.1. Khái niệm tham nhũng:
– Theo khoản 1 Điều 3 Luật phòng, chống tham nhũng 2018, tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi. Hay nói cách khác, tham nhũng là hành vi lợi dụng quyền hành để gây phiền hà, khó khăn và lấy của dân.
– Khoản 3 Điều 3 Luật phòng, chống tham nhũng 2018 quy định về tài sản tham nhũng, thì tài sản tham nhũng là tài sản có được từ tham nhũng, tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng.
– Các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện bao gồm các hoạt động cụ thể như sau: Tham ô tài sản; Nhận hối lộ; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; Giả mạo trong công tác vì vụ lợi; Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi; Nhũng nhiễu vì vụ lợi; Không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.
– Các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện bao gồm các hoạt động cụ thể như sau: Tham ô tài sản; Nhận hối lộ; Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.
1.2. Thực trạng và hậu quả của vấn đề tham nhũng hiện nay:
– Tham nhũng là vấn đề diễn ra khá phổ biến ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Ở từng địa phương, vấn đề tham nhũng vấn thường xuyên diễn ra. Người có chức vụ, quyền hạn lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để vụ lợi cá nhân. Tài sản tham nhũng thường là các tài sản có được từ các khoản ngân sách quốc gia. Các tài sản đó đáng nhẽ phải được phục vụ các hoạt động mang tính cộng đồng, đầu tư cho các chính sách, kế hoạch chung của Nhà nước.
– Việc tham nhũng ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích chung của quốc gia và quyền lợi riêng của các cá nhân. Tham nhũng diễn ra thường xuyên, khiến việc đầu tư vào các hoạt động mang tính cộng đồng, các công trình xây dựng phục vụ lợi ích nhân dân bị hạn chế hoặc không đảm bảo chất lượng. Tài sản mà người có chức vụ, quyền hạn tham nhũng là tài sản công. Tài sản tham nhũng càng nhiều, thì lợi ích của người dân càng bị hạn chế.
– Thực tế, dịch vụ công đang được Nhà nước ngày càng đẩy mạnh. Dịch vụ công phục vụ lợi ích thiết yếu cho mọi người dân. Do đó, nếu người có chức vụ, quyền hạn tham nhũng, các dịch vụ công sẽ không được đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ, đúng chất lượng để phục vụ nhu cầu sống của người dân. điều này khiến đời sống người dân bị giảm sút, quyền con người mà Nhà nước muốn bảo vệ không được đảm bảo. Cùng với đó, tham nhũng dẫn đến tình trạng bất ổn dân cư, gây hoang mang, phẫn nộ cho người dân. Từ đó, mục đích phát triển dân cư, an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước sẽ không được đảm bảo thực hiện một cách trọn vẹn.
2. Quan điểm của Đảng, Nhà nước về phòng chống tham nhũng:
– Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta ngày càng đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng. Các quan điểm của Đảng và Nhà nước về phòng chống tham nhũng được thể hiện cụ thể qua từng Nghị quyết, Đại hội. Cụ thể như sau:
+ Quan điểm của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng phải gắn liền và phục vụ cho đổi mới kinh tế – xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường đại đoàn kết toàn dân, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ đất nước. Theo đó, Nghị quyết số 14-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 15-5-1996 nêu rõ: Đấu tranh chống tham nhũng là một bộ phận cấu thành quan trọng trong toàn bộ sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng và nhân dân ta hiện nay. Nó góp phần giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng Đảng và bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, thực hiện quyền dân chủ của nhân dân…
+ Đấu tranh chống tham nhũng là cuộc đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tùy tiện, vô nguyên tắc của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Đây là nhiệm vụ trực tiếp, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội và cần thành lập các ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng ở Trung ương và địa phương đủ mạnh, có thực quyền, hoạt động có hiệu quả.
+ Đảng và Nhà nước nêu rõ, hoạt động chống tham nhũng là việc ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí; tạo bước chuyển biến rõ rệt để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế – xã hội. Đồng thời, phải củng cố lòng tin của nhân dân; xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính.
+ Công tác chống tham nhũng mà Đảng và Nhà nước đề ra được thực hiện dưới các giải pháp cụ thể như: tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, công chức và nhân dân về công tác phòng, chống tham nhũng; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử hành vi tham nhũng; thực hiện tốt công tác truyền thông về phòng, chống tham nhũng; xây dựng, kiện toàn các cơ quan, đơn vị chuyên trách về phòng, chống tham nhũng được thành lập theo Luật phòng, chống tham nhũng; tăng cường giám sát của nhân dân và cơ quan dân cử; tăng cường hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng. Đồng thời, Đảng và Nhà nước cũng chỉ ra rõ là các cơ quan ban ngành phải tập trung rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách; thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
– Thực tế hiện nay, để cụ thể hóa quan điểm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đã ban hành hệ thống pháp luật làm cơ sở pháp lý trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Cơ sở pháp luật này được xem là thước đo, định hướng hoạt động trong công tác xử lý hành vi tham nhũng. Các tổ chức Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và cả hệ thống chính trị, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã và đang thực hiện theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phòng chống tham nhũng. Những hoạt động này đã giúp quá trình phòng chống tham nhũng có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức, hành động và đạt được những kết quả bước đầu, nhất là trong phòng ngừa, công khai, minh bạch hóa, cải cách thủ tục hành chính, quản lý tài sản công.
– Những quan điểm của Đảng và Nhà nước về phòng chống tham nhũng có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công tác xử lý tham nhũng, bảo vệ quyền lợi của người dân và phát triển kinh tế đất nước, phát triển xã hội. Những quan điểm trên mang tính định hướng cho công tác quản lý hoạt động phòng chống tham nhũng ở nước ta. Đồng thời, nó cũng mang tính răn đe cao cho những cá nhân, tổ chức đã và đang thực hiện tham nhũng.
– Các nguồn tiền từ ngân sách quốc gia đều nhằm mục đích xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế đất nước, phục vụ đời sống nhân dân. Do đó, hành vi tham nhũng xâm phạm trực tiếp đến những lợi ích chung của cộng đồng này. Những quan điểm của Đảng và Nhà nước là cơ sở cho hoạt động đấu tranh phòng chống tham nhũng. Đây được xem là kim chỉ nam định hướng hành động, giúp cơ quan chức năng có thẩm quyền định rõ hướng đi trong công tác phòng chống tham nhũng.
Xã hội chỉ có thể phát triển, đời sống của người dân chỉ có thể được bảo đảm khi những hành vi tham nhũng được đẩy lùi.