Phụ lục giao dịch liên kết được xác lập khi các bên có quan hệ liên kết và là nội dung thể hiện chi tiết những nội dung liên kết. Vậy khi nào thì các bên cần lập phụ lục giao dịch liên kết? Phụ lục giao dịch liên kết được thực hiện như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Thế nào là Phụ lục giao dịch liên kết?
Căn cứ theo quy định tại khoản 22 Điều 3 Luật Quản lý thuế năm 2019 và khoản 2 Điều 1 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP thì giao dịch liên kết được quy định là một loại giao dịch được xác lập giữa các bên có quan hệ liên kết với nhau. Các bên tham gia vào quan hệ liên kết được xác định là một bên hoặc các bên có tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào công việc điều hành, kiểm soát cũng như góp vốn của doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, Bộ luật Dân sự năm 2015 không quy định cụ thể thế nào là phụ lục. Tuy nhiên, chúng ta có thể hiểu Phụ lục là một văn bản phụ được người viết trích riêng từ nguồn chính thống. Nội dung phụ lục phải đảm bảo chính xác, dựa trên cơ sở tính toán hay nghiên cứu. Nội dung này liên quan mật thiết đến các lập luận và số liệu được người viết đưa ra. Các phụ lục được xem là phần tài liệu dẫn chứng cho nội dung nghiên cứu.
Theo đó, Phụ lục giao dịch liên kết được hiểu là một phần được dùng để quy định chi tiết hoặc sửa đổi, bổ sung một số thông tin về giao dịch liên kết được xác lập giữa các bên có quan hệ liên kết với nhau.
2. Các loại phụ lục giao dịch liên kết hiện nay:
Căn cứ theo quy định tại Nghị định số 132/2020/NĐ-CP thì trong giao dịch liên kết hiện nay có 04 loại phụ lục, bao gồm:
– Phụ lục I: Thông tin về quan hệ liên kết và giao dịch liên kết;
– Phụ lục II: Danh mục các thông tin, tài liệu cần cung cấp tại hồ sơ quốc gia;
– Phụ lục III: Danh mục các thông tin, tài liệu cần cung cấp tại hồ sơ toàn cầu;
– Phụ lục IV: Kê khai thông tin bảo cáo lợi nhuận liên quốc gia.
3. Khi nào cần lập phụ lục giao dịch liên kết?
Theo quy định của Luật Quản lý thuế hiện hành cũng như Nghị định số 132/2020/NĐ-CP thì hiện nay pháp luật không có quy định về việc khi nào cần lập phụ lục giao dịch liên kết mà chỉ quy định về những khía cạnh xoay quanh như: đối tượng cần thực hiện giao dịch liên kết, trường hợp được miễn nộp hồ sơ giao dịch liên kết,…
Theo đó, ngoại trừ các trường hợp được miễn nộp hồ sơ Phụ lục giao dịch liên kết thì việc lập phục lục giao dịch liên kết được thực hiện khi đáp ứng được đầy đủ các điều kiện sau:
Thứ nhất, lập phụ lục giao dịch liên kết được áp dụng đối với những đối tượng tham gia vào quan hệ liên kết.
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP thì các bên có quan hệ liên kết được xác định là các bên có mối quan hệ thuộc một trong các trường hợp sau:
– Một bên tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư vào bên kia. Cụ thể như sau:
+ Một doanh nghiệp nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp kia;
+ Một doanh nghiệp là cổ đông lớn nhất về vốn góp của chủ sở hữu và nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp ít nhất 10% tổng số cổ phần của doanh nghiệp kia;
+ Một doanh nghiệp bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào (bao gồm cả các khoản vay từ bên thứ ba được đảm bảo từ nguồn tài chính của bên liên kết và các giao dịch tài chính có bản chất tương tự) với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay;
+ Một doanh nghiệp chỉ định thành viên ban lãnh đạo điều hành hoặc nắm quyền kiểm soát của một doanh nghiệp khác với điều kiện số lượng các thành viên được doanh nghiệp thứ nhất chỉ định chiếm trên 50% tổng số thành viên ban lãnh đạo điều hành hoặc nắm quyền kiểm soát của doanh nghiệp thứ hai; hoặc một thành viên được doanh nghiệp thứ nhất chỉ định có quyền quyết định các chính sách tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thứ hai.
– Các bên trực tiếp hoặc gián tiếp cùng chịu một sự điều hành, kiểm soát, góp vốn hoặc đầu tư của một bên khác. Cụ thể như sau:
+ Cả hai doanh nghiệp đều có ít nhất 25% vốn góp của chủ sở hữu do một bên thứ ba nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp;
+ Hai doanh nghiệp cùng có trên 50% thành viên ban lãnh đạo hoặc cùng có một thành viên ban lãnh đạo có quyền quyết định các chính sách tài chính hoặc hoạt động kinh doanh được chỉ định bởi một bên thứ ba;
+ Hai doanh nghiệp được điều hành hoặc chịu sự kiểm soát về nhân sự, tài chính và hoạt động kinh doanh bởi các cá nhân thuộc một trong các mối quan hệ vợ, chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể; anh, chị, em cùng cha mẹ, anh, chị em cùng cha khác mẹ, anh, chị, em cùng mẹ khác cha, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; ông bà nội, ông bà ngoại; cháu nội, cháu ngoại; cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột;
+ Hai cơ sở kinh doanh có mối quan hệ trụ sở chính và cơ sở thường trú hoặc cùng là cơ sở thường trú của tổ chức, cá nhân nước ngoài;
+ Các doanh nghiệp chịu sự kiểm soát của một cá nhân thông qua vốn góp của cá nhân này vào doanh nghiệp đó hoặc trực tiếp tham gia điều hành doanh nghiệp.
Thứ hai, trường hợp áp dụng thực hiện phụ lục giao dịch liên kết:
Khi xác định được đầy đủ các đối tượng có quan hệ liên kết nêu trên thì cần phải đảm bảo điều kiện về trường hợp mà các bên tham gia vào giao dịch liên kết. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì những trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP sẽ áp dụng thực hiện phụ lục giao dịch liên kết:
– Chuyển nhượng hàng hoá, cung cấp dịch vụ;
– Mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, chuyển giao, chuyển nhượng tài sản hữu hình, tài sản vô hình và thoả thuận mua, bán, sử dụng chung nguồn lực như tài sản, vốn, lao động, chi phí chia sẻ giữa các bên có quan hệ liên kết;
– Vay, cho vay, dịch vụ tài chính, bảo đảm tài chính và các công cụ khác.
Như vậy, khi đáp ứng được đầy đủ 02 yếu tố là đối tượng và trường hợp áp dụng thì các bên tham gia vào giao dịch liên kết sẽ phải lập phục lục giao dịch liên kết theo 04 mẫu được quy định tại Nghị định số 132/2020/NĐ-CP.
4. Cách lập Phụ lục giao dịch liên kết chi tiết:
Hiện nay, việc lập Phụ lục giao dịch liên kết đã trở nên dễ dàng cho các bên có quan hệ liên kết bởi các bên chỉ cần thực hiện theo mẫu được quy định tại Nghị định số 132/2020/NĐ-CP. Bên cạnh đó, tại Nghị định số 132/2020/NĐ-CP cũng đã hướng dẫ kê khai mọt só chỉ tiêu cụ thể trong mẫu Phụ lục. Do dung lượng cho phép của bài viết, chúng tôi xin hướng dẫn quý doanh nghiệp lập chi tiết Phụ lục I: Thông tin về quan hệ liên kết và giao dịch liên kết. Ngoài ra, ở 03 Phụ lục còn lại, quý doanh nghiệp có thể tham khảo Hướng dẫ chi tiết được nêu tại Nghị định số 132/2020/NĐ-CP.
Phụ lục I là phục lục được nộp kèm theo Tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp theo kỳ tính thuế. Theo đó, tại các mục từ [1] đến [10] của Phụ lục này, doanh nghiệp cần điền các thông tin cơ bản về doanh nghiệp theo các thông tin mà phụ lục đã nêu ra như: Tên người nộp thuế, mã só thuế, địa chỉ, số điện thoại liên hệ,…
Tại Mục I. Thông tin về các bên liên kết quý doanh nghiệp lưu ý điền các nội dụng sau:
– Cột (2): Ghi đầy đủ tên của từng bên liên kết:
+ Trường hợp bên liên kết tại Việt Nam là tổ chức thì ghi theo thông tin tại giấy phép đăng ký doanh nghiệp; là cá nhân thì ghi theo thông tin tại chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, hộ chiếu;
+ Trường hợp bên liên kết là tổ chức, cá nhân ngoài Việt Nam (hay còn gọi là cá nhân, tổ chức nước ngoài) thì ghi theo thông tin tại văn bản xác định quan hệ liên kết như giấy phép đăng ký kinh doanh, hợp đồng, thỏa thuận giao dịch của người nộp thuế với bên liên kết.
– Cột (3): Ghi tên quốc gia, vùng lãnh thổ nơi bên liên kết là đối tượng cư trú;
– Cột (4): Ghi mã số thuế của các bên liên kết:
+ Trường hợp bên liên kết là tổ chức, cá nhân tại Việt Nam thì ghi đủ mã số thuế;
+ Trường hợp bên liên kết là tổ chức, cá nhân nước ngoài thì ghi đủ mã số thuế, mã định danh người nộp thuế, nếu không có thì ghi rõ lý do.
– Cột (5): Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP, người nộp thuế phát sinh giao dịch liên kết kê khai hình thức quan hệ liên kết tương ứng với từng bên liên kết bằng cách đánh dấu “x” vào ô tương ứng. Các chữ các từ A đến L tương ứng với các điểm của khoản 2 Điều 5 nêu trên. Quý doanh nghiệp có thể căn cứ vào quy định trên để đánh dấu “x” vào phần tương ứng.
Tại Mục II. Các trường hợp được miễn kê khai, miễn lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết:
– Nếu người nộp thuế thuộc trường hợp được miễn kê khai, miễn lập Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết quy định tại Điều 19 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP tại Cột (2) thì đánh dấu “x” vào ô thuộc diện miễn trừ tương ứng tại Cột (3);
– Trường hợp người nộp thuế được miễn kê khai, miễn lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP, người nộp thuế chỉ đánh dấu vào ô tương ứng tại Cột (3) và không phải kê khai các mục III và IV Phụ lục I kèm theo Nghị định số 132/2020/NĐ-CP;
– Trường hợp người nộp thuế được miễn lập Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết theo quy định tại điểm a hoặc điểm c khoản 2 Điều 19 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP, người nộp thuế kê khai các mục III và IV theo hướng dẫn tương ứng tại các phần ở các mục dưới;
– Trường hợp người nộp thuế được miễn lập Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 19 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP, người nộp thuế kê khai theo hướng dẫn tương ứng tại các phần ở các mục dưới.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Quản lý thuế năm 2019;
– Nghị định số 132/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 05/11/2020 Quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.