Các điều kiện của phòng vệ chính đáng: cơ sở phát sinh quyền phòng vệ chính đáng – có hành vi trái pháp luật đang xâm phạm đến các lợi ích hợp pháp; Gây thiệt hại cho chính người đang có hành vi tấn công; Hành vi chống trả được coi là cần thiết.
Mục lục bài viết
1. Phòng vệ chính đáng – 25 Bộ luật Hình sự năm 2015 :
Năm 2015, Việt Nam tiến hành pháp điển hoá pháp luật hình sự lần thứ ba, tạo ra BLHS năm 2015 với nhiều thay đổi, bổ sung mang tính tiến bộ và phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội của đất nước. Tuy nhiên, BLHS năm 2015 chưa có hiệu lực đã phải sửa đổi, bổ sung do có một số lỗi kỹ thuật, BLHS năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 bởi Luật số 12/2017/QH14 ngày 20 tháng 06 năm 2017 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS số 100/2015/QH13, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.
Chế định phòng vệ chính đáng được quy định tại Điều 22 BLHS năm 2015:
Điều 22. Phòng vệ chính đáng
1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm. 2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.
Về cơ bản, quy định của BLHS năm 2015 về phòng vệ chính đáng đã gần như kế thừa toàn bộ nội dung trong quy định của BLHS năm 1999. Tuy nhiên, vẫn có những sự thay đổi nhỏ nhưng mang nhiều ý nghĩa của nhà làm luật khi soạn thảo Điều luật này.
Thứ nhất, BLHS năm 2015 đã đặt việc bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, của người khác lên trước lợi ích của nhà nước, tổ chức. Điều này phù hợp với tinh thần đề cao quyền tự do của cá nhân con người, bảo vệ quyền con người theo Hiến pháp năm 2013. Đồng thời cũng phù hợp với thực tế xảy ra trong thời gian qua khi áp dụng BLHS năm 1999, cho thấy các trường hợp phòng vệ chính đáng hoặc vụ án về vượt quá giới hạn chính đáng chủ yếu xuất phát từ việc bảo vệ lợi ích cá nhân hoặc lợi ích của người thân bị xâm phạm, từ đó mới có hành động phòng vệ chính đáng.
Thứ hai, BLHS năm 1999 chỉ quy định: “bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức” và “người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự” thì BLHS năm 2015 đã thêm cụm từ bảo vệ lợi ích: “của cơ quan” và trách nhiệm hình sự của người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng được nêu thêm cụm từ: “theo quy định của Bộ luật này”. Như vậy, quy định mới trong BLHS năm 2015 đã làm rõ thêm nội dung các lợi ích bảo vệ do hành vi phòng vệ chính đáng và phạm vi trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.
2. Các điều kiện của phòng vệ chính đáng. Ví dụ minh hoạ:
Điều 22 BLHS năm 2015 đã quy định cơ sở, nội dung và phạm vi của quyền phòng vệ chính đáng. Một hành vi thoả mãn đầy đủ các dấu hiệu này mới được coi là hành vi phòng vệ chính đáng phù hợp với lợi ích của xã hội. Những điều kiện này của phòng vệ chính đáng được quy định dựa vào bản chất của hành vi phòng vệ chính đáng là ngăn chặn sự tấn công bất hợp pháp, hạn chế thiệt hại do sự tấn công đe doạ gây ra. Các điều kiện của phòng vệ chính đáng được xác định như sau:
Một là, cơ sở phát sinh quyền phòng vệ chính đáng – có hành vi trái pháp luật đang xâm phạm đến các lợi ích hợp pháp.
Nhà nước cho phép công dân có quyền chống trả lại những hành vi tấn công xâm hại lợi ích hợp pháp. Đây có thể coi là việc Nhà nước đã uỷ quyền cho công dân được thay mặt Nhà nước thực hiện các biện pháp ngăn chặn hành vi phạm tội xảy ra. Do đó, quyền phòng vệ chính đáng được đặt ra khi một người đứng trước hành vi trái pháp luật đang hiện hữu xâm phạm đến lợi ích chính đáng bao gồm 4 nhóm quyền là quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân, của người khác, của Nhà nước và của các cơ quan, tổ chức. Đang có hành vi hiện hữu xâm phạm là hành vi đã bắt đầu và chưa kết thúc.
Ví dụ: “Ngày 19.12.2010, gia đình Hoàng Văn H có nợ tiền mua xe ô tô của Hồ Văn C là anh trai của Hồ Anh N. Tháng 5 năm 2016, Hồ Anh N đến nhà H để đòi tiền H và N thỏa thuận H sẽ trả cho N số tiền 15.000.000VNĐ, do lúc đó H có việc bận nên hẹn N hôm khác xuống làm giấy tờ. Khoảng 15 giờ ngày 19.6.2016, N điều khiển xe mô tô nhãn hiệu YAMAHA, biển kiểm soát 30L905599, màu đen đến nhà H để làm giấy hẹn. Khi Hồ Anh N đến nhà H thì Lường Thị Q là con dâu của H nói H đang say rượu ngủ trong phòng, N vào gọi H dậy thì xảy ra mâu thuẫn, cãi vã qua lại, hai bên xô đẩy vật nhau ra đến bậc lên xuống từ sân lên nhà thì N bỏ H ra và đi ra phía ngoài công thì H đi ra gần cửa bếp, cạnh chuồng gà lấy 01 con dao nhọn, cầm trên tay phải chạy đuổi theo N và giơ dao lên chém về phía sau người N, N quay người lại giơ tay lên đỡ nhưng lưỡi dao của H chém trúng vào mặt của N, N dùng tay trái túm vào cổ tay phải của H đang cầm dao, N và H ôm nhau xô đẩy đến đầu nhà thì N dùng chân ngáng, vật H xuống đất, lúc này N vẫn dùng tay trái túm giữ cổ tay phải của H và dùng đầu gối chân phải đè lên người H. N dùng tay đấm liên tiếp vào đầu và mặt H để H buông dao ra. Khi N đánh vào đầu và mặt H để H buông dao ra nhưng H vẫn giữ chặt con dao nên N dùng tay phải nắm lấy lưỡi dao để giằng lấy con dao, do lưỡi dao và chuôi dao bị lỏng nên phần lưỡi dao tuột khỏi chuối nên N đã cầm và ném lưỡi dao ra cách chỗ N và H khoảng 2 mét, rồi N đứng dậy.” [66]
Trong tình huống này, có thể thấy hành vi vi phạm pháp luật của H đang diễn ra, hành vi này đã bắt đầu tư khi H tấn công N và vẫn chưa kết thúc do H chưa dừng hành vi tấn công đó lại. Do đó, khi này N chống trả lại H và gây thương tích cho H nhằm ngăn chặn hành vi phạm tội của H là trường hợp phòng vệ chính đáng.
Nếu hành vi chưa bắt đầu, thì tức là hành vi xâm phạm chưa xảy ra và cũng chưa đe doạ sẽ xảy ra ngay tức khắc, do đó mọi hành vi chống trả không được coi là hành vi phòng vệ. Trường hợp hành vi xâm phạm đã kết thúc thì mọi hành vi chống trả cũng không được coi là hành vi phòng vệ.
Tuy nhiên, trong trường hợp hành vi xâm phạm này đã kết thúc, nhưng lại có hành vi khác tiếp theo của chính người đó xâm phạm đến lợi ích chính đáng cần bảo vệ thì cũng không coi là hành vi xâm phạm đã kết thúc và người có hành vi chống trả vẫn được coi là phòng vệ. Trường hợp phòng vệ chính đáng này thường bị nhầm với trường hợp tội phạm do tinh thần bị kích động mạnh quy định tại Điều 125, 135 BLHS, vì người bị tấn công không phải là người chống trả (người có hành vi phòng vệ) mà là người khác (người thứ ba). Tuy nhiên người thứ ba trong trường hợp phòng vệ có thể là người thân của mình, nhưng cũng có thể chỉ là một người không quen biết, còn trường hợp phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, người bị xâm phạm chỉ có thể là người thân của người phạm tội. Trường hợp phòng vệ này càng dễ nhầm với trường hợp phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặc người khác gây ra quy định tại điểm e khoản 1 Điều 51 BLHS, vì người thứ ba trong trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 51 BLHS là tình tiết giảm nhẹ có thể là người thân, nhưng cũng có thể là người không quen biết. Hành vi phòng vệ và hành vi được coi là bị kích động về tinh thần chỉ khác nhau ở tính chất và mức độ nghiêm trọng của hành vi xâm phạm. Vì vậy, về phía nạn nhân trong trường hợp phòng vệ phải là người có hành vi xâm phạm có tính chất nguy hiểm đáng kể.
Mức độ đáng kể ở đây là tuỳ thuộc vào tính chất quan trọng của quan hệ xã hội bị xâm phạm (quan hệ xã hội cần bảo vệ) và hậu quả hành vi có thể gây ra. Nếu quan hệ xã hội cần bảo vệ càng quan trọng bao nhiêu thì thực tế, hậu quả xảy ra khi có hành vi phạm tội càng nghiêm trọng và tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi xâm phạm của nạn nhân càng nghiêm trọng bấy nhiêu. Ví dụ: Một người treo tường đột nhập vào nơi cất giữ tài liệu tối mật về an ninh quốc phòng được canh phòng cẩn thận, thì tính chất nghiêm trọng cao hơn nhiều so với người treo tường vào một gia đình nông dân để trộm cắp tài sản.
Mức độ đáng kể của hành vi xâm phạm còn phụ thuộc vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi tấn công của nạn nhân (người có hành vi xâm phạm). Ví dụ: Hành vi đe doạ đánh bom trên một chuyến bay sẽ có tính nguy hiểm cao hơn nhiều hành vi ăn cắp vặt hay hành vi đánh lộn.
Nếu tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi xâm phạm không đáng kể thì hành vi chống trả lại một cách đáng kể không được coi là phòng vệ. Ví dụ: “Ngày 25/8/2016, Phạm Quốc H chở vợ cùng con 8 tháng tuổi về nhà ngoại ở xã Vĩnh Ngọc,
Đông Anh chơi. Tối đó, khi cùng vợ con đi dạo ở đầu ngõ gần nhà chị này, Hưng bị hai người nói trên đang trong men say tới gây sự. Hưng nhịn, nhưng hai người đó không chịu rời đi. Hai bên sau đó xô xát. Vợ Hưng thấy hai người đàn ông đánh chồng chạy tới can ngăn. Song hai người này đánh cả chị và cháu bé. Thấy vậy, Hưng rút dao bấm mang sẵn trong túi đầm hai nạn nhân liên tiếp khiến họ tử vong.” [79] Có thể thấy, việc hai người nạn nhân gây sự và tấn công gia đình anh Hưng có mức độ nguy hiểm không quá cao, bởi họ không sử dụng vũ khí và cũng không có khả năng gây thương tích cao, do đó việc anh Hưng sử dụng dao là hung khí nguy hiểm đâm chết hai người này không phù hợp với mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại, như vậy đây không phải phòng vệ chính đáng.
Hành vi xâm phạm phải là hành vi trái pháp luật, nếu hành vi xâm phạm lại là hành vi mà pháp luật cho phép, thì người bị xâm phạm không có quyền chống trả để phòng vệ. Ví dụ: “Khoảng 23h30 ngày 8/3, tổ C1 Cảnh sát 911 Đà Nẵng tuần tra trên đường Nguyễn Lương Bằng (quận Liên Chiểu), phát hiện khoảng 10 thanh niên đi 5 xe máy mang theo hung khí. Thấy cảnh sát, cả nhóm bỏ chạy. Đại uý Phòng Anh Đại Phúc, Tổ trưởng C1, cùng thượng uý Nguyễn Hoàng Tùng dùng môtô chuyên dụng truy đuổi theo Vũ Minh Duy (trú quận Cẩm Lệ) và Hồ Hữu Ngọc Lý (cùng 18 tuổi, trú quận Ngũ Hành Sơn) đang chở nhau trên chiếc xe máy che kín | biển số. Đại uý Phúc nổ hai phát súng chỉ thiên trấn áp nhưng Duy và Lý không chấp hành, tiếp tục phóng xe về hướng trung tâm thành phố. Đến khu vực phường Hoà Minh (quận Liên Chiểu), khi bị cảnh sát áp sát, người ngồi sau vung dao phóng lợn tự chế để chống cự. Đại uý Phúc tiếp tục nổ hai phát súng. Cuộc truy đuổi diễn ra qua nhiều tuyến đường ở trung tâm Đà Nẵng. Khi đi qua cầu sông Hàn, người ngồi sau xe đã lao dao phóng lợn về phía cảnh sát Phúc và Tùng.”[80] Hành vi của Duy và Lý tuy nhằm mục đích chống trả lại một hành vi xâm hại nhưng hành vi xâm hại này lại được pháp luật cho phép, do đó, việc tấn công của Duy và Lý không phải phòng vệ chính đáng.
Hành vi trái pháp luật, trước hết là hành vi phạm tội và những hành vi khác trái với quy định của pháp luật thuộc các ngành luật khác như: Luật hôn nhân và gia đình, luật dân sự, luật hành chính, luật kinh tế và các văn bản pháp luật khác. Tuy nhiên, khi xét hành vi xâm phạm trong trường hợp phòng vệ chính đáng phải xét trong mối tương quan với hành vi chống trả, không phải bất cứ hành vi phạm tội nào xảy ra, người có hành vi chống trả gây chết người hoặc gây thương tích cho người có hành vi xâm phạm đều là phòng vệ chính đáng. Ngược lại, có những hành vi xâm phạm chưa phải là hành vi phạm tội, nhưng vì nó xâm phạm nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, của tổ chức và của công dân nên hành vi chống trả vẫn được coi là phòng vệ chính đáng. Như vậy, khi xem xét hành vi của người đang xâm phạm đến các lợi ích cần bảo vệ, không nhất thiết chỉ căn cứ vào tính chất nguy hiểm của hành vi xâm phạm mà phải chú ý đến lợi ích cần bảo vệ, đồng thời phải xét nó trong mối quan hệ với hành vi chống trả để xác định sự chống trả trong trường hợp cụ thể đó có được coi là phòng vệ chính đáng hay không.
Pháp luật các nước nói chung và nước ta nói riêng không coi hành vi tấn công của người mắc bệnh tâm thần là hành vi trái pháp luật, bởi vì người mắc bệnh tâm thần không nhận thức được hành vi của họ là nguy hiểm cho xã hội nên họ không có lỗi. Tuy nhiên, nếu một người bị người mắc bệnh tâm thần tấn công, người bị tấn công vẫn có quyền chống trả để bảo vệ mình, nhưng nếu còn có thể bỏ chạy mà không chạy lại chống trả gây thiệt hại cho người bị tâm thần thì không được coi là phòng vệ. Nhưng nếu bị người say rượu tấn công mình hoặc tấn công người khác thì hành vi gây thiệt hại cho người say rượu lại được coi là hành vi phòng vệ, vì người say rượu nếu xâm phạm đến các lợi ích cần bảo vệ, theo pháp luật nước ta vẫn bị coi là hành vi trái pháp luật.
Hai là, hành vi phòng vệ chính đáng phải gây thiệt hại cho chính người đang có hành vi tấn công – nơi phát sinh nguồn nguy hiểm để bảo vệ những lợi ích hợp pháp. Đây là điều kiện xuất phát từ động cơ của sự phòng vệ là ngăn chặn hành vi nguy hiểm cho xã hội, do đó phải nhắm vào chính nguồn nguy hiểm, có như vậy nguồn gốc làm phát sinh hành vi nguy hiểm cho xã hội và phát sinh hậu quả mới bị ngăn chặn, đảm bảo không có hành vi hoặc hạn chế tối thiểu hành vi phạm tội xảy ra và đảm bảo lợi ích tốt nhất của Nhà nước, của các quan hệ xã hội và của người phòng vệ lẫn người có hành vi xâm hại.
Nếu thiệt hại do người có hành vi xâm phạm gây ra có thể là thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, về tài sản, nhân phẩm, danh dự hoặc các lợi ích xã hội khác, thì thiệt hại do người có hành vi phòng vệ gây ra chỉ có thể là thiệt hại về tính mạng hoặc sức khoẻ cho người có hành vi xâm phạm.
Nếu người phòng vệ không gây thiệt hại cho chính người có hành vi xâm phạm mà gây thiệt hại cho người khác (thường là người thân của người có hành vi xâm phạm), thì không được coi là hành vi phòng vệ.
Trường hợp người phòng vệ không gây thiệt hại về tính mạng hoặc sức khoẻ cho người có hành vi xâm phạm mà lại gây thiệt hại khác, thì cũng không được coi là hành vi phòng vệ.
Cũng không coi là phòng vệ chính đáng trong trường hợp người có hành vi xâm phạm gây thiệt hại đến tài sản của người khác, rồi người khác cũng gây thiệt hại lại cũng về tài sản cho người có hành vi xâm phạm.
Ba là, hành vi phòng vệ chỉ được coi là chính đáng, khi hành vi chống trả được coi là cần thiết. Đây là một điều kiện có thể coi là khó xác định nhất khi xem xét một hành vi có phải là phòng vệ chính đáng hay không. Ranh giới giữa phòng vệ chính đáng và tội phạm là rất mong manh nhưng cũng rất rõ ràng, phụ thuộc rất lớn vào lý trí và ý chí của người thực hiện hành vi. Mặc dù vậy, qua nhiều nghiên cứu, có thể xác định một hành vi chống trả cần thiết theo những lý luận như sau:
Hành vi phòng vệ chính đáng khi nó là hành vi cần thiết, cần thiết không có nghĩa là ngang bằng một cách định lượng như: Bến xâm phạm gây thiệt hại như thế nào thì bên phòng vệ cũng chỉ được gây thiệt hại như thế. Ví dụ: A tát B vào mặt hai cái thì B cũng chỉ được tát A vào mặt hai cái hoặc A gây thương tích cho B 13% thì B cũng chỉ được gây thương tích cho A 13%, mà trong hoàn cảnh cụ thể người có hành vi xâm phạm có thể chỉ mới đe doạ gây thiệt hại ngay tức khắc cho người phòng vệ hoặc cho người khác nhưng người phòng vệ có thể gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ cho người xâm hại cũng được coi là cần thiết..
Cần thiết cũng khác với tương xứng, vì tương xứng là một đại lượng dùng để chỉ sự cân đối giữa sự vật hiện tượng này với sự vật hiện tượng khác. Khi nói đến sự tương xứng là nói đến sự cân bằng. Tuy trước đây trong các văn bản hướng dẫn về phòng vệ chính đáng cũng nói rõ tương xứng không có nghĩa là ngang bằng, nhưng không lý giải được thế nào là sự tương xứng giữa hành vi xâm phạm với hành vi phòng vệ và không xác định được sự tương xứng ấy trong thực tế. Trong khi đó, nhiều trường hợp rõ ràng là hành vi phòng vệ không tương xứng với hành vi xâm phạm nhưng vẫn được coi là phòng vệ chính đáng, và như vậy giữa khái niệm về phòng vệ chính đáng với thực tiễn xét xử đã có những nhân tố không phù hợp. BLHS năm 1999 và BLHS năm 2015 dùng thuật ngữ “cần thiết để thay cho thuật ngữ “tương xứng” trong BLHS năm 1985 là hoàn toàn chính xác và hợp lý cả về lý luận và thực tiễn xét xử.
Cần thiết là sự thể hiện tính không thể không chống trả, không thể bỏ qua trước một hành vi xâm phạm đến các lợi ích của xã hội. Khi đã xác định hành vi chống trả là cần thiết, không thể không chống trả được thì thiệt hại gây ra cho người có hành vi xâm phạm dù lớn hơn thiệt hại mà người có hành vi xâm phạm gây ra cho người phòng vệ vẫn được coi là phòng vệ chính đáng.
Để xác định sự chống trả có cần thiết hay không, trước hết phải căn cứ vào tính chất của các lợi ích bị xâm phạm; tính chất của hành vi xâm phạm và các mối tương quan khác giữa hành vi xâm phạm với hành vi phòng vệ.
Lợi ích bị xâm phạm càng quan trọng bao nhiêu, thì hành vi chống trả càng phải mạnh mẽ bấy nhiêu. Tính chất, mức độ của hành vi xâm phạm càng nguy hiểm và nghiêm trọng bao nhiêu thì hành vi chống trả càng phải quyết liệt bấy nhiêu. Ngoài ra, trong quá trình đánh giá một hành vi, có phải là một hành vi chống trả cần thiết với hành vi phạm tội hay không còn cần căn cứ các yếu tố khác, cụ thể là: mối tương quan lực lượng giữa bên xâm phạm và bên phòng vệ, thời gian, không gian xảy ra sự việc.
Ví dụ: “Khoảng 11 giờ ngày 29/4/2017, tại phòng hát số 02 quán Karaoke Toản Club, thuộc địa phận xóm Chim xã B, huyện Y, Hòa Bình. Bùi Văn A tổ chức sinh nhật cho em gái là Bùi Thị D – sinh năm 2000. Trong quá trình hát Karaoke có Bùi Văn A và khoảng 15 người đều là bạn của Bùi Thị G. Đến khoảng 14 giờ 30 phút cùng ngày, nhóm hát của A nghỉ và ra quầy làm thanh toán.
Lúc này tại phòng hát số 01 của quán có nhóm khách đang hát trong đó có: Bùi Văn B – sinh năm: 1991, Bùi Văn D – sinh năm: 1986, C, sinh năm 1985 cùng trú tại: xã B, huyện Y, Hòa Bình và Quách Văn E, sinh năm 1990, trú tại: xã H, huyện Y, Hòa Bình (trước đó cả nhóm đó uống rượu tại nhà Bùi Văn D).
Trong quá trình hát, do micro hết pin, nên E có cầm micro ra quầy thanh toán để yêu cầu thay pin. Khi ra đến quầy E có gặp A đang đứng đó cùng G và các bạn của G. A có hỏi E “người ở đâu? tên là gì? em thấy lạ lắm”, E trả lời “em người H, bọn anh đi hát à?”. Sau đó, giữa A và E có trao đổi một vài câu nói nữa và bắt tay nhau. A đi ra xe chỗ Bùi Văn X, sinh năm 1995 (là cháu của A) đang chờ để chở đi về. E quay lại phòng hát để hát tiếp, lúc này những người trong phòng gồm B, C, D có hỏi E “sao lâu thế”, E có kể với mọi người là “có anh gì hỏi thăm em ở ngoài kia”, sau đó E cùng mọi người hát thêm khoảng 3– 4 phút nữa thì nghỉ. E ra ngoài đi vệ sinh, D ở lại hát thêm vài phút rồi đi ra sau, B và C đi ra ngoài phía sân của quán và gặp A đang chuẩn bị đi về, D và C xông vào dùng chân tay đánh A liên tiếp từ sân của quán ra đến bờ rào. Do bị đánh liên tiếp, A đã dùng tay trái rút con dao mang theo trong túi quần bò bên trái (loại dao gấp, bằng kim loại, lưỡi dao nhọn, có 2 lưỡi, phần lưỡi dao dài khoảng 10,2cm, cán dao được ghép bằng hai mảnh kim loại, nối với phần lưỡi dao bằng ốc vít, lưỡi dao có thể gấp lại vào trong cán dao, tổng thể con dao dài khoảng 20cm) đâm khua về phía trước nhằm mục đích để những người kia biết A có dao và không xông vào đánh A nữa, nhưng đã trúng vào đầu gối của B. B liền lùi lại và nhặt viên đá ném trúng đầu A. Còn C vẫn tiếp tục đánh A, lúc này D đi ra ngoài thấy B bị đâm chảy máu đã xông vào cùng C đánh liên tiếp vào vùng mặt, mắt của A. Lúc này do bị đánh đau, A tiếp tục dùng dao đâm khua về phía trước và trúng vào bụng và đùi của C. Thấy vậy, B lao lên dùng tay đánh A thì bị A đâm trúng vùng bụng 01 nhát, B dùng 2 tay giữ được tay cầm dao của A lại rồi ngã xuống, tay vẫn giữ được tay cầm dao của A. Bùi Văn C xông đến giằng được con dao rồi ném qua bờ rào. Bùi Văn A bỏ chạy ra đường Hồ Chí Minh cách nơi xảy ra đánh nhau khoảng 5– 6 mét rồi lên xe máy được Bùi Văn X chở về nhà. Tại hiện trường, Quách Văn E sau khi đi vệ sinh ra ngoài thấy B, C, D đánh A thì vào can ngắn nhưng không được. Sau khi A bỏ đi E quan sát thấy Bùi Văn B nằm ôm bụng và chảy nhiều máu, nên E đã cởi áo bịt vết thương cho B rồi cùng một người khác chở B đi Bệnh viện cấp cứu, còn Bùi Văn C được mọi người đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa huyện Yên Thủy. Do vết thương quá nặng nên Bùi Văn B đã tử vong tại Bệnh viện Đa khoa huyện Yên Thủy, anh Bùi Văn C được gia đình chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình để tiếp tục điều trị.” [67] Có thể thấy tuy hành vi của A chưa tương xứng với hành vi tấn công của nhóm người kia, nhưng dựa vào tương quan lực lượng, không gian, thời gian có thể xác định hành vi của A là phòng vệ chính đáng.
Phòng vệ chính đáng không chỉ nhằm gạt bỏ sự đe doạ, đẩy lùi sự tấn công trái pháp luật mà nó còn thể hiện thái độ tích cực chống trả sự xâm phạm đến các lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, của mình hoặc của người khác. Phòng vệ chính đáng còn là quyền của con người chứ không chỉ là nghĩa vụ, nên không yêu cầu phương pháp, phương tiện của người phòng vệ phải như phương pháp, phương tiện mà người tấn công sử dụng.
Khi đánh giá một hành vi chống trả có cần thiết hay không phải xem xét một cách toàn diện tất cả các tình tiết của vụ án, từng diễn biến của hành vi, trong đó đặc | biệt là tâm lý, thái độ của người phòng vệ khi xảy ra sự việc, họ không có điều kiện để bình tĩnh lựa chọn chính xác phương pháp, phương tiện thích hợp để chống trả, nhất là trong trường hợp họ bị tấn công bất ngờ, chỉ coi là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng khi sự chống trả rõ ràng là quá đáng, có dấu hiệu trả thù.
Cũng coi là phòng vệ chính đáng, nếu trong một hoàn cảnh cụ thể, một người tưởng lầm rằng người khác có hành vi xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, của mình hay của người khác mà họ gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ của người đó. Khoa học luật hình sự gọi trường hợp phòng vệ này là phòng vệ tưởng tượng. Phòng vệ tưởng tượng là gây thiệt hại cho người khác do tưởng lầm rằng người này đang có hành vi xâm phạm nguy hiểm cho xã hội.
Người có hành vi phòng vệ tưởng tượng chỉ được coi là không có lỗi khi hoàn cảnh cụ thể sẽ khiến cho bất kỳ một người có nhận thức bình thường nào cũng tin một cách hợp lý là có sự xâm phạm thực sự và họ tin rằng là mình không bị nhầm, nếu đặt vào hoàn cảnh của người khác thì ai cũng sẽ bị nhầm như vậy. Nếu sự lầm tưởng lại không có căn cứ và trong hoàn cảnh cụ thể đó mọi người đều không thể lầm tưởng thì người có hành vi xâm hại đến tính mạng sức khoẻ của người khác phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hiện nay, trong một số sách báo pháp lý, vấn đề phòng vệ tưởng tượng cũng còn có những quan điểm khác nhau: Có quan điểm cho rằng phòng vệ tưởng tượng không phải là phòng vệ chính đáng, vì không có cơ sở của quyền phòng vệ, vấn đề trách nhiệm hình sự vẫn được đặt ra và được giải quyết như mọi trường hợp sai lầm khác.
Pháp luật Việt nam không thừa nhận hành vi phòng vệ trước (phòng vệ từ xa), tức là chưa có sự tấn công mà đã có hành vi nhằm ngăn chặn sự tấn công như: lập hành rào điện để chống trộm, dùng bẫy để đề phòng người gian...Nếu việc phòng vệ trước này lại gây ra hậu quả làm chết người hoặc gây thương tích cho người khác thì họ bị truy cứu trách nhiệm hình sự như các trường hợp tội phạm thông thường (giết người hoặc cố ý gây thương tích). Tuy nhiên, thực tiễn xét xử nếu hành vi phòng vệ trước lại gây thiệt hại cho đúng người phạm pháp thì người phạm tội cũng được chiếu cố giảm nhẹ đáng kể.
Một ví dụ thực tế: Gia đình Trần Văn N thường xuyên bị mất trộm gà, N đã nhiều đêm thức trắng để phục bắt người trộm nhưng không được, N bèn lấy một đoạn giây thép buộc vào cánh cửa chồng gà và cho dòng điện 220 Vol chay qua. Để bảo đảm an toàn cho những người trong gia đình mình, N dặn mọi người phải cẩn thận, trước khi đi ngủ mới được đấu điện vào và sáng thức dậy phải rút điện ra. đến đêm thứ 9 thì Bùi Văn T vào trộm gà và bị điện giật chết, trên tay T còn cầm một bao tải trong đựng 4 con gà. Mặc dù N bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người theo khoản 2 Điều 93 BLHS, nhưng Toà án chỉ phạt N 3 năm tù (dưới mức | thấp nhất của khung hình phạt) nhưng vẫn được nhân dân đồng tình, thậm chí còn có ý kiến cho rằng không nên truy cứu trách nhiệm hình sự đối với N vì người bị chết là “đáng đời”, ai bảo đi ăn trộm.
Ở đây có vấn đề mâu thuẫn giữa ý thức pháp luật với hành vi nguy hiểm cho xã hội, cũng giống như trường hợp đánh chết người trộm cắp khi bị bắt vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy vậy các nhà làm luật cũng nên tính cả đến các yếu tố truyền thống, phong tục, tâm lý của người Việt Nam trong trường hợp “phòng vệ trước”. Pháp luật của một số nước kể cả các nước phát triển vẫn quy định trong một số trường hợp phòng vệ trước không phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu ở nước ta không thừa nhận hành vi phòng vệ trước thì cũng nên quy định trong một số trường hợp tội phạm do phòng vệ trước được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự một cách đáng kể. Phòng vệ trước cũng là trường hợp phòng vệ quá sớm, tức là chưa có hành vi tấn công đã có hành vi phòng vệ.
Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm, nhưng nếu hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại thì là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, trách nhiệm hình sự đối với họ được giảm nhẹ rất nhiều so với trường hợp tội phạm không thuộc trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. BLHS quy định hai trường hợp tội phạm do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, đó là giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (Điều 126) và cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (Điều 136) được coi là cấu thành giảm nhẹ đặc biệt (tình tiết vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là dấu hiệu định tội của hai tội danh này). Tuy nhiên, hành vi phạm tội do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng còn là tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 51 BLHS, ngoài hai trường hợp đã được quy định tại Điều 126 và Điều 136, thì không có trường hợp tội phạm nào thuộc trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng nữa, nếu theo quy định tại khoản 3 Điều 51 BLHS thì “Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt.”. Do đó có ý kiến cho rằng việc quy định tình tiết phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là tình tiết giảm nhẹ là không cần thiết. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, việc quy định phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là một tình tiết giảm nhẹ vẫn cần thiết, vì thực tiễn xét xử có một số trường hợp giết người hoặc cố ý gây thương tích thuộc trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng nhưng căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi chống trả với hành vi phòng vệ chưa thuộc trường hợp quy định tại Điều 126 hoặc Điều 136 mà thuộc trường hợp tội phạm giết người quy định tại Điều 123 hoặc cố ý gây thương tích quy định tại Điều 133, thì người phạm tội vẫn được áp dụng tình tiết giảm nhẹ là tội phạm trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là phải xác định trường hợp nào thì là dấu hiệu định tội của hai tội quy định tại Điều 126 và Điều 136 BLHS, còn trường hợp nào chỉ là tình tiết giảm nhẹ định tại điểm c khoản 1 Điều 51 BLHS (vượt bao nhiêu thì là dấu hiệu định tội, còn vượt bao nhiêu chỉ là tình tiết giảm nhẹ)? đây là vấn đề rất khó xác định cần phải có hướng dẫn của các cơ quan tiến hành tố tụng ở trung ương.
Như vậy, tổng kết lại, một hành vi chỉ được coi là phòng vệ chính đáng nếu nó đáp ứng được các điều kiện:
– Cơ sở phát sinh quyền phòng vệ chính đáng – có hành vi trái pháp luật đang xâm phạm đến các lợi ích hợp pháp;
– Hành vi phòng vệ chính đáng phải gây thiệt hại cho chính người đang có hành vi tấn công – nơi phát sinh nguồn nguy hiểm để bảo vệ những lợi ích hợp pháp;
– Hành vi phòng vệ chỉ được coi là chính đáng, khi hành vi chống trả được coi là cần thiết.