Cơ quan chuyên môn là thuộc Ủy ban nhân dân và được tổ chức ở cấp tỉnh, cấp huyện, đây là một cơ quan tham mưu, giúp cho Ủy ban nhân dân thực hiện các chức năng quản lý nhà nước ở địa phương. Vậy phòng Quản lý đô thị là gì? Chức năng, nhiệm vụ và tổ chức?
Mục lục bài viết
1. Phòng quản lý đô thị là gì?
Ngày 30/07/2021 Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 15/2021/TT-BGTVT Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn về giao thông vận tải thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 9 năm 2021. Tại Điều 2 của Thông tư này có quy định về các đối tượng áp dụng của Thông tư này, cụ thể:
– Cơ quan chuyên môn về giao thông vận tải thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ( Sở Giao thông vận tải);
– Cơ quan chuyên môn về giao thông vận tải thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện (Phòng Quản lý đô thị hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng).
Theo quy định trên, thì Phòng Quản lý đô thị chính là cơ quan chuyên môn về lĩnh vực, ngành giao thông vận tải thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Tại Điều 9 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 có quy định về cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân, theo đó cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân sẽ được tổ chức ở cấp tỉnh, cấp huyện, và là cơ quan tham mưu, giúp cho Ủy ban nhân dân thực hiện các chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực ở địa phương đó và thực hiện các nhiệm vụ, những quyền hạn theo sự phân cấp, sự ủy quyền của các cơ quan nhà nước cấp trên. Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân sẽ chịu sự chỉ đạo và quản lý về tổ chức, về biên chế và về công tác của Ủy ban nhân dân, đồng thời là chịu sự chỉ đạo, sự kiểm tra về nghiệp vụ của các cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực cấp trên.
Do đó, phòng quản lý đô thị thuộc uỷ ban nhân dân cấp huyện, sẽ chịu sự chỉ đạo và quản lý về tổ chức, về biên chế và về công tác của Ủy ban nhân dân huyện nơi đã tổ chức, đồng thời là chịu sự chỉ đạo, sự kiểm tra về nghiệp vụ của các cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vận tải cấp trên.
2. Chức năng của phòng quản lý đô thị:
Tại Điều 5 Thông tư 15/2021/TT-BGTVT có quy định về chức năng của phòng quản lý đô thị, theo đó phòng quản lý đô thị có những chức năng sau đây:
– Chức năng tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp huyện nhằm thực hiện các chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực, ngành giao thông vận tải và các lĩnh vực khác mà được giao theo quy định của pháp luật;
– Chức năng giúp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện các chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực, ngành giao thông vận tải và những lĩnh vực khác được giao theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, phòng quản lý đô thị sẽ có con dấu và tài khoản riêng và chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức và vị trí việc làm, về biên chế công chức và về công tác của Ủy ban nhân dân cấp huyện, đồng thời là chịu sự chỉ đạo, sự kiểm tra, sự hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực giao thông vận tải của Sở Giao thông vận tải.
3. Nhiệm vụ và quyền hạn của phòng quản lý đô thị:
Tại Điều 6 Thông tư 15/2021/TT-BGTVT có quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của phòng quản lý đô thị, theo đó phòng quản lý đô thị có những nhiệm vụ, quyền hạn sau:
– Trình Ủy ban nhân dân cấp huyện:
+ Phòng quản lý đô thị dự thảo quyết định; các quy hoạch, kế hoạch phát triển trung hạn và hàng năm; các chương trình, biện pháp tổ chức thực hiện những nhiệm vụ về cải cách hành chính nhà nước về lĩnh vực giao thông vận tải trên địa bàn;
+ Phòng quản lý đô thị dự thảo các văn bản quy định cụ thể về chức năng, về nhiệm vụ, về quyền hạn và về cơ cấu tổ chức của Phòng Quản lý đô thị;
+ Phòng quản lý đô thị dự thảo các chương trình, các giải pháp huy động, phối hợp liên ngành trong việc thực hiện công tác bảo đảm về trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn;
+ Phòng quản lý đô thị dự thảo các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng về giao thông trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật và thực hiện phân công, phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
+ Phòng quản lý đô thị dự thảo quyết định phân loại đường huyện và đường xã theo đúng quy định của pháp luật.
– Thực hiện trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện về các dự thảo những văn bản về giao thông vận tải mà thuộc thẩm quyền ban hành của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện theo đúng phân công;
– Tổ chức thực hiện và theo dõi về vấn đề thi hành những văn bản quy phạm pháp luật, những quy hoạch, kế hoạch, những đề án, chương trình và những văn bản khác về giao thông vận tải sau khi được các cấp có thẩm quyền phê duyệt;
– Tổ chức quản lý, thực hiện bảo trì, bảo đảm về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của mạng lưới công trình giao thông đường bộ và đường sắt đô thị và đường thủy nội địa mà địa phương đang khai thác do chính cấp huyện chịu trách nhiệm quản lý;
– Quản lý các hoạt động vận tải ở trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật và theo đúng hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Tổ chức thực hiện những biện pháp phòng ngừa, biện pháp ngăn chặn và xử lý những hành vi xâm phạm đến công trình giao thông, hành vi lấn chiếm hành lang an toàn giao thông; thực hiện phối hợp với những cơ quan mà có liên quan trong vấn đề giải tỏa lấn chiếm về hành lang an toàn giao thông ở trên địa bàn theo sự hướng dẫn của các cơ quan quản lý chuyên ngành, của Sở Giao thông vận tải và sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân cấp huyện;
– Phối hợp với những cơ quan có liên quan trong việc triển khai các hoạt động tìm kiếm cứu nạn đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, hàng hải và đường hàng không khi xảy ra trên địa bàn;
– Giúp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện và phải chịu trách nhiệm về vấn đề thẩm định, đăng ký và cấp các loại giấy phép mà thuộc phạm vi trách nhiệm, phạm vi thẩm quyền của Phòng Quản lý đô thị theo đúng quy định của pháp luật và theo sự phân công của Ủy ban nhân dân cấp huyện;
– Giúp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện quản lý nhà nước đối với các tổ chức kinh tế tập thể, đối với kinh tế tư nhân, đối với các hội và các tổ chức phi chính phủ hoạt động ở trên địa bàn thuộc về lĩnh vực quản lý của Phòng Quản lý đô thị theo đúng quy định của pháp luật;
– Hướng dẫn về chuyên môn, về nghiệp vụ về lĩnh vực giao thông vận tải cho các cán bộ, các công chức xã, phường, thị trấn ở trên địa bàn;
– Kiểm tra theo ngành, lĩnh vực mà được phân công phụ trách đối với các tổ chức, cá nhân ở trong việc thực hiện những quy định của pháp luật; giải quyết về khiếu nại, tố cáo; về phòng, chống tham nhũng, lãng phí theo đúng quy định của pháp luật và sự phân công của Ủy ban nhân dân cấp huyện;
– Thực hiện về việc tuyên truyền, phổ biến về giáo dục pháp luật, về thông tin về giao thông vận tải và những dịch vụ công ở trong lĩnh vực giao thông vận tải theo đúng quy định của pháp luật;
– Báo cáo định kỳ hay đột xuất về tình hình thực hiện các nhiệm vụ được giao theo đúng quy định của Ủy ban nhân dân cấp huyện và của Sở Giao thông vận tải;
– Quản lý về tổ chức bộ máy, về vị trí việc làm và về biên chế công chức; thực hiện về chế độ tiền lương và về chính sách, chế độ đãi ngộ, về đào tạo, bồi dưỡng, về khen thưởng, kỷ luật đối với các công chức thuộc trong phạm vi quản lý theo đúng quy định của pháp luật và theo sự phân công hoặc là ủy quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện;
– Quản lý và phải chịu trách nhiệm về tài chính, về tài sản của Phòng Quản lý đô thị theo đúng quy định của pháp luật và sự phân công của Ủy ban nhân dân cấp huyện;
– Thực hiện những nhiệm vụ khác về giao thông vận tải do chính Ủy ban nhân dân cấp huyện giao hoặc là theo quy định của pháp luật.
4. Tổ chức của phòng quản lý đô thị:
Tại khoản 3 Điều 9 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 có quy định về tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân, theo quy định này thì việc tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân sẽ phải bảo đảm về sự phù hợp với các đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo và các điều kiện, tình hình phát triển kinh tế – xã hội của mỗi địa phương; bảo đảm được tính tinh gọn, hợp lý, thông suốt và hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực từ trung ương cho đến cơ sở; không được trùng lặp với các nhiệm vụ, quyền hạn của những cơ quan nhà nước cấp trên được đặt tại địa bàn.
Theo quy định trên thì:
– Tổ chức phòng quản lý đô thị sẽ do chính ủy ban nhân dân cấp huyện ở địa phương đó chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế;
– Việc tổ chức phòng quản lý đô thị phải bảo đảm về sự phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo và các điều kiện, tình hình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương đó trong quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực giao thông;
– Việc tổ chức phòng quản lý đô thị phải bảo đảm về tính tinh gọn, hợp lý, thông suốt và hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực giao thông.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
– Thông tư số 15/2021/TT-BGTVT Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn về giao thông vận tải;
– Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015.